Bệnh nhân covid không được tắm gội đúng hay sai?
Thời gian qua, trên khắp các trang mạng xã hội người ta truyền đi thông điệp F0 tuyệt đối không được tắm gội. Vậy thực hư ra sao? Có nên tin và làm theo không? Trong khi đó các chuyên gia y khoa thì nói rằng kiêng quá coi chừng sinh thêm bệnh và khẳng định tùy vào mức độ nặng hay nhẹ, người bệnh Covid-19 có thể tắm hay không. Khi tắm, người bệnh cũng phải lưu ý tắm nhanh, tắm nước ấm và trong phòng kín.
Trên một diễn đàn, thành viên K.Q chia sẻ: “Sau 5 ngày mắc Covid-19, tôi chỉ lau người với thay quần áo vì lo lắng tắm sẽ khiến bệnh nặng hơn. Sau đó, đọc bài chia sẻ rằng F0 có thể tắm được, tôi vui vẻ đi tắm nhưng tắm xong bị virus “quật”. Từ trạng thái đang khoẻ khoẻ lên, tôi lại sốt và ho nhiều hơn”.
Tương tự, thành viên T.Đ.K, một F0 khác ở Hà Nội, cũng kể: “3 ngày đầu, tôi chỉ hơi rát họng và sổ mũi nên chủ quan tắm và gội. Tối đến, tôi bị sổ mũi nặng và đau họng, tức ngực dù trong lúc tắm tôi đã bật 3 đèn sưởi và phòng tắm khép kín”.
Thời gian qua, trước thông tin tắm khiến bệnh nhân Covid-19 trở nặng, nhiều bác sĩ, chuyên gia đã phủ nhận. Tuy nhiên không ít F0 lại tiếp tục chia sẻ câu chuyện, lấy thêm nhiều dẫn chứng về việc “tắm khiến Covid-19 nặng hơn”.
Chị L.H, một F0 khác ở Hà Nội, có nhà tắm kín, máy sưởi nhưng 1 tuần qua chị không dám tắm, gội. Chị H. nói: “Tôi nghe nói mắc Covid-19 phải kiêng tắm còn hơn cả bà đẻ nên tôi không dám tắm”. Hôm qua là 7 ngày từ khi mắc Covid-19, chị H. dự định nếu test nhanh tại nhà có kết quả âm tính, chị sẽ tắm. Nhưng kết quả vẫn 2 vạch (dương tính) khiến chị lại chần chừ vì nghĩ rằng: “Sắp khỏi rồi mà tắm lại trở nặng”.
Ths.Bs Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho rằng, từ trước đến nay, nhiều người truyền tai kinh nghiệm "không nên tắm gội" vì nhiều lý do như nước lạnh làm cơ thể yếu hơn, trúng "phong hàn" (gió lạnh)... Tuy nhiên, quan niệm này chưa phù hợp cả về khoa học và lý luận học cổ truyền.
Theo Ths.Bs Kiều Xuân Thy, bạn bị ốm, sốt, cơ thể tiết nhiều mồ hôi cùng với bã, nhờn của cơ thể nếu không tắm sẽ trở thành “ổ vi khuẩn”, gây các bệnh khác.
Việc tắm khiến các triệu chứng (sốt, ho…) nghiêm trọng hơn như một số người phản ánh là do tắm sai cách. Cụ thể, theo Ths.BS Thy, người bệnh phải tắm bằng nước ấm, tắm nhanh trong phòng kín, nếu gội đầu phải lau, sấy khô tóc ngay sau đó.
Trong khi đó, nhiều phụ nữ có thói quen ngâm bồn hoặc tắm lâu (30 phút đến 45 phút). Đây là những thói quen không thể duy trì khi cơ thể đang mắc Covid-19. Bởi lúc này, sức đề kháng của bạn kém, tắm lâu sẽ khiến các lỗ chân lông mở, các tác nhân xâm nhập vào gây bệnh nhiều hơn. Ngoài ra, tắm quá lâu bằng nước ấm cũng khiến cơ thể bị mất nước.
“Khi bạn trải qua cơn sốt, cơ thể đã mất nước, tắm nước nóng sẽ làm mất nước nhiều hơn gây choáng váng do bị thiếu nước trong người. Việc tắm lâu cũng khiến cơ thể tiếp xúc nước nhiều, khi sức đề kháng kém sẽ dẫn đến bị cảm lạnh. Vì vậy các triệu chứng vốn có sẽ trầm trọng hơn”, Ths.BS Thy phân tích.
Vì vậy, F0 phải tắm nhanh gọn. Bạn có thể chia ra sáng gội đầu, chiều tắm để giảm thời gian tiếp xúc nước, cơ thể bị lạnh. Tùy khu vực, thời tiết, F0 nên quyết định việc tắm hay không. Ví dụ hiện tại ở miền Bắc thời tiết lạnh, F0 không nhất thiết phải tắm. Người bệnh có thể lau người bằng nước ấm và gội đầu nhanh chóng.
“Mình nên uống ly nước ấm trước khi vào tắm vì tắm nước ấm sẽ làm thải nhiệt, mất nước. Sau tắm, bạn cũng cũng uống nước ấm để bổ sung nước trở lại”, BS Thy khuyên.
“Đây là việc nhỏ nhưng cũng cần khoa học và linh hoạt. Bạn không thể đang sốt hay trời quá lạnh vẫn bất chấp tắm lâu, tắm nhiều sẽ khiến nhiều triệu chứng (sốt, ho…) càng trầm trọng hơn”, nữ bác sĩ nhấn mạnh.
BS Huynh Wynn Trần, Phó giáo sư Y khoa tại Đại học Y khoa Northstate California, Mỹ, cũng cho rằng: “Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ, người bệnh Covid-19 nên tắm hay không. Bởi khi tắm, bạn làm giảm thân nhiệt (Tiếng Anh: Hypothermia, là hiện tượng nhiệt của cơ thể bị hạ xuống, xảy ra khi cơ thể tỏa ra nhiều nhiệt hơn là nó hấp thụ vào). Khi đang yếu, chúng ta tắm khiến giảm thân nhiệt, dễ bị cảm lạnh và càng khiến bệnh nguy hiểm hơn”.
Theo đó, bạn mắc bệnh nhẹ (cảm thấy cơ thể khỏe, sinh hoạt bình thường) bạn có thể tắm. Nếu bạn mắc nặng (như ho nhiều, khó thở…) không nên cố tắm. Bác sĩ phân tích, tắm giống như cách chúng ta làm nhẹ thân nhiệt, làm thoải mái hơn, kích thích hệ miễn dịch, mỗi lần tắm chúng ta thấy khỏe hơn. Nếu chúng ta khỏe khi tắm hệ miễn dịch sẽ tốt hơn.
“Khi đang yếu, chúng ta tắm sẽ dễ bị cảm lạnh, giảm thân nhiệt càng nguy hiểm hơn. Ví dụ như hiện tượng nhà bắt đầu cháy, khi lửa nhỏ, một cơn gió xuất hiện sẽ làm tắt lửa nhưng khi lửa lớn đưa gió vào sẽ làm bùng lên, cháy nhà càng nhanh hơn”, BS Huynh Wynn Trần nói.
BS Đỗ Tuấn Anh, Khoa Laser - Khu điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện 108, cũng khẳng định, quan niệm kiêng tắm khi ốm đã tồn tại trong dân gian từ rất lâu. Do vậy, khi bệnh Covid-19 nổi lên mọi người cũng chia sẻ kiêng tắm tuyệt đối khi mắc Covid-19 nhưng việc kiêng tắm tuyệt đối chỉ là lời đồn thổi, hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Hiện nay, thời tiết miền Bắc đang vẫn còn lạnh do vậy nếu F0 tắm cần tránh tắm ngâm mình, tắm vào lúc sáng sớm và tắm quá muộn có thể gây ra cảm lạnh. Lưu ý không nên tắm khi cơ thể đang mệt mỏi và sốt cao.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, sau khi tắm người bệnh có thể lau khô mặc quần áo luôn trong phòng tắm để giữ ấm cơ thể, tránh việc ra ngoài mới mặc quần áo làm cơ thể bị lạnh đột ngột.
Ngọc Trang - vietnamnet.vn
Cập nhật hướng dẫn điều trị F0 tại nhà mới nhất từ Bộ Y tế
Hướng dẫn đầy đủ của Bộ Y tế và các chuyên gia về chế độ dinh dưỡng cho F0 điều trị tại nhà
Tổng hợp các biện pháp cho cơ thể luôn khoẻ mạnh, dồi dào sức sống
Bi hài chuyện F1 tự cách ly để các F0 được đi lại tung tăng trong nhà
Làm thế nào để vượt qua hậu covid?
Xem thêm