Không khí đón năm mới 2025 khắp nơi trên thế giới
Mặc dù thế giới trải qua một năm với nhiều biến động về địa chính trị và kinh tế-xã hội, song chính quyền nhiều nơi đều chuẩn bị những hoạt động chào mừng thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới rất phong phú, quy mô để phục vụ người dân, du khách.
Nơi đầu tiên trên thế giới bước sang năm mới là Kiritimati, hòn đảo lớn nhất thuộc quốc đảo Kiribati ở Thái Bình Dương.
Đảo Kiritimati hay còn gọi là đảo Christmas (đảo Giáng sinh), thuộc Cộng hòa Kiribati ở trung tâm Thái Bình Dương chính là điểm khởi đầu của năm 2025, khi người dân địa phương đón giao thừa lúc 0h ngày 1/1 (17h ngày 31/12/2024 giờ Hà Nội). Theo National Geographic, là một trong 33 hòn đảo tạo nên Kiribati, Kiritimati nằm ngay phía Nam quần đảo Hawaii của Mỹ, trong cùng một đường kinh tuyến, nhưng lại đón năm mới sớm hơn tận một ngày. Cùng với đó, theo CNN, quần đảo Chatham của New Zealand, Samoa, Tonga, quần đảo Phoenix của Kiribati nằm trong số những nơi đón Giao thừa sớm nhất thế giới.
Màn bắn pháo hoa chào năm mới 2025 trên tháp Sky Tower ở thành phố Auckland, New Zealand. Ảnh: 1News
Trong khi đó, Auckland ở New Zealand là thành phố lớn đầu tiên trên thế giới chào mừng năm 2025.
Auckland của New Zealand là thành phố lớn đầu tiên trên thế giới đón chào năm mới 2025, hàng nghìn người đã đổ về trung tâm Auckland để chiêm ngưỡng màn pháo hoa từ tháp Sky Tower. Màn bắn pháo hoa kéo dài 5 phút trên tháp Sky Tower, được coi là màn bắn pháo hoa tầm cao nhất ở Nam bán cầu. Theo 1News, hơn 500kg pháo hoa được phóng từ các tầng 55, 61 và 64 của tòa tháp-cách mặt đất khoảng 200-240m. Công tác chuẩn bị đã bắt đầu từ 5 tháng trước đó và mất hơn 350 giờ lắp đặt thiết bị.
"Màn pháo hoa ở Sky Tower là một phần lễ đón năm mới mang tính biểu tượng ở New Zealand và trên toàn cầu, đưa các cộng đồng xích lại gần nhau để cùng nhìn lại năm đã qua và hướng tới tương lai", Callum Mallett, tổng giám đốc điều hành khu phức hợp giải trí SkyCity ở Auckland, cho hay.
Màn pháo hoa quá lung linh sắc màu tại Cảng Sydney, Úc.
Như thông lệ, màn bắn pháo hoa và trình diễn ánh sáng hoành tráng trong đêm Giao thừa tại cầu cảng Sydney ở Australia luôn là một trong những sự kiện được trông đợi nhất. Theo ABC News, ngay từ sáng sớm 31-12-2024, rất đông người đã có mặt tại những khu vực dành riêng cho hoạt động lễ hội ở Sydney để tận hưởng bầu không khí sôi động và rộn ràng chào năm mới. Ước tính hơn 1 triệu khán giả có mặt xung quanh khu vực bến cảng và hàng nghìn người khác đến những điểm quan sát hoặc các sự kiện bắn pháo hoa riêng biệt khắp Sydney.
Các khu vực của Australia áp dụng múi giờ khác nhau. New South Wales, Lãnh thổ Thủ đô Australia (ACT), Victoria, Nam Australia và Tasmania sử dụng chế độ giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày, tức là đồng hồ được chỉnh tăng thêm 1 tiếng so với giờ chuẩn để tận dụng tối đa ánh sáng ban ngày vào buổi chiều (thường áp dụng từ tháng 10 đến tháng 4 mỗi năm).
Do đó, những nơi này sẽ đón Giao thừa sớm hơn 1 tiếng. Trong khi, Lãnh thổ phía Bắc, Queensland và Tây Australia không áp dụng quy tắc này.
Một gia đình người Ukraine đón năm mới 2025.
Trong bài phát biểu năm mới, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine phải tiếp tục chiến đấu để giành lợi thế cả trên chiến trường và trước các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng. Ông cam kết sẽ chấm dứt xung đột trong năm 2025.
Tại Nga, người dân Yakutsk (Thủ phủ của Cộng hòa Sakha, phía Đông Bắc nước Nga) tổ chức hoạt động chào đón năm mới trong thời tiết -52 độ C. Đây là một trong số những thành phố lạnh giá nhất thế giới. Ảnh: X
Pháo hoa rực rỡ phía trên Cổng Brandenburg ở thủ đô Berlin của Đức.
Các đất nước khác trên khắp thế giới đang hân hoan đón năm mới 2025. Đến nay, người dân ở các châu lục như châu Phi, châu Mỹ cũng đã chào mừng năm mới.
Bữa tiệc âm nhạc mừng năm mới ở thủ đô Damascus, Syria.
Trung Đông năm 2024 đã chứng kiến nhiều bất ổn, xung đột lan rộng từ Israel, Lebanon tới Iran, Syria. Lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đầu tháng 12/2024 tiến vào thủ đô Damascus, buộc tổng thống Bashar al-Assad sang Nga xin tị nạn, chấm dứt 53 năm nắm quyền của gia tộc Assad và kết thúc cuộc nội chiến kéo dài hơn 13 năm ở nước này.
Tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở thành phố Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) rực rỡ với pháo hoa và đèn trong thời khắc bước sang năm mới 2025.
Các vũ công mặc trang phục truyền thống, cầm đuốc nhảy múa trong bữa tiệc chào mừng năm mới tại Senegal, quốc gia ở châu Phi.
Người dân chụp ảnh cùng pháo hoa bên bãi biển Copacabana, thành phố Rio de Janeiro, Brazil.
Tại Mỹ, Theo Hãng tin AFP, hàng chục ngàn người từ khắp nơi đã đổ về quảng trường Thời Đại (Times Square) nổi tiếng của thành phố New York, Mỹ vào đêm 31-12-2024 theo giờ địa phương, để chào đón năm mới 2025 bất chấp cái lạnh.
Người dân tập trung ở Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ cùng đếm ngược đến thời khắc bước sang năm 2025. Video: Reuters
"Tôi thực sự muốn trải nghiệm điều này ở New York. Đây là trải nghiệm chỉ có một lần trong đời" - cô Jennifer Lopez, người từ Cộng hòa Dominica đến Long Island (New York) sinh sống, chia sẻ.
Theo truyền thống từ năm 1907, một quả cầu pha lê được hạ tại quảng trường Thời Đại để đón năm mới. Quả cầu pha lê bắt đầu rơi xuống vào lúc 23h59 đêm 31-12 theo giờ địa phương và thời khắc quả cầu chạm đất cũng là lúc bước sang năm mới.
Cứ vào ngày 31-12 hằng năm, sự kiện đầy màu sắc này thu hút hàng chục ngàn người dân từ New York, những nơi khác của Mỹ và cả người nước ngoài.
Chị Elizabeth Anderson (32 tuổi), người Mexico đang sống tại Úc, đã thực hiện chuyến đi thứ ba đến New York. New York là nơi chị đã gặp được người chồng của mình 11 năm trước.
Chia sẻ với Hãng tin AFP, Elizabeth Anderson cho biết sự kiện đêm giao thừa ở quảng trường Thời Đại nằm trong "danh sách những điều phải làm" của mình.
Điểm nhấn của lễ đón giao thừa tại quảng trường Thời Đại ở New York là quả cầu - được chiếu sáng và phủ pha lê - được thả xuống một cái cột cao 20m, đếm ngược 60 giây.
Đèn của quả cầu sẽ tắt trong giây lát, cùng với đó là màn bắn pháo hoa giữa cảnh đám đông reo hò và những người có mặt ôm, hôn nhau. Hơn 1 tấn hoa giấy bay phấp phới từ nóc các tòa nhà xung quanh.
Châu Mỹ là khu vực đón năm mới sau cùng sau khi châu Đại Dương, châu Á, châu Âu và châu Phi đều đã bước sang năm 2025. Các quốc gia ở nam Thái Bình Dương là những nơi đầu tiên trên thế giới bước vào năm mới.
Thắm Lê tổng hợp
Xem thêm