Bi hài chuyện F1 tự cách ly để các F0 được đi lại tung tăng trong nhà

20/02/2022 | 546

Hơn 2 năm rồi, Virus Corona đã tung hoành khắp thế giới và chưa bao giờ có dấu hiệu ngừng lại mà liên tiếp tạo những "làn sóng" mới đôi khi như đại hồng thuỷ với những biến thể khôn lường gây khốn khổ cho con người khắp nơi. Hiện nay, ngay tại Hà Nội thủ đô Việt Nam - vùng dịch nóng bỏng nhất cả nước với số ca F0 tăng lên ngùn ngụt gần 5000 ca mỗi ngày và có lẽ thời gian tới còn hơn thế nữa. Tình trạng này dẫn tới những tình huống bi hài hay dở khóc dở cười đó là: F1 tự nhốt để F0 được tự do.

Tình cảnh F0 đông hơn F1, thay vì được quan tâm, người bệnh chăm sóc người khỏe xảy ra ở nhiều gia đình.

Anh Long là F1 duy nhất được cách ly tại phòng riêng, còn 3 F0 còn lại được tự do đi lại trong nhà.

Ngày 18/2, anh Hoàng Tuấn Long (46 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện tại anh đang là F1 phải cách ly trong phòng riêng, còn 3 F0 (vợ và 2 con) được tự do đi lại trong nhà.

Theo anh Long, ngày 15/2, con trai lớn của anh học lớp 12 có biểu hiện ho, sau khi tiếp xúc với một bạn học cùng lớp là F0. Đến ngày 16/2, test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Từ đó,  vợ và con trai út cũng bị nhiễm bệnh, riêng anh Long vẫn âm tính.

Bi hài chuyện F1 tự cách ly để các F0 được đi lại tung tăng trong nhà - 1

Anh Long được các F0 phục vụ ăn uống

Không lo lắng, gia đình anh Long chuẩn bị mọi thứ, tư tưởng thoải mái để tự điều trị, cách ly tại nhà, nếu trở nặng sẽ liên hệ y tế ngay. Do ở chung cư, chủ yếu là không gian sinh hoạt chung nên gia đình thống nhất để anh Long cách ly một phòng riêng có nhà vệ sinh, không gian còn lại trong nhà nhường cho 3 F0.

“Tôi muốn nhường không gian chung để cho các con ở ngoài có thể sinh hoạt, học hành thoải mái, còn tôi thì thực hiện giãn cách nhất có thể theo quy định để tự bảo vệ mình”, anh Long nói.

Anh Long cho biết, những ngày đầu, vợ anh chưa mệt nên có thể nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Khi nấu xong 3 mẹ con mang đồ ăn để trước cửa phòng cho anh Long. Những ngày sau đó, anh Long thay vợ đứng bếp và làm mọi việc trong nhà.

“Khi tôi nấu nướng 3 mẹ con di chuyển vào phòng riêng, nấu xong tôi bê cơm về góc phòng ăn một mình còn 3 mẹ con lại vui vẻ kéo nhau ra bàn ăn đánh chén. Ở trong phòng 1 mình cũng bí bách nên thi thoảng tôi mở hé cửa nhìn vợ con ăn cho đỡ buồn”, anh Long cười nói.

Anh Long cho biết, hiện tại vợ và 2 con trai anh vẫn dương tính, còn anh sau 4 lần test nhanh cho kết quả âm tính. Sức khoẻ của gia đình anh vẫn ổn định vì đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, con trai lớn thi thoảng ho nhưng không quá nghiêm trọng, 3 F0 vẫn sinh hoạt bình thường, chưa phải dùng đến thuốc.

Bi hài chuyện F1 tự cách ly để các F0 được đi lại tung tăng trong nhà - 2

Anh Long cho biết, phải cách ly ở trong phòng 1 mình cũng bí bách nên thi thoảng anh mở hé cửa nhìn vợ con ăn cho đỡ buồn.

Vì muốn truyền tải những thông điệp tích cực nên anh Long đã đăng tải hình ảnh vợ và con trai là F0 đưa cơm cho F1 trong phòng cách ly lên Facebook cá nhân. Bức ảnh đó đã nhanh chóng gây bão mạng xã hội và thấy được nhiều người cũng giống anh khi là F1 duy nhất bị cách ly trong gia đình nhiều F0.

“Bức ảnh đó chỉ là hình ảnh hài hước, vui tươi thôi, tôi muốn tạo tâm lý thoải mái, niềm vui cho bản thân và gia đình để mọi người lạc quan không bị ngột ngạt khi phải cách ly trong nhà lâu ngày với 4 bức tường”, anh Long chia sẻ.

Cùng sinh hoạt trong không gian kín, anh Long thừa nhận "đã chuẩn bị sẵn một tâm hồn đẹp để thành F0", nhưng sau nhiều ngày anh vẫn có kết quả âm tính.

Anh Long mong muốn, gia đình được ăn bữa cơm đầm ấm như trước kia chứ không phải mỗi người một phòng như hiện tại. Dịch bệnh là điều khó tránh khỏi nếu không may mắc bệnh, mọi người hãy lạc quan, không nên suy nghĩ nhiều.

"Hối lộ" F1

Chuyến về thăm gia đình ở Hải Phòng nhân ngày rằm tháng Giêng của mẹ con chị Nguyễn Bích (31 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) kéo dài hơn dự định vì Covid-19.

Khoảng ngày 14/2, bố chị Bích thấy người mệt mỏi, khó chịu nên test Covid-19 thì thấy kết quả dương tính. Để đảm bảo an toàn cho mẹ già, hai con gái và ba cháu nhỏ, ông quyết định ở phòng riêng, cách ly với mọi người trong nhà.

Một ngày sau đó, chị Bích và bà ngoại 94 tuổi lần lượt trở thành F0 dù các triệu chứng xuất hiện khá ít. Chị gái cùng hai con nhỏ và con của chị Bích may mắn vẫn âm tính.

Từ đây, gia đình 7 người quyết định "thay đổi chiến lược" ứng phó với Covid-19. Thay vì cách ly F0, họ chuyển sang cách ly các F1. Chị gái của chị Bích cùng ba trẻ nhỏ được cách ly trong căn phòng rộng 30 m2 trên tầng 2, còn 3 F0 sẽ sinh hoạt dưới ở tầng 1.

Chị Bích tuy là F0 nhưng chỉ thấy bị ngứa họng. Hàng ngày, chị vẫn có thể dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng chuẩn bị bữa ăn cho các F0 và F1 trong nhà.

Quá trình nấu nướng dọn dẹp, chị đeo hai ba lớp khẩu trang, đeo găng tay và xịt cồn sát khuẩn liên tục.

Bi hài chuyện cả nhà F0 cơm bưng nước rót chăm sóc F1 - 1

Bữa cơm F0 chăm F1 của gia đình chị Bích (Ảnh: NVCC).

Hàng ngày, ngoài đồ ăn được người thân tiếp tế, chị Bích đặt thêm dịch vụ ship hàng qua mạng. Ngoài hoa quả, thuốc men, các loại lá xông, thực phẩm tăng đề kháng… chị Bích không quên mua thêm đồ chơi, sách, truyện để "hối lộ" các F1 nhí trong nhà.

"Suốt ngày tôi phải gào thét quát bọn trẻ quay lại phòng vì thi thoảng các cháu lại chạy ra ngoài ngó nghiêng. Ngày thường các con quen chạy nhảy tự do, giờ bị giới hạn trong không gian chật hẹp như thế không tránh khỏi cảm giác bí bách, cuồng chân. Khi các con chơi chán đồ chơi thì tôi cũng đành xuống nước cho con xem điện thoại, ti vi để các con đỡ buồn… ", chị Bích chia sẻ.

Ngày ba bữa, chị Bích cố gắng nấu đa dạng món ăn trong điều kiện có thể. Đến bữa, chị bê vội mâm cơm lên tầng, đặt ở cửa rồi nhanh chóng rời đi bởi chỉ cần đứng đó lâu, cậu con trai 4 tuổi nhìn thấy mẹ lại nhào ra.

Dù ở trong tình cảnh khá ngược đời, F0 phục vụ F1 nhưng chị Bích vẫn cảm thấy may mắn vì bản thân có đủ sức khỏe chăm sóc cho mọi người trong nhà.

Nghe tin chị Đỗ Hồng Loan (38 tuổi, An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) bị Covid-19, bạn bè người thân gọi điện hỏi han liên tục, động viên chị cố gắng nghỉ ngơi, dưỡng sức để mau khỏi bệnh. Đầu dây bên kia, chị Loan tếu táo nói: "Khổ quá bác ạ. Nhà người ta F0 được phục vụ, còn nhà em 3 F0 cơm bưng nước rót, hầu hạ dạ vâng 1 F1 trên tầng 4 đây".

F1 lẻ bóng, F0 quây quần

Chia sẻ với Dân trí, chị Loan cho hay, cuối tháng 1, đầu tháng 2, mẹ chồng chị không may bị Covid-19. Bà cụ tuy không sống cùng nhà nhưng thường xuyên tiếp xúc với các thành viên trong gia đình chị.

Hai ngày sau, con gái chị sốt cao gần 40 độ và nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Vợ chồng chị Loan sau đó cũng trở thành F0, cậu con trai lớn 16 tuổi may mắn "chỉ 1 vạch" nên được tách riêng ở trên tầng 4.

Hàng ngày, vợ chồng chị Loan thay nhau nấu cơm mang lên để ở cửa phòng cho con. Con trai đã lớn, đã biết chủ động chăm sóc bản thân nên chị Loan cũng an tâm phần nào. Hàng ngày, cậu bé học online theo lịch học ở trường, thời gian rảnh rỗi thì nghe nhạc và sáng tác nhạc.

Tuy vậy, phải ở lâu trong phòng suốt khoảng thời gian dài, con trai chị Loan có lúc cũng cảm thấy ngột ngạt, cứ ngỡ như mình là F0 chứ không phải bố mẹ hay em gái.

Nhìn cảnh 3 F0 trong nhà rôm rả trò chuyện, cùng nhau đón năm mới vui vẻ ở dưới tầng, cậu lại thở ngắn than dài hỏi: "Mẹ ơi lâu thế?", "Mẹ sắp khỏi chưa ạ?". Nhiều hôm, cậu chỉ mong đến giờ bố mẹ đưa cơm để có tiếng người nói chuyện.

Sau hơn 1 tuần chiến đấu với Covid-19, uống vitamin, tăng đề kháng và bồi bổ bằng thực phẩm, vợ chồng chị Loan đã khỏi Covid-19. Khỏi phải nói con trai đã vui mừng thế nào. Cậu bé vui không chỉ vì bố mẹ khỏi ốm mà còn bởi mình được thoát cảnh F1 bị "nhốt" trên tầng suốt nhiều ngày liền.

Còn chị Quỳnh An (31 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, ngày 5/2, chồng chị dương tính với SARS-CoV-2, nhưng nhà chị ở chung cư, có 2 phòng ngủ, một nhà vệ sinh nên chị rất lo lắng làm sao để 3 người còn lại trong gia đình an toàn, trong đó có mẹ già 65 tuổi và con gái 3 tuổi.

Theo chị An, sau khi chồng dương tính SARS-CoV-2, chị đã cách ly chồng một phòng riêng, còn 3 mẹ con chị sinh hoạt chung ở ngoài. Hằng ngày, chị An phục vụ đồ ăn, nước uống để trước cửa phòng cho chồng, còn mỗi khi chồng muốn đi vệ sinh, tắm gội sẽ nhắn tin cho chị bế con nhỏ vào phòng riêng.

“Mỗi lần như vậy con gái tôi khóc hết nước mắt vì cháu thích chạy nhảy, chơi đùa ở không gian rộng và đặc biệt thích xem tivi ở phòng khách”, chị An kể.

Bi hài chuyện F1 tự cách ly để các F0 được đi lại tung tăng trong nhà - 3

Con gái chị An đeo khẩu trang ngồi xem tivi ở phòng khách khi đang là F1

Chị An cho hay, do dùng chung nhà vệ sinh cùng F0 nên rất bật tiện, chị phải mua rất nhiều xịt khuẩn, găng tay, khẩu trang để sử dụng 1 lần. Chỉ 3 ngày chị đã dùng gần hết 280 đôi găng tay, vì khi bật công tắc nhà tắm hay vào nhà vệ sinh đều phải sử dụng găng tay. Thậm chí, khi lấy đồ ăn, rửa bát cho F0 cũng phải sử dụng găng tay.

Sau 3 lần test nhanh thì chị An, mẹ và con gái đều âm tính. Đến ngày 11/2, mẹ chị An có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Lúc này, nhà có 2 phòng, chồng chị An và mẹ cách ly tại phòng riêng, còn chị An và con gái chuyển đồ ra phòng khách. Lo sợ con gái 3 tuổi bị mắc COVID-19 do dùng chùng nhà vệ sinh nên chị An và con đã sang ở nhờ nhà hàng xóm, khi gia đình này đang ở quê.

Hai ngày sau, con gái chị An cũng nhiễm bệnh, còn chị vẫn âm tính. Nghĩ đã tiếp xúc trực tiếp với F0, con bé lại quấn mẹ không thể tự cách ly, chị An đành dọn về nhà để tiện chăm sóc cho 3 F0 và xác định dương tính chỉ là chuyện sớm muộn.

"3 F0 mời một F1 ra ăn cơm trưa", câu nói của chồng khiến chị An bật cười, phá tan không khí nặng nề của gia đình. Từ ngày dọn về nhà, cách hai ngày chị An lại test nhanh, nhưng kết quả vẫn âm tính dù vẫn sinh hoạt chung với F0, khiến chị hay đùa bản thân là F1 “bất tử".

“Ngày 18/2, mẹ và con gái tôi có kết quả âm tính, nhưng tôi lại dương tính với SARS-CoV-2. Dù nhiễm bệnh nhưng tôi vẫn lạc quan, giờ cả gia đình tôi vẫn sinh hoạt chung bình thường. Tôi chỉ mong mau khỏi bệnh để được ra ngoài, đi làm”, chị An chia sẻ.

Bi hài chuyện F1 tự cách ly để các F0 được đi lại tung tăng trong nhà - 4

Nồi nước xông không thể thiếu khi những gia đình có người dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 14/2, vợ chồng chị Hồng Minh 51 tuổi, ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng, có kết quả dương tính với Covid-19. Minh Ánh, 16 tuổi, con gái chị, có kết quả âm tính, được yêu cầu tự khóa cửa phòng, cấm bước chân xuống tầng một.

Là F1 duy nhất trong nhà, Ánh khoe với bạn bè "cứ ngỡ đang là F0", vì ngày ba bữa đều được chuẩn bị đồ ăn đặt sẵn ngoài cửa, bát đũa ăn xong mẹ lên thu dọn. Nếu cô cần gì chỉ cần gọi điện thoại sẽ được bố đáp ứng.

"Nhiều người nói F0 nấu ăn, chăm sóc cho F1 tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ lây nhiễm, nhưng tôi không nghĩ vậy. Bởi khi nấu tôi đều đeo găng tay, khẩu trang, tuân thủ 5K và không tiếp xúc với con. Còn nếu cho con ra khỏi phòng, nguy cơ lây nhiễm còn lớn hơn, trong khi sức khỏe của vợ chồng tôi vẫn ổn, chỉ hơi đau rát họng", chị Minh bày tỏ.

Nhưng vẫn còn những F1 buộc phải ăn, ngủ cùng F0 chị Hoàng Minh Hiền, 36 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm. Gia đình chị có năm người, vợ chồng cùng ba con. Ngày 4/2, con gái thứ hai 6 tuổi bị sốt, test nhanh cho kết quả dương tính, bốn thành viên còn lại vẫn âm tính. Chồng chị phải cách ly cùng F0 để tiện chăm sóc. Còn con gái lớn 8 tuổi ở phòng riêng, chị Hiền và con út hai tháng tuổi cũng tự cách ly.

Một ngày sau, chị và con út cũng có kết quả dương tính, nhưng chồng và con gái lớn vẫn "một vạch". "Ban đầu vợ chồng tôi dự định đưa con lên tầng bốn cách ly riêng để "bảo vệ F1". Nhưng sợ để con một mình trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tâm lý. Cuối cùng giải pháp đưa ra là ở chung để tiện chăm sóc", chị kể và cho biết ngoài chồng, cả ba mẹ con đều chưa tiêm vaccine.

Trong thời gian tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế phường, người phụ nữ 36 tuổi luôn quán triệt với bốn thành viên còn lại: luôn giữ ấm cơ thể; ăn nhiều hoa quả tươi, uống bổ sung vitamin C; mỗi ngày xông đường hô hấp 1-2 lần; ngậm chanh đào mật ong khi thấy đau, rát họng; thường xuyên theo dõi chỉ số SpO2 vì e ngại bệnh ngấm ngầm trở nặng và giữ tinh thần lạc quan, thoải mái nhất.

"Bởi chỉ có nhanh về "một vạch" mới có thể giảm áp lực và chăm sóc tốt các thành viên còn lại. Nhưng rất may dù sống cùng F0 nhưng hai bố con vẫn âm tính", chị nói và cho biết bản thân luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, nhưng không chủ quan.

Chị Hiền cùng con gái thứ hai là F0 tự điều trị tại nhà, đầu tháng 2/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Hiền cùng con gái thứ hai là F0 tự điều trị tại nhà, đầu tháng 2/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tròn một tuần tự cách ly và điều trị, chị Hiền là thành viên cuối cùng có kết quả âm tính. Hiện, sức khoẻ của chị và hai con đã ổn định, cả gia đình quay trở lại cuộc sống thường ngày.

Tương tự, chị Hoàng Đào (ở Hà Nội) cho biết, ngày 18/2, con gái học lớp 1 của chị dương tính với SARS-CoV-2, còn chị và con trai lớn âm tính. Tuy nhiên, do con gái còn nhỏ nên chị Đào không thể cách ly con gái nên buộc phải sống cùng con.

“Tôi phải ở cùng phòng để chăm sóc con vì cháu hiện đang bị sốt và rất mệt. Còn con trai lớn tôi để cháu ngủ phòng khác nhưng thi thoảng lại sang hỏi mẹ xem em có làm sao không. Hai anh em trước đó ngủ cùng nhau nên khó tránh khỏi việc tiếp xúc gần”, chị Đào nói.

Theo chị Đào, hằng ngày chị nấu ăn để trước cửa phòng cho con trai lớn và nấu nước xông gừng, chanh, xả cho cả nhà xông. Bên cạnh đó, chị cũng báo y tế phường, nhờ bác sĩ theo dõi sức khoẻ từ xa.

“Hiện tại tôi vẫn chưa rõ nguồn lây của cháu từ đâu, cháu ở nhà học online nên không ra ngoài. Tôi đi làm nhưng tôi test vẫn âm tính”, chị Đào chia sẻ.

-----

Chưa có thống kê nào về số lượng F0, F1 tại mỗi gia đình ở Hà Nội nhưng hoàn cảnh của nhà anh Long được nhiều người cho là "điều đương nhiên" khi số ca theo ngày liên tục tăng. Trước và trong Tết Nguyên đán, mỗi ngày thành phố ghi nhận xấp xỉ 3.000 ca nhiễm Covid-19, nhưng sau Tết, số ca mắc tăng cao. Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, cho biết từ 11/2 đến 16/2, trung bình mỗi ngày ghi nhận 3.366 ca bệnh. Ngày 18/2, Hà Nội lập đỉnh mới với 4.549 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 191.547.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nhận định phải phân tải được bệnh nhân điều trị tại nhà, giúp giảm tải hệ thống y tế. Thống kê của Bộ Y tế đến ngày 17/2, Hà Nội có gần 149.000 bệnh nhân đang điều trị tại nhà, chiếm 96,58% tổng số ca Covid-19 đang điều trị.

"F0 điều trị tại nhà, F0 sống chung với F1 là tình thế bắt buộc ở thời điểm hiện tại, khi số ca nhiễm quá lớn. Nếu như trước đây, F0 được quan tâm, cách ly đầu tiên thì nay lại là F1", bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, nói.

Tư vấn cho các gia đình có "F1 lẻ loi", bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên: "Khi sống chung, mọi người cần tuân thủ quy tắc: F1 được ưu tiên dùng đồ trước, F0 dùng sau; luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách là cách để hạn chế lây nhiễm.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, một gia đình nhiều F0 hơn F1 trong bối cảnh dịch căng thẳng tại Hà Nội hiện nay, là một điều bình thường khi mọi người chấp nhận "sống chung với lũ".

Theo ông Nga, nếu các thành viên tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch trong sinh hoạt, thì khả năng lây nhiễm sẽ giảm. F0 cần mang khẩu trang thường xuyên (trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân), thay khẩu trang 2 lần/ngày hoặc khi cần, sát khuẩn tay bằng cồn trước khi bỏ khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay, khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu...

Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý khâu xử lý rác thải. Rác thải sinh hoạt của gia đình có F0 cần xử lý an toàn ngay tại chỗ (phun dung dịch Chloramin B 0,1% vào thùng rác) để tránh lây lan ra cộng đồng.

Thắm Lê tổng hợp theo 24h.com.vn, vnexpress.net & dantri.com.vn

Cập nhật hướng dẫn điều trị F0 tại nhà mới nhất từ Bộ Y tế

Hướng dẫn đầy đủ của Bộ Y tế và các chuyên gia về chế độ dinh dưỡng cho F0 điều trị tại nhà

Tổng hợp các biện pháp cho cơ thể luôn khoẻ mạnh, dồi dào sức sống

Liệu pháp tự điều trị covid-19 tại nhà hiệu quả

Covid-19 dạy chúng ta những điều gì?


(*) Xem thêm

Bình luận