Trẻ tiêm vaccine Covid-19 có thể bị vô sinh?

19/03/2022 | 361

Lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe trong tương lai luôn là băn khoăn của người dân trước khi tiêm vaccine. Nỗi lo này còn trở nên lớn hơn với phụ huynh có con nhỏ chuẩn bị được tiêm. Xuyên suốt thời gian Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh Covid-19, tin đồn vaccine có thể gây vô sinh, ảnh hưởng tới thai nhi xuất hiện. Đến nay, khi Việt Nam đang tiến tới việc tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi, những nghi vấn đó trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm.

Vaccine không ảnh hưởng tới sinh sản, nội tiết hay di truyền

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết virus (SARS-CoV-2) có thể tích hợp vào hệ gene của người. Bản thân quá trình nCoV nhiễm vào cơ thể, chúng cũng tương tác với hệ thống gene của chúng ta.

“Điều này nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc tiêm vaccine vào cơ thể. Nguyên nhân là virus ‘thật’ khi tấn công chúng ta sẽ để lại những tàn tích còn sót lại tại các cơ quan, tế bào nhiễm chúng. Điều này khiến hệ miễn dịch của con người tạo ra những cuộc tấn công không cần thiết đến cơ quan đó, dẫn đến tổn thương lâu dài về sau”, ông giải thích.

tre chua day thi tiem vaccine covid-19 bi vo sinh anh 1

Trẻ em tại TP.HCM được gia đình đưa đi khám Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong khi đó, vaccine, dù được sản xuất theo công nghệ mRNA hay vector, với cơ chế “bắt chước” virus, đưa vật liệu di truyền của nCoV vào cơ thể để sản xuất ra gai của virus này. Các hạt gai đó sẽ tạo ra miễn dịch cho người được tiêm.

Tiến sĩ Thái khẳng định: “Quá trình này xảy ra trong thời gian ngắn với lượng vật liệu cố định (theo liều). Do đó, cơ thể sẽ không bị quá tải. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các mRNA sẽ tự tiêu hủy và hoàn toàn không tích hợp với hệ gene của con người”.

Điều này đồng nghĩa vaccine sẽ không để lại những di chứng dài, ảnh hưởng tới chức năng sinh sản, nội tiết hay di truyền.

Cũng có quan điểm còn cho rằng hạt gai virus tạo ra từ vaccine có thể vẫn tồn tại trong cơ thể thêm một thời gian. Tuy nhiên, tiến sĩ Thái cho hay tình huống này thấp hơn rất nhiều so với khi nhiễm SARS-CoV-2 tự nhiên.

“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những biểu hiện lâm sàng hay biến cố bất lợi liên quan vaccine thấp hơn nhiều so với nhiễm virus tự nhiên. Ví dụ, nhiễm nCoV gây nguy cơ viêm cơ tim cao gấp hàng nghìn lần so với việc tiêm vaccine. Vậy chúng ta có lý do gì để sợ hãi vaccine khi biết rằng việc nhiễm virus tự nhiên còn nguy hại hơn nhiều”, tiến sĩ Thái khuyến cáo.

Chưa tiêm vaccine, nhiều trẻ có thời gian dương tính lâu

Tiến sĩ Phạm Quang Thái cho biết khi tham gia vào mạng lưới thầy thuốc đồng hành hỗ trợ các gia đình có trẻ nhỏ là F0 gần đây, ông nhận thấy rất nhiều bé dương tính trong thời gian dài, khác hẳn với người lớn.

“Rất ít F0 là người lớn dương tính trên 10 ngày. Phần lớn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và khỏi nhanh. Tuy nhiên, ở nhóm trẻ em, nhiều bé sốt cao tới 39-40 độ C, thở khò khè, thậm chí một số trường hợp khó thở, SpO2 tụt, phải hỗ trợ hô hấp. Thời gian đào thải virus ở các bé này cũng rất lâu. Nhiều ca tới ngày thứ 15 vẫn dương tính”, ông chia sẻ.

tre chua day thi tiem vaccine covid-19 bi vo sinh anh 2

Lượng bệnh nhi tới khám Covid-19 tại TP.HCM tăng lên nhanh trong thời gian gần đây. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo vị chuyên gia, nguyên nhân là cơ thể trẻ nhỏ chưa được tập dượt với “giả tác nhân” như vaccine. Do đó, khi nhiễm nCoV, cơ thể các bé sẽ có phản ứng như sốt, ho, đào thải virus lâu.

Ngoài ra, sau một thời gian từ ngày âm tính, có thể lên tới hàng tháng, trẻ lại có các dấu hiệu liên quan hậu Covid-19 như vấn đề về hô hấp, cơ xương khớp, thần kinh, giảm khả năng nhớ, tập trung,...

Ông khẳng định: “Hiện nay, chúng ta nhận thấy đa số trẻ mắc Covid-19 thường diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa giai đoạn sau các bé sẽ an toàn. Do vậy, lứa tuổi này vẫn cần được tiêm phòng vaccine Covid-19”.

Liên quan vấn đề tái nhiễm nCoV, tiến sĩ Thái khẳng định nguy cơ này vẫn có thể xảy ra dù trẻ đã tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng khi nhiễm, tái nhiễm hay di chứng hậu Covid-19 ở trẻ đã tiêm vaccine sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.

“Những người đã tiêm vaccine, dù trước hay sau khi nhiễm nCoV, đều sở hữu miễn dịch rất mạnh. Nhờ đó hạn chế tái nhiễm. Nếu có, biểu hiện cũng sẽ rất nhẹ”, vị chuyên gia khẳng định.

Một số phụ huynh cũng lo lắng việc vaccine tiêm cho trẻ được sản xuất trong thời gian ngắn và cấp phép khẩn cấp. Tiến sĩ Thái cho rằng tâm lý này là dễ hiểu. Tuy nhiên, lo lắng đó không dựa trên cơ sở khoa học mà hoàn toàn mang tính truyền miệng.

“Công nghệ mRNA vaccine Pfizer sử dụng đã được nghiên cứu từ nhiều năm trước. Điểm ưu việt của công nghệ này là nhà nghiên cứu, sản xuất có thể thay ‘lõi’, đặc hiệu cho SARS-CoV-2”, ông giải thích.

Từ đó, công nghệ này có thể được thực hiện trong phòng thí nghiệm, giúp thời gian nghiên cứu, sản xuất nhanh hơn nhiều so với việc nuôi cấy truyền thống.

Cũng bởi vậy, việc sản xuất vaccine Pfizer, loại được tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, không có tình trạng “đốt cháy giai đoạn”. Chúng được thử nghiệm lâm sàng kỹ càng và đảm bảo yếu tố khoa học.

Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm khuyến cáo: “Là những phụ huynh có con trong độ tuổi được tiêm vaccine, chúng ta cần tìm phương án tốt nhất cho con em mình. Tiêm vaccine Covid-19 là việc làm có ý nghĩa lớn, giảm gánh nặng bệnh tật liên quan nCoV ở cả hiện tại và sau này. Do đó, mỗi người dân cần cân nhắc, lắng nghe thông tin chính thống để đưa ra quyết định”.

Tiêm vaccine giúp trẻ giảm nguy cơ viêm đa hệ thống hậu covid

Tỷ lệ trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống sau khi khỏi bệnh Covid-19 hiện rất thấp. Tuy nhiên, cha mẹ nên lưu ý để nhận biết sớm trong trường hợp không may xảy ra.

Theo Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), hội chứng viêm đa hệ thống (Multisystem Inflammatory Syndrome in Children, MIS-C) liên quan tới nhiễm SARS-CoV-2. Viêm đa hệ thống có thể xảy ra ở trẻ nhỏ sau khi đã khỏi Covid-19 từ 2 - 6 tuần.

Hôi chứng viêm đa hệ thống ở trẻ khỏi Covid-19 - ảnh 1

Bé Itamar, 5 tuổi, ở Tel Aviv (Israel), được tiêm phòng mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên vào ngày 22.11.2021. Ảnh: Reuters

Trẻ ở lứa tuổi nào dễ mắc MIS-C hơn ?

Ở Mỹ, cứ khoảng 3.000 - 4.000 trẻ nhiễm SARS-CoV-2 thì có 1 trẻ bị MIS-C sau đó. Số liệu chính xác về tỷ lệ mắc MIS-C ở trẻ em VN cũng như ở các nước châu Á hiện chưa rõ, tuy nhiên có thể thấp hơn ở các nước Âu - Mỹ.

Tuổi trung bình ở trẻ mắc MIS-C là 8 - 9 tuổi, và hơn nửa số trẻ mắc ở tuổi trên 5. Bệnh cũng có thể gặp ở tuổi nhũ nhi và thanh niên.

Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra các dấu hiệu để biết rằng liệu một trẻ đang mắc Covid-19 có bị MIS-C sau đó hay không. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu cho thấy trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 có nguy cơ mắc MIS-C cao hơn so với trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ.

Triệu chứng nghi mắc

MIS-C có nhiều mức độ; nhẹ là các biển hiện sốt, rối loạn tiêu hóa, phát ban trên da; nặng là sốc, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Tuy bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn tới suy đa cơ quan nhưng hầu hết bệnh nhân hồi phục nhanh khi được điều trị thích hợp. Một số ít (1 - 1,5%) có thể tiến triển nặng và tử vong.

Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nghĩ tới khả năng con mình bị MIS-C và liên hệ cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có các biểu hiện sau:

Trẻ sốt cao liên tục từ trên 38,5 độ C, kèm theo có các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng), phát ban trên da, mắt đỏ, môi đỏ khô nứt, họng đỏ.

Trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng như: thay đổi ý thức (vật vã, kích thích, ngủ gà, li bì), mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi.

Mặc dù MIS-C xảy ra sau mắc Covid-19, nhưng đa phần bệnh Covid-19 ở trẻ thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do vậy, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, cần nghĩ tới MIS-C khi trẻ có các triệu chứng nghi ngờ, kể cả khi không biết rõ trẻ đã bị mắc Covid-19 trước đó hay không.

MIS-C thường xảy ra sau mắc Covid-19 khoảng 2 - 6 tuần với các biểu hiện thường gặp như: sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban ngoài da, môi lưỡi đỏ…

Bệnh thường gây tổn thương đa cơ quan như tim, mạch máu và các cơ quan khác khiến tình trạng bệnh tiến triển nhanh cần nhập viện. Biểu hiện MIS-C khá giống với một số tình trạng bệnh lý khác như sốc nhiễm độc hay bệnh Kawasaki. Đa phần bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau điều trị, tỷ lệ tử vong là rất thấp.

Cách phòng ngừa MIS-C

TS-BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa - Bệnh viện Nhi T.Ư, tư vấn: Cách tốt nhất để ngăn ngừa hội chứng hậu Covid-19 ở trẻ là tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Khi trẻ được tiêm chủng, các biến chứng của bệnh sẽ giảm đi, đặc biệt là các biến chứng của MIS-C.

Ngoài ra, BS Tuấn cũng hướng dẫn: Cần hạn chế cho trẻ đến nơi đông người; đeo khẩu trang cho trẻ ở nơi công cộng và khi tiếp xúc với người lạ; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay; bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Cha mẹ nên khuyến khích, tạo điều kiện để trẻ vận động, chơi thể thao, nghỉ ngơi phù hợp.

Trẻ đã mắc Covid-19 có cần tiêm vaccine?

Trước tình hình số lượng trẻ nhiễm nCoV tăng vọt, nhiều phụ huynh băn khoăn về việc có nên con tiêm vaccine Covid-19.

Theo ghi nhận của Zing thời gian qua, số lượng gia đình đưa con mắc Covid-19 tới khám tại các bệnh viện nhi ở Hà Nội và TP.HCM tăng vọt.

Việt Nam đã quyết định mua 21,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, chiến dịch này đến nay vẫn chưa được triển khai. Khi nhiều bé đã mắc Covid-19, các gia đình cân nhắc liệu có cần cho con tiêm vaccine.

Mắc Covid-19 vẫn nên tiêm vaccine

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho hay việc tiêm vaccine cho trẻ em không có quá nhiều khác biệt so với người lớn.

“Dù đã mắc Covid-19, trẻ vẫn cần được tiêm vaccine phòng bệnh này”, ông khẳng định.

tre da mac covid-19 co can tiem vaccine anh 1

Trẻ mắc Covid-19 tại TP.HCM được gia đình đưa đi khám. Ảnh: Quỳnh Danh.

Khi nhóm chưa tiêm chủng nhiễm nCoV tự nhiên, khả năng miễn dịch sẽ không đủ tốt do cơ chế né tránh miễn dịch của SARS-CoV-2. Từ đây, việc tiêm vaccine ở trẻ, dù đã nhiễm nCoV hay chưa, đều giúp cơ thể tạo ra miễn dịch tốt hơn, từ đó phòng những đợt tái nhiễm sau.

Tiến sĩ Thái nói thêm: “Nếu đã tiêm vaccine nhưng không may nhiễm virus, miễn dịch được tạo ra sau đó sẽ rất mạnh. Mặt khác, với trường hợp đã nhiễm nCoV và tiếp tục tiêm bổ sung, miễn dịch lúc này cũng rất tốt. Bởi vậy, chúng ta không cần cân nhắc việc đã nhiễm virus hay chưa để quyết định tiêm vaccine Covid-19”.

Liên quan khoảng thời gian để tiêm vaccine sau khi khỏi Covid-19, vị chuyên gia cho biết ở lần đầu tiên SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể, chúng để lại miễn dịch không cao. Do đó, đây là cơ sở để nguy cơ tái nhiễm xảy ra.

“Trong hướng dẫn mới đây, chúng ta không phải chờ 6 tháng sau khi khỏi bệnh để tiêm mũi vaccine tiếp theo nữa. Trẻ nên được tiêm vaccine phòng Covid-19 ngay sau khi khỏi bệnh. Việc này sẽ giúp miễn dịch mạnh hơn, góp phần hạn chế nguy cơ tái nhiễm, di chứng hậu Covid-19”, ông Thái nói.

Theo Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, một số trường hợp trẻ khỏi Covid-19 nhưng vài tháng sau lại xuất hiện các di chứng của bệnh do virus gây tổn thương đa cơ quan. Vật liệu di truyền chúng để lại có thể gây phản ứng ở đa tạng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý cần để trẻ hồi phục hoàn toàn mới tiêm. Nguyên nhân là có khả năng các vấn đề khác của hậu Covid-19 sẽ bị nhầm lẫn với phản ứng sau tiêm.

Hiệu quả của vaccine khi giảm liều tiêm cho trẻ

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế hồi đầu tháng 3, trẻ em 5-11 tuổi sẽ được tiêm vaccine Pfizer nhưng mỗi liều chỉ 0,2 ml, chứa 10 mcg vaccine mRNA Covid-19.

Trước đó, Bộ Y tế không phân chia rõ nhóm đối tượng tiêm, chỉ quy định mỗi liều 0,3 ml và chứa 30 mcg vaccine mRNA Covid-19.

Theo tiến sĩ Phạm Quang Thái, hệ miễn dịch của trẻ trong độ tuổi này non nớt nhưng khá nhạy cảm. Nhóm này cũng đã được tiêm nhiều loại vaccine khác như bạch cầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, rubella,... Do đó, trẻ đã có thời gian để rèn luyện với các tác nhân mới.

tre da mac covid-19 co can tiem vaccine anh 2

Nhân viên y tế đo nhịp tim, nhiệt độ cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Thạch Thảo.

“Với vaccine Covid-19, nhà sản xuất đã nghiên cứu, thử nghiệm để đưa ra lượng vừa đủ giúp cơ thể trẻ sinh miễn dịch, đồng thời không ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông cho hay.

Bên cạnh đó, với cân nặng của trẻ ở lứa tuổi này, hiện tượng lắng đọng miễn dịch, nếu xảy ra, cũng sẽ rất nhỏ và gần như không ảnh hưởng. Đây cũng là lý do vấn đề viêm cơ tim với trẻ 5-11 tuổi ở thử nghiệm lâm sàng vaccine rất hiếm, gần như không có khi so sánh với người lớn.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai trên thực địa, số lượng các trường hợp bị viêm cơ tim chỉ ở mức 1/1 triệu liều, thấp hơn 20 lần so với nhóm trẻ lớn, người lớn trẻ tuổi. Những trường hợp này khi phát hiện cũng đáp ứng tốt với trị liệu và đều an toàn.

Nội dung cập nhật của Bộ Y tế cũng trùng khớp với khuyến cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Theo đó, vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi có các thành phần hoạt tính tương tự loại cho người lớn và thanh thiếu niên. Liều lượng vaccine Covid-19 cũng không thay đổi theo trọng lượng mà tùy thuộc vào tuổi của người được tiêm.

Cụ thể, liều lượng cho trẻ độ tuổi 5-11 cũng là 0,2 ml với 10 mcg vaccine mRNA Covid-19, bằng 1/3 so với liều của người lớn và trẻ từ 12 tuổi trở lên (30 mcg trong 0,3 ml). Ngoài ra, trẻ trong độ tuổi này cũng được sử dụng kim tiêm có đầu nhỏ hơn.

Về khả năng phòng lây nhiễm nCoV khi tiêm liều thấp, tiến sĩ Thái cho hay vaccine giúp cơ thể có sự tập luyện, từ đó nếu không may nhiễm virus, trẻ sẽ nhanh chóng đào thải chúng.

Ông lấy ví dụ một người chưa tiêm vaccine, quá trình đào thải virus có thể lên tới 14 ngày mà chưa âm tính trở lại. Trong khi đó, trẻ sau khi tiêm vaccine có thể chỉ dương tính trong khoảng 5-7 ngày, tối đa là 10 ngày.

“Trẻ nhỏ cũng đóng góp một phần lớn trong chuỗi lây truyền SARS-CoV-2, khi các triệu chứng chỉ thoáng qua khiến chúng ta không để ý. Việc rút ngắn thời gian dương tính đồng nghĩa thời gian lây truyền cũng ngắn lại, mang lại sự an toàn cho cộng đồng, đặc biệt là người già. Từ đây, dịch cũng sẽ được hạn chế”, tiến sĩ Thái nhận định.

Quốc Toàn - zingnews.vn

-----

Ngoài ra, quý vị có thể tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến việc tiêm chủng vaccine covid-19 cho trẻ em qua kênh Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Việt Nam

-----

Cập nhật hướng dẫn điều trị F0 tại nhà mới nhất từ Bộ Y tế

Hướng dẫn đầy đủ của Bộ Y tế và các chuyên gia về chế độ dinh dưỡng cho F0 điều trị tại nhà

Tổng hợp các biện pháp cho cơ thể luôn khoẻ mạnh, dồi dào sức sống

Điều trị trẻ nhiễm COVID-19 tại nhà sao cho đúng?

Làm thế nào để vượt qua hậu covid?

Bệnh nhân covid không được tắm gội đúng hay sai?

Liệu pháp tự điều trị covid-19 tại nhà hiệu quả

Bi hài chuyện F1 tự cách ly để các F0 được đi lại tung tăng trong nhà

Covid-19 dạy chúng ta những điều gì?


(*) Xem thêm

Bình luận