Hà Nội mùa hoa sấu - Khúc tình ca thưở nào

18/03/2022 | 919

Khi tháng 3 đi qua, khi tiết trời bắt đầu bước vào độ giao mùa, cũng là lúc những chùm hoa trắng xanh, nhỏ xinh như những chiếc chuông tí hon trên cành sấu cao bừng tỉnh giấc, toả mùi hương thanh nhẹ khắp không gian như gọi hè về.

Hoa sấu từ lâu đã tạo nên nét đẹp rất riêng cho phố phường Hà Nội và có lẽ gắn liền với tuổi thơ, rồi đi sâu vào trong tiềm thức của những người con sinh ra và lớn lên nơi đây, để khi đi xa ai cũng mong trở về hoặc mãi hoài niệm về một thời đã qua với hình bóng người xưa...

Hà Nội mùa sấu

Như trong bài hát 'Hà Nội mùa hoa sấu' của nhạc sĩ Trương Quý Hải là nỗi lòng thổn thức của một người con trai đã từng yêu thời vụng dại, một câu chuyện tình đầy mộng mơ gắn với ngàn hoa sấu trắng tinh khôi... 

Hà Nội mùa tháng ba qua, mưa rơi trắng hoa phố nhỏ.
Ngập ngừng từng búp trên tay, bâng khuâng hoa sấu... tuổi thơ ngây.
Ngày nào thềm hoa bé xíu, líu ríu giấc mơ hai chúng mình.
Kết vòng hoa trắng trao nhau, em gài lên tóc làm cô dâu.

Hà Nội từng tháng ba qua, nâng niu giấc mơ bé bỏng.
Một chiều ngồi nép bên anh, em thành thiếu nữ tựa hoa xinh.
Bồi hồi nụ hôn đắm đuối, phố vắng trắng hoa hai mái đầu.
Nào ngờ từ đó xa nhau, hoa sấu ơi nay tìm đâu!

Tìm đâu giữa phố vắng, tìm đâu mái tóc trắng, giấc mơ xưa!
Nhẹ lòng trong mưa bay, màu hoa thơ ngây, Hà Nội ơi!
Nay tôi trở về... Về đây với ký ức, về đây dẫu mái tóc đã pha sương.
Quỳ bên hoa xưa gọi em trong mơ, kỷ niệm ơi! Hoa bay trắng xóa...

Từng lời bài hát như lời tự sự mộc mạc chân thành hoà cùng giai điệu guitar trầm buồn khiến cho ai đó vô tình nghe cũng cảm thấy bồi hồi, rưng rưng...

Thời gian trôi qua, duyên phận đẩy đưa, cây sấu thì vẫn còn đây, đã đi qua bao mùa thay lá, bao mùa hoa, mà người xưa đâu rồi... Tất cả chỉ còn trong ký ức với nỗi nhớ khắc khoải, khôn nguôi, chỉ còn giai điệu này ngân hoài mãi trong tim...

Thắm Lê

-----

Tháng 3 hoa cà phê nở trắng núi rừng Tây Nguyên

Hoa ban nở trắng núi rừng Điện Biên

Hoa bưởi đầu mùa dịu dàng về trên phố ngày xuân

Bài học từ Cây Xương Rồng


(*) Xem thêm

Bình luận