Bài học từ Cây Xương Rồng

18/07/2021 | 3431

Bạn đã từng thấy hoa xương rồng chưa? Hoa xương rồng có lẽ không đẹp rực rỡ như hoa hồng, không nồng nàn như hoa bưởi, không kiêu sa như hoa lan… Nhưng từ trên thân cây đầy gai nhọn lại mọc lên được những cánh hoa bé xinh, toát lên vẻ rắn rỏi và cũng không thiếu những gam màu tươi sáng.

Nhưng bạn có biết để cho ra đời những bông hoa kia, cây xương rồng đã phải trải qua điều kiện khắc nghiệt của môi trường sống thế nào không? Thực tế đã chứng minh, xương rồng chịu nắng gắt, chịu hạn rất giỏi, chỉ có xương rồng mới là loài cây sống tốt nhất trên sa mạc khô cằn, quanh năm không có mấy hạt mưa rơi. Nếu như với các loài cây khác được con người chăm sóc, tưới tắm mỗi ngày mà chỉ cần một ngày trong mùa hè quên không tưới thôi là đã héo rũ ra rồi. Thế còn xương rồng lại có thể hiên ngang sống khoẻ giữa đất trời bao la bất chấp điều kiện thời tiết ra sao.

 

Xương rồng cũng “rất biết bảo vệ” thành quả của mình. Trên thân của nó mọc lên rất nhiều gai chi chít sắc nhọn để chống lại sự thoát hơi nước, để giữ thân mọng nước và hạn chế được ngoại lực làm tổn thương những cánh hoa sau bao ngày “chắt chiu”.

 

Xương rồng: ý nghĩa, công dụng của xương rồng với sức khỏe

 

Con người cũng vậy, cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý chúng ta, sẽ có những lỗi lầm, vấp ngã, khổ đau, sợ hãi… nhưng có người sẽ bị “dòng đời” cuốn trôi lênh đênh để rồi mãi trầm luân trong “biển khổ”, trong khi có người lại biết chuyển hoá tất cả những điều bất như ý đó thành sức mạnh từ bên trong để tạo nên những trạng thới mới, cuộc đời mới tốt đẹp hơn.

Làm người luôn cần có đạo đức, trí tuệ thì nhất định cũng luôn cần có ý chí, nghị lực mạnh mẽ thì rồi sóng gió nào cũng sẽ qua, bình an, hạnh phúc thực sự sẽ tới và bền lâu. Giống như cây xương rồng kia vẫn luôn kiên cường vươn lên xanh tốt giữa bão táp, phong ba, nắng cháy, mưa sa giữa đất trời mà vẫn lắng đọng thật nhiều “mạch nước ngầm mát” bên trong thân mình, đồng thời nở ra những bông hoa nhỏ xinh làm đẹp cho đời.

Thắm Lê

(Nếu copy xin vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn. Trân trọng cảm ơn!)


(*) Xem thêm

Bình luận