Mẹ ơi! mẹ có thương con không?
Hôm nay songbinhan.com xin chia sẻ một câu chuyện rất buồn và rất đáng suy ngẫm. Câu chuyện hơi dài, nhưng hy vọng các bạn đủ kiên nhẫn đọc tới cùng và rồi chiêm nghiệm được bài học quý giá.
Ở một vùng quê nọ, có một cô gái dung mạo bình thường nhưng lại lấy được một người chồng hết sức khôi ngô. Mỗi lần sánh bước cùng chồng ra ngoài, cô lại nghe thấy không ít lời bàn ra tán vào của người đời, chê cô xấu xí mà may mắn, còn chồng cô trông khôi ngô tuấn tú là thế mà đáng tiếc...
Ngày ngày ngồi trước gương, cô ngắm nghía từng đường nét trên gương mặt mình... ngắm nghía rồi lại thở dài. Cô đâm ra chán ghét chính gương mặt người đàn bà trong gương. Ngày biết tin mình có bầu con trai, cô từ bỏ việc soi gương và thường xuyên mang ảnh chồng ra ngắm. Chỉ mong con trai cô sinh ra có thể giống bố nó. Sống mũi cao, mắt hai mí to và sáng, làn da đẹp và mái tóc bồng bềnh.
Ngày con trai ra đời, cô nhìn con mà thất vọng tràn trề, cậu bé giống mẹ y đúc. Họ hàng thân thích tới thăm, ai ai cũng thắc mắc “sao thằng bé không có một nét nào giống bố nhỉ”. Lòng cô lại bùi ngùi.
Vừa hết ở cữ, chồng phải đi làm xa mà bố mẹ chồng lại chẳng mấy mặn nồng với đứa cháu nội đầu lòng, cô đâm ra chán nản. Nhìn thằng bé gào khóc trên tay, cô chỉ muốn bỏ quách nó đi cho nhẹ nợ.
Như thấu hiểu được nỗi lòng mẹ, cậu bé bắt đầu ít khóc hơn, ăn ngoan, ngủ ngoan hơn. Ngày tháng vất vả cũng qua đi khi chồng cô trở về.
Năm cậu bé tròn 2 tuổi cũng là lúc gia đình đón thêm thành viên mới. Cậu bé được bố mẹ cho ra ngủ giường riêng để em bé nằm cùng bố mẹ. Em trai của cậu bé có đôi mắt hai mí rất to và sáng, sống mũi cao và thẳng, đôi môi đỏ, cặp lông mày thanh tú và làn da trắng hồng. Bố mẹ rất yêu thương em bé.
Ảnh minh hoạ từ internet.
Một ngày nọ, khi em trai đang nằm o oe trên giường, cậu anh lại gần cầm lấy bàn tay nhỏ xíu đang khua khoắng của em, chạm tay lên má em. Cảm giác thật mềm mại. Cậu cúi xuống hít hà mùi sữa thoang thoảng trên người em trai. Bất ngờ, em bé túm lấy ngón tay anh trai và cho vào miệng mút lấy mút để.
Vừa lúc, người mẹ từ trong nhà tắm bước ra, bà giật thót mình vùng tới đẩy cậu anh trai 2 tuổi ra xa. Cậu em nằm trên giường cũng bật khóc. Mẹ bế cậu em lên dỗ dành mà chẳng buồn để ý tới cậu anh vừa bị đập đầu vào thành giường.
Từ đó, cậu anh chỉ dám đứng nhìn em từ xa. Mỗi đêm chờ khi mẹ hát ru em, cậu lại leo vội lên giường trùm chăn nhắm mắt. Cảm giác như thể mẹ đang ru mình vậy.
Một đêm mùa đông lạnh giá, gió quật cành cây hối hả vào cửa sổ, cậu anh sợ hãi chạy sang tìm mẹ. Bố, mẹ và em trai đang ngủ say. Cậu khẽ nằm xuống cạnh mẹ và rón rén vòng cánh tay nhỏ bé ôm lấy mẹ. Người mẹ thật ấm áp và mùi hương rất dễ chịu. Nhưng khi cậu vừa thiu thiu đi vào giấc ngủ thì mẹ đã đẩy cậu ra, miệng làu bàu...
- Ngủ một mình chẳng sướng thì thôi, vừa rộng rãi, vừa thoải mái. Sang đây làm gì? Lớn rồi còn đòi ôm với chả ấp, em nó cười cho.
Cậu lủi thủi trở lại chiếc giường của sự đơn độc.
Ngày tháng dần trôi qua, hai anh em cũng vào tiểu học. Anh học lớp 3, còn em học lớp 1. Trái lại với bản tính ít nói, nhút nhát, chậm chạp của người anh, cậu em trai lại vô cùng thông minh, nhanh nhẹn, sôi nổi.
Một buổi tối nọ, người mẹ dành thời gian ngồi dạy hai con học bài. Con út tiếp thu bài rất nhanh, học 1 hiểu 10 còn con lớn thì giảng đi giảng lại mãi không hiểu dù chỉ là một phép tính đơn giản. Người mẹ vùng vằng, vứt bút đứng dậy và không quên buông lời than vãn:
- Không biết giống ai mà ngu dốt thế này. Tao giảng cho em nó hiểu ngay mà mày có giảng trăm nghìn lần vẫn vậy. Tốt nhất đừng học làm gì nữa cho phí tiền.
Lời người mẹ nói thế mà thành sự thật. Học hết cấp 3, người anh đi học nghề rồi sớm kiếm việc làm phụ giúp gia đình. Cậu em trai vào học ở một trường đại học danh tiếng. Dù chi phí học tập đắt đỏ nhưng bố mẹ cậu vẫn cố gắng chắt chiu, dành dụm cho con trai được học hành đến nơi đến chốn.
Nhưng rồi, một chuyện không may xảy đến với gia đình khi người cha bị tai nạn. Dù không hại đến tính mạng nhưng ông hoàn toàn mất đi khả năng lao động kiếm tiền. Mọi lo toan gánh nặng đều đổ lên vai người mẹ và cậu anh trai.
Người em cứ vô tư chăm lo học hành mà chẳng buồn bận tâm tới chuyện gia đình. Mỗi lần túng thiếu chỉ cần gọi điện về cho mẹ là tiền lại rủng rỉnh. Cậu đã chẳng biết rằng, để có đủ tiền gửi cho em trai, người anh đã phải lao động vất vả thế nào. Dù cả nhà có phải nhịn ăn đi một bữa cũng cố gắng lo cho cậu út bằng bạn bằng bè.
Tốt nghiệp ra trường, người em ở lại thành phố làm việc và lập gia đình. Chẳng mấy khi cậu về qua nhà thăm nom và chăm sóc bố mẹ dù họ ngày đêm mong ngóng cậu về. Thế nên, mỗi lần biết tin con trai út về là bố mẹ cậu mừng lắm. Nhà trồng được bao nhiêu loại rau củ quả, nuôi được bao nhiêu gà vịt ngan ngỗng cũng cố mà dồn cho con trai mang đi bằng hết vì sợ là ở thành phố khó kiếm được đồ ngon.
Người mẹ ngày ngày thức đêm dậy sớm cũng chỉ để trồng rau, thả cá, nuôi gà để chờ đợi con trai út trở về. Với bà, đó có lẽ là niềm vui sướng và hãnh diện duy nhất trên đời. Bà thường kể với hàng xóm láng giềng bằng vẻ mặt rạng rỡ rằng con trai út bà giỏi giang thế nào, thông minh thế nào, giàu có ra sao mà chẳng bao giờ nhắc tới vợ chồng người con trai cả vẫn ngày đêm ở bên cạnh chăm sóc cha mẹ từng bữa ăn giấc ngủ.
Thế rồi con dâu út sinh cháu đầu lòng. Bà vội vã khấp khởi tay xách nách mang lên trông cháu nhưng rốt cuộc lại bị con từ chối với lý do đã có người giúp việc.
Một ngày nọ, cậu út gọi điện về cho mẹ xin tiền mua ô tô. Cậu nói rằng muốn mua một chiếc ô tô xịn để phục vụ công việc và tiện về quê thăm gia đình nhưng đang thiếu tiền. Bà bàn với chồng xẻ nửa mảnh đất của tổ tiên để lại bán đi lấy tiền cho cậu út mua xe. Từ ngày có xe, gia đình cậu út quả là có thường xuyên về quê hơn. Mỗi lần về lại ở lâu hơn, tinh thần cũng sảng khoái, vui vẻ hơn. Ông bà nhìn con út vui vẻ mà cũng phấn khởi trong lòng.
Tuổi già nhanh chóng ập đến. Sức khoẻ hai ông bà cũng suy giảm, thường xuyên cảm nắng, cảm gió như cơm bữa. Một lần nọ, bị cảm, bà mẹ chạnh lòng nhớ con trai út nên gọi điện than vãn. Người em lập tức gọi về cho anh, chất vấn anh tại sao không quan tâm, chăm sóc chu đáo cho bố mẹ, để bố mẹ ốm đau liên miên như vậy. Người anh chỉ lặng thinh không thanh minh gì.
Sau đó ít hôm, người em trai một mình lái xe về thăm bố mẹ. Trong bữa cơm tối, cậu út ngỏ ý muốn bố mẹ cắm nốt mảnh đất mà bố mẹ đang ở để vay tiền cho cậu kinh doanh và đón bố mẹ lên thành phố ở cùng.
Trong ánh đèn nhập nhoạng, mâm cơm bị hất tung. Hai ông bà còn chưa hiểu chuyện gì thì tiếng thét thất thanh của con trai út rung động cả trời đêm. Máu bắn ra tung toé.
Người anh tay vẫn cầm con dao gọt hoa quả, toàn thân rung bần bật, mắt hằn lên những tia máu đỏ.
Cậu em trai gục xuống cạnh mâm cơm đổ nát.
-Mày. Mày là thằng súc sinh. Mày... Mày giết em rồi. Mày giết em rồi..... thằng súc sinh...
Giọng bà mẹ hổn hển đứt quãng. Người bố như chết đứng, cơ miệng như co cứng chẳng nói lên lời.
Khi hàng xóm chạy tới cũng là lúc người anh rú lên một tiếng rồi chạy xộc ra ngoài. Người mẹ lê đầu gối bò tới bên cậu con trai cưng, vực cậu vào lòng, gào khóc tức tưởi.
-Có ai cứu nó với. Cứu nó với. Con trai tôi. Con ơi...
Người em được đưa tới bệnh viện cấp cứu ngay sau đó. Vết dao suýt nữa đã đâm trúng tim cậu.
Dân làng túa đi khắp nơi tìm kiếm kẻ thủ ác nhưng cuối cùng họ lại thấy người anh ở đồn công an. Anh ta đã chủ động ra đầu thú.
Suốt quãng thời gian bị tạm giam trước khi mang vụ án ra xét xử, người anh chẳng mở miệng nói dù chỉ nửa lời. Chỉ ngày ngày bó gối ngước mắt nhìn lên khung cửa thông gió, nét mặt chẳng chút biểu lộ cảm xúc.
Ngày kết thúc xử án cũng là ngày người anh nhập viện tâm thần. Bác sĩ kết luận anh ta đã bị bệnh tâm thần từ rất lâu. Nguyên nhân có thể là do sang chấn tâm lý từ khi còn nhỏ. Những ẩn ức tích tụ lâu ngày khiến cơn điên nổi lên dẫn tới mất kiểm soát hành vi.
Ảnh minh hoạ từ internet.
Từ ngày nhập viện cho tới suốt vài tuần sau đó, người anh vẫn chỉ im lặng. Lúc nào người ta cũng chỉ thấy anh ngồi bó gối ở góc phòng mắt ngước nhìn ra khung cửa sổ, vẻ mặt vô hồn.
Các bác sĩ quyết định dùng liệu pháp thôi miên để thâm nhập vào nội tâm sâu thẳm trong con người anh ta. Anh ta bắt đầu khóc. Tiếng khóc ban đầu chỉ là những âm thanh dấm dứt trong cuống họng, sau to dần và nức nở, nghẹn ngào. Tuy vậy, anh ta vẫn chẳng hé răng nói nửa lời.
Đêm hôm đó, đúng vào đợt gió lạnh đầu mùa, gió rít qua khung cửa nghe ù ù, tiếng bản lề kẽo kẹt. Vị bác sĩ già đi ngang qua phòng bệnh của anh ta chợt nghe thấy tiếng rên rỉ. Bà đẩy cửa bước vào thấy anh ta đang nằm co ro trong góc phòng tối tăm, toàn thân run rẩy, miệng lắp bắp...
- Mẹ, mẹ... con lạnh quá, mẹ có thể ôm con không?
Vị bác sĩ nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh bệnh nhân. Vòng tay ôm lấy vai anh ta rồi vỗ về:
- Mẹ đây, mẹ đây... Mẹ tới đây rồi... mẹ ở đây với con, con ngủ đi, đừng sợ!
Rồi bà lẩm nhẩm vài lời hát ru...
Trong vô thức, khoé miệng anh ta mỉm cười dù nước mắt đã lăn xuống.
Đó là đêm đầu tiên anh ta biết thế nào là một giấc ngủ êm đềm.
---------
Bạn đã hiểu được những gì qua câu chuyện của tôi?
Chúng ta không thể lựa chọn cho con mình một ngoại hình như ý muốn. Chẳng thể biến chúng từ ngờ nghệch thành thông minh. Nhưng hoàn toàn có thể lựa chọn cách đối xử với chúng như thế nào. Cái kết của câu chuyện có thể đã khác nếu bà mẹ ấy trong cái đêm mùa đông giá lạnh đã quay lại ôm con mình vào lòng. Tất cả những đứa trẻ được sinh ra trên đời đều cần được yêu thương và đối xử công bằng. Tình yêu của cha mẹ là niềm vỗ về an ủi lớn nhất đối với con cái khi chúng còn bé và theo chúng mãi cho đến khi trưởng thành. Trao cho con tình yêu thương đong đầy. Để con được sống một cuộc đời trọn vẹn.
Hãy chia sẻ cảm nhận của mình và lan toả thông điệp “Cha mẹ hãy ngưng đối xử bất bình đẳng giữa các con” đến với nhiều ông bố bà mẹ hơn. Để họ có thể lắng nghe và thấu hiểu con mình, lắng nghe và thấu hiểu chính mình. Tương lai của con nằm trong tay cha mẹ...
Sưu tầm
---
*Có thể bạn quan tâm:
Khi trái tim con được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương đích thực
Cha mẹ có đang yêu thương con đúng cách không?
Ba mẹ ơi! Hãy yêu thương con đúng cách khi còn có thể
Biết cách động viên con, con sẽ ngày một tốt hơn
Mẹ ơi! Chiều nay mẹ nhớ đón con sớm nhé
9 câu nói của cha mẹ giúp trẻ tự tin trưởng thành
Nếu có ý định sinh con thứ 2 mẹ nên đọc bài này
Hai bức thư - Hai cuộc đời - Hai người mẹ
Cách công nương Kate Middleton nuôi dạy những đứa trẻ hoàng gia Anh
Xem thêm