Mẹ ơi! Chiều nay mẹ nhớ đón con sớm nhé

11/05/2022 | 1323

Bạn có bao giờ đón con muộn không? Trẻ nhỏ nếu hay bị đón muộn sau giờ tan học sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý, nghiêm trọng hơn là tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách, thiếu niềm tin vào cuộc sống và khó trở thành người hạnh phúc trong tương lai.

"Mẹ ơi! mẹ nhớ đón con sớm nhé"

Sáng nào, trước khi vào lớp, con đều dặn mẹ: “Chiều mẹ đón con sớm nhé”, có khi con vừa nói vừa rơm rớm nước mắt…

Sợ con khóc, không chịu đi học, lần nào mẹ cũng gật đầu, nhưng chưa một lần mẹ thực hiện lời hứa đó với con. Chiều nào cũng vậy, con luôn là người về muộn nhất lớp…

Mẹ đã nghĩ, những lời dặn dò của con chỉ là một thói quen vì ngày nào con cũng lặp lại. Vì vậy, dù đã đến giờ đón con nhưng nếu khách đông, mẹ lại ráng bán thêm ít hàng, đóng cửa muộn một chút. Dù đã đến giờ đón con, nếu đang dở câu chuyện với hàng xóm, mẹ vẫn cố tiếp tục. Dù đã đến giờ đón con, nhưng phim đang đến hồi gây cấn mẹ vẫn nấn ná thêm chút nữa. Bao nhiêu lần như vậy, mẹ không biết rằng, ở trường con thấp thỏm chờ mẹ đến nhường nào…

Trẻ tiểu học được mẹ đón sớm hay đón muộn có sự khác biệt rõ rệt

Con thấp thỏm chờ mẹ đến đón nhường nào

Đến hôm qua, cô giáo gọi điện cho mẹ, bảo mấy bạn cùng lớp đều thích quà này quà kia cho dịp năm mới, chỉ riêng con muốn được mẹ đón sớm một lần. Mẹ nghe mà giật mình thảng thốt. Cô hỏi, mẹ có thể thực hiện mong muốn đó của con không? Giờ mẹ mới hiểu, mỗi buổi sáng, con lặp lại câu nói đó không phải do thói quen mà là mong muốn thực sự. Vậy mà mẹ thờ ơ, không quan tâm đến điều đó mà chỉ hứa “lèo” cho qua chuyện.

Chiều nay, mẹ quyết định đến trường con sớm hơn thường lệ, xin bác bảo vệ cho vào lớp con. Đứng ở cửa sổ quan sát, thấy con đang chơi cùng các bạn nhưng thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn ra cửa lớp. Càng gần đến giờ về, con càng nhìn nhiều hơn. Khi bạn đầu tiên được bố đón, con vội vã cất đồ chơi, ra đứng cạnh cửa. Nhìn ánh mắt mong chờ của con, lòng mẹ như thắt lại. Đã bao lâu nay, con vẫn thế, cứ mỗi buổi chiều tan lớp con đều như vậy, nhưng rồi con luôn là người ra về cuối cùng, thậm chí có hôm phải ở cùng bác bảo vệ vì mẹ vô tâm. Nỗi buồn về muộn như ám ảnh trong tâm trí con.

Vừa thấy mẹ xuất hiện ở cửa lớp, con đã nhảy cẫng lên vì vui mừng, vội vàng chào cô rồi lấy cặp, lon ton chạy về phía mẹ. Khác hẳn mọi lần, mẹ đến muộn, con lầm lũi lên xe, không nói một lời. Ra đến sân trường, con phụng phịu: “Hôm nay còn sớm, mẹ cho con chơi cầu trượt, bấp bênh nhé”. Nhìn con thoải mái vui đùa cùng các bạn được bố mẹ đón sớm, mẹ chợt hiểu, vì sao con thích về sớm đến vậy…

Chiều nay, mẹ nhớ đón con sớm nhé

Con vui mừng khi được mẹ đón sớm.

Mẹ không chở con về nhà ngay mà đi lòng vòng dạo phố, hỏi con thích mua quà gì, con cười toe toét: “Mẹ đã tặng quà cho con rồi mà, mẹ đã đến đón con sớm”, mẹ nghe mà lòng nặng trĩu. Con yêu, từ nay mẹ sẽ đón con sớm, một điều tưởng chừng bình thường nhưng lại là niềm mong ước của con. Vậy mà, bấy lâu mẹ nào có nhận ra…

Việc đón con đúng giờ rất quan trọng!

Giờ tan trường của bậc mầm non và tiểu học vào khoảng 4h -5h chiều; trong khi đó, giờ tan sở của các ông bố, bà mẹ lại vào khoảng 5h – 7h tối. Vào thời điểm đó, nhiều phụ huynh vẫn còn trăm công, nghìn việc và chưa thể đến trường đón con. Vì vậy, việc đón con muộn đối với những gia đình này thường xuyên xảy ra.

Trẻ càng nhỏ, lại càng phụ thuộc vào cha mẹ. Chúng luôn xem cha mẹ là gương mặt thân quen nhất trong độ tuổi này. Vì thế, việc đón đúng giờ rất quan trọng với trẻ; là vì, sau một ngày học ở trường, các con rất nhớ cha mẹ.Cha mẹ là người gần gũi nhất, người mang lại cảm giác an toàn cho chúng. Nếu cha mẹ đến đón con muộn, trường học thưa dần, trẻ ở lại một mình sẽ khiến trẻ thiếu đi cảm giác an toàn và lo lắng.

Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống,[1] quan hệ nuôi dưỡng và/hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mạnh mẽ đến xã hội.

Cha mẹ luôn là tấm gương cho con cái noi theo. (Ảnh: Pexels.com)

Thực tế, đến độ tuổi mẫu giáo, tiểu học; nhiều bé vẫn không thích đi học và muốn ở nhà với ông bà, cha mẹ. Nhiều cha mẹ thường an ủi con mình và nói với chúng rằng: “Con đi học ngoan nhé, bố mẹ sẽ đến đón con sớm!”; và trẻ luôn hi vọng bố mẹ sẽ giữ lời hứa với mình. Nếu cha mẹ liên tục đón con muộn, nghĩa là luôn không giữ đúng lời hứa; trong mắt trẻ lúc này, lời hứa là cái không cần thiết phải làm; và điều này sẽ ảnh hưởng đến hành động sau này của trẻ.

Khi thấy các bạn được bố mẹ đón và ra về trước, trẻ sẽ so sánh vì sao các bạn được bố mẹ đón sớm, còn mình thì không. Lúc này, sự nhạy cảm dễ khiến trẻ suy nghĩ rằng bố mẹ không còn thương mình nữa.

Theo một khảo sát của nhà nghiên cứu người Anh: Những đứa trẻ thường được đưa đón sớm khi lớn sẽ tự tin hơn; còn những đứa trẻ bị đón muộn, có xu hướng nhạy cảm hơn. Tính cách này có thể sẽ không bộc lộ ngay; nhưng sau nhiều năm, nó sẽ dần hiện hữu trong trẻ. Bởi mẫu giáo và tiểu học, là hai môi trường tiếp theo sau gia đình mà trẻ được tiếp xúc trong quãng thời gian dài; khi ấy, trẻ con cũng chưa có nhiều suy nghĩ cho cha mẹ mà chỉ nêu lên cảm xúc của mình.

Thường xuyên đón con muộn sẽ khiến trẻ luôn cảm thấy lo lắng và bất an.

Niềm mong mỏi cha mẹ đến đón sau mỗi giờ tan học (Ảnh: Pixabay)

Trên thực tế, dù bé có thực sự yêu thích bạn bè và thầy cô; nhưng khi kết thúc buổi học, ánh mắt của trẻ chỉ trông chờ được bố mẹ đến đón. Khi bị đón muộn thường xuyên sẽ khiến bé cảm thấy tủi thân vì bạn được về trước; lâu dần dễ có cảm giác là bố mẹ không thương mình. Nỗi tủi thân, lạc lõng này khó mà bù đắp bằng một đồ chơi hay món ăn được. Thậm chí, lâu dần sinh ra chán nản, thất vọng, trầm cảm, nguy hiểm hơn là mất dần kết nối giữa ba mẹ và con cái dẫn đến hệ quả khôn lường về sau. Khi con lớn lên sẽ khó trở thành một người hạnh phúc.

Điều đáng nói, những hậu quả này rất khó nhận ra khi bé còn nhỏ, chỉ biểu hiện rõ rệt ở lứa tuổi dậy thì, nổi loạn và cả khi trưởng thành. Theo các nghiên cứu khoa học đã được công bố, trẻ mầm non thường xuyên bị cha mẹ đến đón trễ sẽ hình thành tâm lý bất an. Từ đó trở nên bi quan, luôn ở trong trạng thái sợ sệt khi gặp những chuyện không bình thường.

Hơn nữa, mỗi khi phải ở một mình, làm việc một mình, những người có tiềm thức bất an sẽ luôn luôn thấp thỏm, sợ hãi những điều hoang đường. Cảm giác lo lắng, sợ hãi vô cớ là điều không ai muốn. Vì thế, đừng biến thiên thần nhỏ của bạn trở thành người bi quan chỉ vì không thể sắp xếp đến đón con sớm hơn một chút.

Hơn nữa, khi phải chờ đợi cha mẹ, trẻ buồn chán có thể lang thang xung quanh rồi tìm các trò để nghịch. Đặc biệt khi không có sự kiểm soát của thầy cô và cha mẹ.

Những trò chơi đó rất có thể sẽ nguy hiểm với trẻ. Dẫn đến bị thương hay thậm chí là gãy tay, chân. Điều đó là không thể kiểm soát được. 

Thường xuyên đón con muộn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ - MUC Women

Con trẻ thật vô tội và đáng thương, cố gắng đừng làm tổn thương con thêm nữa bố mẹ nhé. Với tư cách là cha mẹ, ai cũng muốn con mình được lớn lên, tự tin và mạnh mẽ vì vậy dù bận rộn hãy cố gắng đón con đúng giờ hoặc thông báo với trẻ về việc đón trễ hoặc sắp xếp các kế hoạch hoạt động cho con trong thời gian chờ đợi bố mẹ. Cha mẹ hãy quan sát phản ứng, tâm lý của con để sắp xếp công việc, cùng thống nhất về thời gian phù hợp giữa cha và mẹ để đón con sớm nhất có thể, hãy cho con cảm giác luôn được yêu thương và bình an nhé.

Tổng hợp theo cuasovang.vn, mucwomen.vn & giadinhonline.vn

 


(*) Xem thêm

Bình luận