Mùa Vu Lan kể chuyện "Bông hoa cúc trắng"

24/08/2023 | 253

Đây là một câu chuyện cổ tích Nhật Bản, ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của một cô bé đối với người mẹ bị ốm nặng: trắng trong và ngát hương như bông hoa cúc trắng.

Ngày xưa, có hai mẹ con nhà nọ sống trong một túp lều nơi xóm vắng. Người chồng mất sớm, nên mẹ con làm lụng vất vả lắm mới đủ ăn. Hằng ngày, gà chưa gáy sáng, bà mẹ đã phải dậy làm việc cho đến mãi tận đêm khuya.

Truyện Bông hoa cúc trắng [sự tích các loài hoa] - Thế giới cổ tích

Một hôm, gà gáy lâu lắm rồi mà vẫn chưa thấy mẹ dậy. Cô bé thức giấc vội đến bên mẹ, cô biết là mẹ đã ốm rồi! Làm thế nào bây giờ, giữa nơi hoang vắng và cảnh nghèo túng này? Cô chỉ còn biết đắp chiếc áo ấm độc nhất của mình cho mẹ, rồi ngồi đấy chăm sóc mẹ. Mẹ cô thỉnh thoảng hé đôi mắt khô héo lên nhìn con.

Một buổi chiều, khi ánh nắng chiếu qua khe liếp, bà mẹ chợt tỉnh lại. Bà cất tiếng thều thào:

– Con ơi! Con đi mời thầy thuốc về đây. Mẹ thấy trong người khó chịu lắm.

Cô bé vội vã ra đi. Vừa đi cô vừa lo cho mẹ. Được một đoạn đường dài, cô gặp một cụ già tóc bạc phơ. Thấy cô bé đi một mình, cụ liền hỏi:

– Cháu đi đâu mà vội thế?

– Thưa cụ, cháu đi tìm thầy thuốc. Mẹ cháu ốm đã lâu, mà bệnh tình mỗi ngày một thêm nặng.

Tự nhận là thầy thuốc, cụ bảo em dẫn về nhà để xem bệnh giúp. Về đến nhà, xem mạch cho người ốm xong, cụ quay lại hỏi cô bé:

– Chỉ có hai mẹ con cháu ở đây thôi ư?

– Thưa, vâng ạ!

– Từ hôm mẹ ốm, cháu chăm sóc mẹ như thế nào?

– Thưa cụ, cháu chỉ biết quanh quẩn bên giường làm vui lòng mẹ cháu.

– Mẹ cháu bị bệnh nặng lắm. Ta sẽ cố chữa cho mẹ cháu khỏi. Bây giờ cháu cần đi đến gốc đa đầu rừng, hái cho ta một bông hoa trắng thật đẹp, mang về đây để ta làm thuốc.

Bên ngoài trời rất lạnh. Cô bé chỉ có mỗi một chiếc áo mỏng trên mình. Cô lẳng lặng bước đều trong gió rét. Vừa đi cô vừa lo cho mẹ. Cô đi mỏi chân mới đến gốc đa đầu rừng. Quả nhiên cô thấy trên bụi cây trước mặt có một bông hoa trắng rất đẹp. Cô ngắt bông hoa, tay nâng niu với tất cả tấm lòng tha thiết, cầu mong cho mẹ tai qua nạn khỏi. Bỗng cô nghe như văng vẳng bên tai tiếng cụ già tóc bạc ban nãy lại khuyên nhủ cô:

– Cháu hãy yên tâm, mỗi cánh hoa trên bông hoa sẽ là một ngày mẹ cháu được sống thêm.

Cô bé cúi xuống nhìn hoa, cô đếm: “Một, hai, ba, bốn, …, rồi hai mươi. Trời ơi! Còn có hai mươi ngày nữa thôi ư?…”

Suy nghĩ một lát, cô rón rén chạy ra phía sau cây đa. Cô nhẹ tay xé mỗi cánh hoa ra thành nhiều sợi. Bông hoa trở nên kì lạ. Mỗi sợi nhỏ biến thành từng cánh nhỏ dài và mượt, trắng bong như tấm lòng ngây thơ trong trắng của cô. Những cánh hoa mọc thêm ra nhiều không sao đếm được! Cô bé nâng niu trên tay bông hoa lạ đó. Trời ơi! Sung sướng quá! Cô vùng chạy về. Đến nhà, cụ già tóc bạc bước ra cửa tươi cười đón cô và nói:

– Mẹ cháu đã khỏi bệnh! Đây chính là phần thưởng cho tấm lòng hiếu thảo của cháu đấy!

Từ đó hàng năm, về mua thu, thường nở những bông hoa có nhiều cánh nhỏ dài mượt, trông rất đẹp.

Đó chính là bông hoa cúc trắng thể hiện cho tấm lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ mình.

Sự tích bông hoa cúc trắng

Theo Đạo Phật thì hạnh hiếu là hạnh đứng đầu. Hiếu đạo là giáo lý căn bản trong toàn bộ Tam Tạng Thánh Điển của Đạo Phật. Hiếu đạo chính là tinh thần tri ân và báo ân. Đức Phật dạy rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật. Hạnh hiếu là hạnh Phật”. Muốn tu đắc đạo cùng với hạnh Phật, trước phải hiếu dưỡng Cha Mẹ. Chính Ngài đã thể hiện trọn vẹn tinh thần hiếu đạo tri ân và báo ân mà trong bài kệ Kinh Vu Lan Bồn Sở đã xưng dương:

“Kính lạy Đấng giáo chủ ba cõi

Bậc đại hiếu Thích Ca

Nhiều kiếp báo ân sâu

Do vậy thành Chánh Giác.”

Kế tiếp chư vị Bồ Tát, chư vị Tổ Sư đều là những bậc đại hiếu trọng ân truyền trì mạng mạch xuyên suốt cả không gian lẫn thời gian. Thế rồi cứ mỗi độ vào thu báo hiệu mùa Vu Lan Thắng Hội trở về trên non sông đất Việt, có biết bao trái tim hiếu tử cùng vang lên một nhịp đập: “Báo hiếu trọng ân” đối với hai đấng sanh thành và nhớ về nguồn cội tổ tiên ông bà nhiều đời nhiều kiếp, đúng như ca dao có câu:

“Cây có gốc mới trổ cành xanh ngọn

Nước có nguồn mới bủa khắp rạch sông

Làm người có Tổ có Tông

Đừng quên nguồn gốc mới khỏi công vun trồng.”

Bổn phận con cháu là phải báo đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ. Tuy nói công ơn Cha Mẹ nhưng thật sự người trực tiếp chịu đựng khổ sở vì con như: “chín tháng mang thai, ba năm bú mớm, lúc con đau ốm, v.v… Người Mẹ là người đã tận tụy khổ sở vì con, để cho con sống, để cho con vui:

                                 “Vì con sống, Mẹ gánh hết lam lũ

                                  Vì con vui, Mẹ gánh hết buồn đau

                                   Đời đắng cay riêng Mẹ dấn thân vào

                                   Nuôi con lớn, Mẹ héo mòn thân xác.”

Hình ảnh người mẹ già tần tảo đẹp và ý nghĩa

Người Mẹ là người đã lấy sự đau khổ của con làm sự đau khổ của mình, lấy sự hạnh phúc của con làm sự hạnh phúc của mình. Người Mẹ đã thâm nhập và thể hiện tâm đồng thể  đại bi của các vị Bồ Tát. Trong Kinh Tâm Địa Quán, Đức Phật dạy: “Cha có Từ Ân, Mẹ có Bi Ân. Bi ân của Mẹ nếu tôi ở đời trong một kiếp để nói về ơn ấy cũng không thể hết được”. Tình thương của người Mẹ là tình thương trường cửu, vĩnh viễn, bất di bất dịch. Trên đời này không có một tình cảm nào có thể so sánh với tình Mẹ. Tình Mẹ cao cả nhất, thiêng liêng nhất. Mỗi người trên trái đất này chỉ có duy nhất một bà Mẹ mà thôi, không thể có người Mẹ thứ hai:          

“Con biết rằng dù con đi đi mãi

Lê tấm thân khắp toàn cõi địa cầu

Cũng không tìm không thấy được đâu

Một  ai đó thương con như là Mẹ”.

Nếu công ơn của người Mẹ là vô lượng, thì công ơn của người Cha là vô biên. Cha là trụ cột gia đình tảo tần kiếm kế sinh nhai, đem tiền về để vợ nuôi con, nên tục ngữ có câu: “Con có cha như nhà có nóc”. Nhờ sự hi sinh của người Cha mà con cái được cơm no áo ấm, nhờ sự giáo dục nghiêm nghị của người Cha tác thành mà người con thành nhân chi mỹ, nhờ ảnh hưởng đạo đức của người Cha mà người con được mọi người kính nể, đúng thật là:         

“Bên đời Cha đứng nghiêm trang

Như cây tùng bách giữa ngàn phong ba

Tình cha sâu kín âm thầm

Cho con lẽ sống giữa miền trần gian”

Cập nhật với hơn 51 về hình ảnh cha - cdgdbentre.edu.vn

Cha Mẹ là những gì cần thiết nhất cho cuộc sống của con cái, như ánh sáng mặt trời mặt trăng đối với mầm non cây cối, bông hoa trên quả địa cầu. Không có gì đau khổ bằng người con mất Cha mất Mẹ. Người con mất Cha mất Mẹ là người thiếu tình thương, thiếu hạnh phúc. Ngược lại, còn cha còn mẹ để được báo hiếu là người có phúc phận lớn lao.

Mùa Vu lan (bắt đầu từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 hàng năm) là mùa báo hiếu nhắc nhở người đệ tử Phật đền đáp bốn ơn, trong đó có công ơn của đấng sinh thành dưỡng dục.

Đức Phật dạy tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Lời dạy ấy đã nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của tâm hiếu, hạnh hiếu trên bước đường tu; nhưng thực hiện tâm hiếu, hạnh hiếu như thế nào cho đúng Chính pháp để cha mẹ và ta đều được lợi lạc.

Khi cha mẹ còn tại thế, chúng ta săn sóc, cung phụng đầy đủ những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường nhật. Bên cạnh việc chăm sóc về tiện nghi vật chất, tình thương yêu, lo lắng phát xuất tự đáy lòng của người con hiếu thảo mới thực sự là ngọn lửa sưởi ấm lòng cha mẹ, làm cho cha mẹ an vui trong những tháng ngày còn lại. Vì thực tế, có những gia đình giàu có, cha mẹ nào có thiếu đồ ăn, thức uống; nhưng các cụ hòa cơm với nước mắt, nuốt buồn phiền, đắng cay hàng ngày.

Món ngon vật lạ kèm theo tình cảm lạnh nhạt, hắt hủi của đứa con bất hiếu, có lẽ nếu đánh đổi lấy cuộc sống đạm bạc, nhưng tràn đầy tình thương hiếu thảo, thì bất cứ ai cũng sẵn sàng. Chúng ta cũng từng thấy không ít gia đình khó khăn vật chất, mà cuộc sống đơn sơ của họ vẫn ấm áp tình người, rực sáng hạnh phúc, nhờ ở lòng hiếu thảo và việc làm hiếu đễ của con cái dành trọn vẹn cho cha mẹ, ông bà.

Phụng dưỡng đúng pháp mới được phước lớn - Phật giáo A Lưới

Chăm sóc, thương yêu cha mẹ là điều quý, cần thiết. Nhưng thực hiện tinh thần Phật dạy, làm cho cha mẹ kết duyên với Phật pháp, kính tin Tam bảo, mới thực sự quan trọng và là cách báo hiếu có lợi ích vô lượng cho cha mẹ ta. Thông thường, có người thương cha mẹ, sẵn sàng đáp ứng những gì các cụ muốn, kể cả không từ chối làm các việc ác. Tạo ác nghiệp để có tiền của lo cho cha mẹ, thì càng lo bao nhiêu, càng làm cho cha mẹ tăng trưởng lòng tham, nuôi lớn niệm ác bấy nhiêu. Và đến lúc không đáp ứng nổi đòi hỏi, vì phước báo của ta có giới hạn, mà nghiệp của cha mẹ quá lớn, nên làm họ bực hơn nữa, để rồi chất chứa buồn phiền, khổ đau.

Sống khổ, chết đọa là điều tất yếu, vì ác nghiệp sẽ dẫn thần thức tái sinh vào ba đường ác. Cách báo hiếu như vậy hoàn toàn sai lầm.

Báo hiếu theo Phật dạy, chúng ta tìm cách tác động cho cha mẹ kính tín Tam bảo và phát tâm sống theo Chính pháp. Nhờ tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp, buồn phiền của họ tạm lắng yên, tâm hồn nhẹ nhàng an vui, vì chúng ta biết rõ pháp Phật có công năng rửa sạch phiền não trần lao. Khi đã hướng tâm về Tam bảo, vui được với pháp, với bạn đạo, với cảnh chùa, giúp họ nhận ra những việc làm cần thiết cho quãng đời còn lại, trước khi từ bỏ huyễn thân. Từ đó, ý thức cái vô thường sắp đến, phải lo chuẩn bị hành trang đi về thế giới khác, nên không còn đòi hỏi, ham muốn nhiều, không còn bực bội, khó khăn với con cái.

Nói cách khác, khi cha mẹ phát tâm tu, khắc phục được nghiệp, không buồn phiền, than vãn, thì phước lạc tăng trưởng, tâm hồn vui tươi, chẳng mong cầu mà cuộc sống vẫn dư dả. Sống cuộc đời đạo đức, tâm hồn thanh thản, thì khi nhắm mắt lìa đời, họ có thể sinh về thế giới an lành.

Khi cha mẹ mãn phần, chúng ta báo hiếu bằng cách chuẩn bị vấn đề tái sinh. Thân tứ đại không còn, nên chúng ta chỉ quan tâm đến tinh thần, tức Thức uẩn của họ. Chúng ta dẫn dắt thần thức hay ý niệm của cha mẹ hướng về điều thánh thiện, đó là điều kiện để đưa họ tái sinh vào thế giới an lành. Theo Phật dạy, khi sinh tiền nếu tạo nhiều ác nghiệp, lúc chết, chưa sinh được về thế giới lành, còn hiện hữu ở dạng trung ấm thân.

Trong bốn mươi chín ngày, chúng ta phải dốc lòng chuyên tâm tụng kinh, lễ sám, bố thí, cúng dường, làm các việc phước thiện để cầu nguyện cho hương linh. Dùng tâm an tịnh trong pháp và tâm hoan hỷ với việc thiện để nghĩ tưởng đến hương linh, gợi nhắc họ nhớ đến việc thiện mà họ đã làm trong đời, nhớ lại pháp Phật quý báu, cùng cảnh giới an vui giải thoát. Thần thức nghĩ nhớ được như vậy, chắc chắn sẽ tái sinh về cõi lành.

Đặc biệt là chúng ta cúng dường các bậc cao tăng, nhờ các ngài chú nguyện để trợ lực, hồi hướng công đức cho trung ấm thân của người quá cố. Nương nơi thần lực gia trì phát xuất từ tâm thanh tịnh và đức độ của các ngài, trung ấm thân dễ xả bỏ được nghiệp ác hơn và vãng sinh về thế giới tốt đẹp. Trái lại, không làm điều thiện hồi hướng cho cha mẹ, mà lại sát sinh hại vật để cúng tế, chẳng lợi ích gì vì tốn kém, nhưng cha mẹ không hưởng được, còn phải gánh thêm ác nghiệp.

Ngoài ra, Đức Phật còn dạy, ngay như đối với cha mẹ quá vãng bảy đời bị đọa vào ba đường ác hay đã sinh lại chốn nhân thiên, việc làm lành, làm phước của chúng ta hồi hướng cho họ vẫn tạo kết quả lợi lạc. Vì trong vô hình, sự liên hệ về tình cảm sâu đậm của ta dồn vào việc thiện để cầu nguyện cho người thân chẳng khác gì hệ nối mạng sẽ tác động đến tâm người thân đã tái sinh, khiến họ cũng hướng về thế giới thiện, thoát khỏi kiếp lầm than.

Tóm lại, mùa Vu lan báo hiếu đã đến, hình ảnh thân thương của cha mẹ, ông bà ngày nào như sống dậy mãnh liệt trong tâm trí những người con hiếu thảo. Người có phước duyên còn được cha mẹ bên cạnh, hãy giữ gìn, chăm sóc tâm hiếu, hạnh hiếu cho đúng pháp Phật dạy để tạo dựng một gia đình phước lạc, đầm ấm. Những người không còn được chở che trong tình thương vô giá của cha mẹ, hãy nỗ lực tu hành, tạo thật nhiều công đức, phước thiện để hồi hướng đến cha mẹ, mới mong cứu vớt họ khỏi chốn tam đồ, hoặc gieo trồng thêm căn lành, phước thiện cho họ ở chốn nhân thiên.

Đối với hàng đệ tử thâm tín Tam bảo, chỉ có con đường duy nhất là tu hành, đắc đạo, mới có khả năng mang lại cuộc sống an vui, giải thoát vĩnh hằng bất tử cho ta, cho người thân và cho tất cả chúng sinh.

2/11: Nhớ mẹ nhớ cha | Giáo phận Vinh

Tổng hợp theo thegioicotich.vn, Ni Sư Ánh Văn, Giác ngộ Online

-----

* Vạn sự tùy duyên, bài đọc chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm. Nếu quý vị thuận duyên thì thêm phần vững tin, nếu chưa đủ duyên thì cũng mong quý vị hoan hỉ bỏ qua nhé. A Di Đà Phật🙏

 


(*) Xem thêm

Bình luận