Nỗi vất vả và sự hy sinh của đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch

01/09/2021 | 548

NHỮNG NGÀY TPHCM TRONG ĐỢT DỊCH COVID-19 THỨ 4, CÓ KHÔNG BIẾT BAO NHIÊU Y, BÁC SĨ TUYẾN ĐẦU ĐÃ CỐNG HIẾN TOÀN BỘ SỨC KHOẺ, TRÍ TUỆ, GẠT BỎ ĐI HẾT NHỮNG CÁI RIÊNG ĐỂ CHIẾN ĐẤU VÌ CÁI CHUNG.

TỪ NHỮNG NGƯỜI Ở CÁC TỔ Y TẾ CỘNG ĐỒNG, ĐỘI PHẢN ỨNG NHANH... ĐẾN CÁC Y BÁC SĨ TRONG CÁC BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN HAY NHỮNG NGƯỜI CHIẾN ĐẤU GIÀNH SỰ SỐNG CHO BỆNH NHÂN Ở CÁC TRUNG TÂM HỒI SỨC CẤP CỨU HAY TRUNG TÂM ĐIỀU TRỊ COVID-19, HỌ ĐỀU ĐÃ ĐỔ RẤT NHIỀU MỒ HÔI VÀ NƯỚC MẮT ĐỂ HỖ TRỢ VÀ CỨU SỐNG CÁC BỆNH NHÂN COVID-19.

Ký sự được các phóng viên của tạp chí điện tử Báo Lao Động (specials.laodong.vn) ghi nhận tại Bệnh viện Quân Y 175 (là một trong những bệnh viện trọng điểm trong chữa trị covid-19) cũng phản ánh được những gian khổ chung của đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch trên cả nước những ngày qua.

Đi vào hoạt động những ngày giữa tháng 7, Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 đã thu dung và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân, trong đó đa số là những bệnh nhân có triệu chứng vừa và nặng. Thậm chí, có những bệnh nhân nguy kịch đang cận kề ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Bên cạnh họ là những chiến sĩ áo trắng vẫn lặng lẽ chiến đấu với dịch COVID-19. Những ngày này, Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Quân y 175, tiếng “tèn ten ten” phát ra từ những chiếc máy monitor theo dõi chỉ số sức khỏe bệnh nhân đều đều vang lên không kể là ngày hay đêm. Những bóng áo trắng di chuyển cùng những bước chân vội vã từ các phòng điều trị. Cả những dòng mồ hôi cứ chảy miệt mài trên mặt... Tất cả tạo nên bầu không khí của Trung tâm Điều trị COVID-19 lúc nào cũng sẵn sàng và gấp gáp.

Kể từ những ngày đầu thành lập Trung tâm, Thượng tá Bùi Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, đội ngũ nhân viên y tế và y, bác sĩ được phân công đã "cắm trại" ở đơn vị sẵn sàng nhận lệnh.

Tất cả mọi việc chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 đều không thể có người nhà nên các y bác sĩ và điều dưỡng phải thay nhau làm từ A tới Z. Họ đã trở thành những "người thân" duy nhất của bệnh nhân trong lúc chiến đấu với bệnh tật, 24/7 không rời.

24h mỗi ngày ở Trung tâm Điều trị bệnh nhân nguy kịch được chia làm 3 ca. Ca sáng từ 7 giờ đến 14 giờ. Ca chiều từ 14 giờ đến 21 giờ. Thời gian còn lại thuộc về ca đêm. Đêm là ca dài nhất, vất vả nhất.

Trước giờ vào ca, phòng mặc đồ bảo hộ rộn rã tiếng nói cười. Những nét chữ từ chiếc bút dạ viết vội lên áo bảo hộ tên + biệt danh từng người, lại thêm cả những biểu tượng mặt cười.

Tuy nhiên, mọi hoạt động bình thường nhất trong bộ đồ bảo hộ đều trở nên khó khăn và tốn sức vô cùng. Vậy mà, các y, bác sĩ, điều dưỡng viên ở đây liên tục di chuyển, cấp cứu, hỗ trợ bệnh nhân giữa các phòng điều trị suốt ca trực. Và mọi việc đều phải cẩn trọng, phải đảm bảo công tác an toàn cho bản thân y bác sĩ và đảm bảo công tác phòng chống nhiễm khuẩn trong khoa.

 

(*) Xem thêm

Bình luận