Việt Nam - Xót xa hàng nghìn trẻ em bỗng nhiên mồ côi vì covid
"Cơn bão" COVID-19 mấy tháng qua "càn quét" khắp Việt Nam, nhưng diễn ra dữ dội nhất vẫn là ở thành phố Hồ Chí Minh đã để lại bao hậu quả bi thương khôn lường, bao gia đình lâm vào cảnh chia lìa: người còn, người mất, trong đó nhiều trẻ em bỗng nhiên trở nên bơ vơ giữa cuộc đời còn nhiều sóng gió. Rồi đây tương lai các em sẽ đi về đâu khi thiếu vắng đi sự chở che của cha và sự chăm sóc dịu dàng của mẹ??
Hiện nay số trẻ em mồ côi này đã ghi nhận là khoảng hơn 1500 và chắc còn tiếp tục gia tăng. Em mất cha, em mất mẹ, em thì mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đau thương, khó khăn chồng chất không thể lường được trên con đường học tập và tương lai phía trước.
Những mảnh đời bất hạnh: mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh những tất cả các em đều có chung một nỗi đau mất đi những người thân yêu nhất trên đời.
Câu chuyện 1:
Chưa đầy 10 ngày, 4 chị em Nhi mất cả cha lẫn mẹ vì Covid-19. Mọi chuyện quá đột ngột, 4 chị em mồ côi phải nương tựa vào nhau ở nhà trọ, Nhi vừa làm chị hai, vừa làm cha mẹ bảo bọc các em.
Chưa đầy 10 ngày, 4 chị em Yến Nhi mất cả cha lẫn mẹ vì Covid-19. Ảnh: Vũ Phụng
Chiều mưa như trút nước, Nhi chạy xe ra gần nhà mua vội chút rau về nấu cơm cúng cha mẹ. Nước mắt lẫn vào nước mưa mặn chát, Nhi vẫn chưa tin được chỉ chưa đầy 10 ngày, 4 chị em lại mồ côi vì Covid-19.
Chị hai cáng đáng việc nhà:
“Mẹ ơi, mẹ ráng khỏe về với tụi con nha mẹ”.
“Mẹ ráng ăn vào”.
“Mẹ buồn thì gọi về nói chuyện với tụi con”.
Những tin nhắn được em Phạm Yến Nhi (22 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) gửi liên tiếp qua điện thoại mẹ. Nhi biết mẹ mệt nên mẹ không trả lời liền, em cũng không gọi điện thoại hối thúc. Vài tiếng sau, mẹ Nhi trả lời “Mẹ khỏe”. Rồi Nhi lại tiếp tục động viên mẹ, dù không biết khi nào mẹ sẽ trả lời. Nhưng lần này, linh cảm có điều chẳng lành, Nhi bấm gọi liên tục, tiếng chuông vẫn đổ, mẹ không nghe máy, rồi mẹ đi mãi vào ngày 28.8.
Tin nhắn cuối mẹ gửi cho Nhi. Ảnh: Vũ Phượng |
Những ngày ba Nhi gần vượt qua được Covid-19 thì nhận tin vợ mất, tinh thần ông suy sụp, trở nặng và cũng bỏ lại chị em Nhi vào ngày 6.9.
Sau Nhi lần lượt là các em 16, 11 và 10 tuổi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ còn hai em út vẫn đi học. Sự ra đi đột ngột của ba mẹ khiến Nhi vừa làm chị hai, vừa làm cha mẹ cáng đáng việc nhà, chăm sóc các em.
Nhi kể thường ngày ba làm phụ hồ, mẹ nhận hàng may tại nhà, Nhi và em kề xin ba mẹ nghỉ học sớm, đi làm bán quần áo, phụ quán cà phê để nhường hai em út đến trường. Dịch Covid-19 bùng phát, cả nhà thất nghiệp. Những đồng tiền tiết kiệm trong nhà được dồn lại để mẹ vào viện vô thuốc hóa trị ung thư vú giai đoạn cuối.
“Trước khi nhập viện mẹ được test âm tính, nhưng vô thuốc về thì mẹ mệt mỏi, sốt, khó thở. Những ngày này ba không cho tụi em tới gần mà một tay ba chăm mẹ. Tới khi mẹ mệt không chịu nổi nữa đưa đi viện mới biết là nhiễm Covid-19. Cả nhà em ra trạm y tế xét nghiệm, ba cũng dương tính. Vài ngày sau khi mẹ mất, ba cũng đi theo”, Nhi tâm sự.
4 chị em ôm nhau khóc, cậu mợ, ông bà ngoại cùng hàng xóm lập giúp bàn thờ, hướng dẫn Nhi cách cúng cơm cho cha mẹ. Mọi chuyện trong nhà giờ đây đè hết lên vai cô gái vừa bước qua tuổi 22. Từ cơm nước, nhà cửa, lo cho các em ăn học đến chuyện dạy dỗ các em nên người.
Em út Yến Hoàng là người động viên các chị cố gắng giữ vững tinh thần. Ảnh: Vũ Phượng |
“Trước khi nhập viện mẹ được test âm tính, nhưng vô thuốc về thì mẹ mệt mỏi, sốt, khó thở. Những ngày này ba không cho tụi em tới gần mà một tay ba chăm mẹ. Tới khi mẹ mệt không chịu nổi nữa đưa đi viện mới biết là nhiễm Covid-19. Vài ngày sau khi mẹ mất, ba cũng đi theo”
Em Phạm Yến Nhi
“Những công việc này mẹ đã dạy em từng chút nên em không quá bỡ ngỡ, nhưng mọi chuyện đường đột quá. Lúc cha mẹ đi tụi em không có gì trong tay hết, giờ đang lo liệu bằng tiền hàng xóm phúng điếu và cậu dì hỗ trợ. Sau này hết dịch, em không biết công việc phụ bán quần áo có đủ để trang trải các khoản chi tiêu hay không”, Nhi lo lắng.
“Tụi con sẽ sống thật tốt”
Biến cố ập đến bất ngờ, dù có đau lòng, mất mát quá lớn nhưng Nhi và các em không cho phép bản thân được yếu đuối. Mấy chị em thường động viên nhau, phải sống thật tốt để ba mẹ đi yên lòng.
Em Phạm Yến Vy (16 tuổi) – người ở bên chăm sóc ba những ngày cuối đời cũng chia sẻ, trong bệnh viện Vy thường kể chuyện vui, không nhắc đến mẹ hay những điều đau lòng. Nhưng hễ Vy đi ra ngoài thì ba lại len lén khóc vì nhớ mẹ. Vy nắm tay ba hỏi: “Ba thương tụi con không?”, ba Vy đáp: “Ba thương, thương nhiều lắm”. Đó cũng là những lời yêu thương hiếm hoi Vy nghe được từ ba.
Em Phạm Yến Vy“Ba ở nhà không thường nói thương con, nhưng tụi em biết ba âm thầm lo hết mọi thứ. Những ngày nặng nhất ba còn nắm tay em nói “cứu ba với”. Nhìn ánh mắt ba như muốn nói rất nhiều điều nhưng không nói được, em đau lắm”.
“Ba ở nhà không thường nói thương con, nhưng tụi em biết ba âm thầm lo hết mọi thứ. Trước khi bệnh nặng, ba còn gọi video về nhà nói “bai bai” ngoại và mấy chị em, ngoại nói không được bai, phải khỏe để còn về. Những ngày nặng nhất ba còn nắm tay em nói “cứu ba với”. Nhìn ánh mắt ba như muốn nói rất nhiều điều nhưng không nói được, em đau lắm”, Vy nức nở kể.
Trong căn nhà trọ chừng 30m2, tiếng tụng kinh phát ra từ chiếc loa nhỏ trên bàn thờ vẫn đều đều theo nhịp, em Phạm Lâm Yến Phụng (học sinh lớp 5), Phạm Lâm Yến Hoàng (lớp 6) và em Vy cùng học online. Vy dù nghỉ học từ lâu, nhưng kiến thức còn tốt, giúp em giải được bài toán khó, mấy chị em lại khúc khích cười.
Yến Nhi mang nhiều nỗi lo về tương lai, nhưng nhìn ảnh cha mẹ, em lại có thêm động lực. Ảnh Vũ Phượng |
Chị hai Yến Nhi đứng nấu ăn, thỉnh thoảng nhìn các em, rồi nhìn bàn thờ cha mẹ, nước mắt lại lưng tròng. Cuộc trò chuyện của chúng tôi gián đoạn khi ông ngoại Nhi mang chai nước mắm vừa mở nắp, từng bước đi khó nhọc đi vào: “Ba mày mua cho tao nước mắm này ngon lắm đó, mà tao để lâu rồi không ăn mày ăn đi”. Nghe ngoại nhắc đến ba, mấy chị em nhìn chai nước mắm khựng lại, cụ ông ngoài 80 đầu tóc bạc trắng nhìn lên bàn thờ: “Ba mày nay 9 bữa rồi chưa có tro về nữa hả, 9 bữa rồi đó. Thôi nước mắm cá cơm ngon lắm để ăn đi”.
Nhi lại sụt sịt: “Ngoại này…” rồi đưa tay nhận chai mắm, nhờ một em đỡ ngoại về lại bên nhà. “Ngoại bữa nay đỡ rồi, chứ lúc mẹ em mới mất ngoại cứ qua nhìn bàn thờ mẹ em khóc hoài, nói con nhỏ này sao nỡ bỏ ba đi. Ngoại giờ già rồi, đang chăm hai anh em con vợ chồng cậu mất vì ung thư, giờ thêm 4 đứa em cũng mất cả cha mẹ. Tụi em đứng trước bàn thờ ba mẹ nói tụi con sẽ sống thật tốt, không để ông bà lo lắng, cha mẹ đi yên lòng”, Nhi nói.
Câu chuyện 2:
Trong không gian phòng khách hơn 15 m2, em Đoàn Văn Tính - học sinh lớp 9 trường THCS Trần Phú, Quận 10 đã dần quen thuộc với những âm thanh tụng kinh cầu nguyện hơn 1 tuần nay khi bắt đầu học online tại nhà.
Góc học tập của em là tấm nệm đặt dưới đất ngay cạnh bàn thờ của người mẹ mới mất vì Covid-19 cách đây gần 2 tháng. Xung quanh là 2 chiếc xe máy, một vài dụng cụ để bán xôi, thứ mà mẹ của Tính dùng để mưu sinh trước đây giờ để im lìm một góc. Tính kể rằng, em ngồi đây để vừa học, vừa thắp nhang cho mẹ.
Cậu học trò 14 tuổi này trước đây vốn quen với tiếng mẹ la, tiếng giục đi ngủ sớm, tiếng kêu ăn cơm của mẹ ngay ở góc nhà thôi nhưng giờ đây, với em những điều đó chỉ còn trong ký ức. Không còn tiếng mẹ gọi dậy học bài mà giờ đây thay bằng tiếng chuông báo thức của điện thoại. Bữa cơm không còn quây quần có mẹ mà mỗi người một tô cơm rồi ngồi một góc ăn cho qua bữa. Mẹ chính là cầu nối của cả nhà thì giờ đây, thiếu tiếng nói và hình bóng của mẹ, không gian trong nhà lại càng vắng lặng hơn.
“Em nhớ những lời mẹ nói lúc trước, nhớ những ngày mẹ còn sống hay đứng ở góc này kêu em đi ngủ sớm, chỉ biết nói lời xin lỗi và hoàn thành những ước muốn khi mẹ còn sống, vì lúc còn sống, mẹ nói là lớn lên, ráng học hành đầy đủ để có việc làm”, em Tính nói.
Anh Lê Huy Hiệp (56 tuổi) cha dượng của Tính cho biết, từ ngày mẹ mất, Tính ít nói hơn trước. Không còn mẹ, Tính phải tự làm nhiều việc như dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, nấu ăn.
“Hai cha con cũng ít ăn cơm chung, trước đây có mẹ thì còn ăn chung, giờ không có mẹ mỗi người một tô. Trước lúc bệnh, khi còn khỏe, hình như có linh tính, mẹ nó có nói ráng lo ăn học đi chứ mốt mẹ chết không có ai mà lo”, anh Lê Huy Hiệp chia sẻ.
Câu chuyện 3:
"Mẹ con đi bệnh viện chưa về"
Ngày thường, ba anh em Lến (11 tuổi), Phến (5 tuổi), Thảo (3 tuổi) còn vui vẻ quây quần bên cha mẹ trong căn gác trọ ở con hẻm đường Lương Thế Vinh, quận Tân Phú.
Một tháng trước, cha mẹ các em mắc COVID-19 phải nhập viện. Lúc đó, khi chúng tôi đến chỉ có ba đứa trẻ ở nhà. Hỏi mẹ đâu, bé Thảo trả lời: "Mẹ con đi bệnh viện chưa về". Em không hề biết lúc đó mẹ đã mất gần một tuần.
Cha các em là anh Thạch Ủ (33 tuổi, quê Bạc Liêu) cho biết lúc vợ mất anh ở bệnh viện, ngày nào cũng gọi điện về nhưng nói dối con là mẹ chưa khỏe và khi anh về vẫn nói với con là mẹ đang ở bệnh viện.
"Nhà còn có bà ngoại lớn tuổi, đang ở dưới quê một mình. Tôi muốn khi nào hết dịch, cả nhà về dưới rồi nói cho bà với các con hay", anh Thạch Ủ giải thích.
Gần đây khi anh định gói ghém đồ đạc đưa con về quê để đứa lớn đi học, vô tình đứa con nhìn thấy hũ tro cốt của mẹ nên anh phải nói thật với con. "Mới hôm rồi, tôi định xin chuyến xe về Sóc Trăng quê vợ nhưng không về được", anh Ủ kể.
Bốn chị em cô bé Nguyễn Lâm Yến Hoàng (11 tuổi, đang học lớp 6) còn bi đát hơn khi mất cả cha lẫn mẹ. Buổi cơm trưa trong căn nhà trọ ở con hẻm nhỏ quận 12 chỉ còn bốn chị em.
"Mẹ bị ung thư giai đoạn cuối nên khi phát hiện mắc COVID-19 mẹ qua đời chỉ vài ngày sau đó trong bệnh viện. Ba em cũng mắc nhưng ban đầu không bị nặng. Thế mà nghe tin mẹ em mất, ba em đã trở nặng, vào bệnh viện rồi cũng không qua khỏi", Yến Nhi (22 tuổi, chị cả) rơm rớm kể lại.
Cha mẹ mất, Nhi trở thành mẹ của ba đứa em nhỏ. "Cha em làm phụ hồ, mẹ em làm may gia công ở nhà, em và em gái thứ 2 đã nghỉ học, đi bán hàng, phụ quán cà phê. Hai em còn lại đang học lớp 5 và lớp 6.
Bình thường bé út cũng biết làm tất cả mọi thứ. Trước mắt chưa biết thế nào nhưng em sẽ cố gắng thực hiện tâm nguyện của mẹ để nuôi hai em ăn học. Đó cũng là ước nguyện của mẹ em trước khi mất", Yến Nhi bộc bạch.
Anh Thạch Ủ (quận Tân Phú, TP.HCM), làm thợ hồ bị mất việc từ nhiều tháng qua, cùng các con đi nhận hàng tiếp tế. Anh rơi vào cảnh gà trống nuôi con khi vợ mất do COVID-19 - Ảnh: Duyên Phan
Câu chuyện 4:
Mẹ đột ngột qua đời vì Covid-19 tại TPHCM, 2 đứa trẻ mấy năm nay đã thiếu tình cảm của cha, nay lại rơi vào cảnh mồ côi mẹ, khiến nhiều người không khỏi xót xa. Đó là hoàn cảnh của anh em cậu bé, Nguyễn Đại Hưng (8 tuổi) và Nguyễn Bảo Hân (3 tuổi).
Bố mẹ chia tay nhau, anh em cậu bé lớn lên thiếu hẳn tình cảm của cha. Người mẹ sau đó cũng vào TPHCM mưu sinh, chị hẹn các con Tết về mua cho chúng quần áo mới, nhưng chị ra đi mãi mãi vì Covid-19.
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Phạm Xuân Thống, (thôn Ân Niên, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), khi bàn thờ cúng vọng của con gái vừa được người cha nghèo ở quê lập vội, sau khi nhận được thông báo từ bệnh viện, con gái ông đã ra đi vì đại dịch Covid-19 tại TPHCM.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chị Phạm Thị Bảo Trâm (SN 1991), con gái ông Thống, lập gia đình vào năm 2012. Nhưng vợ chồng chị đã đường ai nấy đi vào năm 2018. Sau lần chia tay với người chồng, chị Trâm gửi lại 2 con nhỏ, nhờ ông bà ngoại chăm sóc, còn chị vào TPHCM mưu sinh bằng nghề may, hàng tháng chị gửi tiền về để ông bà chăm sóc cho 2 cháu.
Trong nỗi đau xót kể về đứa con gái bất hạnh, ông Phạm Xuân Thống bảo: "Trâm nó thương con lắm! Nó nhận làm thêm tăng ca để có tiền gửi về cho 2 con, rảnh là gọi video về để thăm hỏi tâm sự với 2 đứa nhỏ. Cũng để tiết kiệm chi phí, nên nó đi cả năm mới về với con được hơn chục ngày dịp Tết, rồi lại tiếp tục đi làm"
Với mức lương ít ỏi của công nhân may, nhưng tháng nào Trâm cũng gửi về cho gia đình từ 4 - 5 triệu đồng, phần để lo tiền sữa cho bé Hân, phần lo tiền áo quần, học hành cho cháu Hưng, rồi phụ thêm tiền gạo, mắm để bố mẹ già đỡ vất vả tuổi xế chiều.
"Đầu năm nó vào TPHCM tiếp tục công việc, hàng ngày nó vẫn gọi điện về hỏi thăm sức khỏe bố mẹ và 2 con, mấy hôm rồi hay tin nó bị dương tính với Covid-19, bố mẹ ở nhà mong tin con từng ngày, từng giờ... nào ngờ đó là những cuộc điện thoại cuối cùng gia đình còn nghe thấy giọng của nó", ông Thống nghẹn ngào kể.
Thế rồi, những ngày cuối tháng 8 vừa qua, chị Trâm bị mắc Covid-19. Mới đầu, chỉ là những dấu hiệu sốt ho, nên chị Trâm nghĩ là mình mắc bệnh cảm thông thường, nhưng sau đó sức khỏe của chị ngày càng tồi tệ hơn và khi làm xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Vào ngày 21/8, chị Trâm được nhập viện tại Bệnh viện Thủ Đức. Sau hơn 9 ngày nằm viện, dù được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, chị Trâm đã không qua khỏi. Do tình hình Covid-19 ở TPHCM vẫn còn phức tạp, nên hiện thi thể của chị đang được quàn ở bệnh viện. Gia đình chưa thể đem về quê hương để mai táng.
Sau khi được bệnh viện thông báo về việc ra đi của con gái trong đại dịch Covid-19, ông Thống lập bàn thờ cúng vọng cho con. Người cha đau đớn kể, "mấy đêm nay, đêm nào thằng Hưng cũng thắp hương cho mẹ, rồi đi vào nằm trong lòng tôi mà khóc. Trong tiếng nấc nó hỏi, mẹ bỏ con đi thật rồi sao ngoại ơi, sau này làm sao con có thể gặp lại mẹ. Không có mẹ rồi ai sẽ thương con!?".
Ông Thống cho biết thêm, hiện tại ông bà tuổi đã cao nên không làm ra tiền. Ông thì canh tác vài mảnh ruộng nhỏ ở quê để kiếm gạo ăn, còn bà thì bán vài thanh kẹo, chai dầu, chai mắm cho người trong làng kiếm đồng lời mua thức ăn, nên khả năng lo cho các cháu ăn học như mọi người là rất khó khăn.
Câu chuyện 5:
Còn hai chị em Nguyễn Lê Tuyết Như (7 tuổi) và Nguyễn Lê Tuyết Nhi (17 tuổi) lại bắt đầu một hành trình mới là về quê ngoại ở Bạc Liêu để học tập. Ba mẹ li dị từ lâu, hai chị em sống với mẹ tại Quận 8. Hơn 1 tháng trước, biết tin mẹ qua đời vì Covid-19, hai chị em chuẩn bị về với ngoại để tiếp tục việc học và cũng để tiện cho ngoại chăm sóc.
Điều mà cả 2 chị em Như và Nhi nuối tiếc nhất, đó chính là chưa được chia sẻ với mẹ nhiều trong quãng thời gian vừa qua. Nói về dự tính tương lai, Tuyết Nhi cho biết, em dự định học xong cấp 3 sẽ đi làm để có thể nuôi em đi học tiếp, cũng là đỡ đần phần nào cho bà ngoại ở quê tuổi đã cao.
Cậu bé Lưu Đức Minh (11 tuổi) ngụ quận 6 lại có phần kém may mắn hơn cả, cha mất khi em còn nhỏ, mới đây lại thêm nỗi đau mẹ mất vì Covid-19, cuộc sống của em càng thêm phần khó khăn. Trò chuyện với Minh, được biết, em đang sống với bà ngoại năm nay đã hơn 70 tuổi. Chính vì vậy mà những công việc nhỏ trong nhà, việc gì có thể giúp ngoại và làm được, em đều đang tập làm: “Con tự nấu ăn, quét nhà, dọn dẹp nhà cửa và học bài, trước đây thì mẹ nấu giúp con. Con ước mơ làm xây dựng để giúp đỡ ngoại”.
Sau một đợt dịch, những đứa trẻ như Đức Minh, Tuyết Nhi, Tuyết Như đều đang phải học cách tự đứng bằng đôi chân của mình. Ở tuổi mà các em chỉ mới nghĩ đến việc ăn và học, thế nhưng Covid-19 đã lấy đi của các em rất nhiều thứ, trong đó có những người thân yêu nhất./.
Cả xã hội dang rộng vòng tay nâng đỡ, không để các em dở dang việc học
Chị Nguyễn Ngọc Nhung - phó trưởng ban thiếu nhi Thành đoàn, phó chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM - cho biết ngay khi nhận thông tin về những trường hợp thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Hội đồng Đội TP.HCM đã tính câu chuyện lâu dài là lo cho việc học của các em.
Hội đồng Đội đã phát động chương trình kết nối học bổng bảo trợ học tập cho các em đến hết cấp III.
Chương trình sẽ hỗ trợ học bổng với mức 3 triệu đồng/năm học cho các em học sinh mất cha, mẹ do dịch bệnh COVID-19, các em đang sống với ông bà hoặc người giám hộ mà hiện nay ông bà hoặc người giám hộ mất hoặc rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt do COVID-19; các em thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, ưu tiên cho con của lực lượng tuyến đầu đang tham gia phòng chống dịch bệnh.
Hơn một tháng qua chương trình đã nhận được đăng ký của hơn 150 nhà hảo tâm, cá nhân, tập thể với hơn 400 suất học bổng cho đội viên, học sinh với tổng kinh phí gần 6 tỉ đồng. Không ít các anh chị văn nghệ sĩ, các anh chị kiều bào, du học sinh ở nước ngoài... đã cùng chung tay chia sẻ với các gia đình và các em thiếu nhi trong thời điểm khó khăn này.
Là một trong những nghệ sĩ đóng góp học bổng cho các bé mồ côi cha mẹ vì COVID-19, ca sĩ Ngô Kiến Huy chia sẻ: "Mình muốn chia sẻ với các em, cùng mong muốn các em được tiếp thêm sức mạnh tinh thần để vượt qua giai đoạn khó khăn, đau thương này. Bởi lẽ liều thuốc tinh thần rất quan trọng với các em lúc này. Các em rồi sẽ có một tương lai tốt hơn".
Bà Huỳnh Thị Kim Ân - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bình Chánh - cho biết tới thời điểm này huyện đã ghi nhận hơn 100 trẻ em mất cha, mẹ vì COVID-19. Ban thường vụ Huyện ủy đã huy động tất cả các đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đồng hành thực hiện mô hình "Trao gửi yêu thương" chăm sóc cho các em.
"Chương trình sẽ vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, chăm lo cho trẻ từ nay đến khi các em tròn 18 tuổi, hoàn thành chương trình phổ thông, có thể là hoàn thành chương trình đại học, giáo dục nghề nghiệp tùy vào hoàn cảnh của từng em.
Ngoài ra có thể mở sổ tiết kiệm cho từng em, có ủy thác sử dụng theo từng năm hoặc đóng góp trực tiếp cho Hội Liên hiệp phụ nữ huyện để quản lý và chi hỗ trợ từng năm", bà Ân nói.
Mai Hân và em trai Thành Danh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bên bàn học, hai em đã phải sớm chịu cảnh mồ côi cha do dịch COVID-19 - Ảnh: Tự Trung
Sẽ trợ cấp đến 22 tuổi
Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM cho hay theo nghị định 20 của Chính phủ, từ ngày 1-7-2021 trẻ em mồ côi cả cha mẹ được hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng với mức 900.000 đồng/tháng nếu dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng với trường hợp đủ 4 tuổi trở lên.
Các em cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường cho đến dưới 16 tuổi. Trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
Ngoài ra, theo các quy định của Luật trẻ em 2016, nghị định 56/2017 và nghị định 20/2021, trẻ mồ côi cả cha mẹ được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú, cậu, dì, người thân, cá nhân, cộng đồng trong xóm, tổ dân phổ, nhận nuôi con nuôi, đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.
Ông Tạ Văn Hạ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội):
Thống kê đầy đủ để chăm sóc, hỗ trợ các em
Trong đại dịch COVID-19, đối tượng bị ảnh hưởng lớn và dễ tổn thương nhất là trẻ em. Ngoài những em mồ côi cha, mồ côi mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ, các em còn có thể bị ảnh hưởng tâm lý, tinh thần và bị lây nhiễm trong thời gian dịch bệnh kéo dài.
Nhiều trẻ mồ côi thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ, người thân có thể bị những đe dọa khác như đối diện với việc thiếu ăn, gián đoạn học tập, thậm chí bị xâm hại, bạo lực... ảnh hưởng đến sự phát triển, an sinh của các em.
Các tổ chức chính trị, xã hội cơ sở, chính quyền các cấp, ngành lao động và y tế cần phải khẩn trương thống kê đầy đủ, không bỏ sót em nào để có chính sách tích cực, khẩn cấp hỗ trợ, chăm sóc cho từng nhóm trẻ.
Chính phủ đã có nghị quyết số 68 và Thủ tướng có quyết định 23, trong đó có đề cập việc hỗ trợ trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế. Vấn đề quan trọng là phải khẩn trương áp dụng các chính sách hỗ trợ này để đảm bảo trẻ em không bị đói khát, thiếu thốn đồ dùng sinh hoạt, học tập.
Phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho các em trước mắt và lâu dài, nghiên cứu tiêm vắc xin để bảo vệ các em. Trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc các trẻ không có người thân.
Quỹ bảo trợ trẻ em hỗ trợ 2 triệu đồng/em
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) - cho hay hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi nói chung và trẻ mồ côi do COVID-19 nói riêng.
"Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi trẻ mồ côi cha mẹ, trẻ có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do dịch COVID-19 từ ngày 27-4 đến 31-12-2021. Trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được sinh ra từ ngày 27-4 đến 31-12-2021 cũng được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi trẻ. Nguồn từ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam" - ông Nam nói.
Theo ông Nam, các địa phương cần lập ngay danh sách đề nghị Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam chuyển tiền hỗ trợ khẩn cấp và thủ tục hoàn toàn có thể hoàn thành sau. Về lâu dài, các địa phương cần có chính sách đặc thù hoặc triển khai hỗ trợ trẻ mồ côi cha mẹ như đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại nghị định 20.
Với trẻ mồ côi cha mẹ, ông Nam lưu ý ưu tiên số 1 là giao người thân thích hoặc họ hàng chăm sóc, nếu không có thì cần tìm các cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, đỡ đầu. Trường hợp không có nơi nương tựa, không còn thành viên trong gia đình hoặc cộng đồng nhận thì đưa các em vào trung tâm bảo trợ xã hội để được nuôi dưỡng, tiếp tục đi học theo nghị định 56 hướng dẫn thi hành Luật trẻ em.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ: "Tấm lòng là không thiếu, điều cần là những tính toán cho lâu dài". Thành phố sẽ tính toán chu toàn nhất để các em nhỏ mồ côi trong đợt dịch Covid-19 có chỗ dựa, phát triển lâu dài, không phải chịu thiệt thòi.
Bên lề buổi làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học sáng 17/9, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã chia sẻ với báo chí về cách thức, phương hướng hỗ trợ đối với hơn 1.500 học sinh phổ thông rơi vào cảnh mồ côi do dịch Covid-19 trên địa bàn.
"Chúng ta cần tính toán chu toàn. Sau mỗi cuộc chiến, bão lũ, dịch bệnh, hậu quả bao giờ cũng có đối với người dân. Trách nhiệm của chính quyền là phải chăm lo", Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ.
Về các phần việc cụ thể, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cho biết, Thành ủy đã bàn với UBND TPHCM, Hội Phụ nữ thành phố để phối hợp, tính toán. Việc chăm lo không chỉ cho giai đoạn trước mắt mà còn giúp các em học sinh có chỗ dựa, phát triển lâu dài, không phải chịu thiệt thòi.
Ông Nguyễn Văn Nên lấy ví dụ một số trường hợp các em mồ côi cả cha lẫn mẹ trong đại dịch, gia đình, người thân chưa ai kịp về để lo các công việc tiếp theo. Chính quyền phải lo lắng, tính toán những kế hoạch chi tiết về việc quản lý, giữ gìn tài sản trước mắt cho các em nhỏ.
"Chắc chắn thành phố sẽ tính toán, sắp xếp ổn định mới phân công nhau cho chu toàn. Xã hội luôn sẵn lòng, cũng đã có các tập đoàn hỗ trợ xây dựng trường học. Tấm lòng là không thiếu, điều cần là những sự tính toán cho lâu dài", ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
------------------
"Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan", ấy vậy mà giờ đây các em đã phải tự gánh gồng tất cả những nỗi đau, mất mát quá lớn lao, phải tự lo cho bản thân mọi thứ trong khi không biết ngày mai rồi sẽ ra sao. Cầu mong rằng cả cộng đồng tích cực cùng chung tay góp sức dìu dắt các em sớm vượt qua nghịch cảnh tai ương này, để những nỗi khổ, niềm đau dần nguôi ngoai theo năm tháng, cuộc sống dần bình an, tương lai vẫn sẽ trở thành những công dân có ích cho đất nước. A DI ĐÀ PHẬT!
..................
Thắm Lê tổng hợp
Nguồn tin: tuoitre.vn, thanhnien.vn, vov.vn, dantri.com.vn, VTC16 (Youtube)
Xem thêm