Bộ đội đi chợ giúp dân trong mùa dịch: "đi dân nhớ, ở dân thương"
Từ xưa chúng ta đều biết đến bộ đội là lực lượng quân sự sẵn sàng bảo vệ đất nước khi có giặc ngoại xâm hoặc khi có thiên tai thì bộ đội vẫn luôn là tuyến phòng thủ hàng đầu hỗ trợ nhân dân. Thật không may giờ đây nước ta đang phải chống chọi lại với một loại giặc mới, chúng "vô hình" nhưng vô cùng nguy hiểm.
Và rồi các anh lại lên đường xông pha nơi "chiến trường" để giúp dân phòng chống dịch. Đây chắc chắn là một trải nghiệm rất mới lạ và không bao giờ quên trong đời của những chiến sĩ mang trên mình những chiếc áo màu xanh sự sống.
Buổi sáng ngày đầu quân đội triển khai làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát và hỗ trợ mua lương thực/thực phẩm cho người dân, cứ nhìn thấy những màu áo xanh, lòng tôi lại rung động. Thương và biết ơn không nói sao cho hết. Những người lính đang cùng thành phố bước vào cuộc chiến thật đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trên đất nước mình.
Người lính trẻ nghiêm ngắn, kỷ luật triển khai bảo vệ chốt chặn |
Cuộc chiến này không có bom rơi đạn nổ nhưng cũng đầy rủi ro, nguy hiểm. “Kẻ thù” không nhìn thấy mặt mà tiềm ẩn khắp nơi, trong giọt bắn và hơi thở của người nhiễm bệnh. Một chiến dịch không có “tiến công” mà chỉ có “ai ở đâu, ở yên đó”.
Nhiệm vụ của những người lính cũng thật kỳ lạ: đi chợ giúp dân. Không còn là hình ảnh “một ba lô cây súng trên vai”, người chiến sĩ hôm nay mang trên tay nào là rau gạo mắm muối, thịt cá trứng sữa… Thay vì diễn tập, hành quân thì họ vào siêu thị, cửa hàng. Lựa chọn của những người lính không phải là tiến hay lùi mà là: “Hôm nay mua gì?”.
Bình dị, gần gũi vậy thôi mà sao thấy thân thương quá đỗi.
Hôm qua, tôi cứ nhìn mãi hình ảnh những chú bộ đội đang lựa chọn hàng hóa trong siêu thị được các báo đăng tải. Họ có mặt ở quầy rau củ, hoa quả, sữa… Những chàng trai trong quân ngũ từng trải qua 11 chế độ nghiêm ngặt mỗi ngày bây giờ đang nhận một nhiệm vụ rất khác.
Bộ đội đang mua hàng cho dân tại siêu thị Co.opmart Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TPHCM - Ảnh: VNExpress |
Những chàng trai vốn ngày ngày luyện tập ở thao trường giờ phải tập phân biệt những loại thực phẩm/nhu yếu phẩm để chọn giúp dân. Những người lính trẻ nghiêm ngắn kỷ luật triển khai việc chốt chặn, những đôi vai thanh xuân đang cùng nhau đảm nhận nhiệm vụ thường ngày vốn là của các bà nội trợ - một nhiệm vụ tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng thật ra không dễ chút nào.
“Lính mà!” - câu nói vui thường lệ của nhà binh có nghĩa rằng đời lính sương gió xông pha, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lính mà, đâu sá gì gian khổ vất vả! Người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam thời nào cũng cống hiến sức mình, vì nước vì dân bằng sức lực, tinh thần và cả trái tim người lính.
Ngày những người lính vào thành phố, người người cứ mong ngóng chú bộ đội sẽ đến nhà mình, khu vực của mình. Không phải vì ai cũng thật sự thiếu thực phẩm/nhu yếu phẩm mà chỉ là bày tỏ cùng nhau một sự mong chờ đầy trân trọng, yêu thương. Thực phẩm người lính mang đến có khi là đồ dùng cho các mẹ các chị, sữa bánh cho trẻ con và cả trầu cau cho người già. Như vậy, hỏi làm sao mà dân không thương.
Lực lượng công an, bộ đội dùng xe ba gác vận chuyển đồ ăn đến phát cho người dân khó khăn |
Trong 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, điều thứ chín là: “Khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng ba điều nên: kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân và ba điều răn: không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân. Để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí”.
Những người lính Cụ Hồ đã, đang và sẽ luôn thực hiện lời thề đó bằng cả danh dự quân đội và bằng cả tấm lòng. Người lính thời chiến sống trong lòng dân và bộ đội thời bình vẫn luôn như thế, vẫn là câu: “Đi dân nhớ, ở dân thương”.
Những ngày qua có nhiều hình ảnh tranh vẽ về chú bộ đội đi chợ giúp dân được lan truyền cho thấy tình quân dân thật ấm áp biết bao:
Dịch bệnh vẫn đang hoành hành nhưng kỳ lạ thay, khi màu áo xanh vào thành phố, ta cảm nhận như có một sự bình an vô hình lan tỏa. Là tình yêu thương, niềm tin, sự biết ơn và hy vọng. Những người lính bồng súng làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm dịch - hình ảnh mạnh mẽ, kiên quyết nhưng lại ấm áp, đầy tin cậy.
… Ngày những màu áo xanh rời khỏi thành phố sẽ là ngày Sài Gòn hết dịch. Cuộc chiến này chỉ có thắng, không có bại. Chắc chắn là như vậy. Có lẽ đó cũng là ngày người dân sẽ nhớ và vô cùng biết ơn các anh…
Bùi Tiểu Quyên - phunuonline.com
Xem thêm