Xót xa những phận đời như bèo dạt mây trôi vì covid - 19
Covid như một cơn bão lớn, khi nó đi qua là tàn phá khủng khiếp, cuốn trôi đi rất nhiều thứ. Và những con người yếu thế trong xã hội càng bị tổn thương nặng nề hơn, như cánh lục bình bị sóng gió dập vùi, dạt trôi lênh đênh trên sông nước mênh mông, không biết ngày mai rồi sẽ ra sao.
Sau nhiều tháng thất nghiệp vì covid, tiền bạc đã cạn đáy... hàng ngàn người đã quyết định rời bỏ phố phường, đi xe hoặc lội bộ vượt hàng trăm đến hàng nghìn cây số để về lại quê hương. Đường trường xa vạn dặm bao trắc trở, gian nan phủ bóng những tấm thân gầy khốn khổ nhưng họ không còn lựa chọn nào hơn. Họ chỉ mong về được đến nơi an toàn, về mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, dù nghèo mà còn có nhau thì vẫn may mắn và ấm áp hơn phiêu dạt, chông chênh nơi xứ người.
1. Chồng tự đỡ đẻ cho vợ trong phòng trọ, chạy xe máy chở vợ con vượt hơn 1.500 km về quê khi con mới được 21 ngày tuổi.
Anh Bách kể, vợ chồng anh gửi đứa con đầu lòng 6 tuổi cho bố mẹ rồi rời núi rừng vào TP.HCM làm thuê kiếm sống gần 2 năm nay. Chị Ánh, vợ anh, làm công nhân may mặc, còn anh Bách làm nghề tự do.
Dịch Covid-19 ập đến, hơn một năm nay, thu nhập của anh Bách bữa có bữa không. Từ tháng 6 vừa qua, hai vợ chồng phải nghỉ việc, “sống mòn” trong phòng trọ chật chội ở Q.Bình Tân, TP.HCM.
Vợ chồng chị Ánh cho đứa con mới sinh đã vượt hơn 1.500 km để về quê. Ảnh: Phan Hồng |
Những đồng tiền tích cóp ít ỏi còn lại rồi cũng hết. Vợ có thai, sắp sinh con. Anh Bách dự tính đưa vợ về quê để sinh nở. Nhưng dịch Covid-19 kéo dài, thành phố bị phong tỏa và cũng không có phương tiện để về nên hai vợ chồng đành phải ở lại.
Không có tiền và không thể ra ngoài mua quần áo, bỉm sữa cho con, anh Bách lên mạng xã hội đăng thông tin xin hỗ trợ và được một số người hảo tâm mua tặng bỉm, quần áo gửi đến.
3 giờ sáng 13.9, chị Ánh đau bụng. Đã sinh nở một lần nên người phụ nữ này biết mình đã chuyển dạ. Hai vợ chồng chỉ còn lại 100.000 đồng nên anh Bách không thể đưa vợ đến bệnh viện để sinh con.
Anh Bách ngồi bên vợ, động viên để vợ tự vượt cạn. Khu nhà trọ có gần 30 phòng trọ nhưng rất nhiều phòng đang có F0 nên anh Bách không dám gõ cửa nhờ ai. “Lúc đó, em cũng rất lo nhưng không còn cách nào khác, phải động viên vợ cố gắng”, anh Bách kể.
Anh Bách gọi điện về cho mẹ ở quê, hỏi cách đỡ đẻ. Bà mẹ lo lắng, chỉ cho anh cách đỡ đẻ, cắt dây rốn, tắm cho bé…
Hơn 6 giờ sáng cùng ngày, chị Ánh vỡ ối, sinh con. Anh Bách đỡ đẻ cho vợ theo cách của người mẹ ở quê bày cho. May mắn, đứa con trai đã chào đời khỏe mạnh trong căn phòng trọ. “Khi vợ đẻ xong, mọi việc ổn rồi, em mới thở phào vì lo lắm, cứ sợ có chuyện gì thì không biết xử lý ra sao”, anh Bách nói.
Anh Bách đang kể chuyện đỡ đẻ cho vợ. Ảnh: Phan Hồng |
Những người ở cùng khu trọ đã hỗ trợ mỗi người một vài trăm ngàn. Anh Bách có tiền mua sữa cho con và thức ăn để bồi dưỡng cho vợ những ngày sau sinh.
Và vợ chồng anh lập tức lên đường về quê ngay sau khi TP.HCM có quyết định “hé cửa”.
Hành trình nhọc nhằn
3 giờ chiều4.10, vợ chồng anh Bách cùng đứa con mới sinh 21 ngày tuổi được bọc trong chiếc khăn và lỉnh kỉnh đồ đạc rời thành phố về quê. Hành trình về quê hơn 1.500 km, họ đi bằng chiếc xe máy cũ.
Không biết đường đi, anh Bách chạy đến điểm chốt kiểm soát dịch Covid-19 thì gặp mấy xe máy đang chạy ra các tỉnh phía bắc nên đi theo. Nhưng anh không dám chạy nhanh vì sợ bất trắc khi đứa con còn quá nhỏ nên bị tụt lại sau. Đến ngã ba, ngã tư, anh Bách phải dừng lại hỏi đường, rồi gặp những người hồi hương khác và cứ thế, chạy theo họ.Đứa bé còn quá nhỏ nên thi thoảng quấy khóc vì đói. Anh Bách phải dừng xe để vợ cho con bú. Sữa mẹ không đủ thì cho con uống sữa tươi được người dân cho khi đi qua các điểm chốt. Đêm, gặp chỗ nào phù hợp thì dừng xe, trải áo mưa xuống, ngủ. Đồ ăn được các điểm chốt trên đường hỗ trợ nên có gì ăn nấy, cũng qua ngày.Đến Gia Lai thì trời bắt đầu mưa to. Đứa bé bị ướt lạnh, khóc. Anh Bách phải chạy rất chậm. Hai vợ chồng phải nhiều lần dừng xe vì thương con.
Khi chạy đến Kon Tum, đang đi trên QL14B, anh Bách quá mệt và mất ngủ nên vừa chạy xe vừa ngủ gật. Xe máy bị ngã. “Rất may, em kịp che chắn được nên vợ không bị ngã, em bị xây xát nhẹ và suýt nữa thì gãy chân”, anh Bách kể.
Về đến thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), anh Bách kiệt sức, không chạy được nữa. May mắn, vợ chồng anh gặp được nhóm người thiện nguyện tại đây hỗ trợ bằng xe ô tô, anh Bách gửi xe máy lại rồi cùng vợ con lên xe ô tô về Nghệ An, khi quãng đường về nhà còn hơn 500 km.
Vợ chồng anh Bách về đến TP.Vinh, Nghệ An. Ảnh: Phan Hồng |
Tại điểm đón ở cầu Bến Thủy (TP.Vinh, Nghệ An), khi biết hoàn cảnh vợ chồng anh, một người hảo tâm đã hỗ trợ vợ chồng anh 3 triệu đồng. Vợ chồng anh được xe ô tô của tỉnh Nghệ An chở về điểm cách ly tại H.Tương Dương.
“Vợ chồng em đã được test nhanh và âm tính với dịch Covid-19. Em rất mừng vì đã về quê an toàn. Em rất biết ơn tấm lòng tốt của những ngườ đã giúp vợ chồng em, nếu không, sẽ còn lâu vợ chồng em mới về đến nhà”, anh Bách chia sẻ.
Chỉ còn 100.000 đồng trong túi, hai vợ chồng quê Nghệ An quyết định sinh con ở phòng trọ tại TP.HCM, người chồng đã đỡ đẻ rồi chở vợ con bằng xe máy vượt hơn 1.500 km về quê.
Ngày 8.10, vợ chồng anh Lương Văn Bách (28 tuổi) và Kha Thị Ngọc Ánh (27 tuổi, ở bản Văng Môn, xã Tam Hợp, H.Tương Dương, Nghệ An) đã về đến quê nhà sau khi vượt hơn 1.500 km.
“Bây giờ nghĩ lại cảnh đỡ đẻ cho vợ và chạy xe máy về nhà, em vẫn còn rùng mình”, anh Bách nói.
Bản Văng Môn, quê nhà của vợ chồng anh Bách. |
2. Hai vợ chồng với hành trang chỉ có bộ quần áo với tấm võng, mỗi lúc mệt mỏi lại nghĩ đến đứa con làm động lực
Vì hoàn cảnh khó khăn, kinh tế khánh kiệt nên vợ chồng chị Trần Nhã Loan (quê Trà Vinh) chỉ xách theo bộ đồ, dắt túi vài chục nghìn túc tắc đi bộ từ TP.HCM về quê Trà Vinh.
"Cả gia đình có cái xe máy mà đem đi cầm rồi. Giấy tờ xe mang đi cầm từ hồi đầu năm ấy, rồi giờ đi chuộc lại thì người ta nói giá cao quá, không có tiền để lấy lại. Rồi hôm trước em ra đường mua thức ăn đợt TP đang thực hiện Chỉ thị 16 nên bị công an giữ xe".
Những lúc ngồi nghỉ mệt, vợ chồng chị Loan lại tranh thủ gọi về cho cô con gái 6 tuổi đang thực hiện cách ly y tế khi vừa trở về quê từ 2 hôm trước
Sau khi bị đuổi khỏi nhà trọ, 2 vợ chồng lay lắt ngủ ngoài gầm cầu đã hai đêm nên dù xa xôi và mệt mỏi nhưng cũng quyết tâm đi bộ về đến quê.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, chị Loan cho biết, hai vợ chồng chị đã có một bé, nhưng đợt dịch vừa rồi chị đã gửi con về quê trước với người chị gái và đang thực hiện cách ly.
"Trước giãn cách, tôi đi làm công ty may nhưng sau đó dịch bùng phát công ty phát hết lương tháng cuối, khoảng hơn 4 triệu đồng cho hơn 10 ngày làm việc rồi báo nghỉ đến giờ là thất nghiệp 3 tháng rưỡi rồi. Còn chồng tôi đi làm phụ hồ".
Nhiều người tốt dọc đường ngoài hỗ trợ chút tiền thì còn tặng thêm nước uống, bánh mì, sữa cho hai vợ chồng
Bên cạnh đó, chị Loan cho biết trong suốt nhiều tháng giãn cách cả gia đình chị chỉ nhận được 5 kí gạo, cuộc sống rất khó khăn. "Tôi không hề nhận được hỗ trợ nên có lên xã để hỏi nhưng họ bảo gọi đến đường dây nóng đi. Hai vợ chồng có gọi đến đường dây nóng nhưng đều báo máy bận. Đói quá lại khó khăn nên đành gửi con trai nhờ chị hai đem về quê từ 2 hôm trước. Trong túi còn mấy chục ngàn nhưng đành lội bộ về quê đến đâu hay đến đó, chỉ mong về đến quê".
"Lúc đầu tụi em đi cũng có đem mền gối, nhưng đi được 1 quận thì hai vợ chồng đuối quá nên bỏ bớt chỉ xách theo bộ đồ với cái võng, đi đến đâu mệt thì giăng võng ngủ nghỉ ở đó. Chứ mình đi bộ cũng đâu có chỗ nào để tắm, đâu có gì để ăn... Người ta cho gì thì ăn đó thôi. Từ đây về quê hơn trăm cây lận, xách nặng tụi em cũng đuối không có đi nổi".
Dẫu xa xôi nhưng nghĩ đến được đoàn tụ với con gái hai vợ chồng chị Loan lại có thêm động lực để lội bộ về quê
Theo chia sẻ của vợ chồng chị Loan chuyến về quê này anh chị sẽ ở lại quê luôn chứ không tính quay lại TP.HCM. "Em tính về quê chuyến này là ở nhà giữ con luôn. Lên trên này mang tiếng kiếm nhiều tiền nhưng xoay sở vòng vòng rồi cũng tiêu hết. Những lúc dịch bệnh, khó khăn như thế này không có gì chi tiêu. Giờ nếu giãn cách thêm đợt nữa là chết đói thật luôn".
Hai vợ chồng chị Loan đi bộ hàng trăm km về quê nhưng vét hết túi chỉ còn hơn 90 nghìn đồng. Thương cảm cho hoàn cảnh của hai vợ chồng, một người đàn ông đã gửi chút tiền để có thêm kinh phí ăn uống dọc đường.
Sau chuyến hồi hương đầy vất vả này, chị Loan cho biết vợ chồng chị sẽ ở quê làm ăn, giữ con, có gì ăn nấy chứ không quay lại TP nữa
Mỗi lúc mệt mỏi, hai vợ chồng lại dừng chân ngồi nghỉ bên đường, tranh thủ gọi cho đứa con nhỏ 6 tuổi đang cách ly ở quê để có thêm động lực. Vợ chồng chị Loan cũng cảm thấy vui khi dọc đường đi có rất nhiều người giúp đỡ cho đồ ăn, nước uống, bánh mì, sữa... trên suốt dọc đường về Trà Vinh.
3. Cả gia đình chỉ có 7000 đồng trong túi để đi bộ về quê
Cũng như nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, cả gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ cũng đang trên đường dắt díu nhau đi từ Long An về Kiên Giang sau nhiều tháng thất nghiệp vì dịch bệnh. Hoàn cảnh khó khăn không có phương tiện đi lại nhưng may mắn có người tặng cho chiếc xe đạp để chở đồ đạc đỡ được phần nào vất vả trong suốt hành trình dài.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, chị Thạch Thị Thanh cho biết, "Trên Long An thất nghiệp suốt từ tháng 5 tới giờ nên đành đi bộ về nhà. Dù đường xa nhưng đành để cả 2 đứa con đi bộ cùng, khi nào nó mỏi chân thì nó kêu bố mẹ bế. May mắn dọc đường cũng được mọi người giúp đỡ đồ ăn, nước uống và sữa cho 2 đứa nhỏ.".
Cả gia đình chẳng có tài sản gì quý giá, ngoài chiếc túi có vài bộ đồ chằng đằng sau chiếc xe đạp. Hai đứa nhỏ vì mệt mỏi khi di chuyển quãng đường xa nên nằm ngủ lăn lóc trên manh chiếu trải dưới nhà dân bên đường.
Hai vợ chồng chị cũng đã thất nghiệp 4 tháng nay, dù được hỗ trợ gạo nhưng không có tiền để trả tiền trọ và chi tiêu
Cũng như nhiều gia đình khác, gia đình chị Thanh cũng xác định lần này về quê ở hẳn không trở lại Sài Gòn nữa.
"Từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ khổ sở như thế này. Trước kia về quê đều đi xe đò, nhưng lần này chỉ có đi bộ về. Chứ ở đây không có tiền đóng tiền nhà, cả gia đình về phải trốn chủ trọ vì thiếu tiền. Gia đình ở quê cũng mong ngóng trở về".
Chồng chị Thanh cũng chia sẻ, dù đi đường rất mỏi, chân nhiều vết chai và bọc nước nhưng không còn cách nào khác nên đành cắn răng đi về quê. "Lên đây 5 tháng mà chỉ làm được 1 tháng thôi còn lại thất nghiệp. Gạo thì được mạnh thường quân giúp đỡ cho nhưng không có tiền trả tiền trọ rồi tiêu lặt vặt nên bắt buộc phải về.
Trước kia hai vợ chồng làm phụ hồ, công việc đều thì cũng dư được chút đỉnh nhưng dịch như này thì thua. Hôm trước, tôi có gọi cho cai thầu rồi nhưng họ báo vẫn chưa có việc nên đi về.
Cả quãng đường dài, tôi thì đeo ba lô với dắt xe đạp, còn lại 2 đứa nhỏ đi bộ, đứa nào mệt thì mẹ nó cõng. May có chiếc xe đạp nó cũng tiện hơn chút".
Sau quãng đường dài mệt nhọc, các em tranh thủ nằm ngủ trên manh chiếu mỏng dưới mái hiên trước khi cùng cha mẹ tiếp tục hành trình
Quãng đường về quê xa xôi, nhưng vợ chồng chị Thanh cũng không dự tính được sẽ phải đi bao lâu mới về được đến nhà, chỉ biết "đi được đến đâu tính đến đó, mệt ở đâu nghỉ ở đó".
"Mình tính lên đây sẽ lập nghiệp ở đây nhưng chịu hết nổi đành phải về. Ở quê hai bên nội ngoại đều nghèo nên cũng cố lên TP tìm kiếm cơ hội phát triển, rồi nuôi hai đứa nhỏ nhưng dịch bệnh...", vợ chồng chị Thanh chia sẻ.
Sau nhiều tháng dời quê đi TP lập nghiệp, khi quyết định quay trở về trong túi của vợ chồng chị Thanh chỉ còn lại 7.000 đồng. Cả gia đình 4 thành viên chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của những người tốt bụng dọc đường và các cô chú cùng đi bộ về quê.
Mong rằng tất cả đều bình an và mạnh khoẻ để trở về với gia đình và quê hương.
4. Cay mắt chuyện gia đình 5 người đẩy nhau trên chiếc xe ve chai rời Sài Gòn về quê: "Xe máy bị mất trộm, kinh tế kiệt quệ rồi, đành đi bộ về thôi"
Kinh tế kiệt quệ do dịch bệnh kéo dài nên cả gia đình quyết định lội bộ về quê
Hoà vào dòng người từ TP.HCM về quê, vợ chồng anh Nguyễn Tùng Em và chị Trương Thị Kiều Oanh (Hồng Ngự, Đồng Tháp) quyết định đi bộ hơn 140km về quê Đồng Tháp. Tất cả đồ đạc của cả gia đình đều gói gọn trên chiếc xe 3 bánh.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Tùng Em (38 tuổi) đang cùng vợ và 3 người con đi bộ về quê cho biết, vợ chồng anh lên thành phố làm thuê từ tháng 9/2019 nhưng vì dịch bệnh kéo dài nên cả gia đình rơi vào cảnh thất nghiệp, túng thiếu suốt hơn 2 tháng nay.
Dù quãng đường từ TP.HCM về Đồng Tháp khá xa nhưng cả gia đình cố gắng đi bộ
Chiếc xe ve chai mua với giá 600.000 đồng được cả gia đình trưng dụng để hết đồ đạc và cho con nhỏ ngồi lên, đẩy đi
Đồng thời, cả gia đình cùng mắc Covid-19 vừa mới khỏi bệnh nên kinh tế càng kiệt quệ. "Vợ mình mắc bệnh tim lại bị nhiễm Covid-19 nhưng may mắn đã khỏi bệnh. Cả gia đình thuê trọ với giá 2 triệu đồng/tháng nhưng không có tiền trả. Nhân dịp nghỉ hè nên cho 3 đứa nhỏ lên chơi với bố mẹ nhưng không ngờ vướng dịch nên mắc kẹt lại".
Xe khách thì không hoạt động, xe máy vừa mới bị trộm mất nên cả nhà quyết định lội bộ vượt hơn 200km để về quê.
Đôi dép của cả gia đình đã mòn hết đế
Chia sẻ với chúng tôi, chị Kiều Oanh cho biết, "Lúc tôi đi cách ly, mấy tên trộm vào nhà trọ ăn cắp mất chiếc xe Honda rồi. 3-4 tháng nay, tôi đâu có mần được tiền đâu. Rồi thêm nhà bị nhiễm Covid-19 nữa nên chịu hết nổi rồi. Đi xin người này người kia để có tiền ăn nhưng không lẽ người ta cho mình hoài. Giờ hết tiền rồi, nên hai vợ chồng bàn nhau đi bộ về quê, ở xóm người ta thương nên mua cho cho cái xe ve chai để đẩy mấy đứa nhỏ về".
Xuất phát từ tờ mờ sáng tại xã Bình Hưng (Bình Chánh, TP.HCM), hành trang của họ là cái xe đẩy chất hết hành trang, vật dụng trong gia đình. Hai đứa nhỏ chưa có sức đi thì ngồi trên xe cho cha đẩy còn chị Oanh với bé lớn đi bộ phía sau.
Quãng đường xa nên mệt ở đâu cả gia đình sẽ dừng chân tạm nghỉ ở đó
Anh Em tranh thủ uống ngụm nước trước khi tiếp tục lên đường về quê
Theo chia sẻ của người phụ nữ này, đoạn đường về quê xa xôi, phương tiện và kinh phí không có nhiều nên cả gia đình đành túc tắc đi, mệt ở đâu sẽ dừng nghỉ ở đó. "Ở dưới quê cũng bệnh hoài nên tính lên đây đi làm, gần bệnh viện tiện đi khám, lấy thuốc luôn. Nhưng mới đi làm được 2 tháng thì dịch bệnh luôn đến bây giờ. Tôi mới xin vào làm công ty may nhưng được 2-3 hôm thì nhiễm bệnh luôn, còn chồng đi làm phụ kho. Chưa bao giờ chúng tôi lâm vào cảnh này".
Chị cho biết, cũng muốn trụ lại thành phố nhưng vì gia đình không có tiền để duy trì cuộc sống, đóng tiền trọ nên đành về quê.
Dù mệt mỏi và thương các con nhưng do dịch bệnh, không có xe khách, tiền bạc không còn nhiều nên vợ chồng anh chị đành bấm bụng đi bộ
Anh Tùng Em cho biết, có chiếc xe ve chai này gia đình cũng đỡ mệt phần nào. "Có xe tôi để đứa nhỏ lên đó rồi đẩy nó về. Thấy con mình thế cũng xót ruột xót gan nhưng biết sao bây giờ. Thấy nó đi bộ mà tội nghiệp lắm".
Nói về dự định sau khi về quê, vợ chồng anh Tùng Em cho biết tạm thời chưa có ý định quay lại Sài Gòn mà ở nhà "có gì ăn nấy". Tuy nhiên, trước mắt gia đình anh Em cũng chưa biết sẽ đi đến bao giờ mới về đến quê. "Bình thường chạy xe máy là hơn 4 tiếng, đi thế này không biết thế nào nữa. Cũng có người cho tiền đi taxi nhưng mà không đủ, vì đi taxi 5 người là khoảng 2 triệu đồng nên đành thôi".
Năm nay, bé lớn lên lớp 8, 2 đứa nhỏ cũng chuẩn bị vào cấp 1. Năm học mới đến, 3 đứa con đều đã phải trở lại trường học, nên gia đình anh đành đi bộ về để các con theo kịp chương trình. "Mấy đứa đi học rồi, đang phải học online nhưng không có sách vở trên này nên phải đi về. Dù biết về đến Đồng Tháp phải cách ly thêm 14 ngày nhưng về được tới quê là mừng rồi", anh Em tâm sự.
Em bé nhỏ nhất nhà được ưu tiên cho ngồi lên xe bố mẹ đẩy đi, nhưng thỉnh thoảng em lại ngoái lại để trò chuyện với gia đình
Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, khiến gia đình lâm vào cảnh khốn cùng, không thể bám trụ lại miền đất hứa. Hành trình về quê với quãng đường dài, cả gia đình có thể phải di chuyển trong 3-4 ngày và gặp rất nhiều khó khăn nhưng họ vẫn chấp nhận. Bởi cả gia đình đều khát khao được trở về nhà, được ổn định cuộc sống và tìm công việc mới.
Không chỉ gia đình anh Tùng Em, mà nhiều người lao động xa quê khác cũng di chuyển về nhà bằng xe đạp
Cũng còn chút may mắn và an ủi cho những mảnh đời bất hạnh này là họ vẫn còn giữ được sinh mạng nguyên vẹn để có thể trở về quê hương và trên suốt hành trình cam go đó họ đã gặp được những tấm lòng tốt sẵn sàng sẻ chia những bữa ăn cho đỡ đói lòng, tặng thêm lộ phí, hay cho đi nhờ xe...Cầu mong sao cho họ sau khi họ trở về đến quê hương an toàn thì cuộc sống dần ổn định, được ấm no, an vui mãi mãi.
Nguồn: kenh14.vn
‘Tháo chạy để sống’ – cơn khủng hoảng ‘nằm ngoài mọi kịch bản’ hay đã bị ủ từ lâu?
Xem thêm