Kỳ tích của cậu bé không tay chân suýt bị cả làng chôn sống
Có một chàng trai sinh ra từ núi rừng Gia Lai, nhưng không may bị khuyết thiếu tay chân, dân làng cho là con của quỷ dữ bắt chôn sống, nhưng có lẽ do trời còn thương mà cậu ấy thoát chết và dần lớn lên trở thành niềm tự hào của ba mẹ và cả dân làng sau này bởi cậu có nghị lực sống phi thường và trái tim tràn đầy tình nhân ái.
Vượt qua tập tục, khai sinh lần hai
Làng Ji A thuộc Krông Năng, huyện Krông Pa (Gia Lai) chìm khuất giữa đại ngàn núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Nơi đó, vẫn còn tồn tại nhiều luật tục mà mỗi khi nhắc đến, nhiều người không khỏi khiếp sợ.
19 năm về trước, trong một ngày đầu năm mới, cậu bé Nay Djruêng, đứa con thứ 8 trong gia đình vợ chồng ông bà K’Bór Djoang và Nay H’Chẻ (đều SN 1947) cất tiếng khóc chào đời. Nhưng ngược lại với không khí mùa xuân tươi vui, đêm đó lại là đêm trắng hãi hùng.
Bé trai sinh ra không chân, không tay, ngọ nguậy trong tấm chăn mỏng, gợi cho ông bà nhớ lại hình ảnh đứa con thứ hai cũng ra đời như vậy hơn chục năm trước. Giữa sự chứng kiến của buôn làng, đứa con thứ hai khi đó bị mọi người ép chính tay người cha đào hố chôn sống.
Nỗi ám ảnh ấy cứ ngỡ vùi quên theo năm tháng, ai ngờ… “Con không ra hình thù con người là con của ma quỷ. Không mang chôn sống nó, nó báo hại cả làng. Giàng bắt phạt…”, những quan niệm mê muội đó từ đời này nối sang đời khác cứ vọng lên trong đầu ông.
Vì hủ tục ấy, ông ám ảnh nhiều đêm thức trắng. Đến thú dữ cũng không nỡ ăn thịt con mình, huống chi một người cha, người trần mắt thịt?. Mỗi lần nhìn Nay Djruêng, nghĩ đến giây phút thêm một lần tự tay chôn đi đứa con do mình rứt ruột sinh ra, ông buồn bã uất hận.
Ông hận con ma, con quỷ đã bắt con ông thành hình hài của quái vật chứ khi ấy chưa hiểu rằng, chất độc chiến tranh đã dẫn đến hậu quả trên.
Mùng Một Tết, trước sự chứng kiến của các già làng uy tín trong buôn, ông dằn lòng một lần nữa đào hố để chôn con theo hủ tục. Nhưng khi vừa lấp đất đến ngang vai, nhìn đứa con vô tội khóc thét vì khó thở, ông liền lao xuống xới đất bế con lên, rồi ông quỳ tạ tội và xin chịu phạt trước dân làng. Đứa bé được khai sinh trên cõi đời lần thứ hai.
Việc người cha phá tục lệ để cứu con đã biến ông trở thành “tội đồ” của tộc người J’rai trong buôn làng Ji A. Cả đêm hôm đó, gia đình Nay H’Chẻ bị làng bắt hết trâu bò, thóc lúa để cúng thần, cúng Giàng, còn bị đuổi vào tận rừng sâu sinh sống…
Cơ cực trăm bề, họ dắt díu nhau đi gây dựng lại cuộc sống từ tay trắng, từ những miệt thị của dân làng. Những ngày sau, may nhờ cán bộ địa phương biết chuyện tìm tới giải thích, khuyên nhủ, gia đình Nay H’Chẻ mới được về lại nơi cũ, sinh hoạt bình thường.
Thế nhưng, kì tích vẫn chưa dừng lại, mà được Nay Djruêng viết tiếp bằng sự tự hào của bố mẹ, của buôn làng, khi bước chân vào giảng đường đại học.
Mới sáu tuổi, đứa trẻ tật nguyền đã biết níu chân cha xin được đi học. Người cha sau phút ngạc nhiên nhìn con rồi lặng lẽ ngước về phía ngôi trường xa xa trong bản, lắc đầu.
Thâm tâm ông cũng muốn con được học hành, nhưng lại sợ bạn bè trêu chọc con, vô tình xoáy vào nỗi bất hạnh con gặp phải, nên đành thôi. Vậy mà sau nhiều đêm trắng nghe con đeo theo nài nỉ, một buổi sáng, ông cõng Djruêng tới lớp, xin cho con vào học. Dù rất ngại khi nhận Djruêng, sẽ gây xáo trộn lớp học nhưng vì nhiệt huyết của em, các cô giáo không nỡ chối từ.
Kì tích của cậu bé không tay
Không chân, không tay nhưng Nay Djrueng vẫn lớn lên bình thường như những đứa trẻ Jrai khác. Cậu thèm được đi học nhưng sợ bị bắt nạt, sợ các anh, chị, em của mình xấu hổ. Nay Djrueng thèm lên rẫy, nhưng cha mẹ bận làm, không thể cho theo. Hàng ngày, cậu chỉ biết ngồi khóc một mình trong căn nhà đã khóa cửa.
Năm cấp một, Djrueng có duy nhất bộ quần áo để đến trường. Đôi dép đi ngược ra phía sau của Djrueng giúp cậu đỡ bỏng rát khi đi trên cát. Năm lớp 4, cậu được tặng chân giả, nhưng đau nếu di chuyển nhiều. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Mãi đến năm 8 tuổi, khi các chị, các anh đã rời trường làng, Nay Djrueng mới dám xin cha mẹ cho đi học. Ban đầu, ông Djoang chở con đến lớp. Được ba ngày, Djrueng bảo với bố "để tui tự đi với bạn".
Bằng "đôi chân" không đều nhau, cậu bé người Jrai đến trường cách nhà hơn 600 mét. Mùa nắng, cát bỏng rát khiến "đôi chân" trần sưng tấy. Mùa mưa, nước ngập đường làng, mẹ phải cõng cậu đến trường. Đến năm lớp 3, Djrueng năn nỉ mẹ mua cho đôi dép, gập ngược ra phía sau đi.
"Nó đi bằng đầu gối, nhưng có bạn bè rủ đi chơi là đi ngay. Nó vui vẻ, quậy lắm chứ không có hiền", ông Djoang nhớ lại. Suốt năm cấp một, cậu chỉ có duy nhất một bộ quần áo đến trường. Cứ sáng giặt phơi khô, chiều lại mặc đến lớp.
"Cuộc sống càng khó khăn càng thôi thúc tôi học để thay đổi đời mình", chàng trai hiện cao chỉ một mét kể.
Đến cấp hai, Djrueng được vào trường nội trú. Mọi sinh hoạt đều phải tự túc. Tuần nào các bạn cũng được bố mẹ đón về, chỉ Djrueng một mình ở ký túc xá. Vợ chồng ông Djoang còn bận nuôi đàn con ăn học, không còn thời gian cho đứa con xa nhà. Có những tuần, cậu đi bộ hơn 20 km về thăm nhà.
Các thầy cô, bạn bè không bỏ quên cậu học trò khuyết tật. Biết trò không có cơm trưa khi phải học cả ngày, giáo viên hùn tiền mua cho Djrueng. Sách vở, tài liệu của cậu học trò khuyết tật được cha nuôi – là một thầy giáo trong trường mua tặng.
"Tình thương của thầy cô cũng tiếp sức cho tôi. Có lần tôi ốm suốt vài ngày liền, không có bố mẹ bên cạnh, thầy dạy Vật lý nấu cháo mang vào giường cho tôi ăn", Djrueng kể.
Học cấp hai, nhiều thầy cô "phát khóc" vì ngày nào kiểm tra, cậu học trò cũng không thuộc bài. Dù thức đêm học bài rất kỹ nhưng, Djrueng không thể trình bày kiến thức dưới dạng lý thuyết.
Để khắc phục, Djrueng cố gắng lấy điểm miệng ngay trên lớp. Trong các kỳ thi, cậu ghi điểm ở các bài tự luận. Mỗi tháng, được trợ cấp, cậu luôn dành tiền mua ít nhất hai cuốn sách nâng cao để ôn luyện.
"Khiếm khuyết ngoại hình nhưng em ấy không hề mặc cảm. Djrueng thích hát và rất có năng khiếu", cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, giáo viên dạy âm nhạc tại trường Phổ thông dân tộc nội trú Krông Pa kể. Đã về hưu sau khi chở hàng chục "chuyến đò", nhưng ấn tượng về cậu học trò Djrueng vẫn đậm nguyên trong lòng cô.
"Hoạt động nào Djrueng cũng tham gia. Các bạn làm lao động em ấy cũng cầm chổi đi quét. Chân em lết lết từ chỗ nọ sang chỗ kia. Tôi bảo đeo chân giả vào, nhưng Djrueng nói ‘đeo nhiều em đau lắm cô ạ’", nữ giáo viên về hưu rơm rớm kể.
Có lần huyện Krông Pa tổ chức cuộc thi "Tiếng hát quần chúng", cô Tuyết thấy Djrueng háo hức nên đăng ký để hai cô trò tham dự. Nhiều người nghi ngại khi một đứa trẻ không tay chân đại diện cho trường đi thi, nhưng năm đó cô trò Djrueng giành giải nhì.
Dù bẩm sinh có giọng ca khá ngọt ngào và đã từng quyết định rẽ ngang khi vừa tốt nghiệp lớp 9, xin vào đội văn nghệ của một trung tâm khuyết tật ở Hà Nội nhưng rồi vì nhớ trường, Nay Djruêng lại quay về học tiếp.
Nay Djruêng |
“Lên lớp 11 em được học môn tin học, em bắt tay vào lập trang web dành cho các bạn khuyết tật để các bạn có cơ hội chuyện trò, chia sẽ với nhau, cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Hơn nữa, trong một lần xem chương trình truyền hình về "hiệp sĩ công nghệ thông tin" Nguyễn Công Hùng – người khuyết tật đã thành lập trung tâm tin học – Djrueng quyết định theo học cao đẳng công nghệ thông tin tại trường Đại học Đà Nẵng. Em không ngờ, chính từ điều ấy khi tốt nghiệp lớp 12 em lại chọn ngành CNTT để theo định hướng nghề nghiệp cho đời mình”, Nay Djruêng chia sẻ thêm.
Ấn tượng giảng đường đại học lần đầu tiên đối với em là thầy quản lý kí túc xá. Thầy đã vác giúp vali của cậu bé tật nguyền này lên đến tầng năm, còn em cũng phải tất bật leo theo chân thầy, mệt phờ nhưng ấm áp khi được nhiều người động viên, chia sẻ.
Chàng sinh viên không tay, không chân Nay Djruêng
Lần đầu nhìn thấy cậu bạn người dân tộc khuyết tật, ăn mặc lếch thếch, Nguyễn Văn Tiến, quê Hà Tĩnh rớm nước mắt vì thương. Nhưng lên lớp, Tiến "sốc" khi thấy Djrueng tự tin giới thiệu về mình trước cả lớp. "Cậu ấy ứng cử làm lớp trưởng rồi làm hết 3 năm cao đẳng luôn. Hoạt động nào cũng hô hào anh em. Nếu Djrueng không có sức khỏe để tham gia thì đến cổ vũ", Tiến kể.
Các bạn trong lớp đề nghị đưa đón Djrueng từ ký túc xá đến trường nhưng cậu từ chối. Dù đi chân giả đau, nhưng cậu lớp trưởng này chưa từng nghỉ học ngày nào.
Tốt nghiệp, Nay Djrueng đã xin việc ở một vài công ty, nhưng sau một thời gian cậu muốn tiếp sức cho những hoàn cảnh không may như mình nên nhận việc chăm sóc một phần website từ thiện. Năm 2014, Nay Djrueng xây dựng quỹ "Tiếp sức đến trường" để đồng hành với học sinh vùng sâu, vùng xa. Quỹ còn eo hẹp nên học sinh nghèo ở hai trường cấp một và cấp ba mà cậu từng theo học được ưu tiên.
Mỗi dịp khai giảng, Djrueng trực tiếp về trường trao quà. Nếu không kêu gọi được các mạnh thường quân, cậu tự bỏ tiền túi. "Tôi từng được rất nhiều người yêu thương, giúp đỡ, nên muốn giúp tiếp thêm lửa cho các em qua những món quà nhỏ", cậu nói.
Từng dạy Djrueng, thầy Dương Văn Cư, giáo viên sinh học trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krông Pa không ngạc nhiên khi cậu học trò cũ liên hệ nhờ kết nối để tặng quà cho các em khóa dưới.
"Tôi vẫn nhớ ngày còn đi học, khi cả lớp bị phê bình, em ấy đứng ra nhận lỗi. Khi trường trao quà cho học sinh nghèo vượt khó, Djrueng thường chủ động nhường cho bạn khác. Em ấy không chỉ là niềm tự hào của trường mà còn là tấm gương sáng của ba xã nam sông Ba, Krông Pa, Gia Lai", thầy Cư nói.
Chia tay, chàng trai giàu nghị lực không tay, không chân một lần nữa nở nụ cười như tổng kết cuộc đời mình: “Có niềm tin và quyết tâm là sẽ có tất cả”.
Tổng hợp theo baophapluat.vn & vnexpress.net
Xem thêm