Lớp học tiếng Anh 'vỡ lòng' của các cụ U90 ở Hà Nội
Đời người hữu hạn, tuổi già thường đến bất chợt, thoáng chốc khi ta nhận ra thì tóc đã bạc, mắt đã mờ, chân đã chậm... Già yếu, bệnh tật và cả sự cô đơn trống trải khiến bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy lo lắng, bất an khi nghĩ về tuổi già. Thế nhưng có những người già lại chẳng bao giờ biết buồn. Họ là các học viên U80, U90 của lớp học tiếng Anh đặc biệt nằm trên tầng 3 ở khu tập thể cũ trên phố Nguyễn Công Hoan (quận Ba Đình, TP Hà Nội).
Cụ bà Nguyễn Thị Thanh Đà được giới thiệu là học viên học giỏi nhất lớp dù năm nay bà đã 81 tuổi. Bà tự hào khi ở tuổi cao học thêm một ngôn ngữ mới “Chúng tôi xác định đi học tiếng Anh là yêu nước. Chúng tôi không còn đủ sức khỏe ra hải đảo để giữ gìn biên cương đất nước, trong căn phòng nhỏ bé này chúng tôi làm cho đất nước mình rạng rỡ”.
Dù gặp không ít khó khăn khi tiếp xúc tiếng Anh khi tuổi đã cao, nhưng bà Đà luôn kiên trì học từng chút một. Bà bảo đi học ở tuổi này là cách để bắt nhịp cùng thời đại, tìm niềm vui để cảm thấy bớt lạc lõng, cô đơn. Từ ngày tham gia lớp học tiếng Anh, bà Đào được gặp gỡ và giao lưu, học thêm kiến thức mới, về nhà có sự kết nối với con cháu và gắn kết trong gia đình.
“Tôi dạy mấy đứa chắt bảng chữ cái tiếng Anh, bố mẹ cháu cũng thích. Cụ học tiếng Anh dạy cho thằng Gấu đọc ABC. Những từ không hiểu thì tôi hỏi các cháu giải thích nghĩa và phát âm cho chuẩn” – bà Đào hào hứng kể.
Hiện tại Hà Nội, có khoảng 10 lớp dạy tiếng Anh cho người già, cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Trung bình mỗi lớp có 12-15 học viên, từ 60 tuổi đến gần 90 tuổi.
9h00 sáng lớp học bắt đầu. Thế nhưng các học viên cao tuổi đã có mặt trước ở lớp sớm nửa tiếng, một tiếng để học bài, ôn bài và tự chữa bài tập cô giao từ buổi trước. Cụ bà Nguyễn Viết Xuân diện bộ áo dài chỉnh tề vừa để lấy lại hồi ức ngày trẻ đi học, cũng vừa thể hiện sự tôn trọng với giáo viên. Bà Xuân bảo “Đến lớp học vui lắm, ở nhà thì chỉ có chuyện bếp núc, tương cà mắm muối, tới đây học vui lắm. Học xong cô cho bài về nhà làm, ôn bài rồi tuần sau cô đến kiểm tra lại kiến thức”.
Sáng nào bà Lê Thị Liên cũng dậy từ sớm, bắt hai chặng xe buýt để tới lớp cho kịp học. Bà muốn học thêm tiếng Anh để mở mang đầu óc, kết giao bạn bè và tránh bệnh đãng trí ở người già. Bà Liên cho hay, ở lớp học mọi người gọi nhau là “huynh đệ”, coi nhau như anh em trong cùng một nhà, vô cùng yêu thương, gắn bó.
“Tôi đi học tiếng Anh có người bảo già rồi còn đi học. Tôi bảo đi học vui lắm, đi học cô giáo nhiệt tình, tài liệu, giáo trình miễn phí thì tội gì không đi học. Thế nhiều người cũng hỏi lịch và xin đi tham gia cùng. Học thế này biết nhiều, nói chuyện được với con cháu cháu ở nhà thích lắm, đồng ý cái gì thì nói Oke, Oke, nhầm cái gì thì bảo Iam sorry…” – bà Liên cười tươi cho biết.
Niềm vui sau những giờ dạy của cô Yến chính là nguồn năng lượng học tập tích cực từ các “học trò” già. “Chúng tôi vô cùng biết ơn cô giáo Phùng Hải Yến. Dạy người già chúng tôi khó lắm, nhiều cháu tiếng anh 8 chấm, 9 chấm mà dạy được ba buổi là chán, các cháu bỏ. Nhưng cô Yến có nghệ thuật sư phạm giỏi, lại rất kiên trì khiến học viên chúng tôi thích học, không áp lực” – cụ bà Nguyễn Thị Thanh Đà dành nhiều tình cảm cho cô giáo Hải Yến.
Xem thêm