Hà Nội hiện lên sống động như thật trong tranh của một cậu bé tự kỷ
Có một đứa con khoẻ mạnh, phát triển bình thường là mơ ước của bất kì bố mẹ nào. Tuy nhiên, không phải ai cũng được như ý nguyện. Gia đình có con bị tự kỷ chắc chắn lúc đầu khi nghe bác sĩ thông báo sẽ rất sốc, bàng hoàng, đau khổ và lo lắng vô cùng. Nhưng nhờ tình yêu thương vô bờ, lòng kiên trì và niềm tin sắt đá của người mẹ cùng tố chất đặc biệt sẵn có trong đứa con tội nghiệp ấy đã dần chiến thắng mọi gian nan, để rồi làm nên những điều kỳ diệu...
Tháng 12/2021 khép lại một năm thành công của cậu bé Trần Nam Long, 17 tuổi, với giải Nhất cuộc thi vẽ tranh dành về chủ đề "Quyền đi học của người khuyết tật" với 2 tác phẩm "Mình muốn được như anh ấy" và "Cùng bạn" thể hiện khao khát được đi học, để trẻ khuyết tật giống bao trẻ em khác...
“Ôi tưởng ảnh chụp chứ! Em tài năng thực sự!”
“Cứ tưởng ảnh chụp hoặc mọi người nói điêu, mà có thật đấy à, giỏi quá”.
“Mình ko am hiểu về hội họa nhưng nhìn những bức tranh cháu vẽ màu sắc thật như ảnh chụp vậy”.
“Đây là ảnh chụp chứ, vẽ gì! Quá tài năng! Chúc bé thành công với ước mơ của mình”.
Trước đó, tháng 9/2021, năm bức tranh khác của của Nam Long, gồm bốn bức phong cảnh và một bức vẽ về mẹ đã đại diện cho Việt Nam dự triển lãm mỹ thuật dành cho người khuyết tật tại Italy.
Hà Nội trong tranh Trần Nam Long, lớp 8A , khoa khiếm thính, trường Cao đẳng sư phạm Trung ương. Đây cũng là một trong 5 bức tranh của Long được gửi đi dự mỹ thuật dành cho người khuyết tật tại Italy, năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đó là những món quà mà chị Phùng Hiếu, mẹ của cậu bé câm điếc bẩm sinh và mắc chứng tự kỷ nặng từ năm một tuổi không ngờ có ngày nhận được từ con trai mình.
Căn nhà trọ của ba mẹ con chị Hiếu nằm sâu trong hẻm, vẻn vẹn 15m2 với 1 chiếc gác xép nhỏ. Trong nhà kê vừa đủ một chiếc giường mét sáu, hai cái tủ gỗ đã xộc xệch cánh, 1 cái bàn học, 1 cái tủ lạnh, 1 góc bếp rộng chưa đầy một mét. Còn lại toàn tranh là tranh của Trần Nam Long - con trai chị.
Mấy năm qua, kể từ khi Long chính thức bắt đầu vào hội họa, phòng trọ chật hẹp phải thu xếp lại để nhường chỗ cho tranh của con. Cái gác xép chỉ dành để tranh của Long. Còn dưới nhà, một chiếc thảm xốp ghép được trải dưới nền để Long ngồi vẽ. Đồ nghề vẽ cất dưới gầm giường có phủ tấm ga màu hồng đã cũ.
Chỗ nào cũng loáng thoáng những vệt màu lem. Nhưng không gian chật chội ngổn ngang ấy lại không ám chút tồi tàn nào bởi sự rực rỡ của những bức tranh. Những nét vẽ dày dặn, mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực và cảm xúc trên nền bố cục chặt chẽ đến nỗi không thể tin được chủ nhân của chúng lại là một cậu bé 17 tuổi, bị điếc và tự kỷ.
Chị Hiếu kể, hơn chục năm trước, sau trận viêm phổi nặng phải uống kháng sinh liều cao, Long không còn phản ứng với âm thanh xung quanh. Đi khám, bác sĩ kết luận cậu bị điếc. Lên hai tuổi, cậu chỉ ú ớ trong cổ họng, thích chạy trên đầu mũi chân và nằm dài dưới sàn nhà. Mỗi lần nghe tiếng mẹ ru, cậu bé chỉ cười khành khạch, nằm trên giường vật vã rất lâu mới chìm vào giấc ngủ. Thấy con không bình thường, chị Hiếu đưa con đi khám. Bác sĩ kết luận cậu bị tự kỷ thể tăng động.
Để con được đi học, người mẹ gửi con vào trường dành cho trẻ câm điếc ở quận Thanh Xuân. Chị Hiếu chuyển sang làm giúp việc theo giờ để có thời gian đưa Long tới trường, kèm học vào buổi tối.
Sau bữa cơm, ngày nào Long cũng được dạy cách hút hết một hộp sữa hay thổi những cuộn giấy mỏng vo tròn để trên bàn. Để con học cách giao tiếp bằng mắt, cậu bé cũng thường xuyên được mẹ bế trên tay nói chuyện với chiếc gương. Cần mẫn như vậy, sau một năm, Long biết nhìn người đối diện khi nói chuyện và biết cười khi mẹ trêu đùa.
"Hồi bé Long đẹp trai lắm", chị Hiếu kể, cặp mắt sáng bừng trên gương mặt vất vả nhưng không có những nét khắc khổ vốn dĩ của hoàn cảnh. Giờ Long vẫn đẹp trai. 17 tuổi cao 1m75, gương mặt vuông vức, cặp mày rậm, sống mũi cao, má lúm đồng tiền và nụ cười hóm hỉnh thoáng vẻ e thẹn ngại ngùng lại thoáng vẻ trầm ngâm bác học. "Đẹp trai thế này mà điếc", chị Hiền nhắc lại câu nói của cả trăm người khi nhìn thấy Long. Câu nói khiến chị quen thuộc tới mức chị đã chai hết cả tủi thân, mặc cảm khi kể với chúng tôi.
Chị Hiếu gắn bó với công việc giúp việc theo giờ được hơn 10 năm nay rồi. Nghề giúp việc tuy bấp bênh, may rủi nhưng bù lại chị có buổi tối ở nhà dạy con học, có buổi sáng và buổi trưa đưa con các con đến trường, có những ngày cuối tuần chở Long đi vẽ. Ngày Long còn bé, một bác sĩ đã thản nhiên bảo với chị rằng: "Chị đẻ thêm đứa nữa đi, chứ đứa này thì ăn thua gì".
Chị bảo, chị nhớ mãi không quên. Ngay thời điểm ấy, dù không dám tin vào tương lai, không dám kỳ vọng vào ngày mai, nhưng chị luôn nghĩ Long không thể nào là đứa trẻ vô dụng được. Song chị vẫn sinh thêm một em bé nữa, bất chấp phản đối từ chồng rằng "nuôi sao nổi". Chỉ vì chị nghĩ Long cần có một người ở bên nếu như mẹ không còn nữa.
Năm Long ba tuổi, chị Hiếu phát hiện con có năng khiếu vẽ khi có thể phác họa lại những gì ghi nhớ trong đầu trên đường đi học về. Từ đó, cứ cuối tuần, hai mẹ con lại đưa nhau đi khắp nơi vẽ ngoại cảnh.
Người ta vẫn thường dùng cụm từ "những ước mơ con trẻ" để nói về sự nông nổi, viển vông. Trẻ con hay thích thế này, mai thích thế khác, nay mơ trở thành phi công, mai ước được làm bác sĩ. Nhưng Long thì khác, từ bé đến giờ, lúc nào Long cũng chỉ nói với mẹ một câu duy nhất về tương lai: "Con sẽ trở thành họa sĩ nổi tiếng". Chị Hiếu bảo, Long nói nhiều đến mức làm chị cũng phải mơ theo.
Long thích danh họa Van Gogh và có thể dành hàng giờ để lên youtube xem tranh của Van Gogh lẫn các thông tin về ông. Long kể cho mẹ nhiều chuyện về Van Gogh, nào là bức tranh được bảo vệ nghiêm ngặt trong bảo tàng, không một ai được phép chạm tay vào, nào là bức tranh vừa được đấu giá trên Sotheby's với giá 200 tỷ… "Long toàn ra giá tranh của mình bằng tiền tỷ mỗi khi có người hỏi mua tranh. May là Long chỉ nói được với mình mẹ. Có một bức Long rất thích, muốn giữ lại làm triển lãm nhưng nhiều người hỏi mua quá. Bị hỏi nhiều, Long gắt lên: 2 tỷ mua không?", chị Hiếu cười.
Hồi Long 3 tuổi, cô giáo dạy mẫu giáo của Long nói với chị rằng con trai có năng khiếu hội họa, nên cho con đi học vẽ sớm. Nhưng lời của cô, chị Hiếu chỉ xem như một động viên. Hai bên nội ngoại không có ai làm nghệ thuật. Trong hình dung của chị lúc đó, nghệ thuật là thứ viển vông, không phục vụ được gì cho cuộc sống sau này.
Lúc nhỏ, Long có sở thích đặc biệt với nhà cửa và xe cộ. Long có thể vẽ lại một ngôi nhà y hệt như ngôi nhà mà em từng đi qua, không cần phải xem hình ảnh. Long có thể vẽ chiếc ô tô chuẩn từ chiếc lốp xe. Nhìn vào logo của xe, Long có thể nói ngay ra tên hãng xe, năm sản xuất và quốc gia sản xuất. Long cũng có hứng thú với bản đồ. Tấm bản đồ thế giới, vị trí từng nước, Long đều ghi nhớ trong lòng bàn tay. "Nhưng dị thường nhất là con thích cả bão lũ, thiên tai, tai nạn. Một lần xem trên mạng hình ảnh về trận động đất sóng thần ở Nhật, Long vẽ lại bức tranh chân thật, chi tiết đến cả xác người. Mẹ bảo khiếp quá, Long vẽ gì mà ghê thế", chị Hiếu kể về lối tư duy khác lạ của Long, những đặc điểm mà chị hiểu rất nhiều trẻ tự kỷ sở hữu.
Trần Nam Long vẽ hình ảnh người mẹ đầy nội lực ẩn chứa những hy sinh thầm lặng.
Tháng 10/2016, khi kinh tế tạm ổn, Long được mẹ đưa đến học tại một trung tâm mỹ thuật. Nhưng được đúng một buổi thì bố mất đột ngột do tai nạn giao thông. Gánh nặng kinh tế dồn lên vai mẹ, Long đành ở nhà.
Nhưng cậu bé vẫn háo hức được học vẽ, ngày nào cũng đứng trước cửa hỏi mẹ, bao giờ được trở lại lớp mỹ thuật. Nhìn khuôn mặt háo hức, chờ đợi của con, chị Hiếu đau lòng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, một ngày cuối tuần, chị dắt con ra bến xe buýt, bắt xe đến trung tâm mỹ thuật. Hôm đó vừa tròn bốn tháng sau ngày chồng mất.
Tháng 11/2016, cô giáo cũ gọi điện thông báo về cuộc thi vẽ dành cho thiếu niên mang tên "Cảm xúc trong em". Chị Hiếu gửi hai bức tranh của con đến cuộc thi. Bức tranh về phố cổ Hà Nội của Long sau đó giành giải đặc biệt và được bán đấu giá 100 triệu đồng, ủng hộ một quỹ từ thiện cho trẻ em. Một thành viên ban giám khảo nhận xét "Tư duy của cậu bé này không giống một đứa trẻ mà là một người trưởng thành", đồng thời nhận dạy miễn phí cho Long.
Trong 7 tháng liên tục, tuần 4-5 buổi, cứ chiều đến chị Hiếu lại chở con trai đến xưởng học vẽ của thầy. Lần đầu được biết đến toan và cọ, cậu bé 11 tuổi như được trở về thế giới của riêng mình. Thay vì dùng bút để căn tỷ lệ thì Long hoàn toàn tưởng tượng. Cậu thường dùng bàn tay vẩy khắp mặt toan rồi mới đặt bút. "Đó là con đang sắp đặt mọi hình ảnh trên khung hình trước khi vẽ", người mẹ nói.
Trong căn nhà trọ của ba mẹ con Long, những gam màu mang âm hưởng Van Gogh nhảy nhót. Tán lá, mảnh rừng, vạt đồi xanh, chiếc xe đạp bán hoa rong, chỗ nào cũng thấy nắng. Những vạt nắng xiên xiên, lấp lánh, trải ra khắp không gian như dòng suy nghĩ không chịu dừng lại trong trí não của Long. Ai cũng bảo Long không giống trẻ tăng động, Long điềm đạm và trầm tư. Có lẽ bởi vì bao nhiêu suy nghĩ, cảm xúc của Long đã được giải tỏa bằng toan và màu vẽ.
Từ khi Long chính thức đặt chân vào hội họa, chị Hiếu cũng thay đổi thói quen. Đang đi đường mà gặp một khung cảnh đẹp, một cái xe hoa, cái cây đang mùa thay lá, hồ nước hay ngôi nhà cổ, chị Hiếu đều dừng xe lại chụp ảnh đem về cho con vẽ. Cuối tuần, chị đưa con đi vẽ ngoại cảnh. Về quê, chị cũng mang giấy mang màu để con sáng tác. Những bức ảnh mẹ chụp không đẹp, đôi khi rất thường với nhiều chi tiết thừa thãi vướng víu và màu sắc tẻ nhạt, Long tự bỏ đi hết, chỉ ghi lại những gì em ấn tượng và sáng tạo bằng cảm xúc của em, sắp đặt lại bố cục cho chặt chẽ. Thầy giáo bảo với chị Hiếu rằng, Long tư duy không giống một đứa trẻ mà giống như một người trưởng thành.
Bên cạnh đó, chị Hiếu cũng tích cực tham gia vào các hội nhóm mỹ thuật để Long được học hỏi thêm. Cậu bé 17 tuổi đang là thành viên của nhóm chuyên vẽ ngoại cảnh phố cổ Hà Nội gồm những họa sĩ và kiến trúc sư nổi tiếng. Năm 2018, tranh của Long được nhóm chọn để gửi dự thi và giành được một vị trí trong triển lãm "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội".
Bếp lửa quê xưa hiện lên sống động qua nét vẽ điêu luyện của Trần Nam Long.
Cuối tháng 3/2020, trong cuộc đấu giá tranh ủng hộ chính phủ chống dịch Covid-19, Long đã tham gia bằng bức tranh về phố cổ Hà Nội có tên "Biệt thự 39 Tô Hiến Thành". Cuối buổi, bức tranh vẽ từ màu acrylic đã được một người giấu tên mua với giá 25 triệu đồng. Một nửa số tiền đã được gửi vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số còn lại được chị Hiếu dành cho chi phí phẫu thuật ghép xương cho Long. Tháng 6/2021, Long tiếp tục mổ lần ba do bị liệt cơ và thiếu xương bẩm sinh. Sau ba lần phẫu thuật, giờ cậu có thể tự đi lại được mà không bị đuối sức như trước.
Là học sinh lớp 8 khoa khiếm thính trường Cao đẳng sư phạm nghệ thuật Trung ương, hiện Long có ước mơ mở một triển lãm tranh cá nhân từ 150 bức tranh đã hoàn thiện. Chủ đề yêu thích của cậu là về kiến trúc, đặc biệt vẽ phố cổ Hà Nội.
Có một dạo trước kia Long hay chê mẹ nghèo. Long bảo nhà bác này bác kia giàu lắm. Long lúc nào cũng mơ ước có một cái nhà mặt đất để con dùng tầng 1 làm chỗ vẽ tranh.
Giờ thì Long không chê mẹ nghèo nữa. Long bảo mẹ: "Con sẽ trở thành họa sĩ nổi tiếng. Con sẽ mua nhà cho mẹ, cho mẹ đi du lịch, con sẽ sang Mỹ nữa."
"Em mong sau này trở thành một họa sĩ, kiếm được nhiều tiền để mẹ bớt vất vả", Long dùng ký hiệu tay giải thích.
Vậy đấy 2 mẹ con Trần Nam Long đã cùng vượt qua một đoạn đường dài đầy chông gai và thử thách để có được những "quả ngọt" đầu tiên. Con trong mắt mẹ là đứa trẻ đặc biệt tài năng, mẹ trong mắt con là một người mẹ tuyệt vời nhất thế gian và chắc hẳn sau tất cả mẹ nhận ra rằng: 'có con trong cuộc đời là diễm phúc lớn lao chứ không phải là bất hạnh'. Cầu chúc cho 2 mẹ con luôn luôn mạnh khoẻ để tiếp tục vững bước đến tương lai tươi sáng, vinh quang.
Thắm Lê tổng hợp theo afamily, vnexpress.net, vtc.vn
Xem thêm