Nữ đô đốc duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam: đánh hổ cứu chồng tương lai được ca ngợi có 'gan dạ và trí lược của một đại tướng'

08/03/2024 | 307

Nữ danh tướng này là một trong những những nữ anh hùng tài sắc vẹn toàn nhất của lịch sử Việt Nam.

Giết hổ cứu chồng

Bùi Thị Xuân quê ở thôn Xuân Hoà, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Theo một số tài liệu thì bà sinh vào năm 1758. Bà là con gái ông Bùi Đắc Chí và là cháu gọi Thái sư Bùi Đắc Tuyên bằng chú.

Thuở thiếu thời, bà rất xinh đẹp và ham mê võ nghệ, thích tập côn quyền đao kiếm. Được võ sư Ngô Mãnh, là ông của Ngô Văn Sở dạy võ tại nhà, cộng với khả năng thiên bẩm nên Bùi Thị Xuân có võ nghệ điêu luyện, nổi tiếng khắp vùng. Nhờ vậy sau này, trong một lần đi săn, nhờ giết hổ cứu Trần Quang Diệu mà họ nên duyên vợ chồng.

Giết hổ cứu chồng

Khi Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa, vợ chồng Bùi Thị Xuân là những người tham gia đầu tiên. Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân là 2 trong số 18 người được coi là 18 viên đá tảng gây dựng nên triều đại Tây Sơn (sử gọi là Tây Sơn thập bát cơ thạch).

Kỹ năng huấn luyện voi chiến đỉnh cao

Sau khi lập nhiều chiến công hiển hách, Bùi Thị Xuân được phong làm đô đốc, cũng là nữ đô đốc duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Bà được anh em nhà Tây Sơn giao trọng trách huấn luyện voi chiến và nữ binh.

Nữ tướng Bùi Thị Xuân sở hữu một biệt tài đặc biệt. Bà có khả năng huấn luyện voi rất giỏi. Người dân địa phương vẫn lưu truyền câu chuyện về việc ở bãi gò Dinh, sông Côn năm xưa là bãi tập voi của Bùi Thị Xuân. Hàng ngày, bà cho voi ra huấn luyện để tạo thói quen, đến giờ lại đưa về.

Nữ tướng Bùi Thị Xuân

Trong “Cân quắc anh hùng truyện”, danh sĩ Nguyễn Bá Huân đã đề cập đến cách huấn luyện voi của nữ danh tướng tài ba này như sau: “Bà dựa trên đặc tính của loài, voi thường sống trong nhóm gia đình, bao gồm con cái với các con non của nó hoặc một số con cái có quan hệ họ hàng, con đực tách riêng rẽ, toàn bộ chỉ hướng dẫn con voi cái hoặc voi mẹ già nhất là cả đàn làm theo”.

Nữ tướng tài ba này biết rằng voi rất sợ những âm thanh lớn bất thường, vì thế bà dùng những tiếng chiêng, trống khuyếch đại âm thanh để tập luyện. Một thời gian dài làm quen với những âm thanh như vậy, voi Tây Sơn không hoảng loạn mà ngược lại còn phấn khích hơn khi khi cờ trống đối phương nổi lên trong các trận chiến.

Chế độ ăn uống của những con voi chiến này cũng được Bùi Thị Xuân thay đổi. Bà thường hòa nước muối vào một số lá cây rừng hoặc bỏ vào trong các thân cây chuối. Sau khi voi đã quen, bà dùng tập tính này để thưởng cho những chú “ngoan ngoãn” luyện tập, vì vậy cả đàn cũng nhờ đó mà nhanh chóng đi vào khuôn phép.

Trong trận đánh kinh thiên động địa Tết Kỷ Dậu (1789) năm ấy, có hơn 100 voi xung trận dưới sự chỉ huy của nữ tướng Đô đốc Bùi Thị Xuân, những khẩu đại bác đặt trên lưng voi phóng đạn, những quả cầu lửa được phóng khắp nơi, quân Thanh địch không nổi, tán loạn, xéo cả nhau mà chạy, thây nằm ngổn ngang khắp đồng. Tượng binh đã làm cho quân Thanh kinh hồn bạt vía bằng chiến lược mang tính nghệ thuật quân sự độc đáo, đó là công lao rất lớn của nữ tướng Đô đốc Bùi Thị Xuân.

Tượng thờ Bùi Thị Xuân tại từ đường họ Bùi

Tượng thờ Bùi Thị Xuân tại từ đường họ Bùi

Sử sách ngàn đời lưu danh

Nói về Bùi Thị Xuân, sau này sử gia Phạm Văn Sơn viết: “Người ta cảm phục Bùi Thị Xuân chẳng riêng chỗ bà có nhan sắc hơn người, mà còn ở chỗ có gan dạ và trí lược của một đại tướng. Người ấy đã có công gây dựng một phần sự nghiệp của chồng và của ba anh em vua Tây Sơn, đã bao phen xuất nhập chiến trường, vào sinh ra tử...".

Giáo sư sử học Nguyễn Khắc Thuần khi đánh giá sự cống hiến của bà cho sự thành công của triều Tây Sơn có viết: “Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả một cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân trở thành một danh tướng đời đời kính trọng…”.

Theo nguoiquansat.vn

-----

19 người phụ nữ đẹp nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam


(*) Xem thêm

Bình luận