Cuộc đời huy hoàng của Alexander đại đế với thiên tài quân sự bách chiến - bách thắng

24/11/2021 | 670

Alexander Đại đế là người cai trị vương quốc Macedonia, là học trò xuất sắc của nhà hiền triết lỗi lạc Aristotle và là một thiên tài quân sự lừng danh, vĩ đại nhất lịch sử nhân loại. 

Trước khi chết Alexander Đại đế trăng trối 3 điều kỳ lạ, nghìn năm sau hậu  thế đều thán phục

Alexander Đại đế được coi là danh tướng lẫy lừng nhất lịch sử nhân loại. Ở tuổi 20, ông trở thành vị vua cai trị đế quốc Marcedonia. Ông đã lập nên những chiến công hiển hách trên chiến trường, làm chủ nhiều vùng đất rộng lớn khác. Trong vòng 10 năm tiếp theo, ông lần lượt chinh phục những vùng đất rộng lớn như Hy Lạp, Ai Cập, châu Á… để tạo nên một đế quốc vĩ đại. Sự nghiệp huy hoàng nhưng cuộc đời quá ngắn ngủi với cái chết đầy bí ẩn ở tuổi 33 của vị hoàng đế này cho đến nay vẫn là một bí ẩn mà khoa học chưa thể biết được chính xác nguyên nhân.

Sinh ra

Alexandros được sinh ra tại Pella, kinh đô của vương quốc Macedonia, vào ngày 20 hoặc 21 tháng 7 năm 356 TCN. Ông là con trai của vua Macedonia Philippos II thuộc vương triều Argos và người vợ thứ tư là Olympias, công chúa xứ Ipiros thuộc vương triều Aiakides. Dù Philippos II có tới tận 7 hoặc 8 bà vợ, nhưng Olympias đã từng có khoảng thời gian làm chính thất, có lẽ là vì bà đã hạ sinh ra Alexandros. Sau khi Alexandros lên một tuổi, mẹ ông cũng đã hạ sinh cho ông một người em gái tên là Cleopatra vào năm 355. Ông là cháu gọi vua Alexandros Molossus của Ipiros bằng cậu. Thông qua cha mình, Alexandros được coi là hậu duệ của Temenos, một người mà bản thân ông được cho là hậu duệ của anh hùng Heracles, con trai thần Zeus. Thông qua mẹ của mình, Alexandros được coi là là hậu duệ của Neoptolemos, con trai Achilles – chiến binh vĩ đại nhất của quân Hy Lạp trong cuộc chiến thành Troia.

Nhân cách

Cha mẹ của Alexandros có tác động rất lớn đối với con người Alexandros, khi chính họ đã tạo nên một số đặc điểm tính cách mạnh mẽ nhất của ông. Olympias là một người phụ nữ đặc biệt tham vọng, bà luôn khuyến khích Alexandros tin rằng, vận mệnh của ông chính là chinh phục đế quốc Ba Tư. Ảnh hưởng của Olympias đã truyền cho con trai bà ý thức về vận mệnh, và Plutarchus đã cho biết tham vọng của Alexandros đã "giữ cho tâm hồn của ông nghiêm trang và cao thượng qua năm tháng như thế nào".

Tuy nhiên, người truyền cảm hứng và có ảnh hưởng nhất đối với Alexandros chính là cha của ông. Vua Philip II chinh phục Thrace năm 356 TCN để chiếm những mỏ vàng vô cùng phong phú gấp 10 lần số vàng của Athena. Thần dân của Philip là những nông dân khoẻ mạnh, những chiến sĩ dũng cảm biết chịu đựng gian khổ. Nhờ những yếu tố ấy Philip II và Alexandros đã thôn tính hàng trăm tiểu quốc và thực hiện được sự thống nhất Hy Lạp. Philippos II không ưa chủ nghĩa cá nhân đương thời mặc dù chủ nghĩa này có kết quả tốt đẹp đối với nghệ thuật và đời sống tinh thần của dân Hy Lạp. Philippos II cho rằng chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của sự đồi truỵ kinh tế cũng như chính trị. Chính dựa vào chủ nghĩa này mà những kẻ lưu manh chính trị có thể lơi dụng sự tin tưởng quá dễ dãi của dân chúng để mặc tình thao túng chính trường gây nên bè phái, giai cấp, âm mưu chống đối nhau. Philippos II quyết chấm dứt tình trạng trên để thực hiện một nước Hy Lạp thống nhất và hùng mạnh xứng đáng là trung tâm chính trị của thế giới thời bấy giờ. Trong thời niên thiếu Philippos II đã học quân sự tại Thebes (Hy Lạp). Năm 338 TCN ông chiến thắng tại Athena và thực hiện được sự thống nhất của nước Hy Lạp. Ông mong mỏi sẽ cùng người con là Alexandros tiếp tục cuộc chinh phục thế giới nhưng giấc mộng của ông bị tan vỡ vì ông bị ám sát.

Alexandros đã từng dõi theo cha thân chinh ra trận hàng năm, giành hết chiến thắng này đến chiến thắng mà chẳng hề để tâm đến những vết thương thể xác. Mối quan hệ giữa ông và vua cha đã tôi luyện khía cạnh tranh đua trong tính cách con người ông. Alexandros luôn muốn vượt trội hơn cha mình, một điều được thể hiện thông qua cách hành xử liều lĩnh của ông trên trận tiền. Trong khi Alexandros lo lắng rằng phụ vương sẽ chẳng chừa cho mình "thành tựu to lớn và rực rỡ nào để thể hiện với thế giới", ông cũng thường hạ thấp những thành tựu mà Philippos II đã đạt được trước những bằng hữu của mình.

Theo Plutarchus, một số đặc điểm của Alexandros có thể kể đến là tính khí bạo lực và bản tính hấp tấp, bốc đồng mà chắc chắn đã góp phần giúp Alexandros đưa ra một vài quyết định của mình. Dù Alexandros là con người bướng bỉnh và không chấp hành tốt những mệnh lệnh từ cha, nhưng ông vẫn cởi mở để tranh luận. Ông còn sở hữu một một khía cạnh điềm tĩnh hơn – nhạy bén, logic và thận trọng. Ông khát khao trau dồi kiến thức, yêu thích triết học và là một người ham đọc sách. Điều này rõ ràng xuất phát một phần từ sự dạy dỗ của Aristoteles; Alexandros là một con người thông minh và học hỏi nhanh. Khía cạnh thông minh và sáng suốt của ông đã được thể hiện qua khả năng và sự thành công với tư cách là một vị tướng. Ông đã rất kiềm chế những ham muốn bản thân, trái ngược với sự thiếu tự chủ với rượu.

Cuoc doi huy hoang it biet cua Alexander Dai de-Hinh-2Alexandros là một con người uyên bác và bảo trợ cả nghệ thuật lẫn khoa học. Tuy nhiên, không giống cha mình, ông lại không mấy quan tâm đến các môn thể thao hay những trò chơi Olympic mà thay vào đó chỉ tìm kiếm những lý tưởng của Homeros về danh dự (timê) và sự vinh quang (kudos). Ông là một con người sở hữu sức hút mãnh liệt bên cạnh một nhân cách mạnh mẽ, những đặc điểm đã khiến ông trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại. Những khả năng độc nhất vô nhị của Alexandros đã được chứng minh thêm một lần nữa khi không có bất kỳ ai trong số các tướng lĩnh của ông có thể thống nhất Macedonia và duy trì được đế quốc sau cái chết của ông – chỉ Alexandros mới đủ khả năng làm được như thế.

Trong những năm cuối đời, và đặc biệt là sau cái chết của Hephaestion, Alexandros bắt đầu có dấu hiệu mắc chứng rối loạn nhân cách và hoang tưởng. Những thành tựu phi thường mà ông đã đạt được, kết hợp với ý thức khôn tả về vận mệnh và sự nịnh nọt từ những người chiến hữu, có thể đã kết hợp lại với nhau để tạo nên những hệ quả này. Những ảo tưởng vĩ cuồng có thể dễ dàng nhận ra thông qua ý nguyện và khát vọng được chinh phục thế giới. Ông được nhiều nguồn khác nhau mô tả là có tham vọng vô biên, một tính ngữ mà ý nghĩa của nó đã trở thành một khuôn sáo lịch sử.

Alexandros dường như đã tin rằng mình là một vị thần, hoặc ít nhất là đã tìm cách tự phong mình làm thần. Olympias luôn khẳng định với con trai rằng cậu chính là một người con của thần Zeus, một giả thuyết mà dường như Alexandros đã tự mình kiểm chứng thông qua lời tiên tri của thần Amun ở Siwa, và kể từ đó, ông bắt đầu tự nhận mình là con trai của Zeus-Ammon.

Alexandros tiếp nhận các yếu tố trong trang phục và phong tục của người Ba Tư tại triều đình của mình, đặc biệt là proskynesis, một tập tục mà người Macedonia không chấp nhận và miễn cưỡng thực hiện. Hành vi này của ông đã khiến nhiều đồng hương của ông mất thiện cảm. Tuy nhiên, Alexandros cũng là một nhà cai trị thực dụng, người hiểu rõ những khó khăn khi cai trị các dân tộc khác biệt về văn hóa, nhiều người trong số họ sống trong các vương quốc mà quân chủ được coi là thần thánh. Do đó, thay vì mắc chứng vĩ cuồng, những hành động của Alexandros có thể đơn giản là một nỗ lực thiết thực nhằm củng cố quyền thống trị và duy trì đế quốc.

Học trò xuất sắc nhất của nhà thông thái bậc nhất thế giới

Ngày ngày 20 tháng 7 năm 356 TCN, Hoàng cung của vương quốc Macedonia thuộc Hy Lạp cổ đại tràn ngập ánh sáng và tiếng cười chào đón hoàng tử, con của vua Philippos II và Nữ hoàng Olympias. Hoàng tử được đặt tên là Alexander.

Với ý định muốn Alexander sau này nối ngôi mình, năm 343 TCN, vua Philippos II nhờ nhà hiền triết lừng danh lúc đó là Aristoteles dạy dỗ hoàng tử.

Aristoteles được xem là nhà thông thái nổi tiếng bật nhất lúc đó, là môn đệ xuất chúng của Platon. Phần mình, Platon lại là học trò của Socrates, người đặt nền móng vững chắc cho nền văn minh Hy Lạp. Đây là ba nhà thông thái nổi tiếng, được xem là ba người đặt nền tảng cho triết học và khoa học của thế giới phương Tây.

Dưới sự dạy bảo của Aristoteles, hoàng tử Alexander hấp thu những tinh hoa bậc nhất của nhân loại thời bấy giờ.

Khi Aristoteles mới dạy Alexander thì hoàng tử mới là một cậu bé 13 tuổi bồng bột và ốm yếu, nhưng lại rất thích cưỡi ngưa và thường xuyên tập cưỡi. Biết rằng hoàng tử có ước mơ trở thành chiến binh anh hùng, Aristoteles đã cố gắng làm giảm đi sự bồng bột của hoàng tử.

Aristoteles đã huấn luyện Alexander về mọi mặt như thuật hùng biện và văn học, gợi lên các sở thích về khoa học và triết học trong hoàng tử. Ngoài sở thích cưỡi ngựa, Alexander cũng say mê luyện tập binh pháp và nghiên cứu lịch sử thế giới, những điều này đều là nền tảng cho những chiến công của vị Đại Đế sau này.

Alexander Đại Đế vì sao vĩ đại? - P1: Học trò của Aristoteles
Tượng Alexander Đại Đế. (Ảnh: Tkbwikmed, Wikipedia, Public Domain)
Theo một vài sử gia thì Alexander coi Aristoteles như cha ruột của mình và về phần Alexander cũng đã từng tuyên bố muốn học hỏi và coi trọng sự hiểu biết hơn là chinh phục thế giới. Tuy nhiên, đó là câu nói xã giao, còn thực tế bản tính thích chinh phục của Alexander đại đế luôn muốn trỗi dậy.

Sau khi thọ giáo 2 năm với Aristoteles, Alexandros nối ngôi cha và bắt đầu chinh phục thế giới. Sự thành công của Alexandros có lẽ một phần nào do ảnh hưởng của Aristoteles và người ta thường so sánh thiên tài của Aristoteles trong lãnh vực triết lý với thiên tài của Alexandros trong lãnh vực chính trị. Cả hai vĩ nhân này đều có công với nhân loại: một bên thống nhất thế giới, một bên thống nhất triết lý.

Thu phục chiến mã

Để có thể trở thành một chiến binh thì điều không thể thiếu là một con chiến mã. Sự nhạy cảm và thông minh đã khiến Alexander thuần phục được một con ngựa kiệt xuất lúc bấy giờ, là chiến mã Bucephalus, ngay khi hoàng tử còn nhỏ tuổi. Bucephalus sau này đã đi theo Alexander chinh chiến khắp nơi.

Trong cuốn sách “Alexander the Great” (Alexander Đại Đế) của Waldemar Heckel và John Yardley có mô tả việc Alexander thuần phục được con chiến mã Bucephalus như sau:

Một lái buôn người xứ Thessaly là Philoneicus đã mang con chiến mã dũng mãnh này đến bán cho vua Philippos II, với giá là 13 đồng talent. Nhà vua và các quan cận thần trong Triều đình cùng ra một cánh đồng, và tại đó mọi người thay nhau ra sức thuần phục con chiến mã. Con chiến mã thật quá hung dữ và khó có thể bị chế ngự: nó không cho bất kỳ một ai cưỡi lên lưng nó, nó cũng không để tâm đến bất kỳ một lời khuyên nào của mọi người dưới sự cổ vũ của Philippos II mà toàn là hất họ ra.

Nhà vua tức giận, bèn đem trả con ngựa táo tợn này vì nó thật quá hoang dã và không thể kiềm chế được, nhưng Alexandros khi đang đứng đó, liền nói: “Họ mất một con ngựa như thế chẳng qua là vì họ không có kinh nghiệm và quá hèn nhát để có thể thu phục được nó.”

Alexandros
Vua Philippos II. (Ảnh: Jastrow, Wikipedia, Public Domain)
Đầu tiên vua Philippos II vẫn im lặng chứ không thèm để ý. Nhưng do Alexander vẫn than vãn lặp đi lặp lại và trở nên hết sức buồn bã, vua Philippos II mới phán: “Hoàng nhi cứ chê bai những người lớn tuổi hơn con cứ như là con biết nhiều hơn và làm tốt hơn họ vậy”. Hoàng tử Alexander trả lời: “Ít ra thì con cũng biết thuần phục con ngựa này chứ không tệ như họ!” Vua cha lại hỏi: “Và nếu Hoàng nhi không thể thu phục được nó, thì con phải làm gì để trả giá cho cái tính bốc đồng của con?”

Alexander không ngần ngại trả lời: “Con sẽ trả tiền mua con ngựa này, dưới sự chứng giám của thần linh”. Thế là tất cả mọi người cười phá lên.

Alexander Đại Đế vì sao vĩ đại? - P1: Học trò của Aristoteles

Tượng Alexander Đại Đế đang thu phục chiến mã Bucephalus. (Ảnh: Stefan Schäfer Lich, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Alexander đánh cuộc và chàng chạy đến con chiến mã. Chàng nắm lấy dây cương và dắt con ngựa đi. Chỉ tiếp xúc chưa lâu, chàng nhận ra rằng con chiến mã này thường trở nên hoảng sợ khi nhìn thấy cái bóng của chính nó ở phía trước khi nó đi ngược hướng mặt trời. Vì vậy chàng dắt con ngựa đứng yên đối diện với mặt trời rồi dắt nó đi theo hướng này. Mỗi khi con ngựa tỏ vẻ hung hăng hay giận dữ, chàng lại khẽ vuốt ve nó. Bất thình lình, Alexander nhảy lên lưng con chiến mã rồi nhẹ nhàng nhưng cương quyết giật dây cương cho đến khi tất cả vẻ hung dữ của con ngựa biến mất. Rồi chàng ra lệnh cho con Bucephalus phi nước đại, với giọng điệu hùng hồn hơn hẳn.

Vua Philippos II và những người khác đứng xem rất lo lắng cho đến khi nhìn thấy Alexander thành công trở về. Nhà vua hết sức vui sướng và thỏa mãn, ông mừng đến mức rơi lệ. Trong khi đó, tất cả mọi người đều ầm ầm vỗ tay.

Người ta nói rằng nhà vua bế Alexander lên và hôn vào trán của chàng, sau đó ông đặt con xuống và tuyên bố: “Hỡi con trai của ta, con hãy tự tìm cho mình một vương quốc xứng đáng vì Macedonia quá nhỏ bé với con”.

Ảnh hưởng của người thầy triết gia vĩ đại Aristotle

Thật khó để đánh giá đầy đủ vai trò của Aristoteles đối với Alexandros, một số nhà nghiên cứu hiện đại có xu hướng đánh giá cao vai trò này khi Alexandros tuyên bố rằng ông nợ cha mình sự sống, nhưng ông nợ người thầy cuộc sống tốt đẹp mà ông có. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Droysen khẳng định rằng Alexandros là một chính khách, còn Aristoteles là một nhà tư tưởng. Tuy nhiên, dường như vị triết gia không hài lòng với vai trò gia sư riêng. Ông đã trao cho cậu học trò của mình một bản sao chép của Iliad, một câu chuyện tiêu biểu về một cuộc chiến xa nhà, mà ông chú giải rõ ràng và được Alexandros đã mang theo bên mình khi hành quân tới Châu Á và từ đó đã rút ra những bài học quý báu cho bản thân. Aristoteles mong muốn một nền văn minh Hy Lạp vượt quá giới hạn hạn hẹp của các thành bang. Ông rèn cho người học trò của mình niềm tin rằng toàn cõi Hy Lạp có thể được thống nhất dưới sự lãnh đạo của một vị vua chuyên chế Macedonia. Ông nhấn mạnh rằng vị vua này, tuy chuyên chế, nhưng không sở hữu bất cứ điều gì của một tên bạo chúa. Để nền văn minh Hy Lạp chiến thắng trên toàn thế giới, cần phải có một cá nhân với nhân phẩm vượt trội xuất hiện để hiện thân nó. Đây là một vị vua mà Aristoteles đang tìm kiếm bên trong Alexandros. Ảnh hưởng quyết định của vị triết gia này được đo lường bằng cảm xúc, rằng Alexandros trong nhiều trường hợp, đã dành nhiều tâm huyết cho một sứ mệnh lịch sử để thống nhất phương Tây và phương Đông. Cuối cùng, Aristoteles đã dạy cho vị vua tương lai những đức tính của tình bạn (philia), thứ mà theo ông là "điều cần thiết nhất cho sự tồn tại" nó đảm bảo sự gắn kết giữa mọi người trong tư tưởng chính trị cũng như trong cách dùng binh.

Lên ngôi trị quốc

Vào năm 340, Alexandros lúc này mới 16 tuổi và đã hoàn thành xong quá trình học tập với Aristoteles, đã được vua cha triệu về Pella để hướng dẫn cách thức trị quốc. Sau đó hai cha con đã cùng nhau chinh phạt nhiều và giành chiến thắng trên nhiều vùng đất mới. 

Vào mùa hè năm 336 TCN, Philippos II bị ám sát tại lễ cưới của con gái ông là Cleopatra của Macedonia. Sau cái chết của Philippos, quân đội và các quý tộc Macedonia đã suy tôn Alexandros, lúc này 20 tuổi, như là vua mới của Macedonia. Alexandros sau khi lên ngôi đã ngay lập tức trừ khử các đối thủ tiềm tàng. Và như thế, vị tân vương của Macedonia không còn có một đối thủ nào có thể tranh giành ngai vàng với ông. Chỉ trong vòng vài tuần sau khi vua cha qua đời, tân vương Alexandros đã nắm vững toàn bộ quyền thống trị Chính phủ và Quân đội Macedonia.

Quân đội Macedonia

Tiếp nối Philippos II, người đã rèn dũa quân đội Macedonia trở thành một cỗ máy chiến tranh tinh nhuệ, Alexandros đã thừa hưởng nhiều khí tài quân sự thậm chí còn vượt trội hơn cả uy tín và dũng khí của bản thân ông. Vào thời điểm cuộc chiến bắt đầu, Alexandros sở hữu một đội quân dày dặn kinh nghiệm được vun trồng từ những cuộc chiến dưới thời tiên vương. Đội quân này được cấu tạo từ một đội hình phương trận (phalanx) mạnh mẽ nhưng di động; một đội trọng kỵ tựa một cỗ máy tấn công thực thụ; một đội khinh kỵ có thể di chuyển mau lẹ; những lính phóng lao, ném đá tiện lợi cho việc quấy rối quân địch; và cuối cùng là những cỗ máy công thành, hiệu quả khi dùng để công phá các thành trì kiên cố. Ông ngoài ra cũng phụ thuộc vào sự trung thành tuyệt đối từ các chiến hữu (Hetairoi) bộ binh cũng như trên lưng ngựa và có thể trông mong vào lực lượng epigones người Ba Tư mà ông chiêu mộ kể từ năm 330 TCN trở đi. Alexandros cũng có thể hiểu rõ địa hình địa thế những vùng đất lạ nhờ sử dụng hệ thống trinh sát địa thế trước các trận đánh lớn.Cuoc doi huy hoang it biet cua Alexander Dai de-Hinh-7

Quân đội của Alexandros có ưu thế lớn về mặt chiến thuật lẫn kỹ thuật so với các đối thủ của mình. Tấm giáp ngực nặng 15 kg và tấm khiên đường kính dài 1 mét, những thứ đã từng là gánh nặng của các Hoplites truyền thống của Hy Lạp, đã bị loại bỏ dựa theo sáng kiến của Philippos II. Những lính phalangites (bộ binh chiến hữu) trang bị giáp nhẹ và chủ yếu được trang bị một ngọn giáo dài 5.5 mét gọi là sarissa. Khi ở thế thủ, đội hình Phalanx sẽ tạo nên một bức tường bằng khiên. Trong tư thế này, những người lính sẽ chĩa ra một rừng toàn giáo có thể chống trả mọi cuộc xung kích của đối phương. Khi ở thế công, số lượng đông đảo và động năng của đội hình Phalanx tích lũy lại sẽ tạo nên một lực tấn công mạnh mẽ có thể đập tan nhiều hàng ngũ quân địch. Việc giảm bớt trang bị bảo hộ của mỗi người cũng giúp trang bị cho nhiều người hơn. Lực lượng trọng kỵ kỵ binh chiến hữu bù đắp cho sự thiếu cơ động của đội hình Phalanx bằng cách bảo vệ hai bên sườn dễ bị tổn thương của họ và tấn công khi đội hình Phalanx đã ghim địch vào vị trí. Alexandros vì thế sử dụng chiến thuật "búa" (kỵ binh) và "đe" (bộ binh) để dành thắng lợi.

Đội quân đã vượt eo biển Hellespont để chinh phục châu Á được cấu thành từ khoảng 40.000 bộ binh và 1.800 kỵ binh Macedonia, cũng như số lượng kỵ binh Thessalia tương đương cộng thêm khoảng 600 kỵ sĩ chiêu mộ từ các thành viên khác thuộc Liên minh Hy Lạp. Con số này tương đối nhỏ và có thể so sánh được với con số 50.000 lính đánh thuê Hy Lạp đang phục vụ trong hàng ngũ quân đội Ba Tư. Các man tộc phương bắc (bao gồm người ThraciaPeoniaTriballesAgrianes), vì muốn thu lợi lộc, nên cũng đóng góp cho quân đội viễn chinh Macedonia một số lượng không nhỏ binh sĩ. 32.000 lính Phalanx được tuyển chọn từ tầng lớp địa chủ. Bổ sung vào đội hình này có lẽ còn có những người sống sót của lực lượng viễn chinh do Parmenion và Attalos chỉ huy được Philippos II gửi đến Tiểu Á năm 336 TCN, tức là vào tầm 10.000 người. Alexandros cũng không rời khỏi Macedonia mà không để lại ai phòng bị. Ông giao cho Antipatros, người được phong làm Giám quốc nắm quyền nhiếp chính Macedonia khi nhà vua rời đi, một nửa số kỵ binh, tức vào khoảng 1.500 người và 10.000 bộ binh. Trong suốt cuộc chiến, quân viễn chinh vẫn luôn nhận được tiếp viện từ châu Âu nhưng cũng tuyển mộ thêm binh lính từ dân chúng bản địa, ví dụ như 30.000 người Ba Tư đã được kết nạp vào đội hình Phalanx. Theo Plutarchus thì Alexandros đã hạ lệnh các tướng lĩnh của mình cạo nhẵn râu để quân địch không thể dùng nó mà lôi được.

Những cuộc chinh phạt

Sau khi lên ngôi, bằng tài năng thiên bẩm của mình, ông nhanh chóng giải quyết hết kẻ thù trong nước và xác lập lại quyền lực của người Macedonia tại Hy Lạp. Sau đó, ông lên đường chinh phạt đế chế Ba Tư khổng lồ.

Vượt qua mọi trở ngại khó khăn, Alexander dẫn dắt quân đội của mình tới những chiến thắng trên khắp lãnh thổ của người Ba Tư tại bán đảo Tiểu Á, Syria và Ai Cập mà không một lần nếm trải mùi thất bại.

 
 

Cái chết bí ẩn của nhà thiên tài quân sự Alexander Đại đế - Giáo dục

Chiến thắng vĩ đại nhất của ông là trận chiến Gaugamela năm 331 TCN, nơi hiện nay là miền bắc Iraq. Vị vua trẻ của Macedonia, người trị vì Hy Lạp, chúa tể bán đảo Tiểu Á và vị pharaoh của Ai Cập đã trở thành “hoàng đế vĩ đại” của Ba Tư ở tuổi 25.

Trong tám năm tiếp theo, trên cương vị hoàng đế, kiêm chỉ huy quân sự, chính trị gia, học giả và người thám hiểm, Alexander đưa đội quân của mình đi xa thêm khoảng 18.000 km, lập nên 70 thành phố và tạo dựng một đế chế trải khắp ba lục địa và bao phủ khoảng hơn 5 triệu km2.

Bắt đầu từ Hy Lạp ở phía Tây, cho tới sông Danube ở phía Bắc, Ai Cập ở phía Nam, trải dài theo phía Đông cho tới vùng Punjab và thung lũng sông Ấn của Ấn Độ, toàn bộ khu vực này được kết nối trong một mạng lưới thương mại và buôn bán quốc tế rộng lớn, cai trị hàng triệu thần dân đa sắc tộc.

Cuoc doi huy hoang it biet cua Alexander Dai de-Hinh-5

Alexander được ghi nhận là thiên tài quân sự, với những chiến thắng lịch sử trên chiến trường, người luôn dẫn đầu nêu gương, dẫu rằng niềm tin vào sức mạnh vô địch thiên hạ của ông đồng nghĩa với việc đôi khi tỏ ra khinh suất với chính tính mạng của mình và quân lính.

Chiến thuật dùng binh

Alexandros đã có được ngoại hiệu "Đại đế" là nhờ tới những chiến tích vô tiền khoáng hậu của mình trong vai trò là một nhà chỉ huy quân sự. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, Alexandros Đại đế chưa từng thua trận nào, dù ông thường bị quân địch áp đảo. Điều đều nhờ vào khả năng phán đoán tình thế, cách sử dụng địa hình, chiến thuật phalanx và kỵ binh, chiến lược táo bạo và đặc biệt là nhờ vào lòng trung thành mãnh liệt của người lính phục vụ ông. Đội hình Phalanx của người Macedonia, được trang bị loại giáo sarissa dài tới 6 mét (20 ft), đã được cha của ông là Philippos II phát triển và hoàn thiện thông qua qua trình huấn luyện nghiêm ngặt. Alexandros đã sử dụng tốc độ và khả năng cơ động của nó để có thể giành được ưu thế trước một đội quân Ba Tư đông đảo hơn Alexandros cũng nhận ra khả năng mất đoàn kết giữa quân đội đa dạng của mình, nơi mà nhiều ngôn ngữ và vũ khí khác nhau được sử dụng. Ông đã khắc phục điều này bằng cách đích thân tham gia vào trận chiến, theo cách của một vị vua người Macedonia.Cuoc doi huy hoang it biet cua Alexander Dai de-Hinh-8

Trong trận chiến đầu tiên trên đất châu Á tại Granicus, Alexandros sử dụng khoảng 13.000 bộ binh cùng 5.000 kỵ binh để chống lại một đạo quân Ba Tư đông hơn có 40.000 người. Alexandros bố trí đội hình phalanx ở trung tâm và kỵ binh cùng cung thủ ở hai bên cánh, điều này là để cho thế trận của ông dài ngang bằng với thế trận của kỵ binh Ba Tư, nó dài khoảng 3 km (1,86 mi). Ngược lại, bộ binh của người Ba Tư lại đóng quân phía sau kỵ binh của họ. Điều này giúp cho Alexandros không bị đánh tạt sườn trong khi đội hình phalanx của ông với những ngọn giáo dài có được một lợi thế đáng kể trước loan đao và những ngọn lao của người Ba Tư. Trong trận đánh này, người Macedonia chỉ chịu tổn thất không đáng kể so với của người Ba Tư.

Ở cuộc chạm trán đầu tiên với Darius tại Issus vào năm 333 TCN, ông cũng đã bố trí giống như vậy và một lần nữa đội hình phalanx ở trung tâm đã kết thúc trận đánh. Đích thân Alexandros đã chỉ huy cuộc đột kích ở trung tâm và đánh tan đạo quân đối phương. Tại trận chiến quyết định cuối cùng với Darius ở Gaugamela, Darius đã trang bị cho những cỗ chiến xa của ông ta với những lưỡi hái gắn vào bánh xe để nhằm phá vỡ đội hình phalanx và trang bị giáo cho kỵ binh của mình. Alexandros đã bố trí một đội hình phalanx kép với khu trung quân tiến theo hình nghiêng, họ tách ra khi các chiến xa đi qua và sau đó tập hợp lại. Ý tưởng này đã thành công và phá vỡ trung quân của Darius, điều này khiến cho ông ta phải bỏ chạy một lần nữa.

Alexander Đại đế: Nghệ thuật dụng binh kiệt xuất trong trận Gaugamela

Khi phải đối mặt với những kẻ thù sử dụng các cách thức chiến đấu khác lạ chẳng hạn như là ở Trung Á và Ấn Độ, Alexandros đã điều chỉnh quân đội của mình để thích nghi với phong cách chiến đấu của kẻ thù. Theo đó, ở Bactria và Sogdiana, Alexandros đã sử dụng lính phóng lao và cung thủ của mình ngăn chặn thành công đối phương đánh tạt sườn trong khi đang tập trung kỵ binh ở trung tâm. Ở Ấn Độ, khi đối mặt với quân đoàn voi của Porus, người Macedonia đã khai thông hàng ngũ của họ rồi vây những con voi lại và sử dụng các ngọn giáo sarissa để tấn công ngược lên và đánh bật những người điều khiển voi.

Cái chết đột ngột bí ẩn

Alexandros qua đời vào ngày 10 hoặc 11 tháng 6 năm 323 TCN tại cung điện của Nebuchadnezzar II tại Babylon ở tuổi 32. Có hai phiên bản khác nhau về cái chết của Alexandros, chứa sự khác biệt nhỏ về chi tiết của cái chết. Theo lời kể của Plutarchus thì vào khoảng 14 ngày trước khi qua đời, Alexandros có tiếp đãi đô đốc Nearchus, uống rượu cả đêm hôm đó và ngày hôm sau cùng Medius của Larissa. Sau đó, ông bị sốt. Bệnh tình ngày càng trở nặng cho đến khi ông không còn có thể nói được. Những binh sĩ bình thường, lo lắng cho sức khỏe đức vua, được phép đến gần nếu nhà vua vẫy tay gọi bọn họ. Trong phiên bản thứ hai, Diodorus kể lại rằng Alexandros bị đau sau khi uống một bát rượu không pha lớn dùng để dâng lên thần Heracles. Sức khỏe của ông suy giảm trong 11 ngày tiếp đó. Tuy nhiên, ông không phát sốt, nhưng đã qua đời sau khi bị những cơn đau hành hạ. Arrianos tán thành với phiên bản của Diodorus, trong khi Plutarchus bác bỏ nó một cách quyết liệt.

File:Babylonian astronomical diary recording the death of Alexander the  Great (British Museum).jpg - Wikimedia Commons

Một tấm đá Nhật ký thiên văn Babylon (k. 323–322 TCN) ghi chép về cái chết của Alexandros (Bảo tàng Anh, London)

Do nội bộ tầng lớp quý tộc Macedonia thường xảy ra các vụ ám sát, nhiều ghi chép về cái chết của Alexandros–mà trong đó có Diodorus, Plutarchus, Arrianos và Justinus – đã đề cập tới khả năng rằng ông có thể đã bị hạ độc. Justinus tuyên bố rằng Alexandros là nạn nhận của một âm mưu đầu độc. Dù bản thân Plutarchus bác bỏ điều này, cho rằng nó là một điều bịa đặt, thì cả Diodorus lẫn Arrianos đều ghi chú rõ ràng rằng họ đề cập tới vụ hạ độc này chỉ với mục đích đầy đủ hóa những ghi chép của họ. Tuy nhiên, các ghi chép đều khá nhất quán trong việc ám chỉ Antipater–người gần đây mới bị cách chức Phó vương của Macedonia và đồng thời có mâu thuẫn cao độ với Thái hậu Olympias–là người đứng sau âm mưu trên. Có lẽ do xem lệnh triệu tập đến Babylon như một bản án tử hình, với tấm gương của Parmenion và Philotas trước đó, Antipater đã sắp xếp để Alexandros bị con trai của ông là Iollas rót rượu có độc. Một số ý kiến khác thậm chí còn cho rằng Aristoteles có thể đã tham gia âm mưu ám sát.

Cuoc doi huy hoang it biet cua Alexander Dai de-Hinh-10

Lập luận mạnh nhất phản bác lại giả thuyết Alexandros bị hạ độc là thực tế rằng khoảng thời gian kể từ khi nhà vua bắt đầu bị bệnh đến khi chết là mười hai ngày. Những độc tố có thời gian phát tán lâu như vậy có lẽ không có sẵn. Tuy nhiên, trong một bộ phim tài liệu năm 2003 điều tra cái chết của Alexandros do đài BBC thực hiện, chuyên gia Leo Schep từ Trung tâm Chất độc Quốc gia New Zealand đã đề xuất rằng loài thực vật Veratrum album, vốn đã được biết đến trong thời cổ đại, có thể đã được sử dụng để đầu độc Alexandros. Trong bản thảo gửi cho tạp chí Clinical Toxicology vào năm 2014, Schep có đề xuất rằng rượu vang của Alexandros đã được pha với Veratrum album, dẫn đến các triệu chứng ngộ độc khớp với các diễn biến được mô tả trong Alexandros truyền kỳ. Độc tính của Veratrum album có thể có thời gian phát tán chậm, do vậy, trong trường hợp nếu Alexandros bị đầu độc, thì loài thực vật này là nguyên nhân hợp lý nhất. Năm 2010, một cách giải thích khác về vụ đầu độc Alexandros cho rằng hoàn cảnh cái chết của ông có liên quan đến nước sông Styx (Mavroneri ở Arcadia, Hy Lạp ngày nay), vốn chứa calicheamicin, một hợp chất nguy hiểm do vi khuẩn tạo ra.

Ngoài những nguyên nhân trên, các học giả đã đề xuất một vài nguyên nhân tự nhiên (bệnh tật) như sốt rét và sốt thương hàn. Trong một bài báo xuất bản năm 1998 trên Tạp chí Y học New England, ngoài sốt thương hàn, Alexandros còn bị thủng ruột khiến sức khỏe yếu dần dẫn đến liệt. Một phân tích khác gần đây đưa ra giả thuyết về viêm cột sống sinh mủ (nhiễm trùng) hoặc viêm màng não. Một số căn bệnh khác phù hợp với các triệu chứng trong ghi chép có thể kể đến như viêm tụy cấp và virus Tây sông Nin. Nói chung, các giả thuyết về nguyên nhân tự nhiên thường có thiên hướng nhấn mạnh rằng sức khỏe của nhà vua đại để đã suy giảm sau nhiều năm uống rượu và chịu nhiều vết thương nặng trên chiến trận. Ngoài ra, nhớ thương Hephaestion cũng có thể là một nguyên nhân chính khiến sức khỏe của ông suy sụp.

Sau khi chết, thi hài của Alexander được đặt trong một cái quách hình nhân bằng vàng được đổ đầy mật ong, chiếc quách này lại nằm trong một chiếc quan tài lớn bằng vàng. Theo Aelianus, một nhà tiên tri tên là Aristandros đã tiên đoán rằng vùng đất nơi Alexandros được an nghỉ "sẽ vĩnh viễn hạnh phúc và bất khả chiến bại". Có lẽ khả năng lớn hơn là những người kế vị đã coi việc sở hữu thi hài Alexandros là biểu tượng của tính hợp pháp, vì công việc chôn cất vị vua tiền nhiệm là một đặc quyền dành riêng cho hoàng gia.

Alexandros Đại đế - Wikiwand

Tranh vẽ thế kỷ 19 về đám tang của Alexander, dựa trên mô tả của Diodorus Siculus

Trong khi thi hài Alexandros đang trên đường quay về Macedonia, Ptolemaios đã cướp đoàn rước và tạm thời đưa cỗ quan tài đến Memphis. Người kế thừa của ông, Ptolemaios II Philadelphos, đã chuyển cỗ quan tài đến Alexandria, nơi nó ít nhất vẫn tồn cho đến cuối thời Cổ đại. Ptolemaios IX Lathyros, một trong những vị vua Ai Cập cuối cùng thuộc triều đại Ptolemaios, đã cho nung chảy quan tài vàng của Alexandros để đúc tiền và thay thế bằng một chiếc quan tài mới làm bằng thủy tinh. Gần đây người ta đã phát hiện một ngôi mộ khổng lồ ở Amphipolis tại miền bắc Hy Lạp, có niên đại từ thời Alexandros Đại đế, làm nảy sinh suy đoán rằng nơi đây vốn ban đầu được lựa chọn làm nơi chôn cất ông. Điều này khá phù hợp với đích đến dự kiến của đám rước linh cữu Alexandros từ Babylon. Tuy nhiên, người ta đã xác minh rằng nơi đây không phải dành cho Alexandros, mà là dành riêng cho Hephaestion–người bạn thân yêu nhất của ông.

Cả PompeyJulius Caesar lẫn Augustus đều đã đến thăm lăng mộ Alexandros ở Alexandria. Hoàng đế La Mã Augustus được cho là đã vô tình làm gãy mũi bức tượng của nhà vua. Hoàng đế Caligula được cho là đã lấy tấm áo ngực của Alexandros lấy từ trong mộ về để dùng. Vào khoảng năm 200, Hoàng đế Septimius Severus đã đóng cửa lăng mộ của Alexandros không cho công chúng tham quan. Caracalla, con trai của Septimius Severus và một người cực kỳ ngưỡng mộ Alexandros, đã đến thăm lăng mộ nhà vua Macedonia sau khi lên ngôi. Sau sự kiện đó, các ghi chép về ngôi mộ ít dần, khiến thông tin chi tiết về số phận của nó trở nên mơ hồ.

Giai thoại về những lời trăng trối trước khi ra đi

Cái chết của Alexander đại đế đến nay vẫn nằm trong vòng bí ẩn. Tuy nhiên, câu chuyện về phút lâm chung của vị hoàng đế vĩ đại này vẫn được người đời truyền tụng không ngớt vì ẩn chứa những bài học nhân văn sâu sắc. 

Chuyện kể rằng ông nhận ra rằng cái chết sắp sửa đến và ông sẽ không về kịp mảnh đất quê hương. Ông bảo các sỹ quan của mình: “Ta sắp sửa rời khỏi thế gian này. Ta có 3 điều nguyện ước. Các ngươi hãy thực hiện những gì ta bảo”. Các vị tướng tuân lệnh với đôi mắt đẫm lệ.

“Điều ước đầu tiên của ta là hãy bảo thầy thuốc của ta mang cái quan tài của ta về nhà một mình”. Sau khi cố hít thở một hơi, Alexander nói tiếp: “Ước nguyện thứ hai của ta là hãy rải vàng bạc, đá quý trong kho báu của ta trên suốt dọc đường khi các ngươi đưa quan tài của ta đến nấm mồ “.

Sau khi quấn mình trong chiếc chăn và nghỉ một lúc, ông nói tiếp: “Ước muốn cuối cùng của ta là hãy đặt 2 bàn tay ta ra bên ngoài cỗ quan tài”.

Mọi người xung quanh ông đều rất tò mò, nhưng không ai dám hỏi nguyên nhân vì sao lại làm như vậy. Vị sủng tướng của Alexander hôn bàn tay ông và hỏi: “Thưa Đức Vua, chúng thần sẽ làm theo mệnh lệnh của Ngài. Nhưng Ngài có thể cho chúng thần biết tại sao Ngài lại muốn chúng thần làm như vậy hay không?”.

Alexander lấy sức thở một hơi dài, đoạn nhìn tất cả một lượt và nói: “Sở dĩ ta yêu cầu các ngươi làm điều đó là muốn nhắn nhủ với con người thế gian 3 điều này”:

Thứ nhất, thầy thuốc giỏi đến thế nào cũng không thể thực sự chữa khỏi bệnh cho chúng ta. Khi đối diện với cái chết, họ cũng đành bất lực. Vì vậy, hãy biết trân quý sinh mệnh của mình.

Thứ hai, tiền bạc, của cải dù nhiều đến đâu, khi chết đi cũng trở thành vô nghĩa, chỉ có thể dùng để lót đường mà thôi.

Thứ ba, khi giã từ cõi đời, thứ con người thực sự còn lại chỉ là hai bàn tay trắng. Ta đến và đi đều là như vậy, cớ sao phải ôm giữ quá nhiều?

Nói xong, Alexander thở dài một tiếng rồi từ từ nhắm mắt và trút hơi thở cuối cùng.

Phân chia đế quốc

Cái chết của Alexandros đột ngột đến nỗi, khi tin tức lan truyền về Hy Lạp, người ta đã không tin vào điều đó. Alexandros qua đời mà chưa lập trữ và cũng không có hậu duệ hợp pháp. Con trai Alexandros IV của Roxane ra đời sau khi nhà vua đã mất. Theo lời kể của Diodorus, các chiến hữu trong lúc Alexandros hấp hối đã hỏi rằng ông sẽ truyền vương quốc lại cho ai; Alexandros đã trả lời một cách ngắn gọi rằng: "Tôi kratistôi"–"cho người mạnh nhất". Một giả thuyết khác cho rằng những người kế vị đã cố tình hoặc vô tình nghe nhầm "tôi Kraterôi" thành "dành cho Craterus", vị tướng đã dẫn quân đội Macedonia hồi hường và mới được phong làm tân nhiếp chính của Macedonia.

Arrian và Plutarch cho rằng Alexandros vào lúc này đã không còn nói được nữa và ngụ ý rằng câu chuyện trên là do người ta bịa ra. Diodorus, Curtius và Justinus đưa ra câu chuyện hợp lý hơn rằng Alexandros, trước sự chứng kiến của các nhân chứng, đã trao chiếc nhẫn hiệu của mình cho Perdiccas, một vệ sĩ và thủ lĩnh của lực lượng kỵ binh chiến hữu. Do đó, Perdiccas mới là người kế thừa mà Alexandros đã lựa chọn.

Perdiccas ban đầu không muốn làm vua, và tuyên bố rằng đứa con của Roxana, nếu là con trai, sẽ là người kế thừa. Ông và Craterus, Leonnatus và Antipater sẽ đóng vai trò nhiếp chính đại thần và hộ quốc công của thiếu quân. Tuy nhiên, lực lượng bộ binh dưới trướng của Meleager đã phản đối quyết liệt sự sắp đặt này vì không được tham gia thảo luận. Họ tuyên bố ủng hộ anh trai cùng cha khác mẹ của Alexandros là Philippos Arrhidaeus. Sau cùng hai bên đã tìm được tiếng nói chung, và sau khi Alexandros IV sinh ra, cả hai người đã được tôn làm đồng quốc vương của Macedonia, dù chỉ trên danh nghĩa.

Tuy nhiên, căng thẳng và cạnh tranh đã sớm ảnh hưởng đến người Macedonia. Các trấn do Perdiccas phân chia tại Babylon đã trở thành căn cứ hoạt động của các tướng lĩnh trong cuộc chiến tranh giành quyền lực. Sau vụ ám sát Perdiccas vào năm 321 TCN, Macedonia tan rã, tiếp nối bởi 40 năm chiến tranh không ngừng nghỉ giữa "Những người kế vị" (Diadochi). Sau nhiều năm chiến loạn, thế giới Hy Lạp hóa được chia thành bốn vương quốc đối nghịch nhau: nhà Ptolemaios ở Ai Cậpnhà Seleukos ở Lưỡng Hà và Trung Ánhà Attalos ở Anatolia và nhà Antigonos ở Macedonia. Trong quá trình này, cả Alexandros IV và Philippos III đều bị sát hại.

Nguyện vọng

Diodorus nói rằng Alexandros đã từng đưa di chiếu cho Craterus một thời gian trước khi qua đời. Craterus bắt đầu thực hiện các mệnh lệnh của Alexandros, nhưng những người kế vị đã chọn không thực hiện chúng nữa, vì cho rằng chúng không thực tế và ngông cuồng. Dù sao đi chăng nữa, Perdiccas đã đọc di chúc của Alexandros trước toàn thể ba quân.

Di chúc của Alexandros kêu gọi thực hiện các chiến dịch quân sự về phía nam và phía tây Địa Trung Hải, khởi công xây dựng các công trình hoành tráng và sự giao thoa giữa các nhóm dân cư phương Đông và phương Tây:

  • Xây dựng một lăng mộ hoành tráng, "sánh ngang với kim tự tháp vĩ đại nhất của Ai Cập", cho phụ vương Philippos II
  • Xây dựng những ngôi đền lớn ở DelosDelphiDodonaDiumAmphipolis, và một ngôi đền hoành tráng cho nữ thần Athena tại thành Troy
  • Chinh phục bán đảo Ả Rập và toàn bộ lưu vực Địa Trung Hải
  • Đi vòng quay của Châu Phi
  • Phát triển, mở rộng quy mô các thành phố và sự "ghép giống dân châu Á với châu Âu và theo hướng ngược lại từ châu Âu với châu Á, nhằm đem đến sự thống nhất chung và tình hữu nghị trên lục địa lớn nhất bằng những cuộc hôn nhân và quan hệ gia đình khác chủng tộc"

Di sản

Di sản của Alexandros vượt quá phạm vi của những cuộc chinh phạt quân sự. Những chiến dịch của ông đã gia tăng đáng kể sự tiếp xúc và mậu dịch giữa phương Đông và phương Tây, những vùng đất rộng lớn ở phía đông cũng đã tiếp xúc với nền văn minh Hy Lạp và chịu ảnh hưởng từ nó. Một số những thành phố do ông thành lập đã trở thành những trung tâm văn hóa lớn, một vài trong số đó vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Những nhà chép biên niên của ông đã ghi lại những thông tin quy giá về những vùng đất mà quân đội Macedonia đi qua, đồng thời bản thân người Hy Lạp cũng có cảm giác thuộc về một thế giới không chỉ giới hạn trong khu vực xung quanh Địa Trung Hải.

Các quốc gia Hy Lạp kế tục

Bản đồ thành phố Alexandria k. 30 TCN

Di sản trực tiếp của Alexandros chính là việc đưa những vùng đất rộng lớn mới ở châu Á vào vòng kiểm soát của người Macedonia. Vào thời điểm nhà vua băng hà, đế quốc của ông bao trùm một lãnh thổ có diện tích lên tới khoảng 5.200.000 km2 (2.000.000 dặm vuông Anh), và là quốc gia rộng lớn nhất lúc bấy giờ. Nhiều vùng đất do Alexandros chinh phục vẫn nằm trong tay người Macedonia hoặc dưới sự ảnh hưởng của Hy Lạp cho tới tận 200–300 năm tiếp đó. Các quốc gia kế tục xuất hiện và trở thành những thế lực hùng mạnh (ít nhất là vào giai đoạn đầu). Khoảng thời gian 300 năm này thường được gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa.

Biên cương phía đông của đế chế Alexandros đã bắt đầu sụp đổ ngay từ khi ông còn sống. Tuy nhiên, khoảng trống quyền lực mà ông để lại ở khu vực tây bắc của tiểu lục địa Ấn Độ đã trực tiếp giúp một trong những triều đại Ấn Độ hùng mạnh nhất trong lịch sử, đế quốc Maurya, trỗi dậy. Lợi dụng khoảng trống quyền lực này Chandragupta Maurya (được đề cập trong các tư liệu tiếng Hy Lạp dưới tên "Sandrokottos"), dù có xuất thân tương đối khiêm tốn, đã có thể lên nắm quyền kiểm soát vùng Punjab, và sử dụng nơi đây làm căn cứ quyền lực để tiến hành chinh phục Đế quốc Nanda.

Thành lập các thành phố

Trong quá trình chinh phạt của mình, Alexandros đã thành lập khoảng trên dưới 20 thành phố mang tên mình, phần lớn đều nằm ở phía đông của sông Tigris. hành phố đầu tiên và vĩ đại nhất chính là Alexandria ở Ai Cập, về sau đã trở thành một trong những đô thị hàng đầu tại khu vực Địa Trung Hải. Vị trí của những thành phố này thể hiện các tuyến đường thương mại cũng như các vị trí phòng thủ trọng yếu. Ban đầu, các thành phố này chắc chắn khó mà ở được, chúng có lẽ chỉ mang vai trò của một nơi để bố trí lực lượng đồn trú phòng thủ, không hơn không kém. Sau cái chết của Alexandros, nhiều thực dân Hy Lạp được đưa đến định cư ở các thành phố này đã cố gắng quay trở về Hy Lạp. Tuy nhiên, một thế kỷ sau cái chết của Alexandros, nhiều trong số các thành phố mang tên Alexandria đã phát triển rực rỡ, với nhiều công trình kiến trúc công cộng phức tạp bên cạnh dân số đáng kể bao gồm cả dân địa phương lẫn người Hy Lạp.

Tài trợ các đền thờ

Sự hiến dâng của Alexandros Đại đế dành cho thần Athena Polias tài Priene, hiện được trưng bày trong Bảo tàng Anh.

Vào năm 334 TCN, Alexandros Đại đế đã quyên góp tiền bạc để hoàn thành công việc xây dựng ngôi đền thờ phụng thần Athena Polias mới ở Priene, phía tây Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Một bản khắc từ ngôi đền này, hiện được trưng bày trong Bảo tàng Anh, ghi rằng: "Đức vua Alexandros hiến dâng [ngôi đền này] lên [nữ thần] Athena Polias." Bản khắc này là một trong số ít những khám phá khảo cổ học độc lập xác thực một tình tiết trong cuộc đời của Alexandros. Ngôi đền được thiết kế bởi Pytheos, một trong những kiến trúc sư của Lăng mộ Mausolus ở Halicarnassus.

Hy Lạp hóa

Đế quốc của Alexandros là quốc gia lớn nhất lúc bấy giờ, với lãnh thổ khoảng 5.2 triệu km2.

Hy Lạp hóa là một thuật ngữ được sử gia người Đức Johann Gustav Droysen đặt ra để thể hiện sự truyền bá ngôn ngữ, văn hóa và dân cư Hy Lạp vào các vùng đất thuộc đế quốc Ba Tư xưa kia sau khi bị Alexandros chinh phục. Sự xuất khẩu văn hóa này chắc chắn đã diễn ra, và có thể thấy ở các thành phố Hy Lạp cổ đại, chẳng hạn như AlexandriaAntiochia và Seleucia (phía nam thành Bagdad ngày nay). Alexandros tìm cách đưa những yếu tố Hy Lạp vào văn hóa Ba Tư và cố gắng lai tạo hai nền văn hóa này với nhau, với đỉnh điểm là tham vọng đồng hóa các dân tộc châu Á và châu Âu làm một. Tuy nhiên, những người kế nhiệm ông đã bác bỏ một cách dứt khoát những chính sách như thế này. Dù sao đi chăng nữa, tiến trình Hy Lạp hóa occurred trong toàn khu vực, đi song song với sự 'phương Đông hóa' khác biệt và trái ngược ở các quốc gia kế tục.

Cốt lõi của nền văn hóa Hy Lạp được truyền bá thông qua những cuộc chinh phục về cơ bản là văn hóa vùng Athen. Sự liên kết chặt chẽ giữa những binh sĩ trong hàng ngũ quân đội của Alexandros đã trực tiếp dẫn đến sự xuất hiện của phương ngữ "koine", hay con gọi là tiếng Hy Lạp "phổ thông", được tiến hóa từ tiếng Attica. Tiếng Koine lan rộng khắp thế giới Hy Lạp hóa, trở thành lingua franca của các vùng đất Hy Lạp hóa và cuối cùng trở thành tổ tiên của tiếng Hy Lạp hiện đại. Hơn nữa, quy hoạch đô thị, giáo dục, chính quyền địa phương và nghệ thuật, phổ biến trong thời kỳ Hy Lạp hóa đều dựa trên các lý tưởng Hy Lạp Cổ điển. Chúng phát triển thành các hình thức mới riêng biệt và thường được nhóm lại thành văn hóa Hy Lạp hóa. Các khía cạnh của văn hóa Hy Lạp hóa vẫn còn hiện hữu trong những phong tục, tập quán của Đế quốc Đông La Mã vào giữa thế kỷ 15.

Tiến trình Hy Lạp hóa tại Trung và Nam Á

Tượng Phật Thích-ca Mâu-ni trong phong cách Phật giáo Hy Lạp, niên đại từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ 2, Gandhara, miền bắc Pakistan. Bảo tàng Quốc gia Tokyo.

Một trong những của quá trình Hy Lạp hóa có thể được nhìn thấy thông qua sự phát triển của Vương quốc Hy Lạp-Bactria (250–125 TCN) ở AfghanistanPakistan và Tajikistan hiện đại và Vương quốc Ấn-Hy Lạp (180 TCN - 10 SCN) ở Afghanistan và Ấn Độ hiện đại. Trên các tuyến đường thương mại của Con đường Tơ lụa, văn hóa Hy Lạp đã giao thoa với văn hóa Iran và Phật giáo. Nghệ thuật và thần thoại của xứ Gandhara (một khu vực trải dài ở thượng lưu sông ẤnSwat và Kabul ở Pakistan hiện đại) từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên là minh chứng rõ ràng nhất về mối liên hệ trực tiếp giữa nền văn minh Hy Lạp và Nam Á. Bên cạnh đó, những Sắc lệnh của Ashoka có đề cập trực tiếp đến những thần dân Hy Lạp của Ashoka cải sang đạo Phật và việc các đế vương thế giới Hy Lạp tiếp nhận những sứ giả Phật giáo. Kết quả của sự giao thoa văn hóa này là sự nguyên hợp của cái gọi là Phật giáo Hy Lạp, đã có những ảnh hưởng đến sự phát triển của Phật giáo và trường phái nghệ thuật Phật giáo Hy Lạp. Các nhà quân chủ Phật giáo Hy Lạp đã gửi các cao tăng đến Trung QuốcSri Lanka, hay các quốc gia Hy Lạp khác ở châu Á lẫn châu Á để truyền bá Phật pháp.

Một số tượng chân dung đầu tiên và có ảnh hưởng nhất về Đức Phật đã xuất hiện trong giai đoạn này, có lẽ được mô phỏng theo các bức tượng thần Apollo của Hy Lạp dưới phong cách Phật giáo Hy Lạp. Một số truyền thống Phật giáo có thể đã bị ảnh hưởng bởi tôn giáo Hy Lạp cổ đại: tỷ như khái niệm Bồ-đề-tát-đóa gợi nhớ đến các vị anh hùng trong thần thoại Hy Lạp, hay một số nghi lễ được thực hành trong Phật giáo Đại thừa (thắp hương, tặng hoa và thức ăn đặt trên bàn thờ) cũng tương tự như những nghi thức được thực hiện bởi người Hy Lạp cổ đại; tuy nhiên, những nghi thức tương tự cũng có thể được tìm thấy trong văn hóa Ấn Độ bản địa. Tên tuổi của một vị vua Hy Lạp tên là Menandros I, đã được làm cho sống mãi dưới cái tên "Di Lan Đà" trong kinh điển Phật giáo Di-lan-đà vấn đạo. Quá trình Hy Lạp hóa cũng thúc đẩy thương mại giữa phương đông và phương tây. Một số dụng cụ thiên văn Hy Lạp có niên đại vào thế kỷ thứ 3 TCN đã được tìm thấy ở thành phố Hy Lạp-Bactria Ai-Khanoum thuộc Afghanistan ngày nay, trong khi khái niệm về một trái đất hình cầu được xoay quanh bởi các thiên thể hình cầu khác của người Hy Lạp cuối cùng đã được thay thế bởi bằng niềm tin vào một trái đất hình dẹt, gồm bốn lục địa nằm xung quanh một ngọn núi ở trung tâm (Núi Tu-di) giống như hình cánh hoa. Các tác phẩm như Yavanajataka (nghĩa đen là "luận thuyết thiên văn học Hy Lạp") hay Paulisa Siddhanta mô tả sự ảnh hưởng của các khái niệm thiên văn Hy Lạp đối với nền thiên văn học Ấn Độ.

Sau các cuộc chinh phạt của Alexandros Đại đế ở phương đông, nghệ thuật Hy Lạp hóa đã dần tạo ảnh hưởng lên nghệ thuật Ấn Độ. Trong lĩnh vực kiến trúc, có thể tìm thấy một vài ví dụ về thức cột Ionic tại ngôi đền Jandial gần Taxila ở Pakistan. Một vài ví dụ về ảnh hưởng của thức cột Ionic có thể tìm thấy ở những nơi xa xôi như Patna, đặc biệt là thức cột Pataliputra, có từ thế kỷ thứ 3 TCN. Ảnh hưởng của thức cột Corinth trong nghệ thuật xứ Gandhara có thể thấy một cách rõ ràng thông qua thức cột Ấn -Corinth.

Ảnh hưởng tới La Mã

Huy chương được sản xuất dưới thời Đế quốc La Mã, thể hiện tầm ảnh hưởng của Alexandros trong tâm khảm người La Mã thời bấy giờ. Bảo tàng Nghệ thuật WaltersBaltimore.

Alexandros và những chiến công của ông được nhiều người La Mã, đặc biệt là các tướng lĩnh ngưỡng mộ. Họ thường muốn liên hệ mình với những thành tích của nhà vua Macedonia. Polybius mở đầu tác phẩm Historia của mình bằng cách nhắc nhở người La Mã về những thành tựu của Alexandros Đại đế. Về sau, ông thường được các nhà lãnh đạo La Mã coi như một hình mẫu. Pompey Vĩ đại sử dụng ngoại hiệu "Magnus" và thậm chí là cắt tóc giống Alexandros. Ông thậm chí đã lục tung những vùng đất mà mình chinh phục ở phía đông để tìm chiếc áo choàng 260 năm tuổi của Alexandros, để rồi khoác nó lên người như một dấu hiệu của sự vĩ đại. Julius Caesar đã từng thực hiện nghi lễ hiến dâng một bức tượng đồng cưỡi ngựa của Lysippos nhưng thay thế đầu của Alexandros bằng đầu của mình. Octavianus khi đến Alexandria có đến viếng lăng mộ của Alexandros và tạm thời sửa con dấu của mình từ hình nhân sư thành chân dung của vị vua quá cố. Hoàng đế Traianus cũng là một người hâm mộ Alexandros, tương tự Nero và Caracalla. Các thành viên của thị tộc Macriani, có Macrinus từng nắm giữ ngôi vị hoàng đế trong một thời gian ngắn, thường mang trên người những đồ trang sức hoặc quần áo được chạm hoặc thêu hình Alexandros.

Mặt khác, một số nhà văn La Mã, đặc biệt là các nhân vật thời Cộng hòa, đã sử dụng Alexandros như một câu chuyện cảnh báo về việc khuynh hướng chuyên quyền có thể bị các giá trị cộng hòa kiểm soát như thế nào.Alexandros được các nhà văn này sử dụng như một ví dụ về những đức tính của một vị Quân vương như amicita (tình bạn) và clementia (lòng bao dung), nhưng cũng có iracundia (thịnh nộ) và cupiditas gloriae (ham muốn vinh quang quá mức). Hoàng đế Julianus trong tác phẩm châm biếm "Các đời Caesar" của mình đã mô tả một cuộc thi giữa các hoàng đế La Mã thời trước trước sự chứng kiến của các vị thần, mà Alexandros Đại đế cũng tham gia với tư cách là một thí sinh phụ.

Vì sao Alexander đại đế vĩ đại?

Vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, đế quốc Ba Tư dưới sự cai trị của Cyrus Đại Đế, trở thành quốc gia hùng mạnh ở Tây Á. Với sức mạnh của mình Cyrus đưa quân đi chinh phục khắp nơi và thành lập đế quốc rộng lớn đến 2 triệu km2. Bấy giờ Hy Lạp mới chỉ là một tiểu quốc nhỏ bé tại châu Âu. Nhưng Alexander Đại Đế đã khiến cho thế cục đó thay đổi…

Trước khi Alexander chào đời, Đế quốc Ba Tư đã bắt dầu dòm ngó sang châu Âu. Từ Năm 490 đến năm 480 TCN quân Ba Tư tiến đánh Hy Lạp nhưng đều gặp thất bại. (Xem bài: Trận Thermopylae: 300 quân Sparta chống lại 1 vạn quân Ba Tư và Thủy chiến Salamis: Trận đánh quan trọng bậc nhất trong lịch sử nhân loại)

Dù tiểu quốc Hy Lạp cùng đồng minh của mình đã chiến thắng trong hai cuộc xâm lược đó, nhưng chênh lệch sức mạnh so với người khổng lồ Ba Tư vẫn là quá lớn. Thế nhưng chẳng ai ngờ rằng chỉ 100 năm sau, tiểu quốc Hy Lạp đã có đủ sức mạnh để làm nên một cuộc lật đổ vĩ đại nhất lịch sử thế giới, đánh bại người khổng lồ Ba tư để trở thành Đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, chinh phục 5 triệu km2 khắp cả 3 châu lục.

Lãnh thổ đế quốc Ba Tư (màu xanh lá) vào thời Cyrus Đại Đế. (Tranh: ChrisO, Wikipedia, Public Domain)
Sự hùng mạnh của Hy Lạp là nhờ một vị vua kiệt xuất của lịch sử thế giới: Alexander Đại Đế. Ông kiệt xuất không chỉ bởi vì ông khiến cho Hy Lạp hùng mạnh, mà còn bởi vì văn minh Hy Lạp nhờ ông mà lan truyền và trở thành cái nôi của văn minh châu Âu.

Thắm Lê tổng hợp theo wikipedia, trithucvn.org, Người nổi tiếng (Youtube)


(*) Xem thêm

Bình luận