Những chiếc phao cứu sinh và hành trình thiện nguyện ‘Tình yêu Sông Hồng’

21/05/2022 | 485

Gần đây, dọc xung quanh những cây cầu bắc qua sông Hồng đều được trang bị những chiếc phao cứu sinh. Đó chính là một phần trong chuỗi hoạt động thiện nguyện “Tình yêu Sông Hồng” của CLB bơi Khám phá.

Câu lạc bộ bơi Khám phá

Thấu hiểu nỗi sợ đuối nước

Anh Nguyễn Ngọc Khánh (35 tuổi) thành lập Câu lạc bộ (CLB) bơi Khám phá sau một lần bị đuối nước vào năm 2018. Hơn ai hết, anh Khánh hiểu rất rõ nỗi sợ hãi khi không thể bơi và sự tuyệt vọng của những người bị đuối nước mà không thể cầu cứu một ai.

Chính lần “chết hụt” đấy, anh đã nghiên cứu tập luyện rất nghiêm túc, vượt qua nỗi sợ của bản thân và tự trau dồi kỹ năng, trải nghiệm bơi ở các sông, hồ khác nhau. Vào năm 2020, anh thành lập CLB bơi Khám phá. Mục đích chính của nhóm là khám phá bản thân thông qua hoạt động bơi lội.

Từ năm ngoái, nhóm đã cắm các biển cảnh cáo ở các bãi bơi sông Hồng để hạn chế các em học sinh xuống sông tắm, tránh xảy ra những trường hợp đuối nước thương tâm. Để có thể lan tỏa, giúp đỡ nhiều người hơn nữa, năm nay CLB quyết định hoạt động tích cực hơn.

Cách đây hơn một tháng, anh Khánh đã lên ý tưởng về chuỗi hoạt động này. Một hành trình thiện nguyện “Tình yêu sông Hồng” dự kiến kéo dài 10 tuần với các hoạt động tại 10 tỉnh thành dọc sông Hồng như chia sẻ kiến thức về bơi và cách sơ cứu, cứu hộ đuối nước và cho lắp đặt các phao cứu hộ trên các cầu bắc qua sông Hồng từ Lào Cai kết thúc ở Thái Bình ra biển.

CLB Bơi Khám Phá có kế hoạch đặt 400 chiếc phao trên những cây cầu bắc qua sông Hồng từ Lào Cai đến Thái Bình.

Những chiếc phao cứu sinh được các thành viên lắp đặt cẩn thận trên 6 cây cầu ở Hà Nội bao gồm cầu Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy và Thanh Trì với hi vọng là phương tiện gián tiếp giúp những người đuối nước, những người muốn cứu nạn nhân đuối nước ở dưới lòng sông Hồng.

Với dòng chữ "phao cứu người, không lấy", anh hi vọng nếu ai đó có ý định trộm phao, khi đọc được dòng chữ này, sẽ suy nghĩ lại. Mỗi chiếc phao giá trị không lớn, chỉ 100.000 đồng/cái, nhưng có thể sẽ cứu được một mạng người.

“Thực ra bọn mình nghĩ, bây giờ cứ treo 100 cái phao rồi bị lấy mất cũng được. Nhưng nếu trong 100 cái phao đấy có thể cứu được một người thì cũng là một điều đáng quý rồi”, anh Khánh chia sẻ.

Sứ mệnh lan tỏa, giúp đỡ cộng đồng

Sau hơn 3 năm hoạt động, CLB đã có hơn 4.000 người tham gia. Hiện tại, nhóm đã tổ chức các chương trình dạy bơi, kĩ năng làm quen sông nước, cứu hộ cứu nạn, tại 4 tỉnh bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Nội và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng.

Các hoạt động chia sẻ kiến thức cho người dân về phòng chống đuối nước, dạy bơi miễn phí, cách sơ cứu người đuối nước sẽ được thực hiện tại 10 tỉnh thành.

Mỗi mùa hè, những vụ đuối nước thương tâm đều xảy ra và nhiều nạn nhân chính là trẻ em. Mong muốn giảm thiểu những tai nạn không đáng có, anh Khánh cùng CLB bơi Khám phá luôn cố hết sức để có thể giúp đỡ, lan tỏa kiến thức cần thiết tới tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em.

Khó khăn lớn nhất với hành trình thiện nguyện của CLB cho đến thời điểm hiện tại là việc kết nối với các tỉnh đoàn khác. Anh Khánh chia sẻ: “Người ta không hình dung ra được mình sẽ làm cái gì bởi vì từ trước đến giờ họ có làm các chương trình phòng chống đuối nước nhưng nó khá sách vở, mô phỏng và nhiều khi ở ngoài thực tế không áp dụng được. Khi mà nhóm mình đề cập đến các đơn vị, chắc họ nghĩ là mình cũng sẽ chỉ làm như cách thông thường nên không nhiệt tỉnh lắm. Nhưng khi trao đổi kỹ hơn, anh đảm bảo với họ là những kiến thức bọn mình mang đến là thực tế vì đây chính là những kinh nghiệm thực tế.”

Hiện tại, nhóm đã hoạt động được tại 4 tỉnh bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Nội.

Bơi ở sông, suối khác hẳn với bể bơi, nếu người dân không trang bị kiến thức, kỹ năng sinh tồn, rất dễ gặp nguy hiểm. Do vậy những kỹ năng thực tế là rất cần thiết, nhất là khi mùa hè sắp đến.

Chính những trải nghiệm hàng nghìn giờ bơi, tập ngoài sông, biển, trải qua những biến cố, rủi ro ngoài sông nước chắc chắn không ai có thể có, đã tích lũy nên kiến thức hữu ích. Khi các đơn vị thấy chương trình của nhóm hoàn toàn khác biệt và bổ ích thật sự thì hiện tại các tỉnh đều đã liên hệ với nhóm. Anh Khánh cũng đang liên hệ đến các thành đoàn, cơ quan chức năng để tổ chức những buổi chia sẻ quy mô hơn và lan tỏa được đến nhiều người hơn.

Anh Khánh cho biết: “Các vụ đuối nước 90% là do họ không hiểu thế nào là bơi nên mới chủ quan để xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy. Cái bọn anh muốn truyền đạt đến với cộng đồng là đam mê bơi lội và kiến thức đúng chuẩn về việc bơi. Mong rằng, những kiến thức hữu ích này sẽ giúp đỡ được nhiều người và hạn chế được những tai nạn thương tâm”.

Theo baomoi.com


(*) Xem thêm

Bình luận