Sám hối là gì? Thực hành sám hối như thế nào cho đúng để tiêu trừ nghiệp chướng tăng trưởng phước lành?

27/01/2024 | 100

Con người ta khi sống trong cõi ta bà này thường khó tránh mắc sai lầm, tội lỗi (có khi tạo các ác nghiệp từ muôn kiếp trước), chính vì thế mà thường cảm thấy bất hạnh, khổ đau. Theo Chánh pháp, một trong nhiều cách giúp chúng ta sống thanh thản và bình an hơn đó là thực hành lạy Phật sám hối với tâm hối cải chân thành nhất.

Đức Phật dạy rằng: "trên đời này có hai hạng người quý nhất đó là: một là người không mắc lỗi lầm gì, hai là người có lỗi nhưng biết sai và sửa chữa"

1. Sám hối là gì ?

Nguồn gốc của nghĩa sám hối là do từ chữ posatha hay uposatha (Tàu âm là bố-tát.), chỉ có nghĩa đơn thuần là ngày thọ trì bát quan trai giới hay là ngày đọc tụng giới bổn của tỳ-khưu Tăng.

Theo Phật giáo Nam tông, bát quan trai giới mỗi tháng có 8 ngày, nếu tính thêm ngày rước và ngày đưa (trước và sau) thì có 12 ngày (xem bài Bát quan trai giới).

  • Người Phật tử có thể nguyện thọ trì mỗi tháng bao nhiêu ngày cũng được cả. Mỗi lần như vậy, họ nguyện giữ 8 giới trong một ngày, một đêm.

Đây là những ngày mà họ có thể sám hối, nhất là các ngày lệ thường sóc vọng - 14, 30 mỗi tháng.

  • Tỳ-khưu Tăng thì mỗi tháng hai lần tụng giới bổn. Và dịp này, chính mỗi vị phải sám hối những giới phạm của mình. Có tội sám hối được, có tội không sám hối được (Xem Tứ thanh tịnh giới: Có tội bị trục xuất không cho ở chung với Tăng (bất cộng trụ); có tội bị phạt cấm phòng (tăng tàn) và có tội như tác ác, ưng đối trị... sám hối được.).

2. Cách thức sám hối

Theo Phật giáo Theravāda thì cách thức sám hối rất đơn giản.

  • Vào những ngày 14 và 30 mỗi tháng, phật tử đến chùa làm phước, bố thí, xin giới và làm lễ sám hối, nghe pháp... Dịp này,  phật tử tụng kinh Tam Bảo, đối trước điện Phật hoặc đối trước Tăng đọc lời sám hối hoặc tụng bài kinh sám hối. Họ cũng thường xin Chư Tăng truyền thọ lại ngũ giới hoặc bát quan trai giới. Xin thọ trì giới trở lại, có thể bất cứ lúc nào, trong các lễ trai tăng, cúng dường, nghe pháp hoặc các lễ chúc phúc an lành...

Nếu không đến chùa được thì phật tử có thể sám hối và xin giới ngay bàn thờ Phật ở trong nhà rồi nguyện thọ trì giới cho được trong sạch từ nay về sau.

  • Với hàng xuất gia thì có 227 điều luật, tùy theo nặng nhẹ mà trục xuất, cấm phòng hay sám hối. Những giới có thể sám hối được đều tương tợ nhau, nghĩa là vị tỳ-khưu phạm giới trình giới tội của mình với vị tỳ-khưu cao hạ. Và sự đối đáp xẩy ra như nhau: “Hiền giả đã ‘thấy rõ’ tội chưa?” Vị phạm giới đáp: “Thưa vâng, bạch tôn giả, con ‘đã thấy tội rồi!”. Sau đó vị sư cao hạ khuyên pháp đệ của mình cố gắng giữ giới cho trong sạch.

Cách thức sám hối này rất trong sáng, không mang màu sắc tín ngưỡng, trái lại nó tỏ lộ tình cảm đạo lý, giúp người phạm giới sau khi thấy tội của mình, nguyện chừa bỏ để nỗ lực tu tập cho tốt hơn.

3. Ý nghĩa sám hối

Như vậy, sám hối của Phật giáo nổi bật hai ý nghĩa chính là: Ăn năn xin chừa bỏ lỗi trước và nguyện cải hối từ đây về sau.

3.1 Sám hối những giới đã phạm

Nếu tội lỗi mà có hình tướng thì dẫu cả hư không vô tận kia cũng không chứa hết tội lỗi của chúng sanh đã tạo tác từ vô thủy đến nay. Quả vậy, chúng ta đã từ vô lượng kiếp trôi lăn, tội lỗi chất chồng lớp lớp, truyền nối nhiều đời thật không kể xiết được.

Vừa lọt lòng mẹ, chúng ta đã mang sẵn nhiều chủng nghiệp khác nhau, tạo nên những cá tính khác nhau. Ai ai cũng chứa đầy những giống loại tâm lý, tính tình, khả năng, thói quen, ác tật phức tạp. Những tham, sân, mạn, tật đố, hiềm hận, bạc ơn, phản phúc, bỏn xẻn...đã có đầy đủ ở trong mỗi chúng ta. Các hạt giống này đã có sẵn, do duyên sanh, hiện hành... làm nhân, làm quả tương tục, liên miên, bất tận. Tất cả những "tiền khiên tội lỗi" ấy, chúng đã đâm chân mọc rễ nhiều đời, mọi phương cách sám hối đều không thể rửa sạch. Chỉ có tu tuệ quán mới có thể bứng nhổ được, không còn sanh khởi.

Tuy nhiên, những tội lỗi chúng ta làm trong hiện tại, sau khi sám hối, nguyện ăn năn chừa bỏ, chúng ta sẽ thấy thân tâm thư thái, nhẹ nhàng, sẽ không còn bị ám ảnh về tội lỗi nữa. Thoát khỏi ám ảnh tội lỗi (Tâm sở hối (kukkucca): Là trạng thái tâm hối hận, ray rứt, bất an, nóng nảy, lo lắng, bồn chồn, sợ hãi… nên thuộc về tâm sở bất thiện. Ngược lại là ăn năn sám hối; sau khi ăn năn sám hối, tâm ta trở nên lắng dịu, nhẹ nhõm, thư thái thuốc về tâm sở thiện (khinh an: kāyalahutā - cittalahutā)) là ý nghĩa rất quan trọng, rất có lợi ích do nhờ sám hối đúng đắn mang lại.

3.2 Nguyện từ nay về sau xin chừa bỏ

Khi đã xin từ bỏ thì sẽ không còn dám tái phạm, từ nay về sau cố gắng sống cho tốt hơn, cố gắng phát triển những hạnh lành, những đức tính thanh cao.

Quả vậy, nếu xấu ác là quá nhiều như hư không vô tận không thể chứa hết thì những hạnh lành, những đức tính tốt đẹp, cao cả ở trong tâm chúng ta có được từ "vô thỉ dĩ lai" (Vô thỉ dĩ lai: Vô thỉ là không có đầu, lai là lại; ý nói "từ khởi thủy rất lâu xưa đến nay".) cũng nhiều đến vô biên vô lượng. Những đức tính ấy, những thiện pháp thanh lương và cao sáng ấy ví dụ như: chân thật, nhẫn nại, từ ái, đức tin, tấn, niệm, vô tham, vô sân, tàm, quý...

Ý nghĩa sám hối không chỉ đơn thuần là chừa bỏ ác xấu mà còn phát triển những hạnh lành nữa vậy. Phải làm cho những cái xấu ác không có cơ hội nẩy nở, tăng trưởng; mà chúng ta phải tạo duyên, điều kiện tốt cho những mầm giống thiện nẩy sinh, đâm chồi, ra hoa, kết trái nữa.

Mà nếu như vậy thì ý nghĩa, giá trị của sám hối là phải tu tập Tứ Chánh Cần ở trong 37 trợ đạo phẩm:

  • Tinh tấn làm cho những ác niệm đã sanh phải tuyệt dứt (Ác dĩ sanh, sử trừ đoạn).
  • Tinh tấn ngăn giữ những ác niệm chưa sanh, đừng cho sanh khởi (Ác vị sanh, sử bất sanh ).
  • Tinh tấn làm cho niệm lành chưa sanh, được sanh (Thiện vị sanh, sử phát sanh).
  • Tinh tấn làm cho những niệm lành đã sanh, được tăng trưởng (Thiện dĩ sanh, sử tăng trưởng).

Nói tóm lại, nhờ sám hối, con người có thể cải hóa được những cái xấu ác trong lòng mình, có thể được an vui, thanh thản do si mê đã lỡ tạo tác ác nghiệp, phạm giới trong quá khứ. Ngoài ra, lại còn có cơ hội phát triển những đức tính tốt đem lại hạnh phúc cho mình và người. Chân nghĩa của sự sám hối phải thật sự như các câu Kinh Lời Vàng 172 và 173 sau đây:

“- Trước kia phóng Tứng, mê mờ. Ngày sau tỉnh niệm, hướng bờ giác xa. Đưa tay vén đám mây qua.

Vầng trăng ló dạng, nguy nga hạ huyền!”

(Yo   ca   pubbe   pamajjitvā   pacchā   so   nappamajjati,   somaṃ lokaṃ pabhāseti abbhā mutto va candimā).
“- Hồi đầu làm các hạnh lành.

Xóa mờ ác nghiệp đã sanh thuở nào. Trí nhân chiếu sáng trần lao.

Trời quang, mây tạnh, trăng sao đời này!”

(Yassa pāpaṃ kataṃ kammaṃ kusalena pidhīyati, somaṃ lokaṃ pabhāseti abbhā mutto va candimā).

Nguồn: Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Tỳ-khưu Giới Đức - Sīlaguṇa Bhikkhu) – Phật học tinh yếu

 

 


(*) Xem thêm

Bình luận