Giới - Định - Tuệ: nền tảng của an lạc và giải thoát
Giới, định, tuệ là pháp môn vi diệu bậc nhất trên lộ trình tu học của hành giả, là chỗ nương tựa vững chắc, nền tảng kiên cố cho tường thành công đức. Do vậy, hành giả tu Phật, ở bất kỳ tông phái nào, cũng luôn lấy giới, định, tuệ làm kim chỉ nam trong đời sống hằng ngày. Dùng giới, định, tuệ soi sáng cho thân, khẩu, ý, có được chánh niệm vững chãi, thảnh thơi và an lạc.
Giới định tuệ là nền tảng của an lạc và giải thoát
Vậy chúng ta hiểu sao cho đúng về giới định tuệ?
Giới là gì?
Giới chính là “chỉ ác phòng phi” (ngưng dứt điều ác, phòng ngừa lỗi quấy), được dùng để đối trị tâm tham của quý vị. Tâm tham sẽ làm phát sanh ra niệm ác, đi tham đắm những tài vật không nên tham. Vì sao lại phát sanh loại tâm tham này? Vì không biết gì về giới. Giới chính là ngưng dứt điều ác, phòng ngừa lỗi quấy, Giới dạy cho quý vị biết đủ, biết dừng, không được tham vọng; nếu quý vị biết hành trì giới luật thì có thể đánh bại tâm tham, chiến thắng được tâm tham.
Định là gì?
Định chính là “định lực”. Nếu quý vị không có định lực sẽ dễ sinh tâm sân, nhìn ai cũng thấy sai, nhìn việc gì cũng thấy không đúng. Có xảy ra chuyện gì cũng cho là quấy; thấy tất cả mọi người đều sai; khi không có ai hoặc không có việc gì thì tự mình thấy chính mình cũng sai nốt, tự nổi nóng với bản thân. Thậm chí chỉ nổi nóng với mình thì không nói, đằng nầy còn tự mình đánh mình; tự mình vả bên miệng trái một cái, người đó nghĩ: “còn bên miệng phải cũng phải đánh, nếu không nó sẽ ghen tỵ”.
Thế nào gọi là “ghen tỵ” (吃醋)? Đây là một công án rất thú vị của người Trung Hoa. Vào thời nhà Đường có một vị vua, Ngài có một vị quan đại thần; vị quan đại thần nầy vô cùng sợ vợ. Người vợ đã dùng cách nào mà làm vị quan nầy sợ đến thế? Buổi tối vị quan về trễ một chút là bị vợ bắt quỳ gối trước giường. Vốn là một vị đại thần mỗi lần gặp hoàng đế đều phải khấu đầu lễ lạy; mỗi lần về nhà trễ còn phải quỳ trước mặt vợ. Qùy cho đến khi nào vợ bảo “đứng dậy”, vị quan mới dám đứng dậy; còn nếu vợ chưa hạ “thánh chỉ”, chưa nói câu “đứng dậy”, có nghĩa là vẫn chưa cho phép chồng đứng lên.
Quan hệ giữa vị đại thần nầy và vua rất tốt, cho nên vị đại thần bèn đem sự việc kể lại cho vua nghe, vua bảo: “Trẫm có cách có thể trị được vợ của khanh, làm cho bà ta từ đây về sau không quản thúc khanh nữa!” Vị đại thần vui mừng thưa: “Hoàng thượng có cách gì vậy?” “Khanh không cần hỏi! Trẫm nhất định có cách giúp khanh trị được vợ của mình!”
Thế là hoàng đế liền hạ một đạo thánh chỉ, cho gọi phu nhân của vị đại thần vào cung; vị phu nhân nầy giống như con cọp, “một con cọp cái” đi vào hoàng cung, hoàng đế liền nói với bà: “Khanh đó! Vì sao chồng của khanh đi về trễ một chút, khanh liền bắt chồng quỳ gối trước giường? Làm như vậy là không đúng! Huống hồ chồng của khanh lại không có quan hệ lôi thôi với những người phụ nữ khác; nhưng cho dù có quan hệ đi nữa, khanh cũng không nên quản thúc chồng như thế! Nếu như từ đây về sau khanh chịu sửa đổi, không quản thúc chồng nữa, thì trẫm xem như không có chuyện gì, tha cho khanh vô tội; còn như khanh vẫn cứ kềm hãm chồng của mình, không để cho ông ấy được tự do, thì trẫm sẽ xử khanh tội chết, ở đây trẫm có một chén thuốc độc, khanh sẽ phải uống nó!”
Quý vị biết vị phu nhân kia đã xử trí ra sao không? Người đàn bà nầy thật có dũng khí, đã trả lời vua một cách rất dũng cảm rằng: “Thế cũng tốt! Thần bằng lòng chết ngay trước mặt bệ hạ!” thế là bà cầm lấy chén thuốc độc uống ngay. Trong chén nầy vốn không phải là thuốc độc, mà là dấm; vua cố ý nói chén dấm nầy là chén thuốc độc để xem phu nhân có dám uống hay không. Người đàn bà nầy thật là dũng cảm, không cần suy nghĩ gì liền bưng lấy uống ngay! Thà chết chứ không chịu thả lỏng chồng; cuối cùng may mắn đó là một chén dấm, uống vào trong bụng bất quá bị chua một trận là cùng, chứ không hề nguy hiểm gì đến tánh mạng.
Thế là từ đó về sau, Trung Hoa có thêm công án “uống dấm” nầy; ý nghĩa của nó là: vợ giữ chồng, giữ rất chặt, cho đến thà chết chứ không thả lỏng, nhất định phải giữ chặt lấy chồng. Điều đó cho thấy người có tánh nóng nảy, không có ai bên cạnh, người đó không chịu nổi chính mình, tự mình đánh mình. Vì sao vậy? Vì tánh nóng của người đó quá lớn, không có người bên cạnh để đánh thì đánh chính bản thân mình vậy. Tại sao lại đánh mình? Tại người đó không có định lực! Cho nên cần phải tu định. Người tu định có được định lực thì sẽ không có tâm sân; vì sao quý vị có tâm sân hận, nóng nảy, nổi cáu lớn như thế? Đó là bởi vì quý vị không có định lực.
Tuệ là gì?
Vì sao quý vị ngu si? Vì quý vị không có trí tuệ. Suốt ngày toàn khởi vọng tưởng, bị tâm vọng tưởng chi phối không ngừng; đó là vì không có trí tuệ, cho nên việc gì cũng không nhận rõ. Người có trí tuệ được gọi là “sự lai tắc ứng, sự khứ tắc tịnh”, việc gì đến thì tùy thuận theo đó mà làm; xong việc, hết việc rồi thì để cho tâm được rảnh rang, không để cho sự việc mãi chi phối tâm mình, như cách nói “tâm vi hình dịch” không để cho tâm mãi làm nô lệ cho thân. Vì sao vậy? Vì quý vị không có trí tuệ, không đủ khả năng làm chủ bản thân, trái lại còn bị nó chi phối. Nếu như có trí tuệ thật sự thì tất cả những việc xảy đến quý vị đều có thể nắm lấy mấu chốt để giải quyết (迎刃而解) —giống như cầm lấy con dao bén, bất luận có việc gì xảy đến đều dùng mũi dao thật sắc xuyên thủng qua chúng! Đây gọi là “nắm lấy mấu chốt để giải quyết”, xử lý vấn đề.
Chúng ta là người học Phật pháp phải nhận định rõ ràng tất cả mọi sự việc. Hôm nay tôi nghe Quả Chương dạy Hoa văn cho chúng ta nói rằng: “Người không hiểu rõ Phật pháp quả là người ngu si nhất; người hiểu rõ Phật pháp mới là người có trí tuệ”. Đây thật là lời cách ngôn, rất có đạo lý! Vậy chúng ta là người có trí tuệ thì không ngu si; người ngu si thì không có trí tuệ.
Tôi còn muốn nói với quý vị một câu chân thật là: Cái “ngu si” đó quý vị biết nó có nghĩa là gì không? Nó có nghĩa là “trí tuệ”! “Nói lên như thế, có thể sẽ có người cho rằng tôi giảng hàm hồ! Cái gì mà ngu si chính là trí tuệ, trí tuệ chính là ngu si? Thế thì tại sao còn phải học trí tuệ, mà không cần đến ngu si?” Qúy vị không nên xét cách nói nầy của tôi theo lẽ thường tình. Điều tôi muốn nói là “bản thể của ngu si” có thể trở thành trí tuệ; chứ không phải nói rời xa cái ngu si nầy mà đi tìm trí tuệ nào khác. Trí tuệ nầy vốn có ở trong cái ngu si của quý vị, chỉ là quý vị chưa biết sử dụng nó. Nếu quý vị biết sử dụng thì nó chính là trí tuệ; không biết sử dụng thì nó chính là ngu si. Điểm mấu chốt chính là ở chỗ nầy!
Định nói ở trên cũng chính là sân; sân cũng chính là định. Nếu quý vị thật sự muốn có được định thì ở ngay nơi chỗ sân hận nầy có thể biến thành định lực. Nếu quý vị thật sự muốn giữ giới thì ngay chỗ tham muốn cũng có thể biến thành giới mà không phải đi tìm cầu ở bên ngoài. Những cái nầy đều có đủ trong tự tánh của quý vị, nếu quý vị biết sử dụng thì nó chính là “Giới, Định, Tuệ”; nếu quý vị không biết sử dụng thì nó chính là “tham, sân, si”. Điều mầu nhiệm chính là ở điểm nầy; cái quý vị không hiểu rõ cũng chính ở điểm nầy.
“Đạt đến trình độ làm được lợi ích cho bản thân” (Đãi đắc kỷ lợi): “đãi” nên giảng là “cập”, có nghĩa là “đến”. Đãi đắc kỷ lợi chính là đạt đến trình độ làm được lợi ích cho bản thân. Thế nào là làm được lợi ích cho bản thân? Vì những vị A la Hán nầy “đã dứt hết các lậu, không còn bị phiền não”.
Vì sao chúng ta không làm được lợi ích cho bản thân? Chính là vì chúng ta còn chạy theo sự được mất; nếu như bây giờ không còn bất kỳ lậu hoặc và phiền não nào thì lúc bấy giờ mới được gọi là “đạt được lợi ích cho bản thân”. Lợi ích thực sự là gì? Tự mình thật sự hiểu rõ đó chính là đạt được trí tuệ chân chánh; người không có trí tuệ sẽ không đạt được lợi ích thật sự. Có được trí tuệ, chứng đắc quả vị A la hán, đây mới được gọi là “đạt được lợi ích tự thân”. “Kỷ lợi” chính là “tự mình đã giác ngộ”, cũng gọi là “tự giác” hay “tự lợi”. Qúy vị lại có thể đem đạo lý mình đã giác ngộ đi giáo hóa cho tất cả chúng sanh thì gọi là “lợi tha” hay “giác tha”, cho nên thường nói chung là “tự lợi lợi tha, tự giác giác tha”. Hiện tại số đại A la hán nầy đều đã đạt được tự giác nhưng chưa thể giác tha, cho nên chỉ có “tự mình lợi ích cho chính mình” chứ chưa “làm lợi ích được cho người khác”.
“Không còn sự trói buộc vào trong các cõi” (Tận chư hữu kiết): Tận là không còn; không còn cái gì? Không còn “sự trói buộc” vào trong “các cõi”. Cái gì gọi là sự trói buộc vào trong các cõi? Các cõi đó là cõi dục giới, cõi sắc giới, cõi vô sắc giới; ba cõi nầy còn gọi là “tam hữu”. “Tam giới, tam hữu” nầy nếu chia chẻ ra lại có “hai mươi lăm cõi” nữa. Hai mươi lăm cõi trong tam giới chính là:
Bốn châu bốn ác thú, sáu cõi dục Phạm thiên;
Bốn thiền bốn không xứ, Vô Tưởng Ngũ Na Hàm.
“Bốn châu, bốn ác thú”. Bốn châu là Đông Thắng Thần châu, Nam Thiệm Bộ châu, Tây Ngưu Giá châu, Bắc Câu Lô châu. Bốn ác thú là loài A tu la, loài ở trong địa ngục, loài ngạ quỷ, loài súc sanh; những nơi nầy xấu nhất cho nên gọi là cõi ác. Tại sao gọi là “hữu”? đó là “cõi có tạo nghiệp”, có tạo ra những tội nghiệp nầy. Bốn châu và bốn cõi ác kể trên đều ở trong dục giới.
“Sáu cõi dục, Phạm Thiên” là sáu cõi trời dục giới và cõi Phạm Thiên thứ sáu của sắc giới. Tổng cộng có bảy, cộng với tám cái trên thành mười lăm. Sáu từng trời cõi dục là cõi trời Tứ Thiên Vương, cõi trời Đao Lợi, cõi trời Dạ Ma, cõi trời Đâu Suất, cõi trời Hóa Lạc, cõi trời Tha Hóa Tự Tại.
“Bốn thiền, bốn không xứ”. Bốn từng thiền ở cõi trời sắc giới là cõi trời Sơ thiền, cõi trời Nhị thiền, cõi trời Tam thiền và cõi trời Tứ thiền. Có người không hiểu rõ Phật pháp cho rằng mình đã đạt đến Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền là ghê gớm lắm; kỳ thật người đó vẫn còn ở trong hai mươi lăm cõi của tam giới, căn bản vẫn chưa thể nói là có được thành quả gì, nếu nói về vấn đề tu đạo thì đã xa lại càng xa. Thế nhưng lại có một số sư phụ hàm hồ bảo với mọi người rằng đây là một loại cảnh giới cao nhất.
Giống như tỳ kheo Vô Văn lấy từng thiền thứ tư làm quả vị thứ tư, vị ấy đạt đến cõi trời Tứ thiền lại cho rằng mình đạt được quả vị thứ tư; về sau, khi vị ấy bị đọa lạc lại hủy báng Phật rằng: “Phật nói người chứng được quả vị thứ tư sẽ không còn sanh tử, tại sao bây giờ tôi lại bị đọa?” Vị ấy vừa hủy báng Phật như thế liền đọa vào bốn ác thú, vĩnh viễn không ra khỏi. Không chỉ một mình vị ấy đọa vào địa ngục mà mấy vạn đệ tử của vị ấy cũng đọa vào địa ngục theo thầy, nên nói:
Không rõ truyền không biết, cả hai đều mờ mịt;
Sư phụ đọa địa ngục, đệ tử cùng theo gót.
(mộng đổng truyền mộng đổng, nhất truyền lưỡng bất đổng;
Sư phụ hạ địa ngục, đồ đệ vãng lý củng).
Đệ tử cũng đọa vào địa ngục theo Thầy, sư phụ bèn hỏi đệ tử: “Các ngươi đến đây làm gì?” Đệ tử thưa rằng: “Thưa Sư phụ, Thầy đã đến nơi nầy, chúng con đương nhiên là phải theo với Thầy!” Sư phụ vừa nghe xong kinh ngạc: “Ồ, làm thế nào mình lại dẫn đệ tử vào trong địa ngục?” Bản thân các đệ tử cũng không hiểu mình đã đến đây bằng cách nào. Quý vị nói xem việc nầy thật là…Những người đệ tử nầy quả là thương mến sư phụ của mình nhất, sư phụ đọa địa ngục, bọn họ cũng theo vào; thật đáng thương vô cùng!
Bốn không xứ chính là cõi trời Không Vô Biên xứ, cõi trời Thức Vô Biên xứ, cõi trời Vô Sở Hữu xứ, cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ của vô sắc giới.
“Vô Tưởng, Ngũ Bất Hoàn” là cõi trời Vô Tưởng của sắc giới và cõi trời Ngũ Bất Hoàn. Cõi trời Ngũ Bất Hoàn là một cõi trời khác có tên gọi là Ngũ Bất Hoàn chứ không phải là năm cõi trời.
“Bốn châu, bốn ác thú” là tám cái; “sáu cõi dục, Phạm Thiên” là bảy cái; bảy cộng với tám thành mười lăm. “Bốn thiền, bốn Không xứ” là tám cái; thêm vào “cõi trời Vô Tưởng” và “cõi trời Ngũ Bất Hoàn” thành ra mười cái. Mười lăm cộng với mười thành hai mươi lăm. Đây là hai mươi lăm cõi trong tam giới.
Không còn sự trói buộc trong các cõi chính là siêu vượt tam giới, không còn ở trong dục giới, sắc giới và vô sắc giới, cho nên nói là “ siêu vượt ra ngoài tam giới, không ở trong ngũ hành”, như thế mới thật sự gọi là liễu thoát sanh tử.
“Tâm được tự tại”: lúc bấy giờ trong tâm của các vị đại A la hán nầy vô cùng an vui; tự tại là an vui. Không còn tự tại nào bằng, không còn an vui nào bằng! Cho nên vì sao bồ tát Quán Tự Tại được gọi là “Quán Tự Tại?” Chính là Ngài ngồi ở chỗ đó, suốt ngày đều được an vui, tự tại vô cùng, không hề có chút phiền não, tâm đạt được tự do thật sự! Do Ngài đạt được trí tuệ chân chánh cho nên có được sự an vui vô cùng. Niềm an vui nầy là niềm an vui thật sự lưu xuất từ nội tâm, chứ không phải cố ý làm ra vẻ mừng vui cười ha hả. Niềm vui thật sự ở bên trong chứ không phải ở bên ngoài. Qúy vị không nên cho rằng suốt ngày cười ha hả mới là vui, mà trái lại đó chính là phiền não! Đó chính là điên đảo! Vì sao vậy? Qúy vị nhìn thấy sự việc mình ưa thích thì liền bị lôi cuốn theo niềm ưa thích đó (bị cảnh giới lay chuyển). Đó là vì quý vị không có định lực cho nên mới bị sự ưa thích lôi cuốn, cười vui ha hả. Đó có cái gì là an vui thật sự không? Không hề có! Cho nên mới nói đó là điên đảo.
Tóm lại, trau dồi giới, định, tuệ để dứt trừ vô minh, cây Bồ-đề sẽ sớm nở hoa, kết quả. Vì có giới, định, tuệ sẽ có được giải thoát và Niết-bàn. Do vậy, kinh điển Thế Tôn để lại rất nhiều nhưng tựu trung lại vẫn không ra ngoài giới, định, tuệ, vì ba thứ này là nền móng cho tòa nhà giác ngộ.
Hòa Thượng Tuyên Hóa
(Trích từ Kinh Pháp Hoa Lược Giảng)
Mời quý vị xem thêm phân tích về 3 gốc giới định tuệ qua bài giảng của thầy Thích Phước Tiến
Xem thêm