Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Muốn vượt qua những nỗi khổ niềm đau bên trong chúng ta cần chăm sóc chúng chứ không phải trốn chạy chúng!
Đôi khi, chúng ta rơi vào tuyệt vọng, phiền não vì cuộc sống bất như ý đến với mình. Ta chơi vơi đi tìm đáp án cho câu hỏi: "Làm sao để có thể thoát khỏi những đau khổ trong cuộc đời này?" Nhưng cuộc sống vốn vô thường, không có điều gì ta lường trước hay tránh được. Khi những điều bất như ý xuất hiện trong cuộc sống, thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên chúng ta có thể đón nhận khổ đau qua những cách sau:
Nhận diện và thừa nhận những khổ đau
Có rất nhiều người trốn tránh những phiền muộn khổ đau vì không dám đối diện với nó, vì nó mà buông xuôi mọi thứ, ngập chìm trong sự chán chường, cô quạnh. Sự tối tăm trong tâm hồn cứ thế lớn dần khiến chúng ta không dám bước tiếp, từ đó con đường dẫn đến sự bất hạnh và khổ đau như một vòng luẩn quẩn trong đời.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhấn mạnh trong cuốn sách Tâm tình với Đất Mẹ: "Nếu chúng ta thừa nhận rằng chúng ta đang có đau khổ thì ta mới có một cơ hội để chuyển hóa những đau khổ đó." Khi chấp nhận niềm đau nỗi khổ như một phần tất yếu của cuộc sống, ta nhìn sâu, lắng nghe được bản thân mình. Khi lắng nghe có chánh niệm, ta có thể đạt tới sự hiểu thấu và làm giảm khổ đau. Chúng ta phải có mặt thực sự cho chính ta thì ta mới có thể hiểu được những đau khổ và khó khăn của mình.
Thực tập chánh niệm trong hơi thở
Huấn luyện bản thân thực tập chánh niệm – chánh niệm trong hơi thở, ngồi thiền, thiền hành. Bởi vì khi thực hiện những điều này trong chánh niệm, ta sẽ có nhiều sức mạnh hơn, vững chãi hơn. Không có chánh niệm, ta có thể bị nhấn chìm thực sự. Nhưng với chánh niệm, ta chủ động hơn. Chúng ta có cơ hội hiểu nỗi khổ niềm đau của mình và nhìn thấy được lối thoát cho vấn đề của mình. Khi chúng ta hiểu được khổ đau của mình, tự thân khổ đau sẽ chuyển hóa.
Chúng ta nói về nghệ thuật khổ đau. Chúng ta có thể học cách chế tác hạnh phúc từ việc chuyển hóa những đau khổ. Ta học hỏi được rất nhiều từ những khổ đau của mình. Bên cạnh đó, chúng ta có thể lắng nghe những đau khổ của bản thân với lòng từ bi, ta cũng có thể làm điều tương tự với người khác. Khi ta thấy một người đau khổ, từ bi ứa ra từ tim ta, và ta muốn làm một điều gì đó để giúp cho người ấy bớt đau khổ. Bởi vì ta thấy và hiểu được những đau khổ của họ, ta sẽ không chỉ trích những hành động hay lời nói của họ. Ta chỉ muốn giúp họ bớt khổ mà thôi.
Hiểu được rằng không có gì sinh ra, không có gì mất đi
Trong cuốn sách nổi tiếng Không diệt không sinh đừng sợ hãi, Thích Nhất Hạnh cho rằng đối với đa số, chúng ta đau khổ nhiều nhất vì ý niệm đến-đi. Chúng ta nghĩ rằng những người thương của ta đã đến từ một nơi nào đó và nay sẽ đi tới một nơi nào đó. Nhưng bản chất của thực tại là không đến cũng không đi. Chúng ta không từ đâu tới mà cũng không đi về đâu cả. Khi nhân duyên đầy đủ thì ta biểu hiện, khi nhân duyên hết thì chúng ta ẩn tàng. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu. Giống như khi làn sóng phát thanh không phát ra âm thanh, thì chúng chỉ không biểu hiện mà thôi.
Khi mất một người mình thương thì hẳn là ta đau khổ. Nhưng nếu bạn biết nhìn sâu, bạn có cơ hội để nhận ra rằng bản thể của người đó là vô sinh, bất diệt. Chỉ có sự biểu hiện và sự ngừng lại để biểu hiện dưới hình thức khác mà thôi. Bạn phải rất tinh và tỉnh thức để có thể nhận ra sự biểu hiện mới của người thương đó. Nhưng khi thực tập và cố gắng, bạn có thể làm được chuyện này.
Nếu chúng ta biết thực tập và thấm nhuần thực tại vô sinh bất diệt, nếu ta hiểu được rằng đến-đi, tới lui chỉ là những ý niệm, và nếu ta hiện diện một cách vững chãi, bình an, thì ta có thể độ được người sắp chết. Ta có thể giúp họ bớt hẳn sợ hãi và đau khổ. Ta có thể giúp họ chết một cách bình an. Ta có thể giúp chính ta hiểu rằng không có sự chết, nghĩa là không có sợ hãi. Chỉ có sự tiếp tục mà thôi.
Một khi bạn hiểu rằng đời sống của con người và vũ trụ chỉ là những biểu hiện, chúng ta sẽ được bình an vô cùng. Nếu bạn đang đau khổ vì mất một người thân thương, xin hãy tập nhìn sâu để hàn gắn vết thương trong bạn.
Thực tập vô thường
Chúng ta thường buồn rầu và đau khổ rất nhiều khi sự vật thay đổi. Nhưng sự thay đổi, sự vô thường có khía cạnh tích cực của nó. Nhờ vô thường mà mọi sự vật mới có cơ hội. Đời sống nhờ vô thường mới hiện hữu. Nếu hạt bắp không vô thường thì hạt bắp không bao giờ có thể biến thành một cây bắp. Nếu không vô thường thì cây bắp không thể cho ta trái bắp để ăn được. Nếu con gái quí vị không thay đổi thì nó không thể lớn lên để trở thành một phụ nữ. Và cháu bạn sẽ không bao giờ ra đời. Vậy, thay vì than vãn về vô thường, chúng ta nên nói: "Hoan nghênh vô thường, chúc vô thường mãi mãi". Chúng ta hãy sung sướng. Khi thấy được phép lạ của vô thường, nỗi đau buồn của chúng ta sẽ qua đi.
Tất cả chúng ta đều có thể hiểu vô thường bằng trí óc, nhưng như thế thì không hiểu được chân nghĩa của nó. Trí não không đưa chúng ta tới giải thoát. Khi chúng ta vững chãi và có định lực, ta có thể thực tập nhìn sâu. Khi nhìn sâu và hiểu được bản chất của vô thường, ta có thể quán chiếu về cái hiểu biết sâu xa đó. Như vậy cái hiểu về vô thường trở thành một phần của con người chúng ta. Nó trở thành sự thực tập hàng ngày của ta. Chúng ta phải duy trì sự giác ngộ về vô thường đó để có thể nhìn thấy và sống với vô thường trong mọi lúc. Nếu chúng ta thiền quán về đối tượng vô thường, ta sẽ nuôi dưỡng được tri giác về vô thường khiến cho nó sống trong ta hằng ngày. Tu tập như thế, vô thường sẽ là chiếc chìa khóa mở cho ta cánh cửa vào chân lý thực tại.
(Bài viết trích từ sách Tâm tình với Đất Mẹ và Không diệt không sinh đừng sợ hãi của Thích Nhất Hạnh)
Theo Ngọc Tú - Trí thức trẻ
Xem thêm