Câu chuyện con Rắn và cái Cưa - Bài học sâu sắc về hậu quả của sự nóng giận
Một trong những tính xấu nguy hiểm của con người đó là nóng nảy, hay giận dữ. Nhiều người chì vì một phút bốc đồng tức giận mà làm ảnh hưởng xấu đến người khác (thậm chí gây đại hoạ) nhưng đồng thời cũng làm tổn thương chính mình mà không hay.
Có một câu chuyện ngụ ngôn được lưu truyền từ xưa đến nay như sau:
Một con rắn bò vào một cửa hàng bán đồ làm mộc và bò đến góc nhà. Khi bò ngang qua một cái cưa, nó vô tình bị lưỡi cưa làm bị thương. Lập tức, nó quay lại và cắn cái cưa. Thế nhưng càng cắn, nó lại càng bị mũi cưa cứa vào miệng.
Nó không hiểu chuyện gì đã xảy ra, vội vàng cho rằng cái cưa đang tấn công mình, nó quyết định quấn lấy cái cưa, định làm cho cái cưa ngạt thở giống như cách mà nó thường làm để kiếm mồi. Thế nhưng nào ngờ, càng cuốn thì miệng cưa càng đâm vào thịt nó nhiều hơn. Kết quả là con rắn bị chết vì sự nóng giận và ngu muội của mình.
Có một con rắn độc
Đi tìm thức ăn khuya
Bò vào trong xưởng mộc
Trườn qua một cái cưa.
Bị một vết cắt nhỏ
Tưởng là cưa tấn công
Rắn quay đầu hùng hổ
Cắn mạnh, ngay và luôn.
Miệng bị rách, chảy máu
Khiến nó nổi cơn điên
Tấn công trong cuồng loạn
Nuốt sống “kẻ thù” liền.
Thân cưa dính đầy máu
Hình như sắp "chết” rồi?
Rắn ngỡ mình đang thắng
Trong cuộc đấu tay đôi.
Dường như chưa hả giận
Nó quấn chặt lưỡi cưa
Gồng mình siết thật mạnh
“Biết ta là ai chưa?”
Con rắn đầy nội lực
Dùng hết sức bình sinh
Để quyết tâm giết chết
Kẻ dám tấn công mình (!)
Nhưng chưa kịp đắc thắng
Rắn đã vội ra đi
Cái cưa vô tri ấy
Nào đâu hay biết gì?
Tự kết liễu mạng sống
Sau một cơn điên khùng
Kẻ ảo tưởng sức mạnh
Chết đáng đời, đúng không?
Cuộc sống là như thế
Phải biết mình là ai?
Hiểu cả đối phương nữa
Mới thành công, nên người.
Và quan trọng là phải
Kiểm soát bản thân mình
Đừng để cơn nóng nảy
Khiến người đời cười khinh.
Đôi khi ta phản ứng
Làm tổn thương đến người
Thực ra tổn thương nhất
Chính là lòng ta thôi!
Ứng xử trong cuộc sống
Hãy bằng tình yêu thương
Lòng vị tha cao thượng
Sự hy sinh, nhún nhường.
Mỗi việc nhịn một chút
Để gió lặng, sóng yên
Mọi sự lùi một bước
Biển rộng, trời cao thêm.
Hận thù đừng ghim giữ
Giận dỗi càng tua nhanh
Học từ - bi - hỷ - xả
Giữ đầu an, tâm lành.
Việc ấy là rất khó
Nhưng phải cố làm thôi
Cũng giống như buông bỏ
Chẳng đơn giản trên đời!
Bài học
Khi gặp chuyện gì đó không như ý, nhiều người thường có xu hướng tức giận và đổ lỗi lên người khác, từ đó dẫn đến lời nói và hành động tiêu cực. Nóng giận dẫn tới làm chuyện dại dột hại người là tự chuốc hoạ vào thân và tổn hao phước báu của chính mình. Trên thực tế, có không ít người vì nóng giận nhất thời mà sự nghiệp, danh vọng, địa vị bao năm khó nhọc gây dựng bỗng tiêu tan như mây khói.
Đức Phật từng nói rằng: "Nuôi cái giận trong lòng thì khác nào mình uống thuốc độc mà trông chờ người khác chết" hoặc "Giữ sự giận dữ trong lòng, cũng giống như cầm một hòn than với ý định ném vào người khác, nhưng chính mình lại là người bị bỏng".
Nóng giận là biểu hiện của vô minh và nghị lực yếu. Hậu quả của nóng giận mất kiểm soát là hại người, hại mình, đau khổ triền miên. Nhiều khi "lùi một bước biển rộng trời cao, tiến một bước ngã nhào xuống vực sâu". Trong trường hợp này lùi là tiến và ngược lại tiến lại là lùi! Vậy chi bằng hãy cố gắng buông bỏ đi.
Khi bị ai đó "tấn công", cách tốt nhất đó là bình tĩnh suy xét cẩn trọng, soi xét lại bản thân xem có lỗi gì không mà khiến người đối xử với mình như vậy. Nếu không, hãy cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh đối phương xem họ có vấn đề gì không? Ví dụ kẻ ăn trộm vì rơi vào đường cùng không còn tiền chạy chữa bệnh cho người thân mà nghĩ quẩn làm liều. Có khi người gây ức chế cho ta lại đang là nạn nhân của một cơn giận khác nên "giận cá chém thớt" chăng? Đứa trẻ hư hay đánh bạn vì đã lớn lên trong môi trường gia đình bạo lực và thiếu hụt tình thương yêu. Một người hay đố kỵ là vì đã từng nhiều lần bị đối xử bất công, còn lạc trong bóng tối mê lầm và đang bị chính lửa hờn ghen thiêu cháy dần mà không hay... Họ thật đáng thương hơn là đáng trách.
Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh. Nhưng bản lĩnh không phải tự nhiên mà có mà phải cần quá trình rèn luyện lâu dài. Để có thể tĩnh lặng trước những vấn đề bất như ý, cần một nghị lực lớn và trí tuệ sáng để kiểm soát và chuyển hoá cơn giận dữ như núi lửa đang ngầm sục sôi dần thành miền đất lành cho cây xanh mọc lên. Đây là một việc rất gian nan với hầu hết mọi người trên đời này nhưng khi đã có ý thức về tác hại của nóng giận rồi thì chúng ta nên cố gắng tập luyện thôi. Muốn vậy cần phải học và hành thường xuyên, thời gian đầu chắc chắn cơn giận còn nhiều lắm nhưng dần dần chúng sẽ tan biến dễ dàng hơn, rồi đến lúc nào đó bạn sẽ coi những hoàn cảnh khó khăn hay người gây khổ cho mình là đối tượng để tu tập cho bản thân tinh tấn hơn chứ không phải là "những tảng đá" chướng ngại nữa.
Đừng để cơn giận biến mình thành nô lệ mà hãy làm chủ cơn giận. Nên tập hít thở sâu và quán xét đa chiều trong tỉnh thức và chánh niệm thì chúng ta mới có thể ứng xử bằng thái độ ôn hoà, lòng bao dung, vị tha, cũng như tìm ra được giải pháp ổn thoả nhất cho tất cả, từ đó mới có thể đắc tâm an & thu phục lòng người. Thiền Sư Minh Niệm từng nói rằng: "Nắm muối không hề mặn với lượng cả dòng sông. Lỗi lầm kia bé nhỏ với cõi lòng mênh mông".
Thắm Lê tổng hợp
---
Xem thêm