Tha thứ là trọn nghĩa yêu thương

18/02/2022 | 716

Tha thứ là một trạng thái cảm xúc rất đặc biệt mà không có nhiều người trên đời này có thể làm được. Thường con người ta khi bị ai đó làm tổn thương sẽ sinh ra sân hận lâu dài rồi đau khổ, mệt mỏi triền miên. Bạn ơi, cuộc đời này ngắn lắm, xin đừng hao tâm tổn sức vì những thứ không đâu mà hãy dành thời gian và năng lượng cho những điều tốt đẹp, dẫu biết rằng rất khó nhưng hãy cố gắng dần mở lòng bao dung, thứ tha cho người, bạn cũng sẽ cảm thấy cuộc đời mình dần nhẹ nhàng hơn...

Cát Trong Nắm Tay | Gia An's blog

Tha thứ chính là buông bỏ mọi cố chấp và hận thù để thảnh thơi vui sống.

Nhà thần học Reinhold Niebuhr có một câu nói rất nổi tiếng: “Sự tha thứ là hình thức cao nhất của yêu thương”. Sự tha thứ cũng được ca ngợi trong nhiều hình thức văn hóa, được khuyên răn ở nhiều tôn giáo khác nhau trên thế giới.

Tha thứ là gì?

Từ gốc Hy Lạp của từ “tha thứ” có nghĩa đen là “buông ra”, giống như khi một người không đòi lại số tiền mình đã cho mượn. Chúng ta tha thứ cho người khác khi buông sự thù oán ra và không đòi hỏi bất cứ bồi thường nào cho những mất mát và tổn thương mà mình đã gánh chịu.

Tha thứ là hành động bỏ qua lỗi lầm của người khác. Tha thứ không phải là xóa đi, chối bỏ đi những điều xấu mà người khác gây ra cho mình, mà là khuyến khích bản thân mình “đóng khung” lại những vết thương cũ và bình tâm quan sát chúng lành lại.

Sự tha thứ cho phép quá khứ trôi qua, dù không có nghĩa là xóa hết những gì đã xảy ra, nhưng nó giúp chúng ta giảm bớt và thậm chí loại bỏ quá khứ khổ đau để những bất hạnh trong quá khứ không còn ảnh hưởng đến cuộc sống trong hiện tại tương lai của chúng ta.

Tha thứ là một là một hành động rất quan trọng đem lại bình an và an lạc cho mọi người và cho bản thân mình. Hành động tha thứ được nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại trong mọi tôn giáo.

Trong đạo Phật, tha thứ được coi là một bài thực tập nhằm ngăn ngừa những ý niệm có hại cho bản thân mình.

Trong đạo Phật, tha thứ được coi là một bài thực tập nhằm ngăn ngừa những ý niệm có hại cho bản thân mình.

Ý nghĩa của sự tha thứ

Những lời giảng của Đức Phật đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự an lạc trong tâm mỗi người cũng như trong cả cuộc sống. Theo Phật giáo, tha thứ là một bước hết sức quan trọng nhằm đạt được trạng thái an lạc này.

Đức Phật dạy việc cố chấp, không tha thứ sẽ làm bản thân chúng ta đau khổ. Ai không thể buông bỏ những điều (sai trái) mà người khác gây ra cho mình thì cũng không thể buông bỏ được sự hận thù, đau khổ khỏi bản thân. Hận thù kéo theo đau khổ và càng nhiều đau khổ thì ta lại càng dày vò quá khứ, càng nung nấu hận thù, như trong ngục tù. 

Có một nhà thơ từng viết rằng: 

âm thần ta một cõi riêng,

Nó là Địa ngục, cảnh Tiên trên đời.

Cảnh Tiên nhờ nó vui tươi,

Địa ngục vì nó thành nơi đoạ đày

Học cách tha thứ để cuộc sống thêm hạnh phúc tươi đẹp hơn.

Chỉ có chính ta mới giải thoát được cho ta mà thôi. Tha thứ chính là chìa khóa mở cửa địa ngục hay nhà tù để phóng thích tâm ta thoát khỏi khổ đau. Tha thứ cho người khác cũng như tha thứ cho bản thân mình là một bước quan trọng trong việc đạt tới sự an lạc và giác ngộ. Do vậy, tha thứ hay buông bỏ hận thù còn được coi là một phương pháp tu tập, giống như thiền định.

Có đau khổ thì mới có được an lạc. Để đạt được sự an lạc, chúng ta cần phát triển trí tuệ và từ bi. Nhờ trải qua những hoàn cảnh đau khổ mà chúng ta mới có cơ hội tăng trưởng nghị lực, từ bi và trí huệ. Do vậy, những hoàn cảnh bất như ý, gây tổn thương cho chúng ta cũng đồng thời là nguồn chất liệu để chúng ta tu tập. Chúng ta không nên thù hằn những người đã gây ra hoàn cảnh bất lợi đó. Đứng trên góc độ này, chúng ta thấy cần phải cảm ơn những người đã làm tổn thương mình.

Cũng như rác rưởi và hoa màu, mới nhìn thì không thấy có sự liên quan gì với nhau và ai cũng thích hoa mà ghét rác, nhưng một người làm vườn thì lại không ghét, không xua đuổi rác bởi ông ta có thể dùng rác để ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, cây sẽ nở hoa đẹp, kết trái ngon. Thực hành tha thứ chính là thực hành tăng trưởng trí tuệ và lòng từ bi.

Tha thứ còn có thể giúp người tỉnh ngộ mà thay đổi để tốt hơn, để tạo ra những hoàn cảnh hoà hảo cho tương lai tốt đẹp hơn.

Quan điểm nhân văn này đã được chứng minh trong "Bình Ngô đại cáo" của đại thi hào Nguyễn Trãi:

"Đem đại nghĩa thắng hung tàn

Lấy chí nhân thay cường bạo"

Theo dòng lịch sử trôi đi đến thời cận đại, một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta xuất hiện là Bác Hồ Chí Minh đã lãnh đạo đất nước ta qua 2 cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ. Trong suốt các những năm tháng chiến tranh dài đằng đẵng đó, Bác luôn dùng tinh thần tôn trọng hoà bình và nhân văn xuất phát từ trái tim nhân ái và vĩ đại của một người yêu nước chân chính, để đàm phán và thương thuyết với kẻ thù nhằm bảo toàn lực lượng quân dân, giảm thương vong, và giành lại hoà bình trên từng tấc đất cho tổ quốc. Cho đến năm 1975 cuối thế kỷ 20, khi đất nước ta giành thắng lợi hoàn toàn trước đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giành lại hoà bình, độc lập trọn vẹn lãnh thổ cho dân tộc. Đảng, nhà nước và nhân dân ta đã giữ tinh thần nhân đạo từ ngàn xưa của ông cha ta cũng như của Bác Hồ để sẵn sàng tha thứ cho kẻ xâm lược từng sát hại biết bao đồng bào, tạo nền tảng bình yên để xây dựng lại đất nước hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. 

Dường như nhờ hồn thiêng sông núi và lòng yêu nước của cả dân tộc mà đất nước ta đã dần dần vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, gian khó do hậu quả chiến tranh, để mà vững bước đi lên dần khôi phục lại nền kinh tế, kiện toàn chính trị, cải thiện xã hội, đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc hơn. Ngày nay, dù chưa phải là một cường quốc nhưng nước ta đã tạo nên các mối bang giao hữu hảo với hầu hết các nước trên toàn thế giới, tạo nên những cơ hội hợp tác mới tạo đà cho đất nước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời đại mới.

Thực tập lòng tha thứ

Trong đạo Phật, tha thứ được coi là một bài thực tập nhằm ngăn ngừa những ý niệm có hại cho bản thân mình. Đạo Phật chỉ rõ rằng những suy nghĩ tiêu cực như: thù ghét, giận dữ có ảnh hưởng lớn và lâu dài đến nghiệp (trong thân – khẩu – ý). Do vậy, mỗi người đều cần tu dưỡng, nuôi dưỡng những ý niệm và thực hiện các hành động thiện lành.

Tha thứ còn là một biểu hiện của lòng từ bi. Khi một người làm chúng ta tổn thương, làm chúng ta phải chịu những nỗi đau, nhưng cuối cùng thì chúng ta lại không trách họ mà bỏ qua hết những chuyện đáng tiếc. Đó là một thể hiện của lòng từ bi. Chúng ta nhận thức và trải qua nỗi đau bị tổn thương nhưng vẫn sẵn lòng cho qua, tìm cách để thấu hiểu những hành động trước đây người khác đã gây ra cho mình. Đó là sự thể hiện lòng từ bi ở một mức độ cao nhất – từ bi đối với cả những người đã làm tổn thương mình.

Hận thù kéo theo đau khổ và càng nhiều đau khổ thì ta lại càng dày vò quá khứ, càng nung nấu hận thù.

"Con người nhân chi sơ tính bản thiện", hay ẩn sâu trong mỗi con người đều có phật tánh nhưng qua quá trình sinh sống lớn lên, con người bị hoàn cảnh tác động mà do không đủ trí tuệ, bản lĩnh, lòng từ mới sa chân lầm đường lạc lối.

Ví dụ như một đứa bé lớn lên trong hoàn cảnh nghèo túng, gia đình ly tán, chưa bao giờ được đến trường, phải sống cùng với đám người lỗ mãng để nương tựa và tìm kế sinh nhai, thì khó mà mong đứa bé ấy luôn ngoan hiền hay thành thật. Đứa bé đó thực sự đáng thương hơn là đáng trách.

Con người vì vô minh, ích kỷ nên mới làm tổn thương nhau. Nên mỗi người hãy cố gắng đặt mình vào địa vị của nhau mà thấu cảm, và bao dung. Mọi người cũng như bản thân chúng ta đều chỉ là con người bình thường, sẽ có những lúc sai lầm, sẽ có những lúc vô tình làm tổn thương người khác. Chúng ta không nên oán trách, ghét bỏ hay cô lập họ. Hiểu được như vậy thì chúng ta cần có cách nhìn “đồng bệnh tương lân”, thông cảm, để mà tha thứ cho những lúc người lỡ mắc lỗi hay lỡ làm tổn thương ta và để có thể được người tha thứ cho ta khi ta mắc cũng mắc sai lầm.

Tha thứ nghĩa là buông bỏ cho nhẹ lòng để thực sự sống trọn vẹn trong từng phút giây hiện tại và để thảnh thơi tiến về phía trước hướng tới điều tốt đẹp hơn.

Người không tốt với mình, mình càng phải tốt với họ

Khi mình đang sống tử tế, mà vẫn có người tệ với mình thì phải làm sao?

Khi ai đó đối xử tệ với mình, thì vẫn cứ tốt với họ nếu có thể đi. Không phải là để chứng minh mình cao thượng quá, cũng không phải là để cho cả thế giới thấy mình thật tốt đẹp ra sao, còn họ tệ đến mức nào.

Đối xử tốt với họ, chỉ đơn giản là vì mình không giống họ thôi. Không cần phải cố chứng minh rằng bản thân mình tốt đẹp thế nào, bởi vì thời gian sẽ tự làm điều ấy vào một ngày nào đó thôi.

Đối xử tốt với họ, để cho họ biết rằng, mình sẽ không bị họ ảnh hưởng tiêu cực. Càng không vì họ mà vướng vào vòng luẩn quẩn của những sân hận. Đời người nói dài không dài, ngắn thì cũng không phải. Dành quá nhiều thời gian cho những điều thật tệ, có phải phung phí phút giây đáng ra dành cho những điều tốt đẹp rồi không.

Đối xử tốt với họ là để không tạo nghiệp cho chính mình. "Người khác đối xử với bạn thế nào, đó là nghiệp của họ. Bạn đối xử với họ thế nào, là nghiệp của bạn. Cho nên, không sợ người nói xấu, chỉ sợ mình làm xấu." Việc của mình là sống tốt cuộc đời mình, để không phải trả giá đắt cho những điều xấu mình làm nên.

Đối xử tốt với họ, vì hi vọng rằng họ sẽ nhận ra đâu là điểm dừng cho những điều không tốt. Nếu hi vọng ấy không thành, cũng không sao cả, ít nhất mình cũng thấy tự do thanh thản với cuộc sống vì những điều tốt đẹpmình đã trao đi.

Người không tốt với mình, mình càng phải tốt với họ. Khi tâm mình bình yên thì chẳng có sóng gió nào làm lung lay được.

Tha thứ đưa ta đến gần hạnh phúc hơn

Cố chấp hay hận thù mãi không buông giống như người đeo đá trên lưng mà leo lên núi vậy, càng về sau càng mệt mỏi thân tâm. Do đó chúng ta cần cố gắng buông bỏ dần hết những ràng buộng không cần thiết thì mới thong dong trên đường và đến được nơi đã định. Buông đi cho nhẹ cõi lòng | Cuộc sống, Đáng suy ngẫm, Châm ngôn

Yêu thương là bản năng, tha thứ là bản lĩnh. Bạn cần mở rộng dung lượng trái tim thì mới có thể tha thứ cho người cũng như chữa lành cho chính mình. Ta nên biết rằng trái tim ta luôn có khả năng chứa đựng. Trong kinh Anguttara Nikaya, đức Phật từng đưa ra hình ảnh về sự chứa đựng rất hay. Giả sử có một người lấy một vốc muối bỏ vào trong tô nước thì tô nước ấy sẽ rất mặn, đến mức không thể uống được. Nhưng nếu họ cho vốc muối ấy xuống dòng sông, dù cho cả chục ký muối, thì nước của dòng sông vẫn uống được như thường. Nước của dòng sông uống được không phải vì nó không có chứa muối. Mà vì lượng nước quá mênh mông nên với số muối ấy thì chẳng có nghĩa lý gì cả.

Ai mà không có những nỗi khổ niềm đau hay khó khăn, nhưng vấn đề là trái tim mỗi người có đủ lớn để chứa đựng nó hay không. Nếu trái tim ta nhỏ mà khó khăn bên ngoài quá lớn thì tất nhiên ta sẽ không thể nào chứa đựng nổi. Một người cha quyết định từ bỏ đứa con hư hỏng vì sợ nó làm ảnh hưởng những đứa con còn lại thì không hẳn đó là một quyết định sai. Nhưng thực chất ông đã thất bại. Tình thương của người cha vốn bao la như dòng sông thì tại sao không chịu nổi nắm muối bé nhỏ của con? Một trái tim thật sự rộng lớn thì đâu cần đòi hỏi gì thêm nơi đối tượng đang quá yếu ớt.

Điều tuyệt diệu là trái tim ta có thể mở rộng tới mức vô cùng – vô lượng tâm - không có biên giới. Tâm ta có thể ôm trọn trời đất này và cả vũ trụ, nếu nó phá vỡ được ranh giới của cái tôi bé nhỏ. Nhưng chẳng cần phải đi hết cả thế gian này để trải lòng ra như biển như đất thì ta mới có thể ôm hết muôn loài. Chỉ cần có thể chấp nhận bất cứ một đối tượng nào đó, thấy họ chính là một phần thân trong bản thể vô ngã của mình, thì ta sẽ không thấy mình đang cố gắng chấp nhận gì cả. Chấp nhận mà như không chấp nhận. Có khả năng chấp nhận một cách tự nhiên như thế thì ta sẽ chấp nhận được tất cả mọi đối tượng.Đạt đến trình độ này là ta đã tìm thấy được con người chân thật vĩ đại của mình. Mọi vô thường biến hoại trên cuộc đời sẽ không còn đủ sức uy hiếp ta được nữa.

Những hình ảnh của sông Hương - biểu tượng xứ Huế mộng mơ trong đề thi Ngữ  Văn THPT Quốc gia 2019 trên thực tế

"Nắm muối không hề mặn

Với lượng cả dòng sông

Lỗi lầm kia bé nhỏ

Với cõi lòng mênh mông"

Yêu thương khi có ấn tượng tốt về nhau là lẽ tất nhiên. Còn khi đã bị làm tổn thương mà bạn vẫn có thể tha thứ và yêu thương người thì bạn quả thật phi thường và yêu thương kẻ từng là thù địch là thứ tình yêu thương trọn vẹn và vĩ đại nhất. Sống ở trên đời này, biết buông bỏ sẽ giúp ta tiến gần đến gần hạnh phúc hơn, trái đất này sẽ tươi đẹp hơn rất nhiều khi vạn vật biết dung hoà và ban rải tình yêu thương rộng khắp muôn nơi.

---------

Thắm Lê tổng hợp và bổ sung theo phatgiao.org.vn & Thiền hiểu biết - Sư Minh Niệm (Facebook Group)


(*) Xem thêm

Bình luận