Phát hiện loài nấm ăn nhựa giúp giảm ô nhiễm đại dương

15/08/2024 | 502

Ngày 8/8, các nhà khoa học ở Đức cho biết đã xác định được loài nấm ăn nhựa, mang lại tia hy vọng trong việc giải quyết hàng triệu tấn rác thải gây ô nhiễm các đại dương trên thế giới mỗi năm.

Rác thải nhựa đại dương và những con số biết nói

Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường biển trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đã từ lâu, rác thải nhựa vẫn luôn là mối lo ngại đối với sức khỏe con người lẫn môi trường sống. Mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó ít nhất 14 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần, đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái.

 Rác thải nhựa không ngừng tăng tại các bãi chôn lấp, trên bờ biển.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết mỗi phút, 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới, trong khi mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nhựa dùng một lần được sử dụng và thải ra môi trường. Tổng cộng có một nửa số sản phẩm nhựa là loại chỉ để dùng một lần, từ ống hút, dây câu cá tới tã trẻ em hay túi bọc đồ.

Theo số liệu của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) cho biết, kết quả phối hợp nghiên cứu với Bộ tài nguyên môi trường cho thấy, bình quân Việt Nam mỗi năm thải ra đại dương 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. phần lớn trong số đó là có túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần…Với số lượng rác thải đó đã biến Việt Nam trở thành một trong năm Quốc gia thải rác ra đại dương nhiều nhất Thế giới.

Báo cáo Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam cho thấy, chất thải nhựa là loại phổ biến thu gom được trong các khảo sát thực địa, chiếm 94% về số lượng và 71% trọng lượng. Trong đó, phần lớn là rác bao bì thực phẩm mang đi (chiếm 44% về số lượng), chất thải liên quan nghề cá 33% và rác thải hộ gia đình 22%. Chỉ số bờ biển sạch (CCI), một công cụ để đánh giá mức độ sạch tương đối của bờ biển, chỉ ra 71% các địa điểm ven biển là cực kỳ ô nhiễm. 

Giải pháp sinh học giải quyết rác thải nhựa đại dương

Nhóm nghiên cứu tại Viện Sinh thái nước ngọt Leibniz đã tìm thấy tại hồ Stechlin ở phía Đông Bắc nước Đức các loại vi nấm sinh sôi được trên nhựa mà không cần hấp thụ nguồn carbon nào. Điều này khiến giới khoa học đặt ra giả thuyết về một số loại nấm có khả năng phân hủy polyme tổng hợp để làm thức ăn.

Trong số 18 chủng nấm được chọn để phân tích, các nhà nghiên cứu kết luận, có 4 chủng có khả năng phân hủy nhựa tổng hợp theo cách trên. Những loại nấm này đặc biệt hiệu quả trong việc phân hủy polyurethane, một vật liệu phổ biến được sử dụng trong keo bọt xốp dùng trong xây dựng. Đối với túi nhựa và vật liệu đóng gói thì quá trình phân hủy sẽ chậm hơn, còn vi nhựa từ bánh xe được xem là loại khó “ăn” nhất. Các nhà khoa học kỳ vọng rằng, những hiểu biết sâu sắc này có thể giúp giải quyết vấn đề hàng triệu tấn chất thải gây ô nhiễm đại dương mỗi năm.

Một chai nhựa trôi dạt trên sóng biển tại một cảng cá ở Isumi, phía đông Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Một chai nhựa trôi dạt trên sóng biển tại một cảng cá ở Isumi, phía đông Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Ông Hans - Peter Grossart, làm việc tại Viện Sinh thái nước ngọt Leibniz - người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: "Những loại nấm mà chúng tôi vừa tìm thấy có khả năng phát triển trên một số loại polyme tổng hợp và thậm chí tạo th nành sinh khối. Điều này rất đặc biệt vì nó chứng minh rõ ràng rằng những loại nấm này có khảăng phân hủy các loại polyme tổng hợp."

Theo nhóm nghiên cứu, phương pháp phân hủy nhựa bằng vi khuẩn có thể được sử dụng hiệu quả trong các cơ sở có kiểm soát như các nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cảnh báo cần có thêm nhiều biện pháp hơn nữa nhằm giải quyết tình trạng sử dụng nhựa  ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

Lời khẩn cầu từ các loài sinh vật biển

Một hiệp hội sản xuất nhựa tại châu Âu mới đây dẫn số liệu cho thấy, riêng trong năm 2021, khoảng 430 triệu tấn nhựa đã được sản xuất trên toàn thế giới, nhưng hiện chỉ có chưa đến 10% rác thải nhựa được tái chế. Vì vậy, theo các chuyên gia, cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa vẫn là giảm lượng vật liệu nhựa thải ra môi trường.

Tại Việt Nam, nhận thức được điều này, trong nhiều năm qua, vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Tổng cục Biển và Hải Đảo phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên cả bình diện chính sách và truyền thông thay đổi nhận thức.

Mục tiêu quản lý Rác thải nhựa Việt Nam.

Với mục tiêu rõ ràng và hành động quyết liệt, chúng ta có quyền tin rằng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 của Thủ tướng chính phủ sẽ đạt được tất cả các mục tiêu đề ra đúng hạn, giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương.

Theo vov.vn & dangcongsan.vn

-----

Sâu bột giải pháp rất tiềm năng cho vấn đề rác thải nhựa


(*) Xem thêm

Bình luận