Một giờ của mẹ mỗi ngày – Hướng dẫn để trở thành người mẹ hạnh phúc hơn
Trong cuốn sách “Một giờ của mẹ mỗi ngày”, tác giả Jihye Kim sẽ có các hướng dẫn chi tiết giúp những người làm mẹ được sẻ chia niềm hạnh phúc cũng như nỗi vất vả.
Một giờ của mẹ mỗi ngày – Hướng dẫn để trở thành người mẹ hạnh phúc hơn. |
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh ở một trường đại học, Jihye Kim có những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi khi tham gia hàng loạt các hoạt động giao lưu, tình nguyện, hội nghị triển lãm, marketing ở nước ngoài, đi phượt… 30 tuổi, Jihye tìm thấy niềm vui trong nghề huấn luyện viên, và cô đã phấn đấu không ngừng để phát triển trong lĩnh vực này.
Việc kết hôn, rồi làm mẹ ở độ tuổi 33 mang đến cho Jihye niềm hạnh phúc mới; đồng thời khiến cô cũng được trải qua những trải nghiệm chưa từng có trong đời.
Đầu tiên là sự bận rộn đến tối tăm mặt mũi, không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, chứ chưa nói đến chuyện chăm lo đời sống tinh thần bởi đứa con còn nhỏ, lịch ăn uống, ngủ nghỉ thay đổi theo từng ngày, yêu cầu bà mẹ như cô phải luôn để mắt đến. Cơ thể và tâm trí của Jihye cũng như nhiều người mẹ phải chăm con nhỏ khác không có ngày nào được nghỉ ngơi. Trong thời gian nuôi con nhỏ họ hầu như không có thời gian gặp gỡ mọi người, giấc ngủ, giờ ăn bị đảo lộn; những việc đơn giản như thong thả đọc sách, đến rạp xem phim cũng không thể nào thực hiện được…
Khi con đến độ tuổi đi nhà trẻ, buổi sáng thức dậy, Jihye phải chuẩn bị đồ ăn, rồi cho con ăn, tắm rửa, đánh răng, mặc quần áo, càu nhàu chuyện con chậm chạp, đưa con đi nhà trẻ; rồi trở về nhà, bắt tay vào việc rửa bát, giặt giũ… đến mức không có thời gian để cất tiếng thở dài.
Kể cả khi đã ngồi trước máy tính để làm việc, vẫn có hàng tá việc khác tìm đến làm chậm trễ thời gian của cô: thanh toán tiền trông trẻ ở trường mẫu giáo, đi mua các đồ gia dụng cần gấp mà không thể đặt hàng qua internet, kiểm tra các cuộc hẹn chơi đùa với con… Buổi trưa Jihye phải lôi vài món trong tủ lạnh ra ăn thật nhanh gọn, rồi lại tiếp tục làm việc, mà không có chút thời gian nghỉ ngơi. Vậy mà ngẩng lên thì đã tới giờ đón con đi học về, sau đó lại đến giờ nấu nướng, cho con ăn tối, vừa chơi vừa dạy học cho con…
Tương tự nhiều phụ nữ, Jihye phải tự lo liệu việc nuôi con một mình bởi chồng cô cũng giống như nhiều người đàn ông khác tại Hàn thường xuyên trở về nhà rất muộn do áp lực công việc.
Thời gian biểu của Jihye vì vậy đầy ắp những công việc vụn vặt của từng người trong gia đình gộp lại, rất khó để xác định việc gì là quan trọng nhất. Bởi vậy cô lúc nào cũng có cảm giác bồn chồn và tức giận.
Cuộc sống của Jihye cứ tiếp diễn như vậy, cho đến ngày con tròn 33 tháng tuổi, cô đột nhiên bị sốt cao, cổ như bị gãy và toàn thân đau nhói đến mức không thể nào di chuyển được. Cô được bác sĩ gần nhà chuẩn đoán có thể mắc bệnh viêm màng não. Các xét nghiệm tại bệnh viện không phát hiện ra được bệnh, nhưng Jihye phải nằm bất động cả tuần trời sau đó.
Trong lúc mắc phải căn bệnh không tên suốt một tuần trời, Jihye đã suy nghĩ cẩn thận về căn nguyên gây bệnh cho mình.
Sau vài năm chăm con, Jyhie quay trở lại làm việc, nhưng cô phải nỗ lực rất nhiều để bắt kịp với sự thay đổi. Một ngày của cô bắt đầu từ 4 giờ sáng với dày đặc việc nhà, chăm sóc con và công việc của bản thân, cho đến khi đổ bệnh. Và phải mất một năm rưỡi thay đổi cách sống, điều hòa, bồi dưỡng, sức khỏe của Jihye mới bình thường trở lại.
Là một huấn luyện viên, trải nghiệm này khiến cô bừng tỉnh, đồng thời nhận ra sứ mệnh của mình là phải đồng cảm chia sẻ, và giúp đỡ những người mẹ khác tìm lại được sự cân bằng cho cá nhân khi phải đảm nhiệm công việc nuôi dạy con đầy vất vả, trong khi vẫn có thể theo đuổi đam mê, để có thể làm chủ sự nghiệp, cuộc sống và trở nên hạnh phúc hơn.
Cuốn sách “Một giờ của mẹ mỗi ngày” chính là đúc kết các chia sẻ và huấn luyện đó của tác giả, huấn luyện viên đã được chứng nhận bởi Hiệp hội huấn luyện viên Hàn Quốc và quốc tế Jihye Kim.
“Một giờ của mẹ mỗi ngày” được viết với giọng văn rủ rỉ, tâm tình, cấu trúc mạch lạc, dễ hiểu; đồng thời là một ấn bản đẹp, được chăm chút cẩn thận từ cách trình bày, minh họa đến in ấn. Trong cuốn sách này, Jyhie đã chỉ ra sự cần thiết của việc tạo lập sự căn bằng trong cuộc sống của những bà mẹ. Khi gánh trên vai trách nhiệm thiêng liêng nhưng cũng đầy vất vả nặng nề của một người mẹ, nếu không biết cách cân bằng, người phụ nữ sẽ rất dễ bị suy yếu về thể chất, rối loạn về tinh thần, dễ tức giận, nổi nóng với người thân, kể cả với đứa con thân yêu của mình; thậm chí bị trầm cảm và đi đến những quyết định vô cùng nguy hiểm với bản thân và con cái.
Jihye đưa ra các trắc nghiệm giúp các bà mẹ tự chuẩn đoán mức độ hài lòng, sự cân bằng trong cuộc sống, mức độ stress của cá nhân. Và phương pháp tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống và việc nuôi dạy con được cô đưa ra là “Một giờ đồng hồ mỗi ngày” để các bà mẹ tự chăm sóc bản thân. Theo đó, Jihye khuyến khích các bà mẹ nghỉ ngơi cùng lịch sinh hoạt của con nhiều nhất có thể, đồng thời mỗi ngày cố gắng dành riêng một giờ đồng hồ cho cá nhân mình, làm các công việc mình thích, mang lại sự cân bằng cho cá nhân như: đọc sách, chơi đàn, may vá, trồng cây, nâng cao kiến thức cho công việc sẽ làm sau khi con đi học…
Thời gian dành cho bản thân được Jyhie gợi ý là vào buổi sáng sớm, buổi trưa hoặc buổi tối khuya, khi đứa con đã đi ngủ. Khi đang nuôi con nhỏ, rất nhiều bà mẹ chỉ có mong ước là được nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Việc phải dậy sớm hay thức khuya hơn một giờ đồng hồ sau khi con đã say ngủ là thói quen không dễ thực hiện. Vì vậy, tác giả Jihye cũng dành khá nhiều dung lượng trong cuốn sách hướng dẫn các bà mẹ cách tạo dựng được thói quen hữu ích này.
Chương cuối của cuốn sách - kể lại thay đổi hấp dẫn của những bà mẹ đã tạo được thói quen dành ra một giờ mỗi ngày cho bản thân - là những câu chuyện truyền cảm hứng thúc đẩy mỗi bà mẹ hành động để mang lại hạnh phúc cho cuộc sống của bản thân và gia đình. Bởi một người mẹ biết chăm lo sức khỏe của bản thân mới có thể yêu thương gia đình lâu dài được.
Tại Hàn Quốc, cuốn sách “Một giờ của mẹ mỗi ngày” nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ các chuyên gia giáo dục và sức khỏe tâm thần cũng như các bà mẹ, đặc biệt là các bà mẹ trẻ.
Nhận xét về cuốn sách, Kim Tae Eun, Giám đốc điều hành Mom’s Radio viết: “Nuôi dạy con cái là một cuộc chiến không có hồi kết. Để chắc chắn bản thân mình sống sót trong cuộc chiến đó, bạn phải đảm bảo được “thời gian dành cho bản thân mình”. Với tư cách là một người huấn luyện cho các bà mẹ, tác giả cuốn sách đã khéo léo an ủi những tâm hồn đã mệt nhoài trong việc nuôi dạy con cái và tận tình hướng dẫn họ cách chăm sóc bản thân mình. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ trở thành một người bạn tốt cho tất cả những ai đang làm mẹ.”
Tường Vy - giaoduc.net.vn
Xem thêm