Có gì trong cuốn sách thành hiện tượng của tác giả Thích Pháp Hòa?

16/08/2024 | 266

Chia sẻ từ trái tim là một tuyển tập từ hàng trăm bài pháp thoại của Sa Môn Thích Pháp Hòa, được sắp xếp theo các chủ đề nhằm hệ thống lại những khái niệm, tư tưởng căn bản của đạo Phật qua lời giảng gần gũi của thầy, để mỗi người chúng ta có thể đưa vào áp dụng trong chính cuộc sống hằng ngày của mình. Những giáo lý nhà Phật trong “Chia sẻ từ trái tim” không giáo điều, không lên gân, mà rất tâm lý và đời sống.

Cách tiếp cận chân thực và đời thường

Trong quyển sách này, quý vị sẽ được tiếp cận Nhân Quả theo một cách giản dị qua những câu chuyện đời thường của thầy Thích Pháp Hòa. Trong khi ngôn ngữ của giáo lý thường là rào cản thì những câu chuyện vui, những ví dụ gần gũi lại có khả năng mang chúng ta đến gần hơn với sự thật của đời sống. Những lời chia sẻ và câu chuyện của thầy Pháp Hòa về các mối quan hệ và cách ứng xử trong xã hội như cha mẹ - con cái, vợ - chồng, thầy - trò, bạn bè, v.v… cũng được ban biên tập tuyển chọn và giới thiệu đến quý bạn đọc. Thông qua đó, chúng ta thấy được “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” – Phật pháp không ở đâu xa ngoài đời sống thế gian.

“Ai đó đã nấu một nồi chè và đang để cho nguội chứ chưa cất vô tủ lạnh. Mình sờ tay vào nồi chè thấy nguội rồi, mình đem cất vô tủ lạnh. Mình không cần phải đánh trống, la làng: 'Nè nè, tui cất nồi chè rồi nha'. Sáng ra người kia nói: 'Trời, ai dễ thương quá, cất giùm tui nồi chè', mình nói: 'Tui đây chứ ai!'. Người kia khen mình dễ thương quá. Quý vị hiểu được chỗ mật hạnh này không? Đó là mật hạnh của ngài La Hầu La”.

Đó là đoạn trích từ một bài giảng của thầy Thích Pháp Hòa, được ghi chép và tổng hợp lại trong cuốn sách Chia sẻ từ trái tim. Trong tổng cộng 50 bài giảng trong sách này, ta thấy tác giả đã thành công trong việc liên kết các khái niệm nhà Phật tới bao nhiêu chuyện thường nhật trong gia đình mỗi người.

Cách tiếp cận này giúp ta nhận ra Phật giáo thiết thực như thế nào; rằng giáo lý nhà Phật không lý thuyết suông, mà rất dễ hiểu, dễ áp dụng, giúp ta trở nên tốt hơn mỗi ngày.

Đưa giáo lý nhà Phật vào đời sống

Trong Chia sẻ từ trái tim, từ nhân, duyên, quả, nghiệp, phước, quả báo… cho đến vô thường, giải thoát, bố thí, phóng sinh… những khái niệm nhà Phật đó đều được thầy Pháp Hòa diễn giải dễ hiểu, dí dỏm, không máy móc.

Ta bắt gặp nhiều liên hệ giữa khái niệm nhà Phật với những chuyện đời thường. Đôi chỗ, thầy còn giải cặn kẽ hơn để người đọc không hiểu sai đi ý nghĩa của các khái niệm, chẳng hạn không lầm tưởng “sống cho hiện tại” là không biết cho tương lai; hay không hiểu lầm “biết đủ” là “không cầu tiến”.

Ở chiều ngược lại, cũng có những bài mà thầy Pháp Hòa bắt đầu từ vấn đề đời sống, sau đó áp dụng giáo lý nhà Phật vào để đưa ra những hướng giải quyết. Như chuyện con cái không ngoan; lục đục vợ chồng; chăm sóc người bệnh; dưỡng thai…

Đọc những chia sẻ đó, ta không khỏi tự quay lại nghĩ về bản thân, về các mối quan hệ của mình, về những vấn đề, thử thách cuộc sống mà mình đang đối mặt. Ta sẽ thấy khó khăn của mình nhẹ nhàng hơn, thấy biết ơn đời sống, thấy trân trọng người khác hơn, thấy bản thân cần cố gắng nhiều hơn.

Ta cũng sẽ bớt nôn nóng muốn cái này cái kia phải đến, phải như ý mình. Bởi nếu theo thuyết nhân quả của đạo Phật, “việc thiện mình làm chưa tạo ra quả do cái nhân, cái duyên chưa đủ. Cho nên mọi thứ đều phải đợi chín muồi”. Thế mới thấy khi nhìn mọi thứ dưới con mắt nhân quả, mọi chuyện mới giản đơn và nhẹ nhàng làm sao.

Chia sẻ từ trái tim - Thầy Thích Pháp Hòa -Hạt giống tâm hồn

Học Phật là để sửa mình

Những năm gần đây, các tựa sách Phật học, sách mang hơi thở Phật giáo, được viết với các vị sư thầy, sư cô… đã trở thành một dòng sách riêng được đón nhận tại Việt Nam.

Chia sẻ từ trái tim có rất nhiều chi tiết hài hước lẫn những chỗ chơi chữ khiến người đọc được nhiều phen cười sảng khoái. Ngoài ra, nét riêng của cuốn sách còn đến từ những ví dụ đời sống, giọng văn Nam Bộ, câu chữ bình dân và những lời thơ, bài hát… được thầy Thích Pháp Hòa thường xuyên đan cài trong những bài giảng. Nhưng nét riêng ấn tượng nhất có lẽ là phong thái an hòa, khiêm cung, và sự thực tế của tác giả khi nói đến Phật pháp và chuyện tu tập.

Có một thông điệp xuyên suốt trong cuốn sách, rằng tu tập là phải đi vào thực tế cuộc sống, phải gắn liền với những thay đổi thực tiễn. “Mục đích tu của đạo Phật là gì? Không phải là một ngày nào đó mình thành Phật ngồi trên bông sen, mà chúng ta tu để thành Phật - tỉnh giác ngay trong cuộc sống của mình”, tác giả nói. Và theo thầy Thích Pháp Hòa, thì “công đức không nằm ở chỗ thuộc kinh nhiều, mà ở chỗ chúng ta chuyển được các tập khí phiền não của mình”.

Những lời dạy của tác giả nhắc ta về ý nghĩa chân xác của đạo Phật, hay bất cứ tôn giáo nào. Là từng trong khoảnh khắc sống, ta có tỉnh thức, yêu thương, có sống tốt hay không? Ta có đang đối đãi tốt với bản thân, cha mẹ, với anh chị em, chồng vợ, với mỗi người ta gặp hay không - tính từ những việc chuyện đơn giản nhất như rửa chén, nấu cơm?

Những chia sẻ của thầy Thích Pháp Hòa cũng phần nào nhắc nhở sự “trọng hình thức”, trọng lý thuyết mà nhiều Phật tử thời nay thường hay mắc phải: “Đừng lầm tưởng đạo Phật là thờ, lạy, cúng, kính, van xin. Có những cái đó, nhưng chỉ là bề ngoài, là hình thức để dẫn dắt một người khi mới bắt đầu đường tu. Hay nói cách khác, tôn giáo phải có nghi lễ và giáo lý. Mục đích của giáo lý nhà Phật là dạy chúng ta hành động để đưa đến kết quả”.

Tận cùng bề sâu của đạo Phật không vốn nằm ở những “thờ, lạy, cúng, kính, van xin” đóMà với mỗi người học Phật, các giá trị cao đẹp của Phật học chỉ được hiển lộ nếu ta thực sự áp dụng, thực hành chúng trong đời sống chính mình.

Vì những lẽ đó, Chia sẻ từ trái tim là cuốn sách thiết thực dành cho mọi người - không phân biệt là có là Phật tử hay không, có là người có tôn giáo hay không. Sách thích hợp cho những ai muốn “phát triển bản thân” - theo nghĩa rộng nhất của từ này - để từng ngày sửa mình, chế tác cho mình một đời sống tỉnh thức, yêu thương, chan hoà.

Theo znews.vn 

----------

VỀ TÁC GIẢ

Thầy Thích Pháp Hòa sinh năm 1974 tại Cần Thơ, trong một gia đình có hai con trai và thầy là con trưởng.

Cơ duyên của thầy với đạo Phật đã sớm bộc lộ từ khi thầy còn rất nhỏ. Vào năm bảy tuổi, thầy đòi mẹ dẫn vào một tịnh xá xin quy y và phát nguyện ăn chay, tụng kinh, thờ Phật. Tâm niệm xuất gia trong thầy cứ thế mỗi ngày một lớn. Năm mười hai tuổi, thầy và em trai cùng với mẹ của thầy sang Canada để đoàn tụ với cha của thầy.

Khi đặt chân đến thành phố Edmonton (Canada), thầy mới vỡ lẽ rằng nơi đây có rất ít người Việt và vì vậy cũng khó tìm thấy một ngôi chùa nào. Dù đối mặt với nhiều trở ngại, tâm bồ đề của thầy chẳng những không thối chuyển mà càng được củng cố mạnh mẽ hơn. Năm mười lăm tuổi, thầy chính thức xuất gia. Khi đó, tu viện Trúc Lâm tại Edmonton còn rất sơ khai.

Năm 1994, khi vừa tròn hai mươi tuổi, thầy được vị bổn sư gửi sang Làng Mai (Pháp) để thọ giới tỳ-kheo và đã được thiền sư Thích Nhất Hạnh trực tiếp truyền giới trong đại giới đàn Hương Tích. Tuy thời gian lưu lại tại Làng Mai ngắn ngủi (chỉ trong vòng một tháng) nhưng thầy đã tiếp nhận và học hỏi được rất nhiều. Từ đó, thầy có thể dung hòa những hình thức tu tập mới vào truyền thống mà thầy đang theo để ngày càng tăng tiến trong đạo. Sau khi nhận truyền đăng từ thiền sư Thích Nhất Hạnh vào năm 1999, thầy lại trở về Canada tiếp tục con đường hoằng pháp của mình. Đến năm 2006, sau một thời gian tu tập và giảng pháp, thầy được vị bổn sư tin cậy giao phó vai trò trụ trì Tu viện Trúc Lâm (tỉnh Alberta, Canada). Năm 2007, sau khi tu viện Tây Thiên được hoàn thành, thầy đảm nhiệm thêm trọng trách trụ trì tu viện Tây Thiên.

Với phong cách giản dị, gần gũi và khiêm cung và khả năng chuyển tải Phật pháp thâm sâu thành những cách thực hành gần gũi trong đời sống, thầy Thích Pháp Hòa nhận được sự yêu mến của đông đảo đại chúng thông qua những bài giảng pháp trên YouTube. Thầy là một minh chứng cho thấy rằng những vị chân tu vẫn có thể chinh phục lòng người theo cách “hữu xạ tự nhiên hương”.

Trong bức tranh Phật giáo ngày nay, thầy Thích Pháp Hòa vụt sáng như một hiện tượng hiếm có. Thầy chiếm được trọn vẹn tình cảm của Phật tử không chỉ ở hải ngoại mà cả tại quê nhà Việt Nam. Sự yêu mến mà Phật tử khắp nơi dành cho thầy Thích Pháp Hòa là một minh chứng cho thấy rằng những vị chân tu vẫn có thể chinh phục lòng người theo cách “hữu xạ tự nhiên hương”.

Điểm đáng quý ở thầy là sự dung dị, gần gũi và khiêm cung – những phẩm chất hiếm có trong thế giới hiện đại ngày nay.

Một trong những lý do tại sao những lời giảng của thầy Thích Pháp Hòa được đông đảo đại chúng đón nhận và dễ đi vào lòng người là thầy dùng thân giáo nhiều hơn khẩu giáo: phong thái nhẹ nhàng, hòa ái, giản dị cũng như cách ứng xử trong mọi tình huống của thầy chính là bài pháp vô ngôn có uy lực nhất đối với Phật tử gần xa cũng như các đệ tử thân cận với thầy.

Một lý do khác là thầy có một lối tiếp cận rất riêng, không lẫn với vị giảng sư nào: thầy thường bắt đầu bài pháp thoại bằng cách kể chuyện. Đó có thể là một câu chuyện trong đời tu của thầy, hoặc những sinh hoạt thường nhật trong chùa, hoặc một vấn đề của một vị Phật tử mà thầy có duyên gặp gỡ và giải quyết khúc mắc cho họ. Lối kể chuyện của thầy rất dung dị pha một chút hóm hỉnh với chất giọng Nam bộ, khiến cho nhiều đối tượng người nghe cảm thấy Phật pháp trở nên gần gũi, dễ tiếp cận. Thầy khéo léo lồng ghép giáo lý của đạo Phật vào các câu chuyện kể, giúp người nghe liên hệ được tư tưởng thâm sâu của đạo Phật với những vấn đề thân thuộc trong cuộc sống của chính mình. Thầy luôn biết cách giải thích các khái niệm Phật học cao siêu theo một cách đơn giản nhất.

Không chỉ uyên bác về kinh điển Đại thừa, thầy còn kết hợp những hiểu biết đó với tư tưởng của Nguyên thủy nhằm bổ khuyết và làm cho giáo pháp của đức Phật càng được sáng tỏ hơn. Cho nên, bất luận giảng kinh nào, thầy cũng đều hướng Phật tử quay về gốc rễ của đạo Phật để không bị lạc lối trong mê cung của giáo lý, kinh luận.

Trong cuộc sống thường nhật, thầy luôn tỏa ra sự hoan hỉ, giản dị và từ bi không chỉ với đại chúng mà cả với những vị đệ tử trong chùa. Và người nghe cảm nhận rõ điều này thông qua những câu chuyện thầy kể.

QUOTES:

1. Chính vì lạc quan nên đạo Phật dám chỉ thẳng vào cái mà con người sợ hãi – Khổ.

2. Một người cần có tâm độ lượng để có thành tựu trong mọi việc. Nhưng nếu muốn có được tâm độ lượng đó, mình phải có tầm nhìn, tư duy, ăn nói, v.v…

3. Không phải mình nói chỉ sống với hiện tại có nghĩa là mình xả láng. Phải chánh niệm với hiện tại, chánh niệm với quá khứ và chánh niệm với tương lai.

4. Hôm nào có mây, có nắng, có trăng, mình hãy tiếp nhận nó, hãy nhìn kỹ nó để đem những hình ảnh đẹp đó vào trong tâm mình. Để hôm nào, dù không có trăng, không có nắng, khi mình bước ra thềm ngồi, trong lòng mình vẫn có ánh trăng soi.

5. Khi một người đang giận, họ sẽ không muốn nghe mình nói. Cho nên đừng nên nói gì hết, chỉ im lặng thôi.

6. Tu theo Phật có nghĩa là làm sao cho tâm của mình mỗi ngày mỗi sáng lên. Và tâm có tĩnh thì mới sáng và nhận ra.

7. Sống đơn giản cũng là cách mình nói lên lòng tri ân của mình.

8. Vợ chồng thương nhau, nhưng mới hiểu nhau một phần thôi, chưa hiểu hết đâu. Càng sống với nhau thì cái thương, cái hiểu, cái cần hiểu mới bắt đầu lớn ra.

9. Khi thấy xung quanh mình đều là người ơn, chúng ta hành động nhẹ nhàng hơn, nói năng nhẹ nhàng hơn, suy nghĩ cũng nhẹ nhàng hơn.

10. Với người đời, mình không cần phải nói hay thể hiện ra. Mình cứ làm, cứ sống đi, tự động mọi người sẽ ghi nhận.

11. Chúng ta có quá nhiều nhu cầu, mà nhu cầu nhiều chừng nào thì nhân họa, thiên tai nhiều chừng nấy.

12. Nếu biết mình có phước, chúng ta phải dụng phước chứ đừng hao phí phước.

13. Nếu muốn dưỡng dục con, bản thân mình phải dưỡng trên ba phương diện thân, khẩu, ý.

14. Phật đạo chính là những đạo chúng ta đang theo. Đạo làm chồng, đạo làm cha, đạo làm mẹ, đạo làm con, v.v…

15. Tu càng lâu, sống càng lâu, mình càng phải nhỏ lại. Tu càng cao mà ngã càng lớn là tu sai rồi.

Theo Fahasa


(*) Xem thêm

Bình luận