Xăng dầu tiếp tục tăng giá mạnh - Phá "đỉnh" lịch sử lên 26.287 đồng/lít
Đây là lần tăng thứ 5 liên tiếp kể từ cuối tháng 12/2021 và là đợt tăng thứ 4 từ đầu năm nay. Hiện giá xăng trong nước đang ở mức cao nhất trong 8 năm qua.
Kể từ 15 giờ chiều nay, 21-2, Liên Bộ Công Thương tiếp tục điều chỉnh giá bán xăng dầu ở mức như sau: - Xăng E5RON92: không cao hơn 25.532 đồng/lít (tăng 961 đồng/lít so với giá hiện hành). - Xăng RON95-III: không cao hơn 26.287 đồng/lít (tăng 965 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). - Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 20.801 đồng/lít (tăng 936 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). - Dầu hỏa: không cao hơn 19.509 đồng/lít (tăng 758 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); - Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 17.932 đồng/kg (tăng 273 đồng/kg so với giá bán hiện hành). |
Kỳ điều hành lần này, trước diễn biến tăng giá liên tục của các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính quyết định thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu một cách hợp lý (giảm mức trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng RON95, tăng mức chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92, duy trì chi sử dụng Quỹ BOG đối với dầu diesel) để bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh....
Vì đâu "nên nỗi" giá xăng dầu tăng phi mã?
Biến động nguồn cung nhập khẩu
Theo Liên Bộ, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11-2-2022 và kỳ điều hành ngày 21-2-2022 là: 108,262 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 5,842 USD/thùng, tương đương tăng 5,70% so với kỳ trước); 110,648 USD/thùng xăng RON95 (tăng 6,044 USD/thùng, tương đương tăng 5,78% so với kỳ trước); 109,683 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 4,853 USD/thùng, tương đương +4,62% so với kỳ trước); 105,680 USD/thùng dầu hỏa (tăng 3,743 USD/thùng, tương đương +3,67% so với kỳ trước); 519,392 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 8,360 USD/tấn, tương đương +1,63% so với kỳ trước).
Chi tiết tại bảng thống kê giá thành phẩm xăng dầu thế giới 10 ngày gần đây. |
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Mặc dù, giá dầu thô đã tăng trên 60% trong hơn một năm qua, đạt mức 94 USD/thùng, nhưng các nhà khai thác đã không tăng sản lượng. Một yếu tố quan trọng đẩy giá dầu leo thang là việc Liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng nhằm hưởng lợi từ mức giá cao, thay vì tăng sản lượng cao hơn như kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ.
Bên cạnh đó, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và đối mặt với mùa đông 2021-2022 khắc nghiệt, lạnh sớm nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu càng làm giá dầu gia tăng.
Trong bối cảnh các nền kinh tế đang tăng tốc phục hồi sau đại dịch, cộng thêm những bất ổn địa chính trị, giá xăng dầu đã tăng lên mức cao, vượt xa mọi dự đoán trước đó, nguy cơ tăng cao thêm nữa nếu chiến tranh bùng phát trên biên giới Ukraine, hoặc Mỹ cấm vận ngăn cản Nga bán dầu thô. Hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, viễn cảnh giảm giá lại càng xa.
Biến động nguồn cung trong nước
Vào tháng 1/2022, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (đóng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước.
Những ngày gần đây, một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, giảm thời gian bán hàng do thiếu nguồn cung xuất phát từ việc giảm công suất Nhà máy lọc dầu (NMLD) Nghi Sơn.
Ngày 9/2, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, PVN chỉ là doanh nghiệp sản xuất, là “mắt xích” trong chuỗi giá trị của sản phẩm xăng dầu. Do đó, để giải quyết việc khan hiếm nguồn cung xăng dầu trong nước rất cần giải pháp tổng thể từ cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, các địa phương…
Hiện nay, nguồn cung xăng dầu trong nước đến từ 2 NMLD Nghi Sơn (thuộc Cty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - NSRP) và NMLD Dung Quất (thuộc Cty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn-BSR), đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường. Dù là 2 NMLD chủ lực của cả nước nhưng hiệu quả hoạt động của 2 nhà máy này hoàn toàn trái ngược nhau.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính. Ảnh: PVN |
Năm 2021, lợi nhuận của BSR (đơn vị vận hành, quản lý NMLD Dung Quất) ước đạt 6.000 tỷ đồng- mức lợi nhuận kỷ lục từ trước tới nay. NMDL Dung Quất có công suất ổn định, đạt 100% kế hoạch với sản lượng 6,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu. Tháng 1/2022, trước thực tế nhu cầu xăng dầu tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và nguồn cung trong nước gặp khó khăn, BSR đã tăng công suất NMLD Dung Quất lên 103%. Ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, BSR nhập dầu thô để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Trái ngược với bức tranh tươi sáng của NMLD Dung Quất, NMLD Nghi Sơn từ cuối năm 2021 đã phải giảm công suất, thậm chí đứng trước nguy cơ dừng hoạt động vì khó khăn tài chính. NSRP được thành lập vào tháng 4/2008 do 4 thành viên góp vốn (gồm PVN, Công ty Dầu khí quốc tế Cô-Oét, Cty Idemisui Kosan Nhật Bản và Cty Hóa chất Mitsui Nhật Bản). Đại diện của Việt Nam trong liên doanh NSRP với vốn góp 25,1%, PVN cho biết, khó khăn tài chính (của NSRP) xuất phát từ công tác quản trị do phía nước ngoài điều hành còn nhiều bất cập. Với vai trò nước chủ nhà, PVN đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo cam kết và đã liên tục có nhiều văn bản, ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy tiến độ dự án, cải thiện công tác quản lý quản trị nhằm tăng hiệu quả hoạt động của NSRP.
“PVN đang nỗ lực đàm phán, thuyết phục và thống nhất với các bên góp vốn nước ngoài về giải pháp tái cấu trúc tổng thể NSRP nhằm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả công ty cũng như đảm bảo quyền lợi của PVN và phía Việt Nam”, đại diện PVN nói.
Có một điều “lạ” là, nhà máy được xây dựng với sứ mệnh nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nhưng vốn góp của Việt Nam (tại NMLD Nghi Sơn) chỉ chiếm 25,1%, không đủ quyền quyết định những vấn đề quan trọng của nhà máy. Lý giải về tỷ lệ vốn góp này, 1 lãnh đạo PVN cho biết, dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn ra đời trong bối cảnh Việt Nam cần tìm nguồn cung xăng dầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong bối cảnh, nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ ngày càng cạn kiệt, Việt Nam phải tìm nguồn cung dầu thô.
Việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khó khăn tài chính phải giảm công suất, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho việc đàm phán liên doanh liên kết của doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp thuộc ngành quan trọng của nền kinh tế.
Trong giá xăng Việt Nam, thuế và phí chiếm trên 40%
Theo Bộ Tài chính, hiện thuế nhập khẩu xăng dầu trong nước là 0 - 8%; thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% (xăng dầu không thuộc nhóm hàng giảm thuế); thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là 10% (không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại). Riêng xăng sinh học E5 có mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 8% và xăng E10 là 7%. Còn thuế bảo vệ môi trường đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định với xăng (trừ ethanol) là 4.000 đồng/lít; dầu diesel 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít.
Ngoài ra, mỗi lít xăng đang “cõng” thêm khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít và chi phí định mức 1.050 - 1.250 đồng. Như vậy, ước tính bình quân giá bán mỗi lít xăng đang chịu thuế, phí khoảng 42 - 43%, dầu 21 - 27%. Tức là với một lít xăng RON95 hiện nay hơn 26.300 đồng, người mua phải chịu từ 11.000 - 11.300 đồng tiền thuế, phí. Thuế, phí là lý do giá xăng VN đang cao hơn nhiều nước.
Mỗi lít xăng đang “cõng” hơn 11.000 đồng tiền thuế, phí các loại. |
Theo chuyên trang Globalpetrolprices cập nhật đến ngày 21.2, giá xăng của Malaysia là 0,49 USD/lít (khoảng 11.270 đồng), Indonesia 0,884 USD/lít (20.332 đồng), Mỹ 1,023 USD/lít (23.529 đồng), Bangladesh 1,036 USD/lít (23.828 đồng), Miến Điện 1,072 USD/lít (23.621 đồng), Đài Loan 1,138 USD/lít (26.197 đồng)… Chuyên trang Globalpetrolprices cho rằng theo nguyên tắc chung, các nước giàu hơn có giá xăng dầu cao hơn, trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ thì giá thấp hơn đáng kể. Tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế, nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau. Do đó, giá bán lẻ xăng dầu sẽ có sự chênh lệch.
PGS-TS Phạm Thế Anh, Trường đại học Kinh tế quốc dân, nhận định giá bán lẻ xăng dầu tại VN đang ở mức trung bình cao, chứ không phải thấp như giải thích của Bộ Tài chính mới đây. Chỉ cần so với 2 nước trong khu vực là Indonesia và Malaysia, có khai thác dầu mỏ như VN, thì giá xăng ở ta cao hơn rất nhiều. Nếu so sánh với giá của vài nước không tương đồng với VN về mức thu nhập, không có khai thác dầu mỏ thì đó là sự khập khiễng. Giá nhập thế giới thì về nước nào cũng tương đương nhau. Các nước trong khu vực đa số nhập từ cảng Singapore, nên chi phí vận chuyển cũng không khác nhau bao nhiêu, nhưng giá bán ra tại các thị trường thì chênh lệch rất lớn do khoản thuế phí sau đó.
Chẳng hạn, Malaysia và Indonesia là 2 quốc gia có khai thác dầu thô như VN, có tài nguyên dầu như VN, nhưng nguồn thu từ khai thác dầu thô được trích để trợ giá cho xăng dầu trong nước nên giá bán lẻ của họ thấp hơn VN rất nhiều. Như Malaysia, giá xăng dầu chưa bằng một nửa của VN.
“Nếu tính theo tương quan với thu nhập, thì VN đang ở trong nhóm vừa có thu nhập thấp vừa có giá xăng cao. Do xăng dầu là hàng hóa gần như không thể thay thế, điều này có nghĩa là những nước có thu nhập thấp như VN thì người dân sẽ phải chi trả phần lớn thu nhập của họ cho xăng dầu. Không chỉ có thuế bảo vệ môi trường, các loại thuế khác như thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt… đều có thể cắt giảm bớt lúc này. Đó là chưa nói, các loại thuế đang được “đánh” theo kiểu thuế chồng thuế nữa”, vị này chia sẻ.
Năm 2021, ông Phạm Thế Anh từng đề xuất thay vì dùng các biện pháp như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hay miễn giảm phí trước bạ ô tô, thì nên dành một phần hỗ trợ giảm thuế, phí đối với xăng dầu bởi nó có thể đạt được hai mục đích cùng lúc. Đó là kích thích sản xuất và tiêu dùng, đồng thời giúp giảm sức ép lạm phát.
Hiện nay, không chỉ gánh quá nhiều thuế, phí mà cách tính trên xăng dầu cũng theo kiểu thuế chồng thuế. Chẳng hạn, thuế tiêu thụ đặc biệt đang tính 10% trên tổng giá nhập bao gồm chi phí vận chuyển. Hoặc thuế GTGT tính 10% trên tổng giá từ giá nhập, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn giá và thuế bảo vệ môi trường. Chính cách tính này cũng góp phần làm đội giá xăng dầu khi đến tay người dân.
Trước đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư từng đề xuất giảm giá xăng dầu từ 10 - 30% nếu tính toán hết các yếu tố, dư địa liên quan xăng dầu. Năm 2021, Bộ Công thương cũng đặt vấn đề sớm giảm thuế bảo vệ môi trường nhưng câu chuyện vẫn chỉ dừng lại ở đó.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thực sự đang bị thua lỗ??
Một số doanh nghiệp lo ngại sau kỳ điều chỉnh ngày 21/2 thì chiết khấu vẫn rất thấp, có thể ở mức 0 đồng, gây khó khăn cho việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi, hơn một tháng qua, giá xăng và dầu liên tục biến động mạnh, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu cho biết vẫn lỗ 500-800 đồng/lít.
Ngoài khan hiếm nguồn cung, hoạt động kinh doanh thua lỗ cũng khiến nhiều đơn vị treo biển "tạm ngưng bán hàng" hoặc bán "nhỏ giọt".
Tình trạng thiếu nguồn cung được các doanh nghiệp cho biết vẫn sẽ tiếp diễn khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa trở lại hoạt động với công suất ổn định.
Từ xưa đến nay, có vẻ như các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất nhạy cảm với các yếu tố làm tăng giá, và kém nhạy cảm với các yếu tố làm giảm giá bán trên thị trường.
Qua thực tế quan sát nhiều lần, mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng lên, liền ngay sau đó không lâu các doanh nghiệp và cả bộ công thương đều có động thái muốn điều chỉnh giá xăng trong nước. Ngược lại, khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu có khi chỉ quanh 30$/thùng (dầu thô) trong một thời gian khá dài, thậm chí có lúc xuống giá không tưởng xấp xỉ -40$/thùng, thì giá bán trong nước lại như muốn "đứng im", hoặc có giảm nhưng giảm không mạnh như khi tăng, cũng không sâu, không tương ứng với tỷ lệ giảm của nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế.
Xét thêm về nguồn cung trong nước: Trong ngày 9/2, ông Nguyễn Đình Hiệu, Trưởng Ban Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn đang hoạt động bình thường, nên sẽ không có chuyện sẽ đóng cửa vào ngày 13/2/2022. Trong tháng 1/2022, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động đạt 70% công suất. Việc công suất hoạt động của nhà máy giảm, nhưng lượng xăng dầu trong kho vẫn còn nên cơ bản mặt hàng này sẽ không bị khan hiếm. Nhà máy đang dần hoạt động trở lại bình thường.
Thế nhưng, thực tế ngay sau khi doanh nghiệp này thông báo bắt đầu giảm công suất từ tháng 1/2022 thì từ cuối tháng 12/2021 đợt tăng giá xăng dầu mới đã được thực hiện, và từ đó đến hôm nay xăng dầu đã được điều chỉnh tăng 5 lần liên tiếp.
Câu hỏi đặt ra là vai trò của kho dự trữ nằm ở đâu? Tại sao những lúc giá dầu thô thế giới giảm sâu, Bộ công thương không chỉ đạo hoặc các doanh nghiệp đó không chủ động tranh thủ mà nhập kho thật nhiều để dự trữ dùng lâu dài, cũng như giữ ổn định nền kinh tế trong nước?? Sao lại cứ để bị động chạy theo sự lên xuống từng ngày của "đồ thị hình sin kia"? Hay thực tế tất cả bộ ngành doanh nghiệp liên quan đã làm vậy từ lâu rồi nhưng vẫn cứ vờ như chẳng có mấy "giọt dầu" còn lại trong kho? Để rồi "tung bão" truyền thông rằng giá xăng dầu Việt Nam vẫn đang thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới, rồi các doanh nghiệp phải "gồng mình" gánh lỗ, Bộ Công thương phải trích quỹ bình ổn để "cho dân được nhờ"?! Nhưng thực tế dân có được lợi ích gì không hay đã phải chịu thiệt thòi quá nhiều từ xưa đến nay và có hay không "lợi ích nhóm" thì không ai dám chắc.
TS Bùi Trinh, cũng là một chuyên gia kinh tế, phân tích: các loại phí, thuế chiếm hơn 40% trong giá xăng là quá vô lý. Trong đó, có những khoản lại càng cực kỳ khó hiểu. “Vì sao đưa ra định mức lợi nhuận? VN đã tuyên bố là nền kinh tế thị trường từ rất lâu thì các doanh nghiệp kinh doanh đều phải chấp nhận theo biến động của thị trường, có lời và có lỗ cũng là bình thường. Nhưng với doanh nghiệp xăng dầu lại được hưởng định mức lợi nhuận thì không ai hiểu được. Đáng chú ý hơn nữa là dù đã có định mức lợi nhuận nhưng các đơn vị kinh doanh ngành này vẫn kêu lỗ”, ông Trinh bức xúc và đặt vấn đề : Vậy định mức lợi nhuận này là ai được hưởng?
Ngày 18/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động điều hành giá xăng dầu, trong đó cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Văn bản nêu rõ cơ quan điều hành cần chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; Kiểm tra, xử lý nghiêm, không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật.
Trước tình trạng giá xăng dầu tăng quá cao, gần đây Thủ tướng cũng đã yêu cầu thanh tra các đơn vị kinh doanh xăng dầu, đồng thời yêu cầu 2 bộ Công thương và Tài chính tính toán đề xuất phương án giảm thuế nhằm giảm giá xăng dầu, báo cáo Thủ tướng trước ngày 28.2.
Hậu quả của việc tăng giá xăng dầu lên quá cao
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tiếp tục nhận định:
Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 %, mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.
Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế, làm giảm chất lượng đời sống của người dân.
Giải pháp nào để hạn chế những tác động tiêu cực của giá xăng đến nền kinh tế?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm tiếp tục chia sẻ:
Làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư là nguyên nhân cơ bản làm cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 của nước ta đạt mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra. Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6-6,5%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng khoảng 4% trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 dự báo thấp hơn năm 2021, rủi ro tiếp tục gia tăng; trong nước sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút, sức ép lạm phát cao.
Khi xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát mục tiêu 4% theo quý và cả năm 2022 làm căn cứ đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp và linh hoạt, bên cạnh các yếu tố như: vốn đầu tư công, thực hiện linh hoạt chính sách tài khoá và tiền tệ, yếu tố biến động giá xăng dầu cần đặc biệt quan tâm để giảm thiểu tác động xấu đối với tăng trưởng và lạm phát.
Đối với kinh tế nước ta, xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ giao Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu; đồng thời, hai Bộ cùng các doanh nghiệp liên quan nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Từ đó, quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân, góp phần phát huy hiệu quả các giải pháp của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế. Thực hiện phương thức này trong quản lý giá bán xăng dầu sẽ giảm một phần tác động xấu của tăng giá xăng dầu đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Bộ Công Thương cần có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn cho nền kinh tế, đặc biệt Bộ cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước.
Xăng dầu có tầm quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế, dự báo giá xăng dầu tiếp tục tăng và đứng ở mức cao trong năm 2022, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu thế giới tăng cao, đồng thời nâng cao năng lực khai thác, lọc hoá dầu trong nước nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 và các năm tiếp theo.
Còn theo Ts Bùi Trinh, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hoàn toàn không liên quan. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, các hoạt động sản xuất tiêu dùng, nhất là nhiều ngành công nghiệp mới tạo ra hiệu ứng nhà kính lớn nhất, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chứ không phải do người dân đi xe máy hay các phương tiện giao thông vận tải. Vì vậy, cần phải bỏ luôn thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện nay. TS Bùi Trinh cũng đề xuất nên xem xét và giảm thuế GTGT cho xăng dầu từ 10% xuống còn 5% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Bởi giá xăng dầu tăng thì các doanh nghiệp sẽ chịu tác động ở nhiều chu kỳ sản xuất chứ không chỉ riêng 1 - 2 tháng. Như vậy ước tính nếu giảm được thuế này tương đương mỗi lít xăng sẽ giảm được thêm khoảng 1.000 đồng. Tổng cộng chỉ cần bỏ được thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế GTGT thì mỗi lít xăng sẽ hạ được 5.000 đồng.
Việc giảm thuế, phí cho xăng dầu không những hỗ trợ cho người dân nói riêng mà còn làm lan tỏa đến nhiều lĩnh vực, đóng góp cho sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế đất nước.
Thắm Lê tổng hợp & bổ sung (theo baogiaothong.vn, tienphong.vn, laodong.vn, qdnd.vn, vietnamplus.vn & thanhnien.vn)
Bộ Công Thương lên kế hoạch bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng
Xem thêm