Quyền "mặc kệ sếp" ngoài giờ làm việc
Một số quốc gia đã đạt những bước tiến mới trong cải cách chế độ làm việc nhằm bảo vệ tối ưu quyền lợi của người lao động, nhất là sau giờ hành chính bằng điều luật mới: "quyền ngắt kết nối".
Trong thời gian làm việc ở nhà vì đại dịch, người lao động khó có thể có quyền được ngắt kết nối đầy đủ, kể cả ở những nước có quy định pháp luật. Ảnh: iStock. |
Châu Âu thúc đẩy quyền ngắt kết nối
Trước tình trạng nhiều người lao động bị buộc phải làm thêm giờ trong thời gian làm việc tại nhà vì đại dịch Covid-19, Liên hiệp châu Âu (EU) đang thúc đẩy “Quyền ngắt kết nối” nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Theo DW, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, làm việc từ xa đang là lựa chọn tối ưu của các doanh nghiệp tại châu Âu. Tuy nhiên, cách thức này cũng khiến nhiều nhân viên không có thời gian nghỉ ngơi, hay thậm chí bị người sử dụng lao động “làm phiền” trong lúc sinh hoạt cá nhân. Nhiều nước EU đang kêu gọi thông qua “Quyền ngắt kết nối” nhằm bảo đảm người lao động được trả lương hợp lý và ngăn họ làm việc kiệt sức.
Ông Alex Agius Saliba, nghị sĩ Nghị viện châu Âu (EP) cho biết: “Sau nhiều tháng làm việc từ xa, nhiều nhân viên đang cảm thấy mệt mỏi, trầm cảm, kiệt sức, các bệnh về cơ hoặc mắt. Quyền ngắt kết nối sẽ trở thành một trong những quyền cơ bản đối với người lao động trên toàn châu Âu”. Theo quy định của “Quyền ngắt kết nối”, doanh nghiệp có 50 nhân viên trở lên hoạt động ở EU sẽ bị giám sát việc sử dụng tin nhắn, email hay điện thoại để giao việc cho nhân viên ngoài giờ làm. Nếu vi phạm, doanh nghiệp có thể phải chịu án phạt và bồi thường tiền cho người lao động.
Ngay khi nghị định này được công bố, nhiều người lao động tại châu Âu đã bày tỏ sự ủng hộ, cho rằng các công ty, doanh nghiệp cần trả thêm tiền nếu muốn nhân viên làm thêm giờ.
Trong EU, Pháp là quốc gia đầu tiên áp dụng quyền đặc biệt này kể từ năm 2016. Chính phủ Pháp từng buộc một công ty của Anh trả 60.000 euro cho một nhân viên người Pháp vì yêu cầu người này liên tục truy cập email, tin nhắn để thực hiện công việc ngoài giờ làm. Trong khi đó, chính quyền Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) vào tháng 10-2016 cũng đề xuất bảo đảm sự riêng tư của người lao động trước cuộc gọi, tin nhắn, mạng xã hội và công cụ truyền thông khác liên quan công việc sau giờ làm.
Bỉ chính thức cho phép 65.000 công chức liên bang không trả lời các liên lạc công việc ngoài giờ làm. Đây là bước tiến quan trọng trong phong trào yêu cầu cải cách rộng lớn hơn.
Theo luật mới có hiệu lực từ ngày 1/2, các công chức liên bang của chính quyền Bỉ sẽ không cần phải trả lời email hoặc cuộc gọi từ cơ quan ngoài giờ làm việc, trừ những trường hợp rất đặc thù. Giới chức nước này có kế hoạch mở rộng phạm vi áp dụng đến cả người lao động trong khối tư nhân.
Petra De Sutter, Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực hành chính công, nói luật này là cần thiết nhằm ứng phó với "văn hóa" công nhân viên cho rằng họ luôn phải có mặt khi sếp gọi, theo Guardian. Tình trạng này có xu hướng gia tăng khi nhiều người phải làm việc tại nhà trong bối cảnh dịch Covid-19.
Văn hóa “luôn có mặt” từ lâu trở thành vấn đề của người lao động toàn cầu. Các quốc gia trên mọi châu lục cũng cố gắng khắc phục tình trạng này bằng quy định pháp luật về “quyền được ngắt kết nối”.
Mọi ngày, Jee Hyae Rim, 31 tuổi, nhân viên văn phòng ở Seoul (Hàn Quốc), rời công sở vào lúc 17h30 nhưng chị vẫn thường nhận cuộc gọi và tin nhắn từ sếp hoặc đồng nghiệp vào lúc 19h-20h.
“Tôi đã mấy lần nói là nếu có việc gấp thì gửi email nhưng họ cứ gọi. Rất khó chịu nhưng tôi cứ phải kiểm tra email và trả lời tin nhắn khi đã ở nhà”, Jee nói với Korea Times trong một bài báo cuối tháng 12/2021. “Giữa công việc và đời sống riêng chẳng còn mấy ranh giới gì nữa”.
Tại Hàn Quốc, trong một khảo sát do Viện Nghiên cứu Gyeonggi thực hiện với 500 nhân viên tại tỉnh Gyeonggi cuối năm 2021, 87,8% người trả lời cho biết họ bị liên lạc để hỏi công việc ngoài giờ làm, 34,2% nói chuyện này xảy ra ít nhất một lần mỗi tuần.
Nhiều năm qua, các nước cố xây dựng những điều luật hiệu quả về “quyền được ngắt kết nối”, có thể là giới hạn số ngày làm việc trong tuần hoặc hạn chế liên lạc ngoài giờ làm chính thức.Dù có hình thức nào, mục đích chung của những quy định này đều là giúp người lao động không phải làm việc quá sức và đảm bảo họ không bị phạt nếu từ chối trả lời tin nhắn hoặc điện thoại sau giờ làm, chẳng hạn như không được thăng chức vì không chịu làm cuối tuần.
Ngoại trừ trường hợp mới nhất ở Bỉ, những quy định pháp lý đầu tiên về quyền được ngắt kết nối xuất hiện tại Pháp vào năm 2016, Italy vào năm 2017 và Tây Ban Nha vào năm 2018.
Suốt 20 năm qua, Đức cũng có động thái bảo vệ quyền ngắt kết nối của người lao động, nhưng không thông qua quy định pháp luật. Thay vào đó, cổ đông của các công ty sẽ đàm phán về vấn đề này.
Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức thậm chí có các biện pháp cứng rắn. Chẳng hạn tại Volkswagen, nhân viên không phải cấp quản lý được cho là không thể truy cập hòm thư bằng điện thoại di động từ 18h15 cho tới 7h sáng hôm sau.
Tuy là bước tiến quan trọng trong giai đoạn trước đại dịch, những động thái trên chủ yếu tập trung vào công việc cố định ở văn phòng. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi từ khi Covid-19 trỗi dậy. Trong lúc làm việc ở nhà vì dịch, nhiều người bị quá tải vì gần như không còn có thể tách bạch công việc và cuộc sống.
Ireland là một trong những quốc gia cố gắng giải quyết vấn đề này bằng luật “quyền ngắt kết nối” có xem xét yếu tố Covid-19. Điểm mới trong luật của Ireland nằm ở việc áp dụng chung cho cả người làm trực tiếp và làm từ xa, cũng như không quy định cứng thế nào là “giờ làm việc bình thường”.
Dù vậy, vẫn có một số người nghi ngờ hiệu quả của các quy định về quyền ngắt kết nối, đặc biệt là khi người lao động vừa muốn giờ làm việc linh hoạt, vừa muốn làm việc từ xa trong giai đoạn hậu đại dịch.
Eilee Schofield, một luật sư về quyền lợi lao động ở Anh, cho biết hầu hết hướng dẫn hiện hành tại châu Âu về quyền ngắt kết nối có quy định giờ làm việc “thông thường”. Nhưng chỉ một phần nhỏ người lao động tại đây làm việc theo giờ cố định trong năm qua.
Một văn phòng làm việc tại Hong Kong - thành phố nơi người lao động làm việc quá sức nhất thế giới trong năm 2021, theo bảng xếp hạng chỉ số cân bằng cuộc sống - việc làm toàn cầu của hãng Kisi. Ảnh: SCMP. |
Ngoài ra, nếu chủ lao động bị cấm liên lạc trong một khoảng thời gian nào đó (như cuối tuần hoặc buổi tối), họ sẽ muốn nhân viên phải có mặt đầy đủ trong thời gian quy định.
Như vậy, “phần lớn sự linh hoạt khi làm tại nhà sẽ biến mất. Bạn sẽ không còn có thể tranh thủ đi siêu thị hoặc đón con và bù giờ sau”, giáo sư kinh tế học Len Schackleton thuộc Đại học Birmingham (Anh), nói. “Tôi sẽ rất thận trọng với điều ước của mình”.
Bồ Đào Nha (quốc gia vùng Tây Âu) gần đây đã ban hành một đạo luật gây tranh cãi nhằm bảo vệ quyền nghỉ ngơi và riêng tư của các nhân viên công ty sau giờ làm.
Năm 2017, Pháp cũng đã đưa ra một điều luật tương tự, cho phép người lao động ở nước này có quyền bỏ qua các email liên quan đến công việc sau giờ làm.
Nhiều chủ doanh nghiệp choáng váng hơn khi quy định mới còn yêu cầu công ty phải cho phép những người có con nhỏ được lựa chọn làm việc tại nhà đến khi đứa trẻ 8 tuổi mà không được phép gây khó dễ. Công ty cũng sẽ phải thanh toán tất cả các khoản chi phí phát sinh liên quan đến công việc khi làm việc tại nhà như tiền điện, tiền Internet cho nhân viên.
Chính sách mới của Bồ Đào Nha là một phần của luật quy định làm việc tại nhà, nhằm thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống lành mạnh hơn.Tuy nhiên, quy định này hiện không áp dụng với các công ty có ít hơn 10 nhân viên. Các nghị sĩ Bồ Đào Nha cũng bác bỏ đề xuất cho phép người lao động có quyền “ngắt kết nối“, tức là tắt thiết bị liên lạc trong lúc nghỉ làm.
Ngoài ra, đây còn là động thái điều chỉnh để phù hợp với xu hướng ngày càng nhiều người ‘work from home’ do tác động của dịch COVID-19. Giới chức nước này nhận định có nhiều lợi ích khi làm việc tại nhà, song muốn điều chỉnh luật lao động cho phù hợp.
(Ảnh minh họa: Drazen Zigic/ Shutterstock) |
Theo Ana Mendes Godinho, Bộ trưởng Lao động và an sinh xã hội Bồ Đào Nha, chính phủ muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc làm việc từ xa và thu hút các lao động mới từ xa đến quốc gia châu Âu này.
Gần đây, quốc gia này đã tích cực thu hút lao động “lưu động” trong lĩnh vực kỹ thuật số - những người muốn tận dụng các ưu thế của phương thức làm việc từ xa để tạm thời di chuyển đến sống ở những nơi khác ngoài bên ngoài đất nước.
“Làm việc từ xa có thể là phương thức thay đổi cuộc chơi nếu phát huy được ưu điểm và hạn chế nhược điểm. Chúng tôi đang nỗ lực biến Bồ Đào Nha thành một trong những nơi phù hợp nhất trên thế giới dành cho ‘dân du mục kỹ thuật số’ và những người lao động từ xa đến sinh sống và làm việc” – bà Ana Mendes Godinho phát biểu trong một hội nghị công nghệ ở Lisbon tuần trước.
Tuy nhiên, quy định được cho là không có được nhiều sự ủng hộ của các doanh nghiệp và nghiệp đoàn. Họ lo ngại việc năng suất lao động của nhân viên giảm sút và chi phí tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu thụ sản phẩm và hiệu quả hoạt động, nhất là trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh kéo dài hiện nay.
Theo zingnews.vn & phunuonline.com.vn
Xem thêm