Ngày Quốc khánh 2/9: Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của bản tuyên ngôn độc lập
Ngày 2/9 là một mốc son chói lọi trong suốt tiến trình lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mà sau này là nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1. Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 (bài viết của TS.Vũ Ngọc Am đăng trên báo điện tử Đảng Cộng sản):
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản ”Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Thời gian đã qua đi hơn 2/3 thế kỷ, nhiều chi tiết nội dung trong Tuyên ngôn đã được nghiên cứu, làm sáng tỏ trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta càng thấy rõ những tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn chiến lược của Người thể hiện trong Tuyên ngôn.
Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hơn thế nữa, Tuyên ngôn độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.
Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.
Nội dung của Tuyên ngôn Độc lập đã được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu, làm rõ, nhưng hiện vẫn còn những luận điệu xuyên tạc, đặt câu hỏi với dụng ý xấu: Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập bằng những câu trích dẫn từ hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và Pháp? Điều này cần phải hiểu và lý giải rõ.
Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới như UNESCO đã tôn vinh, Người nhắc đến hai văn kiện lịch sử ấy với lòng trân trọng đặc biệt của một trí tuệ lớn đối với sự phát triển của văn minh nhân loại mà Cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Cách mạng tư sản Pháp 1789 đã giành được. Đây là những thành quả văn hoá của nhân loại, là dấu mốc lớn của lịch sử loài người, trong đó đã khẳng đinh những quyền cơ bản của con người. Đó là "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”… “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”… Đây là những tư tưởng rất tiến bộ đã được khẳng định trong hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp. Dẫn dắt từ sự kiện này để Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến kết luận nhằm tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của quốc tế đối với cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Hai là, trên nền tảng và tiền đề đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, chính cuộc cách mạng mà dân tộc Việt Nam đã giành được vào Tháng Tám năm 1945 là bước đi tiếp trong sự phát triển của nhân loại, đồng thời cũng là cột mốc cho sự phát triển của lịch sử giải phóng con người thuộc các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Đó là mẫu hình đầu tiên và cũng là ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa nhỏ yếu thoát khỏi ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới mà cách mạng Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã gương cao.
Ba là, đi sâu nghiên cứu hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp, chúng ta thấy cả hai bản Tuyên ngôn đã đề cao và khẳng định quyền con người: “Mọi người đều sinh ra bình đẳng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Chính sự suy rộng ra đã thể hiện một tư tưởng lớn, một luận điểm quan trọng thể hiện sự vượt trội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trình bày trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam. Đây là một nội dung rất căn bản, có ý nghĩa không chỉ đối với dân tộc ta mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với thời đại. Từ đó tới nay, các nước trên thế giới đã và đang liên tục đấu tranh để giành độc lập, giành quyền dân tộc cơ bản của mình.
Như vậy, có thể thấy, với vốn tiếng Anh cùng với thiên tài trí tuệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dịch và trích dẫn Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp nhưng có sự điều chỉnh và phát triển để thể hiện quan điểm riêng của mình về quyền con người và trên thực tế, tinh thần ấy đã được thể hiện và khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam từ trước đến nay.
Đó chính là sự đóng góp về lý luận và thực tiễn về quyền con người, đem lại những tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của nhân loại.
Gần 80 năm đã trôi qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Với tinh thần đó mà cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt hơn gần 4/5 thế kỷ qua. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức.
Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập ,chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. 77 năm Quốc khánh: Việt Nam tự tin đảm nhiệm trọng trách quốc tế
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực, qua đó cho thấy vai trò và vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam.
Những ngày đầu tháng 9 này, phái đoàn Việt Nam đang tham dự hội nghị thượng đỉnh cảnh sát Liên hợp quốc lần thứ ba (UNCOPS), diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York từ 30/8-3/9, nhằm gửi đi thông điệp Việt Nam sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
Tại Khóa họp 50 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra tháng 6 vừa qua, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines đã đồng tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu; đồng thời giới thiệu dự thảo Nghị quyết năm 2022 về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào quyền lương thực và biến đổi khí hậu.
Đó chỉ là hai trong rất nhiều hoạt động quốc tế mà Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia, thể hiện rõ nét Việt Nam là một đối tác tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực.
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc: "Việt Nam cho thấy những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới."
Đánh giá của Tổng Thư ký Liên hợp quốc phản ánh sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời cũng cho thấy vai trò và vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam.
Việc Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 là một trong những minh chứng điển hình.
Việt Nam được đánh giá đã thể hiện vai trò chủ động, cân bằng, trách nhiệm khi đưa ra những đề xuất, đóng góp thiết thực vào hoạt động của Hội đồng Bảo an, chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu.
Nổi bật là việc khi đại dịch COVID-19 bùng phát và lây lan trên toàn cầu, Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm; cùng với Đức khởi xướng và trở thành nước sáng lập Nhóm Bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ra mắt cuối tháng 6/2021.
Tại buổi lễ kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Nhóm diễn ra ở New York tháng 6 vừa qua, đại diện nhiều nước đã hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam cũng như các nước đồng sáng lập nhóm, góp phần đề ra cam kết của đông đảo thành viên Liên hợp quốc, các nước thành viên UNCLOS đối với Công ước vốn lâu nay được coi là “Hiến pháp của đại dương.”
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đại tướng Phan Văn Giang cùng các sỹ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 trước giờ lên đường thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Việc Việt Nam tham gia tích cực trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2014 cũng tạo dấu ấn với cộng đồng quốc tế.
Từ tháng 6/2014 đến tháng 8/2022, có 512 lượt sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp Việt Nam được cử đi làm nhiệm vụ ở phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei...
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động hòa bình Jean-Pierre Lacroix đã cảm ơn Việt Nam về sự ủng hộ mạnh mẽ cũng như những đóng góp tích cực đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Ông Lacroix đánh giá cao tính chuyên nghiệp, sự tận tụy, nỗ lực, hy sinh của các binh sỹ Việt Nam khi phải thực hiện nhiệm vụ trong những môi trường khó khăn, đặc biệt bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Nam Sudan đã đóng vai trò quan trọng trong thành công chung của phái bộ Liên hợp quốc tại quốc gia châu Phi này, đảm bảo sức khỏe và điều kiện y tế cho lực lượng cán bộ, binh sỹ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nhất là trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành.
Chính sự sẵn sàng và tinh thần trách nhiệm khi tham gia đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế đã giúp Việt Nam tạo dựng được lòng tin, liên tiếp được bầu vào nhiều tổ chức đa phương quan trọng, như Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Hội đồng Khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC)...
Đây cũng là động lực để Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Điều này cũng thể hiện sự tự tin của Việt Nam trong việc gánh vác các trọng trách quan trọng của quốc tế.
Tại khu vực, Việt Nam ngày càng khẳng định là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đóng góp hết mình vì sự phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Không chỉ các nước trong khu vực mà các nước trên thế giới cũng đánh giá cao những đóng góp to lớn của Việt Nam cho sự phát triển của ASEAN, đặc biệt trong những thời khắc quan trọng, tạo ra những dấu mốc của tổ chức này, trong đó có việc hoàn tất ý tưởng ASEAN-10, thúc đẩy và cụ thể hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, xây dựng Hiến chương ASEAN, góp phần phát huy vai trò trung tâm và vị thế quốc tế của ASEAN.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres đánh giá cao Việt Nam khi đề xuất thúc đẩy đưa mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc lên một tầm cao mới, phát huy hơn nữa tinh thần của chủ nghĩa đa phương.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam, phát biểu tại phiên họp của Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN phát)
Đánh giá về những thành tựu đối ngoại của Việt Nam, Đại sứ Philippe Kridelka, Trưởng phái đoàn thường trực Bỉ tại Liên hợp quốc khẳng định: “Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ và có được lòng tin của thế giới, nhất là ở châu Á, châu Phi và cả châu Âu cũng như Mỹ.”
Trong các phát biểu khi tham dự lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022), nhiều đại diện chính phủ, tổ chức quốc tế đã đề cao vị thế và coi trọng hợp tác với Việt Nam.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin tuyên bố Việt Nam là cầu nối gắn kết Hàn Quốc với khu vực Đông Nam Á, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác với ASEAN và Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao và Kinh tế Hungary Stifter Adam nêu rõ Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Hungary tại khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, ông Philip Fernandez, đại diện Hiệp hội Hữu nghị Canada-Việt Nam (CVFS) nhấn mạnh người dân Canada yêu mến nhân dân Việt Nam và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vì những đóng góp của Việt Nam và vị lãnh tụ huyền thoại đối với lịch sử đấu tranh chống thực dân, chống đế quốc, mà còn vì những dấu ấn đậm nét của Việt Nam ngày nay trong quá trình đấu tranh vì nhân phẩm, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Tiến sỹ kinh tế Ruvislei González Sáez, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam, khẳng định một nền ngoại giao chủ động và chủ trương hòa bình là yếu tố then chốt mang lại những thành tựu cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong những năm qua, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế đã cho thấy "một Việt Nam mới tự tin, sẵn sàng gánh vác nhiều trọng trách quốc tế vì hòa bình và phát triển bền vững," như phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc./.
Tổng hợp theo vietnamplus.vn
---
Tiến quân ca được bình chọn là quốc ca hào hùng nhất thế giới
Xem thêm