“Kỳ tích sông Hồng” sẽ tỏa sáng Hà Nội

03/03/2024 | 263

Hà Nội không chỉ là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng mà còn phải phát triển hiện đại xứng tầm khu vực và thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng muốn phát triển như vậy, trước hết Hà Nội cần phải làm sao để có “Kỳ tích sông Hồng”.

Nhiều chuyên gia cho rằng muốn phát triển như vậy, trước hết Hà Nội cần phải làm sao để có “Kỳ tích sông Hồng”. Muốn có “Kỳ tích sông Hồng”, Hà Nội phải triển khai sớm quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống đã được phê duyệt, Hà Nội phải phát triển dọc hai bên bờ sông.

Đó là một trong những nội dung phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại kỳ họp thứ XII, HĐND TP Hà Nội khóa XVI với mong muốn đến năm 2030 Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đồng thời hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới. “Kỳ tích sông Hồng” có thể là cách nói ví von như thế giới từng nói “Kỳ tích sông Hàn” để chỉ mức tăng trưởng kinh tế kỳ diệu một thời cùa Hàn Quốc.

DÒNG SÔNG VÀ CỘI NGUỒN THÀNH PHỐ

Để xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 5 tháng 5 năm 2022, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 15-NQ/TW. Nghị quyết đã xác định rõ phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”.

Nhiều chuyên gia cho rằng muốn phát triển như vậy, trước hết Hà Nội cần phải làm sao để có “Kỳ tích sông Hồng”.

Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cũng là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Điều đáng chú ý là việc quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được định hướng lấy sông Hồng và sông Đuống là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực kiến trúc, kinh tế, lịch sử đều tán đồng Hà Nội phát triển lấy sông Hồng làm trục.

Các ý kiến đều đồng nhất coi dòng sông là của vô giá mà trời ban cho Thủ đô Hà Nội. Trên thế giới cũng có một số ít thành phố có được niềm hạnh phúc của vô giá đó. Các thành phố này đều được xây dựng đẹp nổi tiếng trên thế giới như Venice của Ý, một thành phố du lịch hấp dẫn hay thành phố Bruges xinh đẹp của Bỉ, Paris của Pháp…

Xuôi theo dòng chảy dịu dàng của những dòng sông ấy đều gắn với cội nguồn của lịch sử, văn hóa, là những nét độc đáo của kiến trúc, hội họa và thi ca. Dọc theo những con sông đó thường là những đô thị rực rỡ, nơi hình thành, biến chuyển các hình thái kinh tế, nơi tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần lớn hơn bất cứ nơi nào.

Bàn về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia nhìn nhận, dòng sông là cội nguồn tạo ra một thành phố. Các cụ xưa đã nói, “nhất cận thị - nhị cận giang - tam cận lộ” - không có sông, không có nguồn nước thì không thể có thành phố. Sông là nơi quan trọng nhất để cấp nước, thoát nước - điều kiện tiên quyết của một đô thị.

Các nền văn minh rực rỡ trên thế giới đều được hình thành và phát triển tại lưu vực các con sông lớn như: văn minh Ai Cập - sông Nil, Ấn Độ - sông Hằng, Trung Hoa - sông Hoàng Hà… bởi tận dụng được nguồn nước mát lành cho các hoạt động giao thương và canh tác. Chính nhờ các dòng sông giao thương đã hình thành nên những đô thị, tiểu đô thị trù phú, sầm uất ven sông.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan, nhìn theo góc độ lịch sử, cho rằng: “Các dòng sông làm nên chiều dài lịch sử, văn hóa và sự phát triển đô thị”. Xuôi theo dòng chảy của sông Hồng, nơi đâu cũng để lại những giá trị văn hóa đặc sắc, đặc biệt là bồi đắp phù sa, hình thành nên vùng đất trù phú là Hà Nội. Có thể thấy rằng, đô thị ven sông, theo dòng chảy của thời gian, đã hấp thụ trong nó tâm hồn - văn hóa. Đó là nơi kết nối sâu sắc con người và vùng đất, tạo nên một bức tranh di sản giàu có và xuyên suốt trong tâm thức của mỗi người.

SÔNG HỒNG, ĐIỂM NHẤN ĐẶC SẮC CỦA HÀ NỘI

Bước sang năm 2024, Hà Nội cùng hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đang khẩn trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, Hà Nội đang cố gắng sớm xây ba cầu vượt sông Hồng, sông Đuống trên vành đai 4: cầu Mễ Sở, Hồng Hà vượt sông Hồng và cầu Hoài Thương vượt sông Đuống để cùng kịp khai thác đường song hành vành đai 4 vào cuối năm 2025.

“Kỳ tích sông Hồng” sẽ tỏa sáng Hà Nội - Ảnh 1

Việc xây dựng các đường vành đai đều hướng đến tầm nhìn xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội theo dòng chảy sông Hồng. Cuối năm 2023, Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: tầm nhìn và giải pháp”. Tất cả đều dành cho sự chuẩn bị để làm sao sớm triển khai quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng mong muốn.

Ngay khi còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Huệ cũng từng nói: Từ trên máy bay nhìn xuống hay đi tàu nhìn qua, thấy hai bên bờ sông Hồng như hiện nay thì Thủ đô làm sao phát triển được. Hà Nội đang xây dựng Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Quan điểm về tổ chức không gian trong các quy hoạch lớn Hà Nội đang triển khai, sông Hồng được xác định là một trong 5 trục quan trọng với định hướng phát triển không gian xanh, cảnh quan trung tâm của thành phố, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng định hướng này sẽ là điểm tựa để đưa sông Hồng trở thành khung thiên nhiên, điểm nhấn đặc sắc của thủ đô Hà Nội trong tương lai. Tạo dựng không gian công cộng xanh, sinh thái và văn hóa.

Trên cơ sở yêu cầu thực tiễn và kinh nghiệm thế giới, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến đóng góp những ý kiến khá thú vị: cần phải có sự gắn kết giữa bãi giữa, bờ sông Hồng với đô thị; những di sản kiến trúc đặc trưng của Hà Nội như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân... cũng phải được gắn kết để tạo ra một giá trị cao hơn; bằng cách xây dựng Công viên sông Hồng, bao gồm: khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên). Cùng với đó là các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu… thuộc khu phố cổ, phố cũ.

KTS. Trần Ngọc Chính cho biết việc nghiên cứu, cải tạo bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch của Thủ đô là giải pháp mang tính đột phá. Đây sẽ là điểm tựa để đưa con sông Hồng chảy giữa lòng Hà Nội trở thành trục không gian xanh, có sức hấp dẫn không chỉ nằm trong phạm vi hai bên sông, mà còn có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển cho cả vùng Thủ đô và thành phố Hà Nội...

Theo vneconomy.vn


(*) Xem thêm

Bình luận