Tiến quân ca được bình chọn là quốc ca hào hùng nhất thế giới

22/11/2021 | 5184

Quốc ca nói chung là một bài hát ái quốc khơi gợi và tán dương lịch sử, truyền thống và đấu tranh của nhân dân quốc gia đó, được chính phủ của một đất nước công nhận là bài hát chính thức của quốc gia, hoặc được người dân sử dụng nhiều thành thông lệ. Cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca là một thứ tình cảm thân thuộc và rất đỗi bình thường đối với mỗi công dân, ở bất cứ quốc gia nào, dù phương Đông hay phương Tây.

Bài Tiến quân ca được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác cuối năm 1944 tại căn gác nhà số 171 phố Mongrand (nay là nhà số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội) và được in lần đầu trên trang văn nghệ của báo Độc lập tháng 11-1944. Ngay từ khi mới ra đời, bài hát đã được đội ngũ chiến sĩ cách mạng nồng nhiệt đón nhận, sau đó trở thành bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh, góp phần quan trọng cổ vũ nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.

Đoàn quân nhạc trình diễn Quốc ca Việt Nam.

Tháng 8-1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (Tuyên Quang), bàn về kế hoạch Tổng khởi nghĩa và mẫu Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca khi Việt Nam độc lập. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi được giao nhiệm vụ tham khảo ý kiến các đại biểu, lựa chọn một số bài hát đặc sắc để trình lên lãnh tụ Hồ Chí Minh và Quốc dân Đại hội quyết chọn làm Quốc ca. Ba bài hát được trình lên là Cùng nhau đi hồng binh của Đỗ Nhuận, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi và Tiến quân ca của Văn Cao. Cuối cùng, bài Tiến quân ca được chọn làm Quốc ca vì vừa thể hiện được ý chí, khát vọng dân tộc, hợp cảnh hợp thời, vừa ngắn gọn, dễ thuộc lời, dễ phổ cập mà giai điệu lại hùng tráng...

Trong những ngày Tổng khởi nghĩa từ 17 đến 19-8-1945 ở Hà Nội, bài hát đã vang lên tại các cuộc tuần hành, biểu tình, mít tinh của quần chúng cách mạng. Những chiến sĩ của chiến khu Đông Triều (Quảng Ninh) dọc đường hành quân về giải phóng Hải Phòng cũng ca vang bài hát này. Tiếp theo là Sài Gòn và cả nước cùng vang lên giai điệu Tiến quân ca...

Ngày tuyên bố độc lập 2-9-1945, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên, Tiến quân ca được dàn nhạc Giải phóng quân cử hành, hàng triệu người hát vang lời ca theo tiếng nhạc của hành khúc hùng tráng, sôi động. Năm 1946, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định lấy bài Tiến quân ca do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác làm Quốc ca Việt Nam. Hiến pháp năm 1946, tại Điều 3 cũng ghi rõ: “Quốc ca là bài Tiến quân ca”. Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa I (năm 1955) đã quyết định giữ nguyên nhạc, chỉ sửa đôi chút về lời của Quốc ca.

Từ tháng 4-1981 đến tháng 6-1983, Hội đồng Nhà nước đã tổ chức một cuộc thi sáng tác Quốc ca mới nhưng cuối cùng cũng không chọn được bài hát nào có thể thay thế Tiến quân ca. Năm 1993, Quốc hội một lần nữa khẳng định vị thế thiêng liêng cao quý của Quốc ca Việt Nam. Và tại Khoản 3, Điều 13 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định: “Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca”.

Bài Tiến quân ca ngày nay có những điểm khác so với bài Tiến quân ca ban đầu do có một số sửa đổi về lời và nhạc. Về lời, câu đầu tiên trong các bản đầu của Tiến quân ca là “Đoàn quân Việt Minh đi” thì khi trở thành Quốc ca từ năm 1945 sửa thành “Đoàn quân Việt Nam đi”. Năm 1955, theo sự góp ý của các đại biểu Quốc hội khóa I, tác giả Văn Cao đã sửa câu “Thề phanh thây uống máu quân thù” thành “Đường vinh quang xây xác quân thù”. Câu cuối “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!” được tác giả sửa thành “Núi sông Việt Nam ta vững bền” nhưng đến khi xuất bản thành Quốc ca đã được Ban biên tập sửa thành “Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền”. Về nhạc cũng có một số sửa đổi, chẳng hạn bài Tiến quân ca trước khi được cử hành trong lễ chào cờ sáng ngày 2-9-1945 đã được tác giả cùng các nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Đinh Ngọc Liên bàn bạc, thống nhất sửa 2 chỗ để tiết tấu của bản nhạc khỏe và hùng tráng hơn.

Theo những đánh giá chung, ưu điểm nổi bật nhất của Tiến quân ca là chất mạnh mẽ, oai hùng của nhạc. Tháng 4-2011, trang cracked.com - trang thông tin điện tử về kiến thức có uy tín của Mỹ thu hút hàng trăm triệu người xem trên toàn cầu - đã thực hiện khảo sát qua bạn đọc, thống nhất bình chọn Quốc ca Việt Nam là bài quốc ca hào hùng nhất thế giới (xếp theo sau lần lượt là quốc ca của các nước Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Italia, Algeria...). Đây thật sự là một điều đáng tự hào khi Tiến Quân Ca của nước ta được vinh danh trên một trang tin tức lớn như vậy.

Nội dung của quốc ca Việt Nam rất ngắn gọn, súc tích, chủ yếu là nói về những hy sinh gian khổ của quân dân ta trong chiến tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm, để gìn giữ hoà bình, độc lập cho tổ quốc và mong ước tương lai đất nước đẹp tươi. Lời bài hát đơn giản nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa hoà cùng với giai điệu trầm bổng oai hùng đã làm cho quốc ca Việt Nam dễ đi vào lòng người nhất, khơi lên niềm cảm xúc tự hào mãnh liệt nhất trong lòng dân. Hơn nữa, dân tộc ta là một dân tộc nhỏ bé nhưng anh dũng vô cùng, đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ đất nước, đặc biệt giành thắng lợi trước nhiều quân giặc lớn như đội quân Nguyên Mông thưở xa xưa, đế quốc Pháp, Mỹ thời cận đại, với bề dày và chiều dài lịch sử hơn 4000 năm dựng nước, giữ nước. Do đó 'Tiến quân ca' thực sự xứng đáng là quốc ca hào hùng nhất thế giới.

"Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc
Bước chân rộn vang trên đường gập ghềnh xa
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca
Đường vinh quang xây xát quân thu
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng
Tiến mau ra sa trường
Tiến lên, cùng tiến lên
Nước non Việt Nam ta, vững bền."

Không chỉ có nhân dân Việt Nam mới xúc động khi hát quốc ca của đất nước mình mà rất nhiều người dân trên thế giới cũng yêu thích và tự hào thay khi nghe quốc ca Việt Nam. Chúng ta cùng xem chi tiết trong video sau nhé.

Tiếp theo trong danh sách công bố của trang cracked.com là quốc ca các nước sau:

Vị trí số 2: La Marseillaire ( quốc ca Pháp)
Được "Claude-Joseph Rouget de Lisle" viết tháng 4 năm 1792 giữa cuộc Cách mạng Pháp, bản quốc ca Pháp nguyên đề chính "Chant de guerre de I'armée du Rhin" ( Tạm dịch : Chiến ca của quân đội miền Rhein ), với phần ca từ nhiều sắt máu và và hung bạo :
"Phất cao ngọn cờ máu, phất cao ngọn cờ máu lên!"
"Bạn có nghe từ thôn trang tiếng gầm thét của những tên lính thô bạo, lao thẳng vào vòng tay ta, cắt cổ họng con cái bạn. Ước chi máu ô uế tưới lên những luống cày của ta."

Vị trí số 3: Independence march (Thổ Nhĩ Kỳ)
Thổ Nhĩ Kì nằm trên cả lục địa Âu và Á, cũng trải qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập chống lại quân xâm lăng đến từ các nước Châu Âu. Lời ca chủ yếu nhằm đề cao cái chết vì tổ quốc, nhưng có những đoạn không kém phần hung hãn :
"Ta như tiếng lũ ầm ầm, hùng mạnh không kiềm chế. Ta sẽ xé xác núi non, đi qua tầng trời mà vẫn cao phun"
"Ngực bạn thành khiên giáp, thân bạn thành chiến hào"
"Chỉ đến khi đó, bia mộ lao khổ của ta, nếu chăng nữa, cũng ngấy ngây gục xuống ngàn lần, và máu cuồng điên sẽ tuôn ra từ mỗi vết thương ta, thân thể bất động của ta sẽ từ lòng đất tuôn ra các thần linh vĩnh cửu"

Vị trí số 4: Himnusz (Hungary)
Nhiều quốc ca các nước có nội dung kêu gọi công dân đứng lên cầm vũ khí chống áp bức, chống ngoại xâm,... Hungary thì khác là một quốc gia ở Trung Âu, khi bản quốc ca hình thành, không bị chiến tranh tàn phá, không bị ngoại bang đô hộ. Vậy thì họ cầu nguyện Thượng Đế phù trợ, nhưng trong lời ca vẫn có máu, có nước mắt trẻ mồ côi:
"Hoa tự do không còn nở nữa, từ máu đổ của người tử vong, và nước mắt chế độ vong nô sôi chảy từ đôi mắt trẻ mồ côi"
Vị trí số 5: Il canto degli Italiani (Ý)
Ý là một quốc gia ở Châu Âu đã 3 lần khởi phát chiến tranh giành độc lập khỏi tay nước Áo và mãi tới năm 1866 mới thành công. Quốc ca do"Goffredo Mameli" viết lời ca khi chỉ mới 20 tuổi, với những lời ca hung bạo :
"Những thanh kiếm tay sai, chúng yếu như cây lau sậy. Con đại bàng nước Áo đã rụng lông rồi. Nó đã uống máu của Ý của Ba Lan cùng máu Cossack. Thế nhưng tarí tim nó bị đốt thiêu cháy rụi"
Vị trí số 6: Qasaman (Algeria).
Algeria là một nước ở Châu Phi, bị thực dân Pháp đô hộ từ 1830 và giành độc lập năm 1962. Ca từ do Moufdi Zakaria viết năm 1956 khi ông bị thực dân Pháp giam giữ tại Algiers, với từ ngữ mạnh mẽ và đầy hung hãn :
"Chúng ta thề có sấm chớp hủy diệt, có những suối máu tuôn đổ tràn trề, Nói mà chẳng ai nghe, chúng taphải lấy thuốc súng nổ làm nhịp điệu, lấy âm thanh súng máy làm lời ca"

Thắm Lê tổng hợp theo hanoimoi.com.vn & kênh Trịnh Minh Quân, kênh Great Việt Nam (Youtube)


(*) Xem thêm

Bình luận