Tín dụng ngân hàng tăng mạnh và lãi suất cho vay tăng

14/07/2022 | 378

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến ngày 30.6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỉ đồng, tăng 9,35%, trong khi cùng kỳ năm 2021 tăng trưởng tín dụng ở mức 6,47%. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện đang được các ngân hàng điều chỉnh tăng trong bối cảnh chi phí đầu vào gia tăng cùng với hạn mức tín dụng hạn hẹp. Trong đó, tốc độ tăng lãi suất cho vay mua nhà tăng nhanh.

Tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 9,35%

So với số liệu Tổng cục Thống kê công bố tín dụng tính đến ngày 20.6 tăng 8,51% thì trong 10 ngày cuối tháng 6, tín dụng đã tăng thêm 0,84%, tương đương gần 700.000 tỉ đồng. Tín dụng trong 6 tháng đầu năm đã tăng gần 2/3 kế hoạch dự kiến đầu năm toàn ngành ngân hàng đặt ra năm 2022 tăng 14%.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ lũy kế 709.038 tỉ đồng, tổng số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến nay đạt trên 50.000 tỉ đồng. Trong khi đó tốc độ huy động vốn của các ngân hàng chỉ tăng chưa đến một nửa, ở mức 4,51%, đạt trên 11,8 triệu tỉ đồng. Dù vậy mức này tăng nhanh hơn cùng kỳ năm 2021 khi chỉ 4,09%.

Ngân hàng Nhà nước xây dựng nghị định về gói hỗ trợ lãi suất 2%

Bên cạnh các giải pháp điều hành trong thời gian qua, để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ được giao, NHNN đã cùng các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư 03/2022 hướng dẫn ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện. Đến nay, các NHTM đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất 2%, NHNN đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỉ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỉ đồng). Đồng thời, NHNN cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng NHTM để triển khai sớm chính sách và trả lời hơn 20 vấn đề về nguyên tắc, điều kiện, thời hạn, phương thức hỗ trợ lãi suất, thực hiện dự toán, quyết toán, thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất, quản lý hạn mức hỗ trợ lãi suất.

Vay mua nhà trả lãi cao

Trái ngược hoàn toàn thời điểm năm ngoái, các ngân hàng (NH) liên tục giảm lãi suất (LS) cho vay mua nhà để kích thích nhu cầu vay vốn thì nay các nhà băng đã điều chỉnh tăng LS cho vay từ 1 - 2%/năm. Người vay mua nhà thời điểm này đã phải gánh lãi cao hơn 30% so với cùng kỳ. Cụ thể, Shinhan Bank tăng LS cho vay mua nhà cố định 1 năm vay đầu tiên từ 6,2%/năm lên 8,2%/năm; cố định LS vay 36 tháng lên 8,9%/năm thay vì mức 7,6%/năm; LS cho vay cố định 60 tháng lên 9,5%/năm thay vì 7,8%/năm. UOB tăng mạnh LS cho vay mua nhà từ mức 6,49% năm trong tháng trước lên 7,69%/năm trong tháng này. VIB áp dụng LS ưu đãi cho vay mua nhà thêm 0,5%/năm so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất từ 8,7%/năm.

Lãi suất cho vay tăng - ảnh 1

Lãi suất cho vay cá nhân đã tăng lên. Ảnh: Ngọc Thắng

Là NH có mức LS cho vay năm 2021 ở mức thấp, chỉ 5,9%/năm nhưng những tháng gần đây, TPBank liên tục tăng LS cho vay mua nhà đất. Cụ thể, cách đây hơn tháng, lãi vay mua nhà ở mức 7,9%/năm ưu đãi trong 6 tháng đầu và 8,9%/năm cố định trong 12 tháng thì nay nhà băng này đã tăng lên mức tương ứng 8,5%/năm và 9,5%/năm. Đáng nói, nếu như 1 năm trước, các chương trình LS cho vay ưu đãi đối với mua bất động sản được ồ ạt đưa ra thì nay đã âm thầm biến mất. PVcombank là NH có mức LS cho vay mua nhà đất thấp nhất trên thị trường từ năm 2021 ở mức 5%/năm đến nay. Thế nhưng nhà băng này cũng đang cân nhắc tính toán điều chỉnh LS vay sao cho phù hợp với thị trường trong thời gian tới.

LS những khoản vay cũ cũng đang bị điều chỉnh tăng thêm khi mặt bằng LS huy động tăng, lên khoảng 9 - 12%/năm. LS huy động của các NH có tốc độ tăng cao những ngày đầu của tháng 7, với mức từ 0,2 - 0,9%/năm. NH TMCP Á Châu (ACB) tăng mạnh LS huy động tiền đồng từ 0,6 - 0,9%/năm. Theo đó, LS huy động kỳ hạn từ 1 - 3 tháng lên 3,95 - 4%/năm, 6 tháng lên 5,3 - 5,6%/năm, 9 tháng lên 5,5 - 5,7%/năm, 12 tháng lên 5,7 - 6%/năm. Mức cao nhất hiện nay là 7,8%/năm thuộc về Techcombank, thay vì 7,1%/năm như trước đó với điều kiện để khách có được mức LS cao này là gửi tiết kiệm từ 999 tỉ đồng trở lên với kỳ hạn gửi 12 tháng. Mức LS huy động trên 7% xuất hiện ngày càng nhiều ở các NH. Chẳng hạn SCB ở mức 7,5%/năm cho kỳ hạn 18 tháng trở lên; NH TMCP Kiên Long (Kienlong Bank) ở mức 7,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng; NH TMCP Bản Việt 7%/năm ở kỳ hạn 24 tháng… “Nước lên thuyền lên” nên LS cho vay cũng tự động được điều chỉnh tăng khi công thức tính LS những lần sau đó được dựa vào LS huy động cộng với biên độ từ 3,5 - 5% tùy NH.

Cách tính tiền vay mua nhà để không bị “ngợp”

Riêng LS cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh đang được NH giữ ổn định từ 5,5 - 8%/năm. Vietcombank cho cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động với mức LS từ 5,5%/năm đối với khoản vay dưới 6 tháng, 6,1%/năm đối với khoản vay từ 6 - 9 tháng; 6,6%/năm với khoản vay từ 10 - 12 tháng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có LS cho vay ưu đãi từ 5,6%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và chỉ từ 6,3%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay trung dài hạn. Tuy nhiên cũng có một số NH tăng nhẹ lãi vay đối với doanh nghiệp từ 5,5%/năm lên 6%/năm.

Lãi vay tăng, vay cũng không dễ

Mặt bằng LS cho vay cá nhân tăng nhưng việc giải ngân vay vốn không hề dễ. Ông Thanh Bảo, nhân viên tín dụng một NH cổ phần chi nhánh Q.3, TP.HCM, cho biết một số hồ sơ vay vốn đã xong nhưng phải chờ NH thông báo mở hạn mức tín dụng mới được giải ngân. Thực tế, các NH đang bị hạn chế về hạn mức tín dụng, phải chờ khi khách hàng vay cũ trả nợ, hạn mức còn mới tranh thủ giải ngân nhanh. Đây cũng là một trong những lý do khiến LS cho vay đối với khách hàng cá nhân tăng lên. Một số chi nhánh NH khác cũng bị đụng hạn mức tín dụng được cấp cho vay nên phải tạm ngưng giải ngân cả tuần nay. Bà N.T.H (Q.7, TP.HCM) làm hồ sơ vay 2,2 tỉ đồng, xong tất cả các thủ tục nhưng mất 1 tuần sau NH mới giải ngân được. Nhân viên tín dụng chi nhánh NH này cho biết do chi nhánh bị “kẹt” room tín dụng nên phải chờ.

09 điều người dân cần biết khi vay vốn ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng tính đến ngày 20.6 đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước chỉ 5,47%. Với mức tăng trưởng này, đã có hơn 880.000 tỉ đồng được bơm thêm ra thị trường trong 6 tháng đầu năm. Thế nên, dù nhiều NH đã kêu và xin thêm room tín dụng từ tháng 4 nhưng nay qua tháng 7 vẫn chưa được cấp mới. Trong khi đó, tăng trưởng huy động của các NH lại chậm hơn, tăng 3,97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%); tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm 2021 tăng 3,48%).

Theo NH Nhà nước, 44 NH thương mại đã đăng ký tổng số tiền chương trình hỗ trợ LS cho cả 2 năm 2022, 2023 là 40.000 tỉ đồng, trong đó đăng ký kế hoạch hỗ trợ LS năm 2022 là hơn 16.000 tỉ đồng, năm 2023 là gần 24.000 tỉ đồng. Hiện nhiều NH thương mại đã triển khai chương trình gói hỗ trợ LS 2% đến khách hàng.

Ngân hàng tiếp sức doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng LS cho vay đang chịu áp lực tăng lên khi LS trên thị trường quốc tế tăng, đầu vào của các NH cũng gia tăng. Tuy nhiên mức tăng lãi vay dự báo sẽ không tăng quá mạnh để phục vụ mục đích phục hồi kinh tế. Các chính sách đều phải hướng đến nhiệm vụ này. Theo dự báo của ông Cấn Văn Lực, khả năng trong tháng 7 NH Nhà nước sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng cho các NH nhằm đảm bảo triển khai chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ LS 2%, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang tăng cao. Tuy nhiên dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay đảm bảo ở mức 14 - 15%. Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm nghiệp, thủy sản. Ngược lại, NH Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và các dự án đầu cơ…

Theo thanhnien.vn

---

Nền kinh tế Việt Nam - Tăng trưởng GDP ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2022


(*) Xem thêm

Bình luận