Tôi đến quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

21/05/2024 | 269

Bạn có muốn đến một nơi mà ở đó đủ đầy cảm xúc bình yên và hạnh phúc không??

Với bạn “hạnh phúc” là gì?

Tôi vừa đặt chân đến Bhutan, một vương quốc nhỏ bé nép mình bên dãy Himalaya hùng vĩ, nơi được truyền thông gọi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Một đất nước thuộc Nam Á, không giáp biển, nằm trong tư thế gọng kìm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Bhutan được xem là quốc gia nghèo nhất thế giới với GDP bình quân đầu người rất thấp. Vậy tại sao nơi đây lại được xem là nơi hạnh phúc nhất thế giới và có hẳn “Bộ Hạnh phúc”. Liệu cuộc sống ở đây có thực sự như vậy?

Tôi là Hà Là Lạ (Bùi Việt Hà), sinh sống tại TP.HCM, một người yêu tự do và những chuyến đi dài, tìm hiểu về những vùng đất mới, trải nghiệm nền văn hóa độc đáo và chia sẻ câu chuyện du lịch thông qua những hình ảnh, thước phim.

Vốn là một người có cảm xúc đặc dành cho dãy Himalaya, vì vậy việc đặt chân đến Bhutan là một trong những mong muốn tất yếu của tôi. Trong dịp lễ 30/4 vừa rồi, tôi đã có duyên cùng những người bạn đặt chân đến Vương quốc Hạnh Phúc trong hành trình 5 ngày 4 đêm.

Bhutan không chỉ có khái niệm hạnh phúc

Có chút không công bằng vì trước khi đặt chân đến Bhutan, tôi đã có cho mình những chuyến đi đến các vùng đất Phật giáo Tây Tạng xung quanh dãy Himalaya nên cảm xúc của tôi khi lần đầu đến đây không quá đong đầy như những vị khách khác.

Với tôi, đất nước này không chỉ có khái niệm hạnh phúc, chuyến đi này cho tôi chậm lại, quay về bên trong, kiểm chứng xem định nghĩa hạnh phúc của quốc gia này có đúng với mình hay không thay vì chỉ để thỏa mãn sự tò mò.

Thay vì sự choáng ngợp trước những ngọn núi cao sừng sững nằm ở độ cao trên 7.000 m của dãy Himalaya ở biên giới phía Bắc, nơi không được phép khai thác du lịch, Bhutan trong tôi mang nét đẹp của một vùng đất hiền hòa, con người thân thiện.

Nằm ở độ cao trên dưới 3.000 m, khung cảnh nơi đây đẹp như một bức tranh với những tu viện, pháo đài cổ kính ẩn mình giữa cây cỏ xanh tốt nơi những thung lũng, triền núi. Trong chuyến đi này tôi đã ghé thăm những địa điểm tham quan nằm trên trục đường du lịch chính của Bhutan, đi qua Paro, Punakha và thủ đô Thimphu.

Cách trung tâm thị trấn Paro khoảng 10 km, tu viện Taktsang (Tiger's Nest) được xem là biểu tượng văn hóa của Bhutan mà du khách không thể bỏ qua khi đến vương quốc này. Công trình này nằm cheo leo trên vách đá cao khoảng 3.100 m so với mực nước biển, một bên là núi, một bên là vực tạo ra khung cảnh ngoạn mục. Để đến được đây, mọi người phải đi bộ từ 5-6 tiếng đồng hồ cho cả lượt lên và xuống.

Tu viện Taktsang nép mình bên vách đá cheo leo.

Tổng chiều cao của quãng đường di chuyển chỉ khoảng 800 m. Thế nhưng để vượt qua đoạn đường đá quanh co dài 8-9 km với chiếc balo mang nặng thiết bị trong điều kiện oxy loãng quả là một thử thách, đặc biệt với người đã từng say độ cao và viêm phổi như tôi.

Hiểu rõ tình hình sức khỏe của mình không tốt, những ngày trước chuyến đi tôi đã cố gắng tập luyện nhưng tình hình không khá hơn, phải cân nhắc đến việc thuê lừa hoặc ngựa để di chuyển. Cuối cùng, tôi vẫn quyết định tự đi lên tu viện bằng chính đôi chân của mình.

Hành trình trekking một mình trong khoảng 6 tiếng đồng hồ cho tôi cơ hội thoải mái là chính mình khi không bị vướng bận cảm xúc của bất cứ ai hay áp lực vì sợ ảnh hưởng đến người khác. Khi ấy, hạnh phúc với tôi không phải là đặt chân đến tu viện Taktsang nổi tiếng mà đó là niềm vui vì mình đã chánh niệm trên từng bước chân.

Hít vào, thở ra, tôi chậm rãi bước đi, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng thông reo, ngắm nhìn cảnh vật yên bình, quan sát những người xung quanh và cảm nhận sự nỗ lực trên chặng đường của mỗi người. Không lên đến tu viện, tôi dừng lại ở viewpoint, ngắm nhìn công trình ở lưng chừng núi, thấp thoáng trong những làn mây mỏng, tận hưởng khoảnh khắc an lành.

Chặng đường trekking giúp tôi tìm thấy niềm hạnh phúc trong mỗi bước chân.

Đến Bhutan vào mùa xuân, tôi được thỏa thích ngắm nhìn trăm hoa đua nở khi đi dọc các con đường, tham quan các công trình, tu viện.

Punakha Dzong, pháo đài lớn và lâu đời nhất Bhutan, thu hút tôi bởi nét kiến trúc cổ điển. Nơi đây hiện là trung tâm hành chính, đóng vai trò quan trọng trọng trong đời sống văn hóa, lịch sử, là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến thăm Bhutan. Dzong được xây dựng ở hợp lưu của sông Pho Chhu và Mo Chhu, xung quanh trồng cây phượng tím nở hoa vào mùa xuân.

Thời gian ở đây tôi đã có cơ hội ngắm nhìn một Punakha Dzong rực rỡ trong sắc phượng tím, tận hưởng những cơn gió trong lành, cảm nhận từng nhịp sống chầm chậm trôi. Bên cạnh đó, các bạn có thể ghé thăm cây cầu treo Punakha dài khoảng 180 m nổi bật với những dây cờ Lung-ta nhiều màu sắc bay trong gió.

Đến Bhutan mùa xuân cho tôi cơ hội nhìn ngắm những loài hoa khoe sắc bên cạnh những tu viện, pháo đài cổ kính.

Dọc đoạn đường từ Thimphu đến Punakha, chúng tôi ghé thăm đèo Dochula, nơi sở hữu phong cảnh thiên nhiên hoang sơ ngoạn mục. Mùa này từ trên đèo Dochula hoa đỗ quyên nở rộ, xen kẽ đó là những lá cờ Lung-ta phấp phới trong gió của những người cầu nguyện bình an cho những ai di chuyển trên cung đường này.

Tiếc là thời điểm tôi đến Bhutan sương mù khá nhiều nên tôi không được nhìn thấy những ngọn núi tuyết thuộc dãy Himalay, khi mà vốn dĩ tôi có thể nhìn thấy chúng ở xa xa đường chân trời vào những ngày trong xanh.

Đất nước của sự ngọt lành

Theo lịch trình, chúng tôi sẽ đến tham quan tu viện Chimi Lhakhang nằm sừng sững trên một gò đồi, nơi này còn được biết đến với cái tên "Ngôi đền sinh sản". Thường thì xe sẽ chở khách thẳng đến tu viện, không hiểu sao hôm ấy bác tài đã thả nhóm tôi ở một điểm khá xa, phải đi bộ băng qua 2 cánh đồng mới đến chùa.

Thật may mắn vì trên quãng đường đi bộ, tôi cùng các bạn có cơ hội tiếp xúc với những người dân bản địa đang lao động trên đồng và quyết định ở lại tìm hiểu về cuộc sống của người dân ở nơi được mệnh danh hạnh phúc nhất thế giới thay vì đến tu viện. Thông qua những giây phút vui đùa, người dân nơi đây mang đến cho chúng tôi cảm giác chân thành, hiếu khách dù hai bên chỉ giao tiếp với nhau bằng ánh mắt, nụ cười và cử chỉ.

Quyết định bỏ qua Chimi Lhakhang để dạo quanh làng và những cánh đồng, chúng tôi bắt gặp được những gương mặt tràn đầy cảm xúc.

Đến với Bhutan, du khách dễ dàng bắt gặp những dây cờ Lung-ta rực rỡ tung bay trong gió ở những tuyến đường quốc lộ, con đèo, hay trên những ngọn núi xa xa… Khi gió thổi đến, những lời cầu nguyện và minh chú được ghi trên lá cờ sẽ lan tỏa khắp không gian, cầu mong sự may mắn, bình an cho những chuyến đi. Dọc những tuyến đường, du khách sẽ không tìm thấy đèn giao thông. Thay vào đó, tại những nút thắt giao thông luôn có người điều phối phương tiện, bảng hiệu cảnh báo cho người đi đường.

Đặt chân đến đây, tôi có cơ hội thưởng thức những loại rau quả tươi ngon được canh tác hữu cơ. Các loại rau củ quả ở đây không đa dạng, ngoại hình không bắt mắt, tuy nhiên chúng lại sở hữu hương vị thanh mát, ngọt lành. Đa phần ẩm thực Bhutan mang hương vị cay nồng từ ớt và những loại gia vị, nếu không thể quên ẩm thực Việt Nam thì các bạn có thể mang theo một ít mì gói, canh chua sấy khô hay chà bông…

Tôi sẽ sớm quay trở lại, thưởng thức "món tráng miệng" từ quốc gia Hạnh Phúc này.

Chuyến đi này cho mang đến cho tôi cơ hội chiêm nghiệm, quay vào trong và cười thật nhiều. Nếu như gọi 5 vùng đất xung quanh dãy Himalaya là 5 vị, tôi sẽ chọn Bhutan là đất nước tượng trưng cho vị ngọt trong khi Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Tây Tạng có thể là mặn, đắng, cay, nồng.

Tôi hy vọng đến một ngày, sau khi đã trải qua đủ 5 vị, tôi lại về đây thưởng thức vị ngọt như một món tráng miệng từ quốc gia Hạnh Phúc này.

Linh Huỳnh (ghi)

Ảnh: Hà Là Lạ

Theo: hoasenplus.edu.vn 

---------

Quốc gia duy nhất coi “hạnh phúc của dân” là sự thịnh vượng

Quốc vương Bhutan: Một minh quân và một phật tử thuần thành

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3: Ngày của yêu thương và chia sẻ

 


(*) Xem thêm

Bình luận