Quốc gia duy nhất coi “hạnh phúc của dân” là sự thịnh vượng

20/03/2022 | 402

Bhutan là một đất nước phật giáo nằm trên vùng cao nguyên dãy Himalaya ở phía nam Châu Á, từ lâu được coi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Mục tiêu phát triển của họ không phải là các chỉ số kinh tế thông thường mà là hạnh phúc của muôn dân trong cuộc sống giản đơn, hoà hợp với thiên nhiên. 

bhutan-01

Cảnh sắc thiên nhiên trong lành, thanh bình tại đất nước hạnh phúc nhất thế giới.

Tổng quan chung 

Vị trí địa lý của Bhutan là ở giữa Ấn Độ và Trung Quốc, có diện tích bé nhỏ khoảng 38.394km2. Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới tính toán mức độ thịnh vượng của đất nước dựa trên mức độ hạnh phúc của người dân thông qua chỉ số GNH (Gross National Happiness): “tổng hạnh phúc quốc dân”. 

Điều đặc biệt là đất nước này đứng đầu thế giới về chỉ số hạnh phúc, tích cực bảo vệ môi trường, trồng rừng và luôn khuyến khích người dân thực hành lời Phật dạy. Cảnh quan Bhutan tươi đẹp và môi trường trong lành khiến "quốc gia hạnh phúc" này trở thành điểm đến du lịch sinh thái lý tưởng nhất thế giới. 

Có lẽ không đâu trên thế giới lại có cảnh quang thiên nhiên và con người đẹp tựa bức tranh như ở Bhutan. Những tu viện được xây dựng cheo leo trên sườn núi, bồng bềnh trong làn mây khói khiến cho bạn tưởng như mình lạc trong chốn tiên cảnh.

Kiến trúc các ngôi nhà tại Bhutan cũng là một điều ấn tượng với du khách. Các ngôi nhà không được xây quá cao, đều là nhà gạch, sơn trắng, mái ngói và các cánh cửa hay cột kèo đều bằng gỗ. Điều đó tạo nên khung cảnh độc đáo, đẹp và rất thanh tịnh. Nhà ở của Đức Vua và người dân cũng không khác nhau vì đều đi theo một kiến trúc đó, đây là mệnh lệnh của vương triều.

Bốn trụ cột “hạnh phúc” của đất nước Phật giáo Bhutan | Báo Dân tộc và Phát  triển

Bhutan hiện đang nổi lên trong lĩnh vực du lịch như một quốc gia Phật giáo đầy bí ẩn. Họ không đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thay vào đó, họ duy trì cuộc sống thanh bình, chậm rãi của người dân, không “đô thị hóa”, không “hiện đại hóa”…

Bhutan chú trọng phát triển dịch vụ du lịch nhưng với một mức giá cao để đảm bảo du lịch có thể hỗ trợ cho sự phát triển của Bhutan, đồng thời, giúp hạn chế lượng khách đổ về Bhutan, có thể gây khó khăn cho việc bảo vệ thiên nhiên và giữ gìn bản sắc của họ.

Khi đến Bhutan, người ta sẽ không thấy nhiều biển hiệu quảng cáo mà thay vào đó là những câu khẩu hiện hẳn sẽ khiến nhiều du khách mỉm cười, chẳng hạn “Cuộc sống là một cuộc hành trình! Hãy lên đường!”, “Hãy để thiên nhiên dẫn đường chỉ lối!” hoặc “Rất xin lỗi nếu có bất cứ sự bất tiện nào!”…

Chỉ số GNH của Bhutan được hiện thực hóa trong từng chi tiết nhỏ của đời sống, họ hy vọng những du khách đặt chân đến Bhutan cũng có thể được hưởng sự hạnh phúc, dễ chịu trong cuộc sống của những người dân nơi vương quốc xa xôi, bí ẩn này.

Bí mật về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới | Báo Dân trí

Nụ cười trẻ thơ Bhutan.

Bhutan là quốc gia của những đền đài, tu viện cổ xưa. Người dân nơi đây là những tín đồ trung thành của Phật giáo, đi đến đâu, bạn cũng sẽ thấy cờ phướn của nhà Phật tung bay, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ không hề bị tác động bởi bàn tay con người.

Bhutan mới chỉ bắt đầu mở cửa từ cách đây 40 năm nhưng nhanh chóng, quốc gia này đã định hướng được lối đi cho mình khiến nhiều quốc gia phương Tây phải chú ý.

Kể từ năm 1971, Bhutan đã loại bỏ chỉ số GDP (tổng sản lượng nội địa) và thay thế bằng một chỉ số mới – GNH (tổng hạnh phúc quốc dân), theo đó, đời sống tinh thần – thể chất, văn hóa – xã hội của người dân, việc bảo vệ tài nguyên – môi trường của quốc gia… được đưa lên ưu tiên số một.

Bhutan: Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới đang có bí mật gì? - Sống đẹpSống  đẹp

Quốc Vương Bhutan là một phật tử thuần thành và là một minh quân thân thiện và được mọi thần dân yêu mến.

Trong ba thập kỷ qua, Bhutan đã đề ra một quan điểm đi đầu thế giới rằng sự hạnh phúc, khỏe mạnh của người dân quan trọng hơn sự phát triển kinh tế. Đây được xem là một hướng đi độc đáo.

Là đất nước với hơn 90% người dân theo đạo Phật, có thể gọi Bhutan là đất nước Phật Giáo. Không chỉ rất tin tưởng vào tín ngưỡng của mình, người dân nơi đây còn sống và lao động theo đúng những tôn chỉ Phật Giáo. Họ rất nhẹ nhàng, từ tốn, không bao giờ to tiếng và rất biết hài lòng với cuộc sống.

Các tu viện ở Bhutan đều được xây dựng đẹp và hoành tráng để tỏ lòng thờ kính đối với các Đức Phật và các nhà tu hành. Du khách có thể bắt gặp các nhà sư ở mọi lứa tuổi tại Bhutan. Trẻ em từ 6-9 tuổi đã được đi tu, được học ngôn ngữ kinh Phật để thuấn nhuần tư tưởng Phật giáo và sống theo triết lý đạo Phật.

bhutan-03

Người dân ở Bhutan luôn cảm thấy hạnh phúc, họ dù nghèo nhưng không bao giờ đói, không phải lo nghĩ điều gì. Dù là ốm đau hay bệnh tật thì cũng được chăm sóc miễn phí. Đó chính là lý do bạn luôn nhìn thấy trong đôi mắt của họ ánh lên một sự rạng rỡ của niềm vui, của sự hạnh phúc.

Giờ đây, khi thế giới lao đao trước những cơn khủng hoảng kinh tế, trước tình trạng thiên nhiên bị hủy hoại, khí hậu nóng lên… thì riêng một mình quốc gia bé nhỏ Bhutan lại ngày càng nổi lên như một quốc gia thịnh vượng, đã định hướng được cách phát triển bền vững, lâu dài và hiệu quả.

Những thành tựu đáng kinh ngạc của Bhutan là minh chứng cho điều đó. Trong vòng 20 năm, tuổi thọ trung bình của người dân Bhutan được tăng gấp đôi, 100% trẻ em được tới trường, mức độ trong lành của môi trường ở mức lý tưởng, thiên nhiên được bảo vệ tối đa, 60% diện tích quốc gia được che phủ bởi rừng… Bhutan cấm việc xuất khẩu gỗ, mỗi tháng đều có một ngày toàn dân đi bộ…

Bộ trưởng Giáo dục Bhutan – ông Thakur Singh Powdyel từng phát biểu: “Phá rừng phá biển để làm giàu thì quá dễ, ở Bhutan, chúng tôi tin rằng đó không phải là cách để thịnh vượng dài lâu. Chỉ có cách bảo vệ thiên nhiên – môi trường, chăm sóc cho chất lượng cuộc sống người dân thì một quốc gia mới thực sự được coi là phát triển”.

Ông Powdyel cho biết thêm: “Thế giới thường hiểu nhầm chỉ số GNH của Bhutan. Người ta luôn hỏi làm thế nào mà đất nước các anh lại có được một dân tộc hạnh phúc? Thực tế GNH là một lý tưởng dẫn đường, là đích đến của mọi chính sách, để đất nước chúng tôi có thể phát triển bền vững”.

Ở các trường học ở Bhutan, học sinh được định hướng giáo dục theo chuẩn “nhà trường xanh”. Bên cạnh việc học các môn cơ bản, các em được học cách làm nghề nông, cách sống thân thiện với môi trường, chính các em sẽ tham gia phân loại và tái chế rác của nhà trường mình.

Ngoài ra, mỗi ngày đến lớp đều có một khoảng thời gian để cô trò cùng ngồi thiền. Chuông báo hết tiết là những đoạn nhạc du dương giúp người nghe thư giãn. Giáo dục Bhutan không đặt nặng việc các em phải là những học sinh giỏi, họ muốn các em sẽ là những công dân tốt.

Bốn trụ cột “hạnh phúc” của đất nước Phật giáo Bhutan | Báo Dân tộc và Phát  triển

Chỉ số GNH của Bhutan đang ngày càng thu hút sự quan tâm và khen ngợi của dư luận quốc tế, ngày càng có nhiều học giả từ khắp nơi trên thế giới tìm hiểu, phân tích về chiến lược phát triển của vương quốc bé nhỏ này.

Những điều thú vị khiến đất nước Bhutan trở nên tuyệt vời

1. Hạnh phúc khi không sở hữu những chiếc Smarphone hiện đại

Nếu ở các nước phương Tây, con người cảm thấy hạnh phúc khi được sở hữu những của cải vật chất hiện đại như xe hơi, điện thoại, du thuyền,…và ngược lại, sẽ cảm thấy bất hạnh khi không thể có những thứ đó, thì tại Bhutan, người dân không cảm thấy phải suy nghĩ gì nếu họ không có chiếc Iphone mới nhất, bởi với họ đơn giản, được sống đã là hạnh phúc.

2. Không quan tâm đến TV, đài hay internet

Họ cho rằng những phương tiện trên thường mang đến cảm giác khủng hoảng đối với bản thân. Vì trong các bộ phim, thường dựng những cảnh người giàu sang, đi xe hơi và có nhiều tiền, những cảnh phim đó chỉ là giả, thường làm cho người xem cảm thấy ganh tỵ và ảo tưởng. Còn những dòng tin trên internet thường tràn ngập những vụ án hình sự, khủng bố, chiến tranh,… Làm cho người xem cảm thấy bị ám ảnh bởi những bản tin hoặc buồn bực khi không nhận lại được “like” cho bài đăng trên Facebook. Vì thế, người Bhutan không quan tâm đến những thứ này.

Bhutan Tour Package 2022 - Paro - Viator

3. Đất nước chú trọng việc bảo vệ thiên nhiên.

Đặt chân tới đây, bạn sẽ bị mê hoặc bởi khí hậu độc đáo. Không khí ở Bhutan trong lành đến mức không tưởng. Nó xa lạ với bụi khói công nghiệp, rác thải, thuốc lá… Bhutan còn có rừng nguyên sinh bao phủ, trong khi chỉ có duy nhất 1 sân bay, ô tô và xe máy cũng không phải là phương tiện được khuyến khích. Trong năm 2015, Bhutan đã lập kỷ lục Guinness Thế giới về trồng gần 50.000 cây chỉ trong 1 tiếng đồng hồ. Một điều thú vị là quốc vương và người dân của quốc gia này ăn mừng các ngày hệ trọng bằng việc vận động người dân trồng cây. Cụ thể năm 2016 người dân tổ chức trồng 108.000 cây con trên khắp vương quốc để chào đón sự ra đời của Hoàng tử đất nước họ.

Quốc gia này nghiêm cấm chặt phá cây (trừ khi có sự cho phép đặc biệt nếu không sẽ bị phạt nặng, thậm chí có thể vào tù). Bhutan khuyến khích người dân trồng cây để làm chất đốt và vật liệu xây dựng. Trên thực tế, theo luật pháp Bhutan, ít nhất 60% đất nước phải được phủ rừng và việc trồng cây rất phổ biến ở nước này, nơi cây được xem là biểu tượng của trường thọ, sắc đẹp và tình thương.

4. Quốc gia này nghiêm cấm việc giết hại động vật

Tại đây, khi một con chó bị phát hiện chết, người dân sẽ đem nó đi chôn thay vì giết thịt. Họ rất ít ăn thịt, đa phần họ ăn rau củ và thậm chí nuôi gà, bò, cừu để giết thịt cũng bị cấm ngay trên mảnh đất hạnh phúc này. Câu cá hay săn bắt động vật thì tuyệt nhiên bị cấm đánh bắt bằng mọi hình thức và có mức phạt tương tự như chặt cây. Nguồn thịt, cá duy nhất của họ là đồ nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu để phục vụ nhu cầu của khách nước ngoài. Những ngày không nhập đồ ăn được từ nước bạn thì cả nước ăn chay.

Trong một tuần ngày thứ 3 còn gọi là “ngày khô”, tức là ngày chính phủ Bhutan cấm các quán bar bán đồ uống có cồn. Ngoài ra, thuốc lá cũng là mặt hàng bị cấm hoàn toàn ở vương quốc này.

Bhutan: Sống hòa hợp với thiên nhiên và nỗ lực chống biến đổi khí hậu

5. Đa số người dân theo đạo Phật

Đa phần người dân Bhutan theo đạo Phật. Họ luôn giữ quan điểm: cần phải từ bỏ ba thứ độc hại là ngu dốt, tham lam và sự tức giận. Một điểm thú vị được người dân nơi đây chia sẻ rằng, mỗi khi cảm thấy tức giận với một hành động của con cái hay vợ chồng, là họ nghĩ đến hình ảnh của đức Phật và điều này làm tình hình lắng dịu lại. Họ rất tin vào luật nhân quả và cho rằng nếu sống cuộc sống tốt đẹp hiện tại sẽ nhận được kết quả tốt đẹp trong tương lai. Điều này thôi thúc họ sống một cuộc sống từ bi, nhân ái, làm những việc tốt cho người khác.

Ở đất nước này có 50% nam giới là thầy tu và họ sống trong các tu viện, công việc hàng ngày của các vị tu sĩ là dọn dẹp vệ sinh khuôn viên, đọc kinh và thỉnh thoảng họ rót nước thiêng cho du khách trong và ngoài nước.

Quốc vương và hoàng hậu luôn làm gương trong việc thực hành lời Phật dạy vào trong đời sống. Hôn lễ của họ được tổ chức đơn giản tại tu viện và có sự chứng minh của chư Tăng, giống như lễ Hằng thuận tại Việt Nam. Họ thường xuyên thăm hỏi tặng quà cho người dân nghèo. Gần đây một số bài báo đưa tin vị vua đương thời của quốc gia này còn tự tay vào bếp nấu ăn cho học sinh tại một trường học.

Top sự thật thú vị về Bhutan đất nước hạnh phúc nhất TG

6. Thường xuyên mặc trang phục truyền thống

Trong khi ở nhiều nước khác, trang phục truyền thống được giữ cho dịp đặc biệt, đồ truyền thống ở Bhutan lại là quần áo để mặc thường ngày. Trang phục truyền thống của nam là gho, của nữ là kira. Người Bhutan mặc đồ này đi làm, đi đền chùa, công sở hay những dịp trang trọng. Đối với người làm cho chính phủ mặc đồ truyền thống còn là điều bắt buộc. Bhutan nằm trong số ít quốc gia mà bạn vẫn thấy đàn ông mặc váy. Gho có từ thế kỷ 17 và là đồ truyền thống của người Tây Tạng. Phần túi lớn ở trước ngực không chỉ để giấu bụng béo mà nó còn có thể đựng từ điện thoại, chìa khóa và cả em bé nữa. Tất cả nam hướng dẫn viên Bhutan đều mặc gho và được yêu cầu mang khăn trắng khi vào các pháo đài cùng khách. Vào những ngày đưa khách đi trekking trên vùng núi, hướng dẫn viên có thể cởi bỏ phần trên của gho và buộc hai tay áo quanh hông khi trời nóng. Trẻ em tới trường cũng phải mặc đồ truyền thống hàng ngày.Dù nhiều phụ nữ tại Bhutan mặc đồ thời trang trên phố, nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy một số người mặc kira - một bộ váy mang cả nét truyền thống và hiện đại.

7. Vùng đất hoang sơ nhưng con người rất văn minh

Đất nước Bhutan nằm trên dãy Himalaya và có tới 60% diện tích đất nước là những nơi hoang dã chưa có người đặt chân đến. Người Bhutan đến đó trong những dịp du lịch, nghỉ ngơi và họ cảm thấy sung sướng hơn với người dân của các nước luôn phải chen chúc trong các đô thị ngột ngạt.

Quốc gia này rất chú trọng trong việc dạy trẻ con không được nhận quà từ du khách nước ngoài. Họ không muốn bọn trẻ tập thói quen vòi vĩnh quà và luôn cư xử văn minh.

Bhutan ngày nay vẫn khá cô lập với thế giới, điều này giúp họ duy trì những giá trị cổ xưa, dù ở đây người ta được tự do tôn giáo thế nhưng đa số điều theo đạo Phật. Du khách đến đây vô cùng ngạc nhiên, vì trông quốc gia này giống như một dân tộc nhỏ ở Việt Nam. Thế nhưng, đa số người dân ở đây đều sử dụng được tiếng Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc trong nền giáo dục của họ từ bậc tiểu học. Một đứa bé lớp 8 có thể nói tiếng Anh chuẩn hơn cả nhân viên đang làm trong môi trường quốc tế tại Việt Nam. Bhutan vẫn là đất nước nghèo nhưng không lạc hậu và khác biệt hoàn toàn với thế giới.

Khám phá Bhutan - quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

8. Du lịch phải đóng phí 200USD/ ngày

Chính phủ Bhutan không khuyến khích khách du lịch đi tự túc đến Bhutan mà phải qua một công ty du lịch để bảo lãnh visa. Vì vậy đi du lịch Bhutan tự túc rất khó để làm visa. Chi phí du lịch tại Bhutan cũng khá cao, theo quy định mỗi du khách đến Bhutan phải đóng 200 USD/ngày/người vào mùa thấp điểm (tháng 1, 2, 6, 7, 8, 12), 250 USD/ngày/người cho mùa cao điểm (tháng 3, 4, 5, 9, 10, 11). Nếu đi 1 hoặc 2 người thì phụ thu phí 40 USD/ 1 người/ngày.

Chi phí không hề “mềm” đó không làm nản lòng những du khách đam mê khám phá miền đất lạ như Bhutan – đất nước không carbon đầu tiên trên thế giới. Nhiều du khách đặt vé đến đây, nhưng quốc gia này giới hạn số lượng người viếng thăm. Họ không muốn người dân bị ảnh hưởng những nền văn hóa nước khác, nhất là luôn động viên người dân giữ gìn và thực hành lời Phật dạy.

9. Cuộc sống chậm

Theo một khảo sát, có đến 2/3 người dân Bhutan ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, khác hẳn với cuộc sống ở các nước công nghiệp khi người ta bận làm việc và vui chơi tối ngày quên ngủ. Ngủ đủ, nghỉ ngơi tốt đồng nghĩa với việc người ta cảm thấy khỏe khoắn và hạnh phúc hơn.

Bhutan, nơi mà hạnh phúc đến từ cái nghèo, cái lạc hậu đã cho thế giới thấy một cách sống hoàn toàn khác. Ở đây, mọi thứ đều chậm chạp từ việc đi lại hay xây dựng, buôn bán. Người dân bản xứ không sống cuộc sống vội vàng, ở đây 9 giờ sáng đường sá vẫn vắng hoe và 9 giờ tối chẳng còn mấy cửa hàng mở cửa.

Có lẽ vì lý do này, họ luôn cảm thấy tự do, thoải mái với cuộc sống hiện tại và hơn nữa, đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình. Cứ nhìn vào cuộc sống đầy xô bồ, cạnh tranh, hối hả, lúc nào cũng thấy mình là người nghèo, phải bươn chải để kiếm tiền, thì hạnh phúc chẳng bao giờ đến với bạn.

Khám phá vẻ đẹp “Cõi hạnh phúc” Bhutan

10. Bầu không khí trong lành

Với điều kiện tự nhiên cho phép, người dân Bhutan sống trong một bầu không khi trong lành, ít bị ô nhiễm. Người dân không vứt rác bừa bãi dù đó là sự kiện ca nhạc ngoài trời hay sân vận động. Đặc biệt nếu có quan khách du lịch nào vứt rác ra đường thì người hướng dẫn của tour đó luôn tự chịu trách nhiệm nhặt và bỏ vào thùng rác.

Người Bhutan rất tuân thủ luật lệ giao thông, họ luôn đi bộ qua đường ở nơi có vạch kẻ ngang. Ôtô luôn nhường đường cho người đi bộ và quan trọng nhất là họ ý thức được mình đang lái xe nên thường đi chậm về phía bên trái (người Bhutan đi bên trái) và sẵn sàng nhường nếu có xe muốn vượt. Họ không bấm còi inh ỏi khi tắc đường hay phóng quá tốc độ.

Bốn trụ cột hạnh phúc

Khái niệm này được đưa vào thực hiện năm 1972, bởi vị vua thứ tư của Bhutan là Jigme Singye Wangchuck. Không dựa vào các định lượng kinh tế truyền thống, Bhutan đánh giá mức độ phúc lợi tổng thể của đất nước mình, trên cơ sở phát triển kinh tế-xã hội bền vững và công bằng; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy văn hóa và quản trị quốc gia tốt.

“Tổng hạnh phúc Quốc gia là tập hợp các điều kiện, những yếu tố thường thấy để có được một cuộc sống tốt đẹp”, Đại sư Eminence Khedrupchen Rinpoche cho biết.

Cũng theo Đại sư, hạnh phúc là mối quan tâm của tất cả mọi người. Dù có thừa nhận hay không, thì đây vẫn là lẽ sống của loài người chúng ta.

Là người đứng đầu Tu viện Sangchen Ogyen Tsuklag ở Trongsa, Bhutan, Đại sư Eminence Khedrupchen Rinpoche tường tận tất cả về hành trình theo đuổi hạnh phúc. Đảm nhận vị trí này khá sớm (năm 2009) khi đó mới 19 tuổi, ông là một trong những Rinpoche (bậc thầy tâm linh) trẻ nhất ở Bhutan vào thời điểm đó. Nay ở tuổi 31, ông đã dành trọn 12 năm vừa qua để hết lòng chỉ dạy cho chúng sinh toàn cầu về giáo lý cốt lõi của Phật pháp, và cách vận dụng chúng để sống hạnh phúc hơn mỗi ngày, bất kể nguồn gốc văn hóa và tôn giáo của mỗi cá nhân.

Đại sư Eminence Khedrupchen Rinpoche
Đại sư Eminence Khedrupchen Rinpoche

Trước đại dịch, Đại sư Rinpoche đã đi khắp thế giới để thuyết giảng và chủ trì các buổi hội thảo thông qua sáng kiến ​​Neykor của mình. Ông cũng vun đắp cho kế hoạch xây dựng Học viện Phật giáo đầu tiên ở Bhutan, với dự định sẽ chào đón tất cả học viên có quan tâm tìm hiểu về triết lý nhà Phật, bất kể nền tảng xuất thân hay tôn giáo của họ.

“Mọi việc tôi đang làm lúc ấy đều phải hoãn lại. Tôi quyết định xem đây là cơ hội để củng cố sâu sắc hơn những kinh nghiệm mình đang có, đồng thời tự cách ly. Tôi đã lên núi và sống ở đó với rất ít thức ăn, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và không có nơi trú ẩn nào khác ngoài hang động tự nhiên. Điều đó cho tôi thời gian để thực sự thấm nhuần những lời dạy của chính mình. Điều trở nên rất rõ ràng là hạnh phúc thực sự không hề liên quan đến những vật ngoài thân. Nó xuất phát từ chính bên trong chúng ta”, Đại sư Rinpoche nói.

Tất nhiên, Đại sư Rinpoche nhấn mạnh rằng, những người bình thường không cần khổ hạnh như ông để tìm đến sự bình yên. Ông cho rằng: Chúng ta nên ngừng tìm kiếm hạnh phúc trong những trải nghiệm ngoài thân. Hạnh phúc có 4 trụ cột, đó là: Tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự buông bỏ và nghiệp nhân quả. Những điều này có thể được chiêm nghiệm mọi lúc, mọi nơi với mỗi con người.

Renewables in the Kingdom of Bhutan: Supporting the Pursuit of HappinessTheo Đại sư Rinpoche, “tình yêu thương” là chìa khóa tạo ra hạnh phúc không chỉ cho riêng mình, mà còn cho mọi người. Bạn phải yêu lấy bản thân và hiểu thật rõ rằng bạn luôn an yên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Từ đó, bạn mới có thể lan tỏa lòng từ bi đến người khác.

Đối với Chunjur Dozi, một cựu hướng dẫn viên du lịch người Bhutan, anh tin rằng “lòng từ bi trắc ẩn” của người dân quê hương anh bắt nguồn từ tôn giáo. “Chúng tôi có ý thức cộng đồng mạnh mẽ trong việc giúp đỡ người khác, điều này xuất phát từ phần lớn dân số theo đạo Phật. Tôi luôn cân nhắc xem những gì tôi làm có mang lại lợi ích cho cộng đồng hay không”.

“Buông bỏ” hay chấp nhận vạn vật vô thường - là một triết lý Phật giáo nằm trong gốc rễ của văn hóa Bhutan. “Khi gặp trắc trở, đừng nản lòng thoái chí, vì vạn vật luôn thay đổi. Khi ta chấp nhận vạn vật là vô thường, thì ta hiểu rằng sẽ luôn có sự đổi thay và đi cùng với thay đổi là niềm hy vọng”, Đại sư Rinpoche cho biết.

Đối với trường hợp của Dozi, sau khi mất đi công việc hướng dẫn viên du lịch do đại dịch Covid-19, anh đã quay trở về quê hương. Kể từ khi quay về làng, anh vừa học làm nghề mộc và giúp đỡ xóm làng sửa chữa nhà cửa, vừa bắt tay vào một dự án cộng đồng lớn. “Chúng tôi đã cải tiến một trang trại kiểu cũ bị một gia đình bỏ hoang, biến nó thành một điểm du lịch. Từ lâu tôi đã luôn ủng hộ chủ trương tiếp cận du lịch một cách sâu rộng hơn cho những du khách muốn khám phá văn hóa và lối sống chốn thôn quê ở Bhutan”, Dozi chia sẻ.

Về “nghiệp nhân quả”, Đại sư Rinpoche cho rằng: Mọi người hầu như hiểu lầm về nghiệp. Đa số đều cho rằng nó có nghĩa là gieo gió thì gặt bão, như thể một cách trả thù hay một hình phạt hiển nhiên. Thật ra không phải như thế. Nghiệp ở đây là về nhân quả và hoàn cảnh. Nó giống như việc gieo hạt một giống cây vậy. Gieo hạt xoài sẽ mọc thành cây xoài chứ không thể thành cây khác được. Tin vào nghiệp là một cơ hội để thay đổi và định hình bản thân, để thực sự xây dựng nên con người mà bạn muốn trở thành và làm những gì bạn muốn đạt được.

Người Bhutan được tiêm vắc xin chống lại Covid-19 tại một trung tâm cộng đồng ở Trashigang
Người Bhutan được tiêm vắc xin chống lại Covid-19 tại một trung tâm cộng đồng ở Trashigang

Những vấn đề chung của đất nước

Đại sư Rinpoche khẳng định rằng, Bhutan “vô cùng yên bình, lại sở hữu môi trường thiên nhiên hùng vĩ và nguyên sơ” vẫn có những vấn đề của riêng nó, như mọi đất nước khác trên thế giới.

Lạm phát tiếp tục leo thang, với chỉ số giá tiêu dùng tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng mất an ninh lương thực cũng là một thực tế (Bhutan nhập khẩu gần 50% nhu cầu lương thực thực phẩm) và giá thức ăn đã tăng gần 15%. Tác động từ việc đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2021 khiến ít nhất 50.000 người trong ngành du lịch mất việc làm và sinh kế.

Dù vậy, quản trị quốc gia tốt, một trong những nền tảng của chỉ số GNH, vẫn luôn là yếu tố quan trọng giúp Bhutan vượt qua đại dịch. Những ứng phó nhanh chóng của chính phủ trước tác động của Covid-19 lên kinh tế- xã hội, đã được cộng đồng quốc tế tán dương, khi nước này hoãn thuế, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho người dân.

Các nghị viên Quốc hội đã quyên góp 1 tháng lương cho các nỗ lực cứu trợ. Chính phủ cũng ưu tiên tiêm phòng cho người dân và đến nay 90,2% dân số đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ.

“Điều thực sự đặc biệt là người Bhutan luôn tồn tại một ý niệm thống nhất về lòng biết ơn, hạnh phúc cộng đồng và bản sắc dân tộc”, Thinley Choden - một doanh nhân và nhà tư vấn xã hội, chia sẻ.

Thắm Lê tổng hợp theo thienphatgiao.org, chuahoangphap.com.vn, baodantoc.vn & Người nổi tiếng (Youtube)

-----

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3: Ngày của yêu thương và chia sẻ

Trân trọng những gì đang có cũng là hạnh phúc

Hạnh phúc hơn khi biết cách nhìn


(*) Xem thêm

Bình luận