Phim tài liệu “Ranh giới” về cuộc chiến chống COVID-19: Khốc liệt, ám ảnh và tràn đầy xúc động!

27/10/2021 | 337

Dài hơn 50 phút, bộ phim tài liệu “Ranh giới” của chương trình VTV Đặc biệt đã khiến khán giả xúc động và ám ảnh bởi sự chân thực, mô tả cuộc chiến vô cùng khắc nghiệt của các nhân viên y tế trước căn bệnh khủng khiếp nhất hiện nay: COVID-19.

Ranh giới” - VTV Đặc biệt: Chấn động và đầy cảm xúc

Hình ảnh một thai phụ trong phim.

Bối cảnh là khu K1 - tầng 5 của Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh), khu vực đặc biệt, nơi tiếp nhận và điều trị các sản phụ là bệnh nhân COVID-19 nặng ở tầng cuối cùng.

Khoa cấp cứu, nơi không phân biệt ngày và đêm, chỉ có âm thanh từ những thứ máy móc duy trì sự sống cho người bệnh, tiếng leng keng của những chiếc bình oxy va đập vào nhau khi di chuyển. Những bóng áo bảo hộ trắng, xanh của các bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh hối hả đi lại bất kể đêm hay ngày… Những cuộc điện thoại đến và đi từ chiếc máy bàn. Bức tranh hiện thực nhất, trần trụi nhất đã được dựng lên từ đây.

Các bác sĩ đang ép tim để cứu bệnh nhân. (Ảnh: VTV)

Các nhà làm phim không sử dụng cách làm phim thông thường, mà để nhân vật tự kể, cùng những âm thanh thực tế. Những ca nguy kịch, những ca trở nặng, những cú điện thoại gấp gáp… tất cả tự nói lên câu chuyện của mình. Toàn bộ bộ phim, khung hình nào, lời thoại nào cũng ám ảnh.

Sự căng thẳng bởi dịch bệnh, những khó khăn thiếu thốn cả về vật chất lẫn nhân lực trong cuộc chiến chống COVID-19 dù đã được nói đến rất nhiều, nhưng với “Ranh giới”, người xem cảm nhận được tận cùng những tàn khốc, những nỗ lực và cả những bất lực, những mất mát, khổ đau do dịch bệnh gây nên. Đó không chỉ là hình ảnh những y bác sĩ quay cuồng cùng công việc, thậm chí có lúc cáu gắt, bất lực vì thiếu phương tiện, thiếu nhân lực, mệt nhoài vạ vật từ hành lang đến nền nhà nghỉ lấy sức và nhiều khoảnh khắc rất đắt giá khác.

Phim tài liệu về cuộc chiến chống COVID-19 “Ranh giới”:  Chân thực, khốc liệt, xúc động và ám ảnh -0
Hình ảnh trong phim tài liệu "Ranh giới" gây xúc động mạnh mẽ.

Đã có những cảnh quay, khán giả được chứng kiến ánh mắt lấp lánh của nữ bác sĩ vừa cấp cứu thành công một sản phụ trong phút giây nguy kịch, nhưng cũng có những cảnh quay ám ảnh khi cả kíp cấp cứu bước ra khỏi phòng, im lặng, tản mát mỗi người một góc, có người nén được nước mắt, có người bật khóc, sau một ca cấp cứu không thành…

Căng thẳng, hồi hộp, ám ảnh và có cả những khoảnh khắc nhạt nhòa nước mắt…, “Ranh giới” mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng trên hết, đó là sự cảm phục, ngưỡng mộ, sự rung động, tha thiết tri ân khó nói hết bằng lời đối với đối với đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và nói như chính nhân vật nữ bác sĩ đang điều trị cho các sản phụ trong phim là "để thấy cuộc sống này quý giá, thấy mình cần sống dũng cảm hơn, tử tế hơn".

Phim tài liệu về cuộc chiến chống COVID-19 “Ranh giới”:  Chân thực, khốc liệt, xúc động và ám ảnh -0
"Ranh giới" được thực hiện trong tâm dịch - Bệnh viện Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh

Câu chuyện một sản phụ bệnh nặng không có máy thở, các nhân viên y tế phải thay nhau bóp bóng 2 ngày trời, khi có người chuyển đi mới có được máy thở. Cú điện thoại bác sĩ gọi về cho người nhà thông báo tạm dừng thai kỳ để giữ tính mạng của người mẹ. Những giọt nước mắt bấn loạn, đau xót và tuyệt vọng của người cha khi nhận lại đồ đạc của cô con gái là thai phụ, trốn gia đình vào bệnh viện. Ánh mắt thẫn thờ của các bác sĩ khi bệnh nhân tuột khỏi tay mình, rơi vào bàn tay tử thần. Sự hoảng sợ tột độ của thai phụ khi nói chuyện với người thân trước khi được các bác sĩ đặt nội khí quản…

Các bác sĩ đang ép tim để cứu bệnh nhân. (Ảnh: VTV)

Chiếc điện thoại bàn, vật dụng ít còn được sử dụng ngoài cuộc sống hiện nay, lại là thứ đồ vật không phải vật tư y tế được các bác sĩ, nhân viên y tế sử dụng nhiều nhất, theo những hình ảnh trong bộ phim. Thông qua chiếc điện thoại, người xem hiểu được những lo lắng của các y bác sĩ, sự thiếu thốn về nhân lực, về vật tư y tế, thậm chí cả những việc mà họ chưa biết phải làm như thế nào (liên hệ với gia đình bệnh nhân đã qua đời để bàn giao tài sản, đồ đạc…).

Qua những cuộc trò chuyện của các bác sĩ, nhân viên y tế, người xem được biết rằng, trước đây số lượng bình oxy khoa dùng chỉ 1 bình/ngày, còn bây giờ là 50 bình/ngày. Dịch bệnh cũng gây ảnh hưởng đến chính bệnh viện khi nhiều nhân viên y tế, kỹ thuật viên bị nhiễm COVID-19. Trước đây tổ kỹ thuật viên bệnh viện là 12 người thì có 10 người bị nhiễm, chỉ còn hai người thay phiên nhau trực ngày và trực đêm, thay hàng chục bình oxy cho cả khoa.

Các y bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh… trong bộ phim trở thành những siêu nhân thực sự giữa đời thường.

Thiếu máy thở, thiếu bình oxy, họ nghiên cứu tự tạo hệ thống dẫn oxy lỏng. 1-2 giờ sáng, trong bộ đồ bảo hộ bít bùng giữa trời hè nóng nực, kính bảo hộ mờ nhòa lấm tấm hơi nước, họ dỗ dành, động viên, thậm chí năn nỉ bệnh nhân gắng sức trong từng hơi thở: “Tất cả mọi việc ở đây có các bác sĩ lo, việc của em chỉ là cố gắng thở thôi”, “Ráng thở đi chị, tốt lắm, SPO2 lúc nãy thấp, giờ lên rồi nè”, “Thở đi em, thở đi còn về với con”…

Ở bất kỳ giờ giấc nào, nếu có bệnh nhân trở nặng là họ lại khẩn trương, hối hả giành giật từng hơi thở, nhịp tim của bệnh nhân. Với những bệnh nhân đang dần hồi phục, họ kiêm luôn cả công việc chăm sóc, động viên như người nhà: dỗ dành, buộc tóc, xúc ăn, cho uống nước…

​Một em bé mới chào đời. (Ảnh: VTV)

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nói về những ám ảnh khi thực hiện "Ranh giới" - Báo  Người lao động

và nụ cười lạc quan của mẹ...

Cả bộ phim 50 phút tràn ngập những cảm xúc: từ tuyệt vọng, hy vọng, đau khổ, mừng vui, hạnh phúc… Cái chết và sự sống đan xen, sự hồi sinh nảy mầm từ cái chết… Tất cả chỉ cách nhau một ranh giới mong manh. Những cảm xúc này đã lấy đi nước mắt và nụ cười của người xem qua từng khuôn hình.

Ở những thước phim cuối, các nhà làm phim theo chân một nhân viên y tế của K1 nhiễm COVID-19 phải đi điều trị, và ở đó, người xem được thấy sự đau đáu, khắc khoải trong đôi mắt chị khi chỉ mong muốn được thật nhanh về làm việc lại, bởi “công việc hằng ngày của bệnh viện rất là nhiều, nhiều dữ lắm”.

Được biết, bộ phim được ê kíp thực hiện vào tháng 7-2021. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng bốn đồng nghiệp chia làm hai kíp sản xuất, một nhóm vào tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và nhà quay phim Viết Phong tác nghiệp tại khu K1 - Bệnh viện Hùng Vương. Nhóm làm phim có 21 ngày tác nghiệp trong vùng dịch, trong đó hầu hết thời gian là ở khu K1. 

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cũng cho biết, anh quyết định làm phim tài liệu về các thai phụ nhiễm COVID-19 vì nghĩ cuộc sống giống như một vòng tròn luân hồi, dịch bệnh đã cướp đi rất nhiều sinh mạng nhưng bên cạnh đấy vẫn có những em bé được chào đời. 21 ngày trong bệnh viện, chứng kiến ranh giới quá mong manh giữa sự sống và cái chết, anh quyết định đặt tên phim là “Ranh giới”.

Bộ phim lên sóng VTV1 tối 8-9 và ngay lập tức đã nhận được những phản hồi tích cực từ đông đảo khán giả. Lần đầu tiên khán giả thấy được ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, thấy được sự nguy hiểm khủng khiếp của SARS-CoV-2, và thấy được những vất vả, khó nhọc, những hy sinh vô bờ bến của các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Phim gây sốc, nhưng phim cũng khiến cho khán giả hiểu được, để có được sự bình yên cho mỗi người, là những cuộc chiến và những hy sinh không hề nhỏ của nhiều người.

Theo VTV đặc biệt, Công an nhân dân online và NDĐT

Đạo diễn phim Ranh giới Tạ Quỳnh Tư: ‘Thực tế còn khốc liệt hơn phim’

Bộ phim "Ngày con chào đời": Khởi đầu một sự sống mới tốt lành hơn

 


(*) Xem thêm

Bình luận