Bộ phim "Ngày con chào đời": Khởi đầu một sự sống mới tốt lành hơn
Không kịch tính, khốc liệt, đẩy cảm xúc đến tận cùng như Ranh giới, bộ phim tài liệu thứ 2 'Ngày con chào đời' của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư (phát trong chương trình VTV Đặc biệt tối 22.9) mang đến cho người xem nhiều khoảng lặng nhưng vẫn dạt dào cảm xúc để cảm nhận được sự sống thiêng liêng như mầm xanh trải qua mùa đông lạnh giá, đến mùa xuân bừng tỉnh đâm chồi, nảy lộc...
Phim Ngày con chào đời cho thấy những màu xanh của hy vọng trong đại dịch |
Vượt qua 'Ranh giới' là 'Ngày con chào đời'
Tiếp tục mạch chuyện ở Bệnh viện Hùng Vương, nơi có khu điều trị cho những sản phụ F0 lớn nhất tại TP.HCM cũng là tâm dịch của cả nước, ở bộ phim Ngày con chào đời, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư để người xem dõi theo hành trình của những thai phụ F0 từ lúc chuyển dạ, sinh con và cho đến lúc chờ ngày mẹ con được đoàn tụ.
Đó cũng là hành trình mà người phụ nữ thấy thấm thía câu: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Và như lời của một bác sĩ chia sẻ trong phim, với thai phụ F0, hành trình đó lại càng khó khăn, nguy hiểm hơn. Bởi, triệu chứng bệnh của những thai phụ F0 tăng gấp nhiều lần so với người bình thường, và họ có thể trở nặng chỉ trong tích tắc.
Một thai phụ đã rất lo lắng khi bác sĩ chỉ định chị cần phải mổ đưa con ra, để tránh nguy hiểm cho chị và các con. Chị mang song thai, mới 32 tuần rưỡi tuổi, chỉ cầu trời các con sinh ra được bình thường. Một thai phụ đã không ngừng rơi nước mắt khi nằm trên bàn mổ vì lo lắng. Chị chỉ cảm thấy an lòng khi được nghe tiếng khóc chào đời của con… Những người mẹ chỉ được nhìn thấy con, kề cạnh con trong giây lát và sau đó với hai mẹ con là những ngày dài xa cách. Những giọt sữa đầu tiên con không được bú mẹ. Niềm an ủi xoa dịu các sản phụ là được nhìn thấy những bức ảnh chụp con, biết con lớn lên mỗi ngày như thế nào.
Mỗi con người, mỗi gia đình là mỗi hoàn cảnh. Có sản phụ sau sinh con rồi vẫn tiếp tục ở lại bệnh viện chữa trị, con chị được theo dõi ở khoa nhi, chồng chị thì ở bệnh viện dã chiến. Có em bé mãi chưa thể về nhà vì ba mẹ bé vẫn còn trong khu cách ly. Có em bé chào đời nhưng mẹ đã không còn, ba vẫn đang ở bệnh viện dã chiến… Có những cuộc đoàn tụ trong nước mắt của niềm vui, có những cuộc đoàn tụ trong nước mắt của sự mất mát.
Sự khốc liệt của đại dịch vẫn còn đó, nhưng hơn hết, sự sống mới đang được tiếp tục. Khoảnh khắc những em bé được đón ra từ bụng mẹ, cất tiếng khóc chào đời được thu lại trong ống kính của nhà làm phim không chỉ khiến người xem cảm nhận rõ ràng những khoảnh khắc thiêng liêng của sự sống, mà còn thấy ở đó ánh sáng của hy vọng. Như lời một bác sĩ đã nói khi thấy nụ cười của người mẹ lúc con chào đời: “Thấy nụ cười là thấy cuộc đời phía trước tươi sáng”. Những em bé được đặt những cái tên Cô Na, Cô Vy, Hùng, Dũng, Kiên, Cường, Mạnh, Thành, Đạt, Như Ý, Cát Tường… như những gì mà cha mẹ, người thân, các y bác sĩ mong các em sau này biết mình đã sinh ra vào một thời điểm lịch sử khó khăn nhưng đã kiên cường, mạnh mẽ đến nhường nào.
47 phút phim Ngày con chào đời không còn sự ngột ngạt, khó thở, bức bối thậm chí hụt hẫng như Ranh giới, thay vào đó là hy vọng tràn đầy, ngập nước mắt của tình thương yêu và hạnh phúc.
Ngày con chào đời phát sóng trên VTV1 tối 22/9, là phần tiếp nối của phim tài liệu Ranh giới đã gây chấn động dư luận khi lên sóng VTV 2 tuần trước đó. Điểm nhấn của 'Ngày con chào đời' chính là khắc họa được tình mẫu tử, sự yêu thương vô bờ bến của các y bác sĩ đối với các sản phụ cũng như những bé sơ sinh trong đại dịch COVID-19.
Thương yêu nở rộ trong 'Ngày con chào đời'
Vẫn lối thể hiện với những góc máy cận cảnh, lời thoại trực tiếp tại hiện trường (các khoa phòng sản, nhi tại Bệnh viện Hùng Vương và một số nơi ở, nhà của các sản phụ, khu cách ly tập trung của chồng sản phụ), Ngày con chào đời đánh vào cảm xúc của người xem bằng sự chân thực. Trong phim, các y bác sĩ vẫn hiện lên với hình ảnh thật đẹp, lấy người bệnh làm trung tâm và thái độ, hành động đều toát lên nghĩa cử "lương y như từ mẫu".
Một số cảnh phim khiến người xem như bị bóp nghẹt con tim. "Bé này thì mẹ mất tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ba thì đi cách ly. Đây là một trường hợp đặc biệt của khoa mình, các bạn đặc biệt lưu ý", lời của một nữ bác sĩ nói với đồng nghiệp đang chăm sóc cho một em bé trong lồng kính phim 'Ngày con chào đời'.
Bộ phim tài liệu này còn lột tả được sự khắc nghiệt của đại dịch. Sản phụ sinh con xong, về cách ly tại nhà, con ở viện được bác sĩ chăm sóc, còn cha mắc COVID-19 phải điều trị tại khu cách ly tập trung. Gia đình mỗi người mỗi ngả, vợ chồng chỉ được nhìn mặt con qua những video mà bác sĩ trong bệnh viện cung cấp cho người mẹ.
Hay hình ảnh một người mẹ trẻ mắc COVID-19 đang phải ở viện điều trị, trong khi bé gái mới chào đời được bà ngoại đón về nhà chăm sóc. Mẹ thì phải vắt sữa mỗi ngày bỏ đi vì sợ mất sữa, khi trở về không có sữa cho con bú, con ở nhà bà ngoại phải dùng sữa ngoài hoặc từ nguồn của ngân hàng sữa mẹ. Nhưng tất cả lắng lại khi đứa bé uống xong bình sữa đã chìm vào giấc ngủ, mơ về một ngày mai bình yên, hạnh phúc…
'Ngày con chào đời' không gây ám ảnh như 'Ranh giới' nhưng cũng đem đến những phút giây đầy căng thẳng, cao trào cảm xúc khi những khung hình các y bác sĩ làm việc cật lực, làm việc đêm ngày để đem lại sự sống cho cả người mẹ và em bé. Các bác sĩ phải làm việc không biết mệt mỏi, không ngừng nghỉ, chẩn đoán từ cho hết sản phụ này đến sản phụ khác...
Nhân viên y tế luôn trong tình trạng hối hả, gấp gáp, những cuộc trao đổi chuyên môn nhanh, khẩn trương, cuộc gọi nhờ "chi viện" phòng, khoa khác xin bác sĩ đến mổ cho sản phụ trong lúc nguy cấp khiến khán giả rưng rưng. Người thầy thuốc vừa làm việc đúng với chuyên môn của mình, vừa bằng tình thương của người với người trong lúc nước sôi lửa bỏng.
Bây giờ hít thở, không có sợ. Em khóc, mạch nhanh bác sĩ không có làm được. Bình tĩnh chưa, không sợ nhé. Chút xíu nữa mình sẽ nghe con mình khóc. Bây giờ tập trung cho hơi thở của mình cho em bé có oxy nhé. Bác sĩ lấy con nên cái bụng em sẽ hơi thốn một xíu… Con ra rồi đây, 18h15 phút, con trai nha, lời nữ bác sĩ nói với một sản phụ trên bàn mổ đang rơi nước mắt vì lo cho con và sức khỏe của mình. Bé khóc tốt, cuộc mổ khá là thành công. Em yên tâm điều trị nhé, bé sẽ được bác sĩ Nhi theo dõi giúp em. Em sẽ được điều trị bên đây, yên tâm nha, bác sĩ Như Hùng, người thực hiện ca mổ cho sản phụ nói.
Cảnh bác sĩ Nguyễn Hữu Tài thực hiện ca mổ cho sản phụ mang song thai 32 tuần cũng làm khán giả xúc động. Trước khi thực hiện ca mổ, bác sĩ Tài đã trấn an tâm lý thai phụ, nói với thai phụ hãy cứ yên tâm và tin tưởng các thầy thuốc. Ca mổ sau đó thành công, hai bé gái lần lượt ra đời và cất tiếng khóc, khỏe mạnh. Con em khỏe là mừng rồi, cảm ơn các bác sĩ, mấy chị đã giúp mẹ con em mẹ tròn con vuông, sản phụ Hồng Phương - mẹ của cặp song sinh vừa nói vừa rơi nước mắt.
Mẹ con đang mắc COVID-19 đang phải điều trị ở bệnh viện dã chiến rồi nên con về với ngoại nhé. Đẹp trai quá, con về ngoan, bú sữa nhiều nha, nữ bác sĩ nói với em bé rồi làm thủ tục cho bé về với bà ngoại. Không kìm nén được cảm xúc, bà ngoại cháu bé cảm ơn các y bác sĩ đã chăm sóc những ngày không có ba mẹ bé ở bên.
Lúc nhìn hình mẹ bé bị sốt là gia đình không chịu nổi. Bây giờ thấy cháu ngoại mà tôi thương, thiệt tình cảm ơn các bác sĩ rất nhiều, bà ngoại của bé nói trong nước mắt. Nữ bác sĩ đáp lời: Trong hoàn cảnh dịch bệnh thì mọi người động viên nhau thôi, tụi con cũng cố gắng giúp gia đình được cái gì thì giúp đỡ thôi ạ, đặc biệt là bé này. Hy vọng là bé ngoan và chờ mẹ về nghe con.
Nước mắt hạnh phúc, điều tốt đẹp phía trước
'Ngày con chào đời' đã phần nào cho thấy được hành trình dưỡng thai, vượt cạn, chia cắt sau khi sinh của các sản phụ bị mắc COVID-19 tại bệnh viện Hùng Vương nói riêng, các cơ sở y tế khác đang chăm sóc cho những sản phụ nói chung. Trên tất cả, 47 phút của bộ phim tài liệu này giúp khán giả cảm nhận được tình yêu thương rộng lớn và vô bờ bến của các y bác sĩ dành cho các em bé và những sản phụ.
Ngay từ khi sinh ra, các em đã gặp quá nhiều thiếu thốn và thiệt thòi, sức khỏe nhiều em bé không như bình thường bởi ảnh hưởng của COVID-19. Hình ảnh các em bé sơ sinh trong khoa Nhi với những tiếng khóc rền vang, tiếng "bíp bíp, tít tít" của các máy móc y tế khiến nhiều người không thể kìm lòng.
Ngày con chào đời đầy ắp những giọt nước mắt. Đó không phải là nước mắt của sự bi quan, mất mát mà là nước mắt của hạnh phúc. Nước mắt của những người mẹ, người cha, ông bà được đón con cháu trở về nhà, thấy con cháu bình an và khỏe mạnh.
Nước mắt của hạnh phúc vì các em bé đã nhận được sự chăm sóc từ y bác sĩ, họ đã dành tất cả sự yêu thương cho các em, xem các em như chính con cái của mình. Những giọt nước mắt ấy, tình thương yêu ấy là chỉ dấu của niềm vui, của những chân trời mới tốt đẹp cho các mầm sống và tất cả chúng ta.
Khán giả Nguyễn Quyên chia sẻ, sinh mổ đã sợ lắm rồi, các sản phụ trong Ngày con chào đời bị COVID-19 thì nỗi sợ, nỗi lo đó tăng lên rất nhiều lần. "Cầu mong các chị và các con bình an, chúc các y bác sĩ tuyến đầu nhiều sức khỏe và bình an vượt qua đại dịch, cám ơn và biết ơn các bác sĩ rất nhiều, vì tất cả", chị Nguyễn Quyên chia sẻ.
Nhiều khán giả mong rằng các em nhỏ sinh ra trong đại dịch, khi lớn lên sẽ biết ơn những người bác sĩ hôm nay, biết ơn vì mình đã được trao cho sinh mệnh trong những ngày lịch sử này mà cố gắng trở nên tốt đẹp. Chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng đại dịch, vì chúng ta là dân tộc Việt Nam, một dân tộc anh hùng không bao giờ khuất phục. Trong những lúc khó khăn, thử thách nhất của COVID-19, những mầm sống vẫn cứ vươn mình và Ngày con chào đời vẫn đến như ta đã thấy!
Dù có những tranh cãi xoay quanh góc nhìn và cách thể hiện của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, nhưng Ranh giới và 'Ngày con chào đời' đã cho thấy những mảng màu sáng, tối chân thực trong đại dịch với đủ cung bậc cảm xúc. Sau cùng, mỗi người xem sẽ thấy trân trọng hơn cuộc sống mà mình được ban tặng để rồi sống có trách nhiệm, yêu thương và cuộc sống dù có nhiều gian khổ thì cũng hãy luôn không ngừng cố gắng vươn lên, đồng thời cũng luôn hy vọng, tin tưởng vào ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.
Theo vtv đặc biệt, thanhnien.vn, suckhoedoisong.vn
Xem thêm