Trúc nhật – Loài cây xanh thanh nhã rất dễ trồng và chăm sóc

27/09/2021 | 383

Nằm trong bộ tứ “Tùng – Cúc – Trúc – Mai”, trúc là loài cây thanh nhã, giản dị mà lại mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Cũng giống vậy, trúc nhật là loài cây tuy không cùng họ nhưng có những đặc điểm thực vật cũng như ý nghĩa phong thủy rất giống trúc, mà vẻ ngoài lại đẹp sang trọng nên cây ngày càng được ưa chuộng trong việc trồng trong nhà và cả khuôn viên ngoài trời.

Cùng tìm hiểu về tên gọi, nguồn gốc của cây trúc nhật nhé

Cây trúc nhật mang nhiều cái tên rất sang trọng và thanh nhã khác như cây phất dụ, trúc đốm, trúc thiết Quan Âm. Có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc xuất xứ của cây, nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cây có nguồn gốc từ vùng đất châu Phi xa xôi, bên cạnh đó cũng không ít người cho rằng cây trúc nhật có nguồn gốc từ châu Á. Tuy nhiên, phần lớn các trang nghiên cứu về thực vật học đều cho rằng cây có xuất xứ từ châu Phi, các nước châu Á chỉ là nơi cây xuất hiện phổ biến mà thôi, cũng như Việt Nam vậy.

Cây có tên khoa học là Dracaena surculosa punctulata, thuộc họ Dracaenaceae. Có rất nhiều người nhầm tưởng rằng trúc nhật là cây cùng họ với tre trúc, nhưng điều này là không đúng nhé. Các nghiên cứu uy tín đều chỉ ra rằng loài cây này thuộc chi huyết giác (Dracaena), cùng chi với Phất dụ (Dracaena deremensis) và có quan hệ họ hàng với chi Huyết dụ (Cordyline), chứ không liên quan gì đến tre trúc cả, chỉ là hình thái bên ngoài của chúng có vài điểm khá tương tự nhau thôi.

Hình ảnh cây trúc nhật
Hình ảnh cây trúc nhật

Đặc điểm thực vật của cây trúc nhật

Cây trúc nhật là loài cây có dạng thân thảo, thường mọc thành bụi, khóm giống như cây lau sậy ở các bờ sông. Thân cây trúc nhật có hình trụ tròn, tựa như cây trúc vậy nhưng kích thước nhỏ hơn, trên thân cây cũng có các đốt có độ dài không đồng đều. Cây trúc nhật nếu trồng làm cảnh trong nhà thường cao trung bình khoảng 60 – 1,5m. Thân thì chỉ có đường kính khoảng 1 – 3cm mà thôi, trên thân thường phân chia thành nhiều cành nhánh nhỏ và được phủ sum sê bởi lá. Trúc nhật có thân cây bóng, bên ngoài thân được bao bọc bởi các lá bẹ như chúng ta hay thấy ở tre, trúc ấy, khi về già thì các bẹ này sẽ rụng dần. Thân cây trúc nhật khi còn non có màu xanh lục tràn đầy sức sống và chuyển màu vàng nâu khi về già.

Về lá cây, lá trúc nhật có hình bầu dục dài, hơi tròn ở phần viền lá gần cuống và thuôn nhọn dần về phía đầu lá. Bề mặt lá bóng mượt, không nhám, mép lá nguyên. Lá trúc nhật thường mọc đối xứng nhau và có 2 loại màu lá phổ biến là màu xanh non đặc trưng và lá có đốm (các đốm màu vàng trắng xen lẫn trên nền lá xanh hoặc có vệt trắng chạy dài ở giữa lá, xung quanh có các chấm trắng trông rất bắt mắt).

Cây trúc nhật lá xanh
Cây trúc nhật lá xanh
Cây trúc nhật lá đốm
Cây trúc nhật lá đốm

Cây trúc nhật cũng có hoa, tuy nhiên đây không phải loại hoa nở quanh năm, hoa chỉ xuất hiện khoảng 3 tháng 1 lần, tuy vậy hoa nở khá lâu tàn. Hoa trúc nhật mang màu trắng ngà, có các bông nhỏ li ti kết thành chùm. Thường mọc ở đầu ngọn hoặc các đỉnh cành cây, hoa khi nở bung ra thành dạng khối cầu tròn, vươn dài khỏi lá, các cánh hoa mỏng và thưa tạo nên vẻ đẹp dịu dàng nhưng cũng rất nổi bật.

Hoa cây trúc nhật
Hoa cây trúc nhật

Khi hoa tàn cũng là lúc cây trúc nhật cho quả, là loại quả mọng có dạng hình tròn. Quả có màu xanh khi còn non và chuyển vàng cam khi chín. 

Quả cây trúc nhật
Quả cây trúc nhật

Ý nghĩa phong thủy của cây trúc nhật

Chắc hẳn bạn cũng từng nghe đến bộ tứ “Tùng – Cúc – Trúc – Mai” rồi đúng không. Đúng là trúc được nhắc đến trong bộ tứ ấy là loài tre trúc của Việt Nam, nhưng dần dà người ta cũng đưa trúc nhật vào trong 4 tứ đại cây phong thủy ở nước ta. Bởi cây có thân hình mảnh mai, nhã nhặn nhưng ngay thẳng, luôn mọc thẳng tắp không xiêu vẹo, nên được xem là đại diện của tinh thần quân tử, sự bản lĩnh không đầu hàng, khuất phục trước khó khăn. 

Cây trúc nhật mang rất nhiều ý nghĩa

Hơn nữa, trúc nhật có sức sống rất mãnh liệt, chịu được nắng mưa, quanh năm xanh tươi tốt nên cũng là đại diện cho sức sống mãnh liên, kiên cường của con người. Khi trồng cây trong nhà sẽ mang đến những điều chúc tốt đẹp, may mắn và sự thịnh vượng cho gia chủ, mang lại những điều tích cực và loại bỏ những điều tiêu cực.

Đặc biệt loài cây này cực kỳ hợp phong thủy với người mệnh Mộc đấy nhé, giúp người trồng thuận lợi, hanh thông trong mọi việc, gặp nhiều may mắn, an yên trong cuộc sống.

Trúc nhật cũng là loài cây có nhiều lợi ích

Với dáng hình đơn sơ, màu lá xanh nhã nhặn, kích thước vừa phải nên cây rất được ưa chuộng để trồng làm cảnh trong nhà. Khi trang trí nội thất, cây thường được đặt ở phòng khách, đại sảnh để giúp gia tăng tính thẩm mỹ, sự sang trọng cho căn nhà. Không chỉ trang trí cho căn hộ, cây trúc nhật thường được trồng ở các quán xá, công viên hay các luống cây, lối đi tạo nên một không gian xanh mát, tạo cảm giác bình yên và thư thái. Ở chung cư mình, họ trồng những khóm trúc nhật bên những bụi tre cảnh nhỏ, phải nói là cực kỳ mát mắt và cho mình cảm giác an yên khi đi dạo ở khu vực đó luôn. 

Hơn nữa, trúc nhật có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt, cây giúp loại bỏ bớt các chất độc hại có trong không khí, trả lại bầu không khí trong lành cho con người.

Cây trúc nhật có rất nhiều lợi ích
Cây trúc nhật có rất nhiều lợi ích

Cách nhân giống cây trúc nhật có khó không?

Có rất nhiều bạn đặt câu hỏi như thế này khi tìm hiểu về cây trúc nhật. Với mình thì để nhân giống loài cây này cũng không phải quá khó. Có 2 cách để nhân giống đó là tách bụi từ cây mẹ và giâm cành. 

Đối với phương pháp tách bụi

Đầu tiên, bạn cần chọn cây mẹ khỏe mạnh, phát triển tốt không bị sâu bệnh hại. Để có thể tách bụi thì bạn cần phải đào cây mẹ lên, sau đó loại bỏ phần đất bám vào gốc, chọn phần bụi con thấy ưng ý sau đó cắt rời cây con và đem đi trồng.

Để trồng cây thì bạn cần đào hố cho đất (cụ thể về yêu cầu đất trồng mình sẽ hướng dẫn cho các bạn ở bên dưới nhé), cần đào hố rộng hơn kích thước của bụi cây con một chút, độ sâu khoảng 30cm. Sau khi đặt bụi cây vào chậu thì bạn nhẹ nhàng lấp đất và nén bề mặt, sau đó tưới phun sương để cung cấp đủ ẩm cho cây phát triển nhé.

Ngoài ra bạn cũng có thể tách bụi cây trúc nhật sau đó trồng vào môi trường nước để tạo thành một chậu cây thủy sinh. Bạn chỉ cần thay môi trường đất thành môi trường nước là được, còn về cách chọn cây, cách trồng đều giống nhau bạn nhé.

Đối với phương pháp giâm cành

Điều quan trọng nhất là bạn phải chọn cành khỏe mạnh, nên chọn những cành bánh tẻ (không quá non cũng không quá già). Khi cắt thì bạn nên cắt sát nách cành (vị trí gắn với thân ấy), cắt đoạn cành có khoảng 2 cặp lá. Để cành có thể nhanh ra rễ thì nên ngâm cành cắt vào dung dịch kích rễ. Tiếp theo cần chuẩn bị hỗn hợp đất để giâm cành (nên chọn đất thịt, trộn với phân chuồng hoai mục hoặc tro trấu, xơ dừa). Sau đó bạn tạo 1 lỗ nhỏ ở đất và cắm cành giâm vào đó, sau đó lấp nhẹ đất lại, tưới nước phun sương và đặt chậu giâm ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng gay gắt từ mặt trời.

Khoảng 2 – 3 tuần sau cành giâm bắt đầu cho rễ, khoảng 30 – 45 ngày là cây đã cứng cáp và bạn chăm sóc như cây giống bình thường là được rồi.

Khi trồng trúc nhật bạn cũng cần lưu ý một số điểm sau 

Về đất trồng

Nên chọn môi trường đất có độ thông thoáng cao, tơi xốp và giàu chất dinh dưỡng. Loại đất phù hợp nhất là đất thịt hoặc đất pha cát, trước khi trồng nên bón lót phân hữu cơ cùng các loại tro trấu để cây có chất dinh dưỡng để hút khi bén rễ.

Về ánh sáng

Trúc nhật là loại cây ưa sáng, vì vậy bạn nên trồng cây ở ban công, đại sảnh, sân vườn. Nếu trồng ở phòng khách hay các vị trí khác trong nhà, văn phòng thì bạn nên mang cây ra tắm nắng khoảng 1 tuần 1 lần để cây không bị thiếu chất. Thời điểm tốt nhất để phơi nắng cho cây là vào buổi sáng khi nắng chưa quá gay gắt.

Cây trúc nhật sinh trưởng tốt nhất trong nền nhiệt độ khoảng 20 – 30 độ C.

Về nước tưới

Trúc nhật ưa nước trung bình, bạn nên tưới nước cho cây khoảng 2 lần/ ngày, vào sáng sớm và buổi chiều tối, tránh tưới nước vào giữa trưa nắng bạn nhé.

Về phân bón

Cây trúc nhật không yêu cầu quá nhiều phân bón, tuy nhiên để cây sinh trưởng tốt, lá xanh tươi, cho hoa quả thì bạn nên bón thêm phân hữu cơ, phân vi sinh hoặc NPK cho cây khoảng 1 – 2 lần/ tháng.

Một số vấn đề thường gặp ở cây trúc nhật

Khi trồng trúc nhật thì thỉnh thoảng bạn sẽ thấy cây bị vàng lá, héo lá hoặc rụng lá. Lúc này đồng nghĩa việc cây đang bị nắng gắt ảnh hưởng hoặc gió mạnh làm cây khô héo. Do đó bạn cần chuyển cây vào vị trí ánh nắng nhẹ hơn, tránh gió mạnh, cung cấp đủ ẩm và bón thúc phân bón để cây nhanh lấy lại sức.

Nếu trường hợp lá xuất hiện các vết đốm loang lổ, nghĩa là lúc này cây đang bị bệnh thán thư, muội đen gây hại. Nguyên nhân xuất phát từ việc độ ẩm cao, môi trường đất trồng bị ẩm ướt, không thoát nước được gây bệnh cho cây.

Lúc này bạn cần thay đất có độ thoát nước tốt hơn, đặt cây vào môi trường thoáng mát, loại bỏ đi các lá bị bệnh hại. Bổ sung thêm các thuốc Vivadamy, Kusumin hoặc phân bón dưỡng lá 16-16-8 phun trực tiếp lên lá để diệt trừ sâu bệnh hại.

Cây trúc nhật là loài cây mang ý nghĩa phong thủy rất tốt, lại còn dễ trồng, dễ chăm sóc nữa nên nếu bạn đang tìm một loại cây xanh trang trí nội thất cho gia đình, hàng quán thì đây là lựa chọn tuyệt vời đấy.

Một số hình ảnh khác của cây trúc nhật 

Hình ảnh cây trúc nhật

 

Hình ảnh cây trúc nhật

 

Cây Trúc Nhật • Sài Gòn Hoa 2021

Nguồn: iuhoa.com

 


(*) Xem thêm

Bình luận