Nha đam: Cây thuốc quý nên trồng ở vườn nhà
Nha đam còn có tên là lô hội với tên khoa học là Aloe vera L var. Nha đam là loại cây mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống. Thân Nha Đam mọng nước có chứa nhiều vitamin và khoáng chất nên được dùng làm món ăn bổ dưỡng, làm đẹp, dùng làm thuốc chữa bệnh, làm cảnh và còn có tác dụng đặc biệt nữa là khả năng lọc sạch không khí và hấp thụ sóng điện từ (nên bạn có thể đặt chậu Nha đam nhỏ gần các thiết bị điện tử trong góc nhà).
1. Những tác dụng của Nha đam cho sức khoẻ:
- Chống lão hóa và ngăn ngừa bệnh ung thư: do chứa nhiều vitamin A, C và E giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, mà các gốc tự do được xem là kẻ thù gây ra tình trạng lão hóa và ung thư.
- Cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể: vì chứa hàm lượng vitamin B-12 và axit folic (folate) nhiều. Đồng thời còn chứa magie, đồng, kali, canxi, kẽm, crom và selen. Tất cả những khoáng chất này giúp các tế bào enzyme khỏe mạnh và hoạt động tốt giúp quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể hiệu quả hơn.
- Phòng chống nhiều bệnh tật khác: vì chứa hơn 20 loại amino axit, trong đó có khoảng 7−8 loại cần thiết cho cơ thể để phòng chống lại nhiều bệnh tật.
- Trung hòa độ pH trong cơ thể: vì gel nha đam có chứa kiềm nên sẽ duy trì độ pH ổn định trong cơ thể, tránh tạo môi trường lý tưởng cho bệnh tật xuất hiện.
Nha đam chứa nhiều nước, nên đây là thực phẩm lý tưởng giúp bạn bổ sung và cải thiện tình trạng mất nước cho cơ thể. Nói một cách khác, nha đam giúp thanh lọc cơ thể và loại bỏ các chất độc hại - vốn được tích tụ lâu ngày trong quá trình ăn uống và sinh hoạt hằng ngày của bạn.
Nước ép nha đam: giúp làm tăng hiệu suất hoạt động của một số cơ quan, như thận và gan được xem là cơ quan phụ trách nhiệm vụ lọc máu và bài tiết cơ thể.
Ngoài ra, nước nha đam cũng giúp bạn bổ sung lượng nước bị mất đi sau nhiều bài tập thể thao.
Vì nha đam chứa nhiều lượng nước, nên thực phẩm này cũng hỗ trợ tối ưu trong việc điều trị táo bón. Cụ thể, nha đam sẽ giúp lợi khuẩn đường ruột hoạt động tốt hơn, cũng như cân bằng số lượng vi khuẩn có trong ruột.
Điều này có nghĩa, lượng nước bổ sung từ việc uống nha đam, sẽ góp phần tăng cường lượng nước ở đường ruột nhằm kích thích nhu động hoạt động tối ưu, giúp tăng cường chức năng hệ bài tiết dẫn đến làm giảm triệu chứng táo bón.
Gan hoạt động tốt sẽ giúp cho cơ thể loại bỏ nhanh chóng các độc tố. Vì thế, nha đam không chỉ chứa nhiều nước mà còn chứa thêm rất nhiều chất dinh dưỡng khác, khi được cung cấp vào trong cơ thể, sẽ giúp cho gan hấp thụ đầy đủ các dưỡng chất ấy làm cho bộ phận gan trở nên khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn.
Trong gel nha đam có chứa một số hợp chất: chromone C-glucosyl, axit salixylic và enzyme bradykinase (một loại huyết tương). Những chất này có tác dụng chống viêm rất hiệu quả bên cạnh làm ức chế quá trình sản sinh của axit bên trong cơ thể.
Theo kết quả nghiên cứu được đăng trên báo Alimentary Pharmacology and Therapeutics vào năm 2004, nha đam có tác dụng đối với việc điều trị viêm ruột và làm dịu đi tình trạng loét viêm kết tràng (trong giai đoạn bệnh viêm ruột nhẹ). Tác dụng của nha đam đối với các triệu chứng viêm, thường cải thiện đến 47%.
Nha đam có chứa chất phytosterol - là một hoạt chất giúp chống lại việc tăng đường huyết trên cơ thể chuột, được chứng minh rằng chất này có hiệu quả đối với điều trị bệnh tiểu đường ở giai đoạn 2 - nếu được kiên trì trong khoảng thời gian dài (theo kết quả nghiên cứu được đăng trên Biological and Pharmaceutical Bulletin vào năm 2006).
Theo nghiên cứu trên báo Saudi Pharmaceutical Journal cũng đã khẳng định rằng: các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường giai đoạn 2 nên uống nha đam mỗi ngày. Vì kết quả nghiên cứu cho thấy: trong 4 tuần có tiêu thụ nha đam sẽ làm cho chỉ số lipid giảm đi khá nhiều.
Lô hội (nha đam) còn chứa thêm một số enzyme có lợi cho hệ tiêu hóa, vì có tác dụng làm vỡ chất béo và giúp ích cho đường phân. Nếu hệ tiêu hóa hoạt động tốt, sẽ giúp cho cơ thể bạn hấp thụ được hết các chất dinh dưỡng, làm cho cơ thể và các bộ phận cơ quan khác cũng khỏe mạnh hơn.
Nước ép nha đam làm giảm triệu chứng khó chịu ở dạ dày, cải thiện tình trạng rối loạn ruột kích thích (IBS) và các chứng rối loạn tiêu hóa khác, theo một nghiên cứu đã được khảo sát trên 33 bệnh nhân mắc IBS.
Lô hội chứa vitamin và các hoạt chất chống lại sự oxy hóa, nên nước ép nha đam có tác dụng bảo vệ và nuôi dưỡng da rất tốt, nhất là làm giảm triệu chứng mụn trứng cá, viêm da và vảy nến.
Thói quen uống nước lô hội giúp cơ thể kiểm soát được sự bài tiết axit trong dạ dày và cải thiện tình trạng làn da sau khi bị cháy nắng, cũng như có hiệu quả trong việc chống lại tia UV giúp hạn chế tình trạng lão hóa làn da.
Nha đam là thành phần được sử dụng trong các mặt nạ dưỡng ẩm và mỹ phẩm làm trắng da rất hiệu quả. Thật không khó tìm thấy các sản phẩm làm đẹp từ nha đam, như sản phẩm tẩy trang, kem dưỡng ẩm, kem lót,....
2. Các bài thuốc với cây Nha đam
Lô hội chủ yếu có chứa chất antraglycozit, chủ yếu là aloin. Nhựa chứa acid amin, vitamin (B1, B2, B5, B6, B12, axít folic, C, A, E); khoáng tố vi lượng (Na, K, Ca, P, Cu, Fe, Zn, Mg, Mn, Cr)… Theo Đông y, lô hội vị đắng, tính hàn. Vào kinh can, tỳ, vị, đại trường. Có tác dụng thông đại tiện, thanh nhiệt, mát gan, sát trùng, thường dùng làm thuốc xổ trị táo bón, chữa viêm loét dạ dày, làm lành vết thương, bệnh ngoài da, thông kinh nguyệt, sỏi niệu, đái tháo đường... Dùng ít tác dụng kiện vị, mỗi lần uống 0,01 - 0,03g. Dùng nhuận trường, mỗi lần uống 0,06 - 0,2g. Dùng xổ, mỗi lần 1 - 2g. Sau đây là một số cách dùng lô hội làm thuốc:
Trị cam, sát trùng, hòa vị, chỉ tả
Dùng bài: Lô hội hoàn: lô hội 40g, hạc sắt 40g, lôi hoàn 40g, mộc hương 40g, thanh đại 40g, thuyền thoái 20 cái, vu di 40g, xạ hương 4g. Các vị tán bột làm hoàn, ngày uống 2 - 4g.
Lô hội có tác dụng với bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.
Trị táo bón, tiểu bí do nhiệt kết
Dùng bài: Lô hội thông tiện giào hoàn: lô hội 6g. Nghiền nát, phân ra cho vào 6 viên nang nhỏ. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 - 3 viên nang. Nếu không có viên nang, dùng đường trộn với thuốc, ngậm nuốt dần. Tác dụng: thanh nhiệt, thông lâm..
Trị ghẻ lở, lở loét hậu môn
Dùng bài: Lô hội tán: lô hội 30g, cam thảo 15g. Tán bột. Dùng nước đậu hũ rửa chỗ loét rồi đắp thuốc vào.
Trị can đởm thực nhiệt gây ra táo bón, tiểu đỏ, ít, hoa mắt, chóng mặt, nặng hơn thì co giật, phát cuồng, nói nhảm.
Dùng bài: Đương quy lô hội hoàn: lô hội, đại hoàng, thanh đại (thủy phi) mỗi thứ 4g; đương quy, long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử, hoàng bá, hoàng liên mỗi thứ 6g; mộc hương 5,5g, xạ hương 0,3g (để riêng). Các vị tán bột, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 6 - 10g, ngày 3 lần.
Trị cam nhiệt, giun đũa: lô hội 15g. Tán bột, mỗi ngày uống 6g lúc đói với nước ấm.
Mụn nhọt: lá lô hội tươi giã nát, đắp lên mụn nhọt.
Trứng cá: lá lô hội tươi bóc vỏ, lấy phần gel tươi, xoa lên vùng bị trứng cá, ngày làm 1 lần. Làm liên tục nhiều ngày.
Đái tháo đường: lá lô hội 20g. Sắc uống ngày 1 thang (có thể uống sống).
Tiểu đục: lô hội tươi 20g giã nát, thêm đạm qua tử nhân 30 hạt, uống trước bữa ăn, ngày 2 lần. Có thể dùng hoa lô hội 20g nấu với thịt lợn ăn.
Tiêu hóa kém: lô hội 20g, bạch truật 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần.
Viêm loét tá tràng: lô hội 20g, dạ cẩm 20g, nghệ vàng 12g (tán bột mịn), cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Nếu ợ chua nhiều, thêm mai mực tán bột 10g chiêu với nước thuốc trên. 15-20 ngày là 1 liệu trình.
Bế kinh, đau bụng kinh: lô hội 20g, nghệ đen 12g, rễ củ gai 20g, tô mộc 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1thang, chia 2-3 lần.
Lưu ý:
- Lô hội có tác dụng tẩy mạnh, vì vậy, nên giảm liều hoặc ngưng thuốc nếu có hiện tượng đi ngoài phân lỏng. Người đã bị đi ngoài phân lỏng thì không nên dùng.
- Nên thận trọng khi dùng cho người cao tuổi.
- Phụ nữ có thai và người tỳ vị hư nhược không được dùng.
Lương Y: Minh Phúc (suckhoedoisong.vn)
3. Cách trồng cây Nha đam cho lá to tại nhà:
Lựa chọn giống cây
Có hai loại nha đam phổ biến nhất hiện nay, đó chính là nha đam Mỹ và nha đam Việt Nam.
- Nha đam Mỹ: có lá dài, bẹ to, nhiều gai nhọn, cho năng suất cao.
- Nha đam Việt Nam: lá nhỏ hơn nha đam Mỹ, bé lé mỏng, gai mềm.
Tùy thuộc vào nhu cầu và mong muốn của bạn, hãy chọn loại giống nha đam sao cho phù hợp nhé!
Đất trồng
Nha đam là cây ưa khô, do đó đất trồng cần phải có khả năng thoát nước cao. Do vậy, hỗn hợp đất bạn cần chuẩn bị để trồng cây nha đam bao gồm các thành phần sau: tro, phân hữu cơ, xơ dừa, trấu theo tỷ lệ 2:1:0,5:1. Hỗn hợp trên cần được ủ kín từ 15 – 20 ngày mới được đem ra trồng.
Trường hợp bạn có phân hữu cơ và tro đã qua sử dụng rồi thì chỉ cần trộn thêm phân trùn quế là có thể trồng được ngay.
Chậu trồng
Nếu trồng nha đam trong chậu, bạn nên chọn loại chậu có lỗ thoát nước. Hoặc khi trồng cần lót thêm lớp sỏi dưới đáy chậu để cây thoát được tốt hơn, tránh thối rễ. Chọn chậu có đường kính từ 25 – 30cm, chiều cao khoảng 30 – 40cm là vừa đủ.
Cách trồng
Cách trồng nha đam tại nhà vô cùng đơn giản. Bạn có thể sử dụng lá nha đam hoặc tách cây con từ cây mẹ để trồng đều được cả. Khi đã chuẩn bị chậu và đất trồng đầy đủ, bạn chỉ cần đặt cây nha đam con/lá nha đam vào chậu, đổ đầy đất đến miệng chậu. Dùng tay nhấn cho cây được cố định và đứng thẳng. Tiếp đó bạn tưới nước là xong.
Bạn nên đặt chậu cây nha đam ở những nơi có ánh nắng vừa phải. Hằng ngày hãy quan sát tình trạng của đất trồng, nếu thấy khô hãy tưới thêm nước cho nha đam mau phát triển và được thu hoạch.
Cách chăm sóc cây nha đam
Tưới nước
Trong giai đoạn đầu, bạn nên tưới cho cây mỗi ngày 1 lần để bộ rễ cây ổn định và phát triển. Sau đó, khi thấy cây đã lớn, số lần tưới nên giảm đi còn 2 ngày/lần. Tùy thuộc vào tình hình thời tiết mà bạn tưới lượng nước sao cho phù hợp.
Bón phân
Bạn có thể mua phân NPK để bón cho nha đam mau phát triển và xanh tốt. Tuy nhiên, nếu trồng với số lượng không nhiều thì bạn không cần thiết phải bón phân hữu cơ, sử dụng tro cũi bón xung quanh gốc là cây đã đủ phát triển rồi.
Phòng trừ sâu bệnh
Cây nha đam ít bị sâu bệnh tấn công, cây không phát triển chủ yếu là do trời mưa khiến cây bị ngập úng và thối. Vì vậy, bạn cần quan sát tình trạng của cây để kịp thời loại bỏ những lá hư hỏng.
Thu hoạch
Cách trồng nha đam trong chậu có thể cho thu hoạch 1 năm. Lúc này, gốc chính sẽ mọc ra rất nhiều nhánh mới. Trường hợp bạn muốn nuôi bẹ lá to thì hãy bứt bớt những lá nhỏ trồng ra khu vực khác để cây mẹ phát triển tốt hơn.
Trên đây là hướng dẫn cách trồng nha đam cho lá to. Hy vọng với những chia sẻ này, bạn sẽ trồng được cho mình những chậu nha đam tốt nhất cho sức khoẻ, sắc đẹp, đồng thời tạo không gian tươi xanh, trong lành cho căn nhà của mình.
Nguồn: dienmayxanh.com, vtc now, suckhoedoisong.vn, sanvuonaz.com
-----
Mời bạn tham khảo thêm cách chế biến Nha đam thành những món ăn ngon bổ dưỡng tại đây: https://songbinhan.com/to-am-gia-dinh/bep-hong/cach-che-bien-nha-dam-gion-ngot-cho-nhung-mon-an-ngon.html
Xem thêm