Cha mẹ ly hôn con trẻ là người tổn thương nhất
Ngày nay, quan niệm về hôn nhân đã thay đổi, người ta không muốn chịu đựng mãi một cuộc hôn nhân không còn hạnh phúc nên chọn ly hôn để giải thoát cho mình. Thế nhưng không phải ai cũng biết rằng, khi một cuộc hôn nhân tan vỡ thì người phải chịu tổn thương và thiệt thòi nhất chính là những đứa trẻ vô tội.
1. Những câu chuyện đau lòng
Cha mẹ ly dị, cậu bé gào khóc trên phố khiến nhiều người xót xa
Sau khi có phán quyết của tòa án, đứa trẻ khóc dữ dội, van xin mẹ đừng đi. Tiếng khóc khiến nhiều người xót xa, đồng thời cũng khiến các bậc cha mẹ phải suy nghĩ.
Mới đây, một cặp vợ chồng ở Duy Phường, Sơn Đông, Trung Quốc đã hoàn thành thủ tục ly hôn tại tòa. Đứa con trai của họ được giao cho người cha nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, đứa trẻ dường như không chấp nhận việc này.
Hình ảnh cậu bé gào khóc trên phố. |
Trong video lan truyền trên mạng xã hội, cậu bé chỉ khoảng 7 - 8 tuổi. Khi thấy mẹ quay lưng bước đi, cậu bé khóc dữ dội, cố thoát ra khỏi vòng tay của cha: “Mẹ đừng đi, con không muốn sống với cha đâu”.
Nhìn thấy sự xúc động của đứa trẻ, người cha chỉ biết ôm chặt con vào lòng, bế và đưa con đi. Nhưng dù vậy, cậu bé vẫn vùng vẫy khiến ông không thể giữ chặt con bên mình.
Cuối cùng người đàn ông này đành phải buông tay để cậu bé chạy về phía mẹ. Trong video, có thể thấy, người cha thực sự bất lực trước phản ứng của con mình.
Hình ảnh khiến nhiều người xót xa |
Bố mẹ ly hôn, cậu bé 9 tuổi không ai nuôi, đêm ngủ trên nóc ô tô
Đêm 24/10 một đoạn video quay ở Thiên Tân (Trung Quốc) được lan truyền trên mạng khiến nhiều người xót xa.
Trong video, một cậu bé 9 tuổi đang nằm ngủ trên mui một chiếc ô tô màu trắng đậu ngoài đường. Lúc này, Thiên Tân đang vào đông và thời tiết rất lạnh, nhiệt độ về đêm khoảng 10 độ C.
Tiểu Duệ - người quay đoạn video cho biết, đã nhiều lần nhìn thấy cậu bé ngủ trên nóc xe ở địa bàn quận Hà Tây, Thiên Tân.
Tiểu Duệ đã tìm cách đưa cậu bé về nhà nhưng cậu bé khóc và nói rằng, bố mẹ cậu đã ly hôn và không ai muốn nuôi cậu. Cậu bé đã sống lang thang ngoài đường nửa tháng nay.
Ảnh cắt từ video |
Tiểu Duệ đã thông báo cho người hoạt động cộng đồng ở địa phương - nơi mẹ cậu bé sống nhưng dù các nhân viên có đến thuyết phục thế nào, mẹ cậu bé vẫn không đón con về.
Có hôm, cậu bé còn quỳ gối trước cửa nhà mẹ đẻ, nhưng người mẹ mở cửa với thái độ rất miễn cưỡng. Qua ngày hôm sau, cậu bé lại bị mẹ đuổi ra khỏi nhà và sống cuộc sống lang thang. Ban ngày cậu bé ở ngoài công viên, ban đêm, cậu trèo lên nóc ô tô đậu ngoài đường để ngủ.
Thấy xót xa cho đứa trẻ, một số người trong khu dân cư đã báo với cảnh sát.
Sáng ngày 26/10, một nhân viên của Văn phòng công an huyện Hà Tây (Thiên Tân) cho biết, phía cảnh sát đã tìm được đứa trẻ và đã liên hệ với bố mẹ cháu bé. Tuy nhiên, bố mẹ của cháu bé vẫn đang thương lượng với nhau.
Liên đoàn Phụ nữ Thiên Tân cũng cho biết, đã nắm được vấn đề và đang theo dõi tình hình sự việc.
Bố mẹ tranh quyền nuôi con, cậu bé 13 tuổi nói một lời khiến phiên tòa im bặt
“Thương mẹ nên con sẽ về ở với ba”
Từng tham gia nhiều vụ ly hôn đình đám của đại gia và giới nghệ sĩ nhưng luật sư Trương Thị Hòa, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, bà ấn tượng, xúc động hơn cả là khi tham gia những vụ ly hôn của công nhân nghèo.
Luật sư Hòa nhớ lại, nhiều năm trước, vụ ly hôn giữa chị Ngô Thị Linh (SN 1984, ngụ tỉnh Hậu Giang) và anh Huỳnh Hải Long (SN 1981, ngụ cùng địa phương) khiến bà vô cùng xúc động. Sau khi thành vợ thành chồng, Linh và Long rời quê lên TP.HCM làm công nhân.
Vốn cần kiệm lại giỏi thu vén, lương công nhân của hai vợ chồng Long cũng đủ nuôi sống bản thân và 3 đứa con nhỏ. Tuy nhiên, khi cuộc sống gia đình vẫn bấp bênh cùng đồng lương ít ỏi, Long lại thay lòng đổi dạ, học đòi nuôi tình nhân.
Mối quan hệ ngoài luồng của Long bị Linh phát hiện. Sau nhiều lần níu kéo, hàn gắn cuộc hôn nhân đang tan vỡ trong vô vọng, cả hai quyết định ly hôn. Ngày ra tòa, cả 3 đứa con của hai vợ chồng Linh cũng có mặt.
Biết rằng tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình sẽ không còn trọn vẹn, 3 đứa trẻ mặt buồn rười rượi, đứng chụm vào nhau trong khuôn viên tòa. Ra tòa, Linh yêu cầu được toàn quyền nuôi 3 con của mình. Phần vì thương con, phần vì Linh sợ cảnh mẹ ghẻ con chồng.
Long không đồng ý với yêu cầu của vợ cũ và cũng muốn được nhận nuôi các bé. Giữa lúc căng thẳng, cậu bé 13 tuổi, là con cả của vợ chồng Linh đã nói lời xúc động, khiến phiên tòa im bặt.
Luật sư Hòa kể: “Cậu bé bước lên và nói: “Con thương mẹ nhưng mẹ con không đủ sức nuôi 3 đứa con nên con sẽ về ở với ba”. Nghe câu nói ấy, tôi rất xúc động”. Thương hoàn cảnh các bé, luật sư Hòa cố phân tích chuyện thiệt hơn trong việc để Linh nuôi con với Long.
Nghe lời gan ruột của vị luật sư gạo cội, Long khóc nức nở giữa phiên tòa. Anh khóc vì tự tay tước đi hạnh phúc của những đứa con của mình. Sau ít phút không kìm nén được xúc động, Long đồng ý giao hết con cho vợ cũ nuôi và sẽ chu cấp hàng tháng cho các bé.
“Mất con” vì không có nhà
Luật sư Hòa (giữa) trong vụ ly hôn đình đám giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. |
Luật sư Hòa nói, cuộc ly hôn nào cũng khiến bà đau lòng. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại những vụ ly hôn đã tham gia, bà vẫn nhớ mãi ngày bà giúp chị Mai giành lại quyền nuôi con. Với bà, đó là một kỷ niệm đặc biệt bởi kỷ niệm ấy đan xen niềm vui và nỗi buồn.
Thời gian làm công nhân cho một công ty ở TP.HCM, Mai quen biết và yêu thương anh thợ hồ Kiên Minh, 43 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang. Vượt qua nhiều rào cản, cả hai kết hôn. Sau khi cưới, Minh đưa vợ về Kiên Giang sinh sống để mẹ già bớt cô đơn.
Tuy nhiên, sau khi có con, hai người xảy ra nhiều bất đồng. Càng ngày, mâu thuẫn càng lớn. Đến một ngày, chúng xé toạc cuộc hôn nhân vốn không mấy yên ả của 2 người. Cả hai đưa nhau ra tòa ly dị.
Ra tòa, Mai chỉ yêu cầu được nuôi con. Từ lâu, chị đã xem đứa trẻ là lý do duy nhất để mình tiếp tục cố gắng, bước tiếp trên đường đời. Thế nhưng, lời thỉnh cầu của chị không được tòa chấp thuận. Không giành được quyền nuôi con, Mai đau đớn, tuyệt vọng. Trong nỗ lực cuối cùng, chị tìm đến luật sư Hòa, nhờ bà giúp đỡ.
Luật sư Hòa phân tích: “Tòa tỉnh giải quyết quyền nuôi con cho anh chồng chị Mai là không sai. Bởi, sau ly hôn, Mai phải về TP.HCM vì chị này không có nhà ở quê chồng. Mai cũng không có việc làm. Trong khi đó, con của Mai đang sinh sống ổn định ở quê, chồng Mai có việc làm ổn định”.
Để được vị luật sư gạo cội giúp đỡ, Mai hứa rằng khi được nuôi con, chị phải thường xuyên cho bà nội thăm cháu, cho con qua lại bên nội, không được ngăn cản, xa rời bên nội. Mai cũng lăn lộn vào đời tìm việc làm, chỗ ở ổn định để có thể nuôi con.
Cuối cùng, tình yêu thương bao la của Mai dành cho con cũng chạm đến trái tim luật sư Hòa cũng như các vị quan tòa. Chị giành được quyền nuôi con từ tay chồng. Thế nhưng, ngày Mai vỡ òa hạnh phúc, được ôm con trong lòng cũng chính là lúc luật sư Hòa đau nhói trong tim.
Bà chia sẻ: “Đây là vụ án khiến tôi cảm thấy đau lòng và mãi đến bây giờ vẫn còn cảm giác day dứt. Tôi vui vì đã giúp Mai có được đứa con của mình. Thế nhưng, ngay sau đó, tôi lại thấy thương bà mẹ chồng của Mai. Cụ bà già rồi lại mù lòa, con trai thì theo công trình nay đây mai đó”.
“Cụ có đứa cháu “hủ hỉ” thì sẽ vơi bớt nỗi cô đơn, hiu quạnh. Tôi giúp Mai được nuôi con đồng nghĩa với việc khiến cụ bà mất đi niềm an ủi ấy. Đành rằng vẫn biết cụ bà khó có thể chăm sóc tốt cho đứa bé nhưng sao tôi mãi cảm thấy day dứt”, luật sư Hòa chia sẻ thêm.
2. Ly hôn nỗi đau sâu nặng khó có thể chữa lành trong lòng con
Ly hôn là dấu chấm hết cho một cuộc hôn nhân nhưng đó không chỉ là sự kết thúc giữa hai vợ chồng mà hầu hết đều gây ra những nỗi đau và tổn thất về tinh thần, vật chất cho con cái.
Khi hai người trưởng thành quyết định kí vào tờ giấy đăng kí kết hôn đồng nghĩa với việc họ sẽ bắt đầu một cuộc sống mới – cuộc sống hôn nhân, họ sẽ có trách nhiệm với gia đình, sẽ có những đứa con và có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy chúng. Chẳng có điều gì tốt bằng việc đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay của cả bố và mẹ.
Tuy nhiên, không phải cuộc hôn nhân nào cũng sẽ êm đềm hạnh phúc đến thế. Sẽ có những cãi vã mâu thuẫn mà không phải ai cũng có thể hi sinh, nhẫn nhịn để bảo vệ hạnh phúc gia đình, đặc biệt là trong nhịp sống hiện đại như ngày nay.
Khi những suy nghĩ về sự bình đẳng rõ ràng hơn bao giờ hết, người trẻ nghĩ rằng chẳng việc gì họ phải chịu đựng một cuộc sống không phù hợp, họ hoàn toàn có thể bắt đầu một cuộc sống mới mà không cần dây dưa lằng nhằng với chồng hoặc vợ cũ, họ có thể tự lo cho con mình, họ chọn làm single mom hay single dad và dường như việc đó đã trở thành một trào lưu bất đắc dĩ.
Hiện nay, có những nghiên cứu chỉ ra rằng cứ ba cặp vợ chồng thì sẽ có một cặp ly hôn mà độ tuổi ly hôn thì lại rơi vào những người trẻ tuổi. Họ không còn đặt nặng việc phải có một gia đình của riêng mình như thế hệ trước nữa, người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại hoàn toàn không phải sống phụ thuộc vào chồng, họ có thể tự kiếm tiền, tự lo cho cuộc sống của mình và đó cũng là lí do họ dễ dàng buông bỏ một cuộc hôn nhân.
Nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn là do vấn đề kinh tế, không có thời gian chăm sóc gia đình, bất đồng quan điểm, kết hôn khi còn quá trẻ, ngoại tình hay thậm chí bạo lực gia đình,… Hiện nay việc ly hôn chẳng có gì là to tát hay quá nghiêm trọng nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những đứa trẻ non nớt.
Chúng làm sao hiểu được sâu xa của vấn đề rằng bố mẹ chúng ly hôn chỉ vì không thể cùng chung sống được nữa. Chúng chỉ tự hỏi tại sao bố mẹ lại không ở cùng và chăm sóc con, tại sao các bạn có đầy đủ bố mẹ mà con thì lại không. Những câu hỏi ngây thơ nhưng lại khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Có thể xã hội đang phát triển từng ngày, quan điểm của chúng ta cũng thay đổi, chúng ta nghĩ thoáng hơn về việc đổ vỡ trong hôn nhân rằng nó là việc tốt, giúp cho hai người có thể bước tiếp những con đường mới, nghe thì có vẻ hợp lí nhưng trẻ con thì sẽ không hiểu được như thế. Và sẽ rất thiệt thòi cho những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn.
Có thể bố mẹ sau khi ly hôn cũng có những giải pháp tốt nhất để con không bị thiếu thốn tình cảm. Có thể là phân chia thời gian chăm sóc, hoặc thỉnh thoảng cùng đi ăn tối, đó cũng là những phương án tối ưu và được khá nhiều gia đình sử dụng. Tuy nhiên lũ trẻ cần nhiều hơn thế, dù có là cách tốt nhất thì nó cũng không còn được trọn vẹn.
Thậm chí có những đứa trẻ đã bị tổn thương tâm lí một cách nặng nề. Chúng dần trở nên xa cách bố mẹ và trở nên khép kín hơn, tuy không nói ra nhưng im lặng mới là sự tổn thương sâu sắc hơn cả. Nếu như tiếp tục tình trạng đó, rất có thể đứa trẻ sẽ mắc bệnh trầm cảm, một căn bệnh nguy hiểm ở trẻ.
Vậy là chỉ vì những quyết định của người lớn mà những đứa trẻ phải gánh chịu những nỗi đau về tinh thần rất lớn.
Thật ra nếu như hai người đã không hạnh phúc trong hôn nhân thì ly hôn là cách giải quyết duy nhất. Và hơn nữa, nếu như tiếp tục duy trì một cuộc hôn nhân không hạnh phúc thì lại khiến những đứa trẻ tổn thương hơn nữa.
Nếu như bố mẹ ly hôn, con cái bị thiếu đi sự chăm sóc của cả hai thì ở cùng với bố mẹ bất đồng quan điểm còn tệ hơn nhiều, chúng sẽ phải chứng kiến những cuộc cãi vã, chứng kiến bố mẹ căng thẳng với nhau,…
Những bậc làm cha làm mẹ cần trò chuyện nhiều hơn với con cái, cần cho chúng biết rằng ly hôn là một việc không có gì quá to tát và bố mẹ dù không ở với nhau nhưng tình yêu thương dành cho chúng sẽ không bao giờ thay đổi, hãy giúp chúng có suy nghĩ tích cực hơn về ly hôn và cố gắng dành nhiều thời gian cho chúng hơn một chút.
Ly hôn không phải là một việc xấu, đó là điều không tránh khỏi của những gia đình không hạnh phúc. Nhưng ngay cả khi không còn là vợ chồng thì hai người vẫn luôn là bố hoặc mẹ của con mình, mà con thì lại chẳng thể bỏ được. Hãy là những ông bố bà mẹ đúng nghĩa và có trách nhiệm với con mình.
Bố mẹ hãy đặt mình vào vị trí của con mà cảm nhận. Trước kia đến với nhau vì tình yêu rồi quyết định về chung một nhà, rồi sinh con. Vậy thì hãy cố gắng vì nhau mà sống, hãy dành sự yêu thương và đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho các con, đừng tham lam chạy theo dục vọng thấp hèn mà lờ đi trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả đối với các con mình. Mâu thuẫn thì nhà nào cũng có nhưng điều quan trọng là người trong cuộc cần phải có thiện chí xây dựng, mong muốn hàn gắn những vết thương. Xin bố mẹ hãy nghĩ sâu xa cho các con, chúng thực sự sẽ rất khổ tâm và thiệt thòi khi bố mẹ chia tay. Tuy nhiên, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh mỗi người mỗi cuộc đời và vạn sự tuỳ duyên nên sẽ khó có một lời khuyên chung cho tất cả. Nếu như hết duyên thật buộc bố mẹ phải ly hôn thì hãy làm sao để các con ít bị tổn thương nhất, vẫn cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm thường xuyên dù bố mẹ không còn ở cùng nhau nữa.
Thắm Lê tổng hợp
Theo vietnamnet.vn & cafebiz.vn
Xem thêm