Xu hướng kiến trúc xanh trong thiết kế nhà ở hiện đại: bền vững & thích ứng

29/10/2022 | 364

Nhà phố diện tích chật hẹp, 3 mặt bưng bít kín đáo, thiếu gió, thiếu sáng, thiếu khoảng thở… đã trở thành nỗi ám ảnh của người thừa hưởng. Bằng việc thiết kế kiến trúc tối giản, sử dụng vật liệu thân thiện kết hợp các giải pháp cấp khí tươi chủ động, tái sử dụng năng lượng có hiệu quả… ngôi nhà sẽ xanh, bền vững và đáng đáng sống hơn.

Xu hướng kiến trúc xanh trong thiết kế nhà ở hiện đại 

Tích hợp thảm thực vật tự nhiên trong nhà có thể đáp ứng được cả yêu cầu về thực tế, tính thẩm mỹ và tâm lý con người. Do vậy mà những năm gần đây, kiến trúc xanh trong thiết kế nhà ở hiện đại trở thành xu hướng phát triển rộng rãi, đặc biệt ở các thành phố lớn. Phong cách hướng đến tính thân thiện, bền vững và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Nhà trong phố thiếu khoảng thở 

Kinh tế phát triển kéo theo các vấn đề về đô thị hóa, bê tông hóa, ô nhiễm, biến đổi khí hậu... Thành phố trở nên đông đúc hơn, quỹ đất xây dựng giảm sút. Nhà ống mặt tiền 3 - 4m mọc lên san sát, thậm chí là chung nhau vách tường để tiết kiệm diện tích. Thiếu sáng, thiếu mảng xanh, thiếu khoảng thở trở thành đặc trưng và nỗi ám ánh của cư dân. 

Theo thống kê, hiện nay tỉ lệ cây xanh/người ở các đô thị hiện đại trên thế giới chiêm từ 20 - 25m2/người. Trong khi đó, những thành phố lớn của Việt Nam chỉ đạt mức 2 - 3m2/ người. Thực tế này cho thấy tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 so với thế giới. Điều đó đòi hỏi các kiến trúc sư quy hoạch thiết kế nhà ở không chỉ hoàn thành yêu cầu về công năng. Mà còn cần đưa ra những giải pháp mới góp phần xanh hóa đô thị, giải tỏa bớt áp lực cho thành phố và chính những người thụ hưởng. 

Kiến trúc xanh trong thiết kế nhà ở - xu hướng sống cộng hưởng và thích ứng 

Kiến trúc xanh trong thiết kế nhà ở hiện đại bộc lộ được nhiều ưu điểm vượt trội về cả khả năng thích ứng và tính bền vững. Bởi vậy, phong cách này đã trở thành xu hướng mới chiếm trọn cảm tình của gia chủ. 

Về mặt thực tiễn, nhà ở hiện đại không gian xanh là một cách tiếp cận đồng bộ và có hệ thống. Bao gồm các yêu cầu: 

  • Thiết kế một không gian đáng sống. 

  • Tận dụng ánh sáng tự nhiên

  • Áp dụng biện pháp thông gió giữa càng tầng, các phòng có hiệu quả

  • Hạn chế tác động, thay đổi cảnh quan xung quanh

  • Khéo léo kết hợp mảng xanh vào các vị trí phù hợp của ngôi nhà

  • Sử dụng vật liệu thân thiện, an toàn

  • Tận dụng, thu hoạch và tái chế bền vững các nguồn tài nguyên như: năng lượng gió, ánh sáng mặt trời, nước mưa… 

Khi được kết hợp một cách tổng thể, kiến trúc xanh mang lại nhiều lợi ích cho cư dân và thành phố. Ngôi nhà góp phần gia tăng sự thoải mái, cảm giác hạnh phúc cho các thành viên. Bố cục, sắp xếp nội thất một cách gọn gàng, khoa học tiết kiệm diện tích sử dụng. Đặc biệt, không gian xanh, ánh sáng tự nhiên và lưu thông gió có tác dụng duy trì chất lượng không khí trong lành. Loại bỏ cảm giác bí bách, chật chội, ẩm mốc thường thấy trong những căn nhà phố cũ kỹ. 

Hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa, giếng trời hay không gian mở cũng chính là cách hữu hiệu giúp ngôi nhà thích ứng với những biến đổi khí hậu khôn lường. 

Về lâu dài, kiến trúc nhà xanh phù hợp là cách để giảm thiểu chi phí vận hành, giảm hóa đơn điện, nước. Đồng thời làm tăng giá trị tài sản khi bán lại. Và đương nhiên, sự có mặt của các dự án xanh sẽ giúp thành phố trong lành hơn, dễ thở hơn. 

Theo dõi sự biến động của thị trường nhà ở vài năm trở lại đây, kiến trúc sư (KTS) Đoàn Tú (chuyên gia thiết kế tại Công ty Kiến trúc Tây Hồ) cho biết: “Ngày nay, chuẩn mực về một ngôi nhà hoàn hảo đã thay đổi. Nó không chỉ để ở, mà hơn thế, còn phải là nơi hưởng thụ. Thiết kế nhà ở cần đề cao cảm nhận của cả 6 giác quan, tạo ra những không gian chung - riêng đảm bảo sức khỏe và gắn kết giữa các thành viên. Xét trên những yêu cầu đó, kiến trúc xanh trong thiết kế nhà ở hiện đại là lựa chọn phù hợp và đáp ứng tốt hơn cả”. 

Cũng theo KTS Đoàn Tú, dưới tác động của đại dịch Covid - 19, giãn cách tại gia lâu ngày, suy nghĩ của gia chủ về một ngôi nhà xanh hiện đại, không gian mở càng được đề cao. Nhất là nhà ống xây trong phố, ngõ ngách. 

Lúc này thay vì khối hộp bê tông thô kệch, bưng bít kín đáo, các thành viên đều mong muốn nhà nhiều cửa sổ, nhiều ánh sáng tự nhiên. Và cần có cả góc làm việc yên tĩnh, góc chill thư giãn. Song song với hướng mở, nhà vẫn phải đảm bảo an toàn sức khỏe, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Xanh… nhưng phải là xanh thật!

Kiến trúc xanh là xu hướng bền vững của tương lai. Nhưng không phải  cứ trồng thật nhiều cây ở ban công, sân thượng, sân vườn; sử dụng hệ thống nước sạch tưới tiêu chằng chịt từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới… là đã xanh. Ngược lại, những yếu tố này còn khiến gia chủ tốn kém hơn. Ít nhất là chi phí tưới tiêu, chăm sóc. 

Kiến trúc xanh trong nhà ở hiện đại cũng không phải là nhà bê tông kính thép vuông vức rồi ứng dụng thật nhiều công nghệ hiện đại để tiết kiệm điện nước.

Mà kiến trúc xanh, lối sống xanh, thân thiện cần phải có sự dung hòa giữa yếu tố tiện nghi và khả năng thích ứng với môi trường, điều kiện khí hậu địa phương. Điều này đòi hỏi người KTS phải giải được bài toán tổng thể về thiết kế - thi công - vật liệu - thiết bị, công nghệ - giải pháp mới… 

Bản chất của xu hướng kiến trúc xanh trong thiết kế nhà ở hiện đại là cải tạo môi trường sống. Tạo nên không gian cộng hưởng và chung sống bền vững với môi trường. Việc chạy theo một khái niệm chung chung là đẹp và lạ nhưng lại bỏ qua giá trị cốt lõi của đời sống khiến chúng ta không thể tương tác được với ngôi nhà của mình bằng cả 6 giác quan - tiêu chí của sự hưởng thụ. Vậy nên với mỗi chủ thể, mỗi dự án, lại cần có sự ứng dụng linh hoạt để tránh lãng phí, tác động tiêu cực lâu dài.

6 phương án thiết kế kiến trúc xanh bền vững trong nhà phố chật hẹp

Có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về xu hướng thiết kế nhà xanh bền vững, KTS Đoàn Tú (chuyên gia kiến trúc tại Kiến trúc Tây Hồ) cho biết: Hiện nay vẫn có không ít người nghĩ rằng những công trình xanh phải có giá thành xây dựng đắt đỏ, tốn kém, trang thiết bị hiện đại. Sở dĩ như vậy bởi họ cho rằng đây là những công trình có kiến trúc cầu kỳ lại đắp thêm những chi tiết xanh như: Pin năng lượng mặt trời, kính LowE… 

Thực tế không hẳn vậy! Bởi vì bản chất của kiến trúc xanh bền vững là sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực tới môi trường sống. Công trình xanh trở thành một phần của phản ứng toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và hoạt động của con người trong việc gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc ứng dụng công trình xanh một cách có hiệu quả thể hiện trách nhiệm của con người với môi trường. 

Như vậy, giá trị xanh của một căn nhà là sự tổ hợp của nhiều yếu tố. Để tích hợp được tất cả các yếu tố đó, ngôi nhà cần ứng dụng những phương án thiết kế phù hợp.  

Kích thước, công năng vừa đủ 

Nhà trong phố mặt tiền nhỏ hẹp chưa chắc đã là bất lợi. Ngược lại, xây nhà nhỏ là cách để giảm nhu cầu vật liệu và năng lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, điều cần quan tâm ở đây là nhu cầu về công năng sử dụng, các phòng, buồng, khu vực.

Trên thực tế, ngôi nhà hậu Covid - 19 của người thụ hưởng đã có sự thay đổi rõ rệt. Đó không còn chỉ là nơi ăn, ngủ, nghỉ, hay sáng đi, tối về. Mà hơn thế, nhà trở thành pháo đài vững chắc, kiên cố cho trận chiến phòng - chống dịch. Là nơi an toàn, bình yên nhất có tác dụng gắn kết và phát triển tình cảm gia đình. Vì vậy, ngoài các chức năng kể trên, gia chủ có thể xem xét đến khu vực đa năng khác như: phòng làm việc; góc vui chơi, thể thao, giải trí; khu vực thư giãn, giải tỏa căng thẳng…  

Xét về xu hướng sống bền vững thì nhà nhỏ vốn dĩ hiệu quả và ít lãng phí hơn. Và khi có thể đáp ứng được tất cả nhu cầu về công năng, hưởng thụ thì đó đã là một nơi đáng sống.

Sử dụng vật liệu thân thiện trong xây dựng

Một trong những vấn đề bức bách của nhà phố chật hẹp là thiếu khoảng thở. Trong nhà lại sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử, vật liệu cách nhiệt có chứa amiăng hay nội thất gỗ công nghiệp kém chất lượng dẫn đến lượng phát thải formaldehyde và chì lớn. Kết hợp với ô nhiễm môi trường, khói bụi từ bên ngoài khiến cho chất lượng không khí trong nhà bị giảm sút. Con người càng cảm thấy bí bách và khó chịu. 

Vì vậy, chất lượng không khí trong nhà phố (IAQ) là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay khi hướng đến lối sống xanh. Để cải thiện điều này, phương án được đề xuất là sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, an toàn với người sử dụng. 

Theo gợi ý của KTS Đoàn Tú, gạch ốp lát tái chế hay các mẫu gạch mosaic từ xơ mướp với màu sắc tươi sáng đang trở thành xu hướng hot được nhiều gia chủ quan tâm, ứng dụng. Ngoài ra, một số gợi ý vật liệu thân thiện khác cho nhà phố như: xi măng xanh, kính tiết kiệm năng lượng, ngói đúc ép, gạch hoa gió, tôn lợp sinh thái, sơn không chứa VOC… 

Về mặt nội thất, các sản phẩm gỗ công nghiệp chính hãng, chất lượng cao được kiểm duyệt chặt chẽ và duy trì lượng phát thải formaldehyde thấp dưới mức tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, sử dụng một số món đồ bằng mây tre đan, cỏ tranh, phên nứa, lá dừa, đá tự nhiên, đất nện, đá gỗ kết hợp... cũng góp phần làm sạch không khí. 

Ứng dụng vật liệu thân thiện trong thiết kế kiến trúc, sản xuất nội thất góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải khí độc hại ra môi trường. Đồng thời, tăng chất lượng không khí trong chính ngôi nhà của mình. 

Giải pháp cấp khí tươi chủ động cho nhà ống

Nếu khi tươi ngoài trời đi vào trong nhà quá ít, các chất gây ô nhiễm sẽ tích tụ dần dần và đạt đến mức độ có thể gây hại cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của con người. Vì vậy ngoài ứng dụng vật liệu thân thiện, bản thân hướng thiết kế kiến trúc cũng cần có sự thay đổi để đảm bảo nhu cầu thông gió tốt nhất. Trong đó, giếng trời là ưu tiên hàng đầu cho nhà phố hiện đại diện tích nhỏ. Nó được ví như một phễu thu nắng, gió, cấp khí tươi tự nhiên đến tất cả các buồng, phòng, khu vực chức năng. 

Để tiết kiệm diện tích sử dụng cho nhà phố, giếng trời có thể đặt ngay tại vị trí cầu thang. Hoặc kết hợp giữa 3 công năng: cầu thang, giếng trời, thông tầng. Phép bố trí các sàn tịnh tiến sẽ giúp cho diện tích sử dụng tại cầu thang được nới rộng ra thay vì một đường thẳng dốc, bó hẹp, chật chội. Khi đó, hành lang nghỉ giữa các tầng của cầu thang hoàn toàn có thể tận dụng làm khu vực vui chơi, thể dục thể thao hiệu quả. 

Trong các dự án nhà phố của công ty Kiến trúc Tây Hồ, cầu thang sẽ thay đổi linh hoạt theo cao độ và vị trí tương ứng dẫn đến các sàn, nương theo chiều xiên của lõi thông tầng. Ánh sáng, gió, khí tươi theo đó mà len lỏi, tạo hiệu ứng bóng đổ lên bề mặt xung quanh. Không chỉ thể hiện tính thẩm mỹ, mà còn để giảm bớt cường độ ánh sáng không cần thiết từ bên ngoài. 

Hậu Covid - 19, chất lượng không khí và nắng gió tự nhiên cho nhà phố càng quan trọng. Nó giúp ngôi nhà luôn khô ráo, tránh ẩm mốc, phát sinh bệnh. Lại đảm bảo bầu không khí trong lành, an toàn khi cả gia đình phải giãn cách cùng nhau. 

Thiết kế vườn xanh tại ban công, sân thượng

Có một thứ không trực tiếp tạo ra gió và không khí, nhưng lại có vai trò rất lớn trong thiết kế công trình bền vững, đó là cây xanh. Tuy nhiên, công trình xanh không phải là công trình cồng nhiều cây xanh. 

Từ quan sát của KTS Đoàn Tú, hiện nay, rất nhiều KTS trẻ cố gắng đưa thật nhiều mảng xanh vào nhà phố, thậm chí là trồng trên cao, tầng mái để gây ấn tượng và thỏa mãn tính nhân văn của xu hướng. Nhưng song song với đó sẽ là cả một  hệ thống chăm sóc chằng chịt, tốn kém điện, nước, đèn chiếu sáng. Vậy đó đã không còn là một công trình xanh bền vững. 

Thay và đó, vườn xanh cần được sắp xếp và lựa chọn vị trí một cách khéo léo. Đảm bảo vừa hài hòa với kiến trúc, vừa đáp ứng được nhu cầu sống xanh, lại giảm thiểu năng lượng tiêu thụ cho quá trình chăm sóc. 

Ban công, sân thượng là những vị trí thích hợp. Ngoài ra, còn một số góc chết khác như chân cầu thang, vị trí thông tầng, sân ướt sau nhà. Trong không gian sinh hoạt chung - riêng, gia chủ có thể đặt thêm vài chậu cây nhỏ, dễ chăm sóc. Chỉ cần vậy cũng đủ khiến ngôi nhà trở nên trong lành.

Vài năm trở lại đây, kiểu nhà phố có giếng trời thông tầng kết hợp vườn sinh thái có cây xanh lớn trong nhà cũng được nhiều gia chủ quan tâm. Đây là một ý tưởng hay, nhưng cần tính toán loại cây cũng như khả năng phát triển của nó trong tương lai. Đặc biệt nên ưu tiên cây chịu hạn tốt.

Ứng dụng công nghệ thông minh cho giải pháp tiết kiệm năng lượng

Tiết kiệm năng lượng là một trong những tiêu chí quan trọng khi thiết kế nhà ở bền vững. Thực tế, việc bổ sung giếng trời, thông gió cấp khí tươi tự động đã giúp các gia đình hạn chế tương đối việc sử dụng đèn, điều hòa, thông gió. 

Ngoài ra, nhà phố có thể áp dụng hệ thống đèn LED trung tính tích hợp tự động điều chỉnh cường độ. Lắp đặt thêm lò sưởi cồn sinh học sưởi ấm vào mùa đông. Cồn sinh học rượu metylic là nguồn năng lượng tái tạo từ đường lên men và các tinh bột thực vật nên tương đối an toàn. 

Tái chế năng lượng có hiệu quả 

Tái chế tài nguyên giúp giảm lãng phí và hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường. Ngập lụt sau mỗi trận mưa là tình trạng phổ biến ở các khu đô thị lớn. Trong khi đó, nước mưa lại là nguồn tài nguyên sạch, vô tận và rất dồi dào. Vậy bản thân mỗi gia đình có thể thiết kế hệ thống thu dung và tái sử dụng nước mưa một cách có hiệu quả. Nguồn dự trữ nước sạch tiếp tục được ứng dụng trong tưới tiêu sân vườn, tiểu cảnh, sinh hoạt gia đình. 

Rác hữu cơ cũng là nguồn tài nguyên có thể tái chế. Chủ nhà có thể đem ủ với chế phẩm sinh học tạo thành phân bón cho chính những chậu hoa, cây rau trên sân thượng. Đây là cách tái chế năng lượng cực kỳ hiệu quả lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Covid - 19 đã có những tác động tiêu cực đến mọi mặt của cuộc sống. Nhưng chính cú hích này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lối sống xanh, thân thiện và bền vững, nhất là với nhà phố chật hẹp. Khi kết hợp được hài hòa và tổng thể những phương án thiết kế kiến trúc xanh trên đây, căn nhà phố dù nhỏ cũng vẫn trở thành một pháo đài kiên cố, tiện nghi, an toàn và đáng sống. 

KTS Thanh Tú (Công ty Kiến trúc Tây Hồ)

---

* Có thể bạn quan tâm:

Sống xanh – Chuẩn mực mới của thế giới hiện đại

Kỳ lạ ngôi nhà có mái như công viên mini

Công viên ngay trên mái nhà đây có lẽ là ngôi nhà độc đáo nhất Việt Nam

Sống thuận tự nhiên - Bình yên cuộc đời


(*) Xem thêm

Bình luận