Cách làm Bánh Dẻo và Bánh Nướng Trung Thu ngon nhất
Cứ mỗi dịp Trung Thu về, cả đất trời như dịu lại, cũng là lúc những người con xa xứ thêm nỗi nhớ quê hương với niềm mong được trở về. Và Bánh Dẻo, Bánh Nướng là những món ăn truyền thống đặc trưng làm nên hương vị tình thân trong dịp tết đoàn viên này.
1. Cách làm Bánh Dẻo nhân đậu xanh
1.1. Nguyên liệu cho 6 cái bánh 150g
a. Phần nước đường:
Đường 250g, nước nóng 250ml, nước cốt chanh (1 muỗng cà phê)
b. Phần nhân:
Đậu xanh 200g, nước 400ml, đường vàng 150g, bột nếp chín 30g, muối 1/4 muỗng, dầu ăn 4 muỗng canh
c. Phần vỏ bánh:
Bột nếp chín 200g, tinh dầu bưởi 1/2 muỗng cà phê
* Cách chia tỉ lệ bánh:
- Khuôn 50g: Chia với tỉ lệ 20g vỏ bánh, 30g nhân bánh
- Khuôn 75g: Chia với tỉ lệ 30g vỏ bánh, 45g nhân.
- Khuôn 125g: Chia với tỉ lệ 50g vỏ bánh, 75g nhân.
- Khuôn 150g: Chia với tỉ lệ 60g vỏ bánh, 90g nhân
- Khuôn 200g: Chia với tỉ lệ 80g vỏ bánh, 120g nhân
1.2. Cách chế biến Bánh trung thu dẻo nhân đậu xanh
Phần nhân:
Ngâm 200g đậu xanh với nước ấm trong 1 tiếng.
Sau đó cho vào nồi phần đậu đã ngâm, 400ml nước, ¼ muỗng cà phê muối, nấu trên lửa to cho đậu sôi.
Khi đậu sôi, bạn hạ lửa nhỏ và tiếp tục nấu đến khi đậu chín nhừ.
Xay nhuyễn đậu xanh
Khi đậu còn nóng, bạn cho vào 150g đường vàng rồi trộn thật đều, sau đó đem hỗn hợp đi xay nhuyễn.
Sên nhân đậu xanh
Cho vào chảo chống dính phần đậu vừa xay rồi sên nhân trên lửa nhỏ. Khi hỗn hợp sánh lại, bạn cho lần lượt 4 muỗng canh dầu ăn vào rồi trộn đều. Lưu ý là chia nhỏ lượng dầu ăn ra nhé, trộn đều phần dầu cũ rồi mới cho phần dầu mới vào. Tiếp theo, cho từ từ 30g bột bánh dẻo vào và tiếp tục sên đến khi nhân kết thành khối, khô ráo.
Mách nhỏ:
- Bạn có thể lấy một ít nhân, vo tròn, nếu viên nhân đứng, không bị chảy xệ là đạt.
- Khi sên, nếu nhân bị tươm dầu là do lửa to quá, bạn có thể khắc phục bằng cách cho thêm một ít nước nóng rồi tiếp tục sên.
- Sau khi sên xong hoặc để nguội, nếu nhân bị bở, vụn thì có thể là do không che đậy khiến nhân mất nước hoặc dùng quá ít dầu ăn hoặc đường.
-
Trộn bột bánh dẻo (vỏ bánh)
Cho vào nồi 250g đường, 250ml nước nóng, khuấy đều trên bếp với lửa vừa cho đường tan. Khi nước sôi, bạn cho thêm 1 muỗng cà phê nước cốt chanh, tiếp tục đun thêm 5 phút nữa rồi tắt bếp.
Cho vào tô 350g nước đường, ½ muỗng cà phê tinh dầu bưởi, 150g bột nếp chín, sau đó khuấy đều theo một chiều đến khi bột hòa quyện.
Lăn bột bánh dẻo bằng một ít bột khô rồi để bột nghỉ 15 phút.
-
Bọc bánh
Chia nhân ra làm 6 phần, mỗi phần 90g rồi vo tròn.
Cuộn và dàn bột khoảng 3 lần, sau đó chia ra làm 6 phần, mỗi phần 60g.
Cán mỏng bột vỏ bánh, cho nhân đậu xanh vào, túm chặt mép bột và vo tròn.
-
Đóng bánh (tạo khuôn)
Xoa một ít bột khô vào khuôn, cho bánh vào rồi ấn mạnh để tạo hình.
-
Thành phẩm
Bánh trung thu sau khi hoàn thành có lớp vỏ dẻo mịn, thơm nhẹ hương hoa bưởi, phần nhân đậu xanh có màu vàng đẹp mắt, ngọt bùi vừa phải nên khi ăn không có cảm giác ngán. Nếu muốn bánh ngon hơn, bạn có thể để qua ngày hôm sau rồi dùng nhé!
Cách bảo quản bánh:
Bọc kín bánh bằng màng bọc thực phẩm, bảo quản tốt nhất trong ngăn mát tủ lạnh và dùng trong 7 ngày.
2. Cách làm bánh nướng
Bánh nướng nhân thập cẩm truyền thống là sự hòa quyện của các loại mứt, hạt khô, lá chanh, mỡ đường và lạp xưởng. đơn giản nhưng vô cùng hấp dẫn.
2.1. Nguyên Liệu (cho 18 bánh 85g)
Nước đường:
- 700g đường nâu (hoa mai)
- 200g đường cát trắng
- 500ml nước lọc
- 5ml nước cốt chanh (1 thìa canh). Nước cốt chanh giúp cho đường không bị cô lại khi nấu thành hạt li ti, cho mùi bánh có mùi thơm the mát dễ chịu hoặc có thể sử dụng nước cốt trái thơm.
Vỏ bánh
-
320 g bột mì số 13
- 200 g nước đường bánh nướng
- 30 g dầu hướng dương
- 10 g bơ lạc (bơ đậu phộng)
- 10 g lòng đỏ trứng gà
- 10 g bột sư tử
Nhân bánh
-
60 g hạt bí
- 60 g hạt dưa
- 100 g hạt điều hoặc hạt hạnh nhân
- 100 g vừng trắng
- 100 g mứt bí
- 60 g mứt sen
- 20 g mứt vỏ chanh
- 100 g thịt xá xíu
- 100 g mỡ đường
- 100 g lạp xưởng
- 1/4 gói ngũ vị hương
- 30 g lá chanh thái sợi
Nguyên liệu kết dính nhân
-
80 g bột bánh dẻo (bột gạo nếp rang)
- 20 ml dầu mè
- 35 ml rượu mai quế lộ
- 135 ml nước
- 135 g đường
- 30 g gừng thái nhỏ
Nguyên liệu hỗn hợp quét mặt bánh
-
1 lòng đỏ trứng gà
- 1/2 lòng trắng trứng gà
- 1 thìa cơm sữa tươi không đường
- 1/2 thìa cơm dầu mè
- 1/3 thìa cơm hắc xì dầu
Dụng Cụ
-
Khuôn bánh nướng 85 g
-
Âu trộn
-
Thìa trộn
-
Chổi lông mịn quét mặt bánh
2.2. Chế biến
Nấu nước đường
- Cho chảo lên bếp, đổ nước vào trong chảo đun sôi, rồi cho đường nâu vào. Bạn khuấy trên bếp cho đến khi đường tan hết, khuấy đều tay để tránh đường không dính ở đáy nồi.
- Khi đường đã tan, vẫn để chảo trên bếp cho quá trình đun nấu bạn chẳng cần đảo hay khuấy trong chảo (bởi đảo hay khuấy sẽ gặp vấn đề lại đường) Nước đường đã sôi, bạn bổ sung nước cốt chanh từ từ vào. Tiếp tục cho vỏ chanh vào nấu cùng. Thấy phần bọt nổi lên phía trên chảo nước đường lấy vá vớt ra.
- Thời gian nấu sẽ có thể thay đổi tuỳ thuộc vào lượng nước đường, đôi khi công thức trong bài có thể thời gian nấu trong khoảng 45 - 55 phút. Thực tế khi nấu trong thời gian 35 phút thì bạn có thể thử biết đường phù hợp hay chưa. Đây là cách nấu nước đường bánh trung thu nướng chuẩn nhất.
Cách nếm thử nước đường phù hợp sử dụng làm bánh trung thu:
- Dùng chén nước lạnh, nhỏ 1 giọt nước đường vừa nấu cho vào trong chén. Nếu nước đường tan trong nước lạnh là loại đường non, thì bạn nên đun tiếp tục một tí thời gian nữa nhé.
- Nếu nước đường khi nhỏ giọt vào nước lạnh đóng thành các miếng tròn, thì chắc chắn rằng bạn đã nấu nước đường quá lửa, cách khắc phục trường hợp này bạn bổ sung nước sôi vào để làm nước đường sẽ loãng hơn, rồi bắt lên bếp nấu thêm vài phút để cho nước đường đạt hiệu quả.
- Còn nếu nước đường lắng xuống đáy chén nước lạnh, được hoá thành quầng hơi nan thì nước đường nấu đã đạt.
- Bạn sẽ vớt vỏ chanh ra khi nước đường nấu đã đạt chất lượng, đợi nước đường nguội lại bạn cho vào lọ thuỷ tinh rồi đóng nắp lại. Để bảo quản nước đường trong thời gian dài thì nên để nơi khô thoáng, nước đường để càng lâu thì nước đường càng ngon.
Làm vỏ bánh
Đầu tiên, bạn trộn nước đường, dầu hướng dương, bơ lạc và lòng đỏ trứng trong 1 âu cho đến khi tất cả hòa quyện. Bạn hãy tham khảo cách làm nước đường bánh nướng ở đây.
Ở 1 âu khác, bạn trộn đều 200 g bột mì với bột sư tử. Sau đó, bạn cho hỗn hợp ướt ở trên vào trộn đều. Bạn thêm tiếp 50 g vào trộn, lúc này hỗn hợp đã rất đặc nặng và sẽ xuất hiện những chỗ bột khô ướt không đều. Bạn nên dùng găng tay để trộn cho dễ và hỗn hợp nhanh đều hơn. Lưu ý, bạn chỉ bóp bột chứ không nhồi bột.
Bạn tiếp tục thêm 50 g bột vào trộn. Với 20 g bột còn lại, bạn dùng để gia giảm bột tuỳ vào nước đường đặc hay loãng. Bạn thêm từ từ cho đến khi hỗn hợp bột mịn, gần như không dính tay thì dừng lại.
Tiếp đó, bạn bọc kín phần vỏ bánh này và ủ 30 phút trước khi vê nhân và đóng bánh.
Bước 2: Chuẩn bị nhân bánh
Trong thời gian chờ ủ vỏ bánh, bạn tiến hành rang các loại hạt cho đến chín vàng, giòn và thơm. Bạn hòa tan nước với đường rồi đun sôi, sau đó cho gừng thái nhỏ vào, đun thêm 3 phút thì tắt bếp và để nguội.
Sau đó, bạn thái hạt lựu hoặc đập vụn hạt điều, các loại mứt. Bạn cho lạp xưởng vào lò vi sóng quay khoảng 15-20 giây rồi thái nhỏ.
Tiếp theo, bạn trộn tất cả các nguyên liệu ở phần nhân bánh lại với nhau, rồi thêm bột bánh dẻo, dầu mè, rượu mai quế lộ trộn cho đều.
Tiếp đó, thêm từ từ nước đường gừng thành nhiều lần rồi trộn đều. Khi bột bánh dẻo gặp nước sẽ nở ra tạo độ kết dính, giúp cho các nguyên liệu dính lại nhau dễ dàng hơn.
Khi trộn nhân, bạn nên cảm nhận độ ẩm của nhân. Bạn có thể dùng tay nắm thử nhân thành 1 nắm tròn, nếu các nguyên liệu kết dính không rời nhau thì phần nhân đã đạt. Vì vậy, bạn không nhất thiết phải dùng hết chỗ nước đường gừng nếu nhân kết dính tốt.
Trong quá trình trộn nhân, bạn có thể gia giảm thêm đường cho hợp khẩu vị. Nếu thấy nhân quá khô, bạn có thể thêm từng thìa cà phê nước. Nếu nhân chưa đủ độ kết dính thì bạn thêm bột bánh dẻo. Bạn không nên sử dụng bột khác như bột ngô hay bột mì thay thế bột bánh dẻo.
Sau khi trộn nhân xong, bạn chia nhân thành các phần bằng nhau theo tỉ lệ 2 nhân 1 vỏ phù hợp với trọng lượng khuôn.
Với công thức bánh nướng này, mình sử dụng khuôn 85 g, vì vậy mình chia nhân thành các phần có trọng lượng từ 50-55 g. Sau đó, bạn vo tròn nhân lại để đóng bánh luôn. Vì nhân thập cẩm chứa nhiều hạt nên bạn cần dùng ngay để tránh các hạt bị ỉu.
Bước 3: Nặn bánh
Đầu tiên, bạn chia bột thành các phần bằng nhau có trọng lượng khoảng 30-35 g. Bạn nên sử dụng màng bọc để bọc các phần bột lại hoặc để vào nơi kín trong quá trình đóng bánh để tránh bột bị khô.
Tiếp theo, bạn vê bột thành hình tròn. Nếu bạn là người mới bắt đầu hoặc cảm thấy bột hơi dính thì có thể xoa 1 lớp bột áo vào tay trước khi vê bột. Lớp bột áo sẽ giúp cho việc cán bột dễ dàng hơn.
Sau đó, bạn dùng cây cán bột cán khối bột thành hình tròn, với phần mép dày hơn phần giữa. Bạn nên cán nhẹ nhàng và không nên cán quá rộng, sẽ làm cho vỏ khó ôm sát vào nhân. Phần vỏ được cán chỉ nên vừa đủ bao 2/3 phần nhân, sau đó bạn miết từ từ phần vỏ thì sẽ bao hết phần nhân còn lại.
Bạn đặt viên nhân vào giữa miếng vỏ vừa cán, nhẹ nhàng miết vỏ từ dưới lên để vỏ ôm sát vào nhân. Tiếp đó, miết phần mép vỏ lên để các mép dính vào nhau. Nếu thấy có phần vỏ phồng lên, tức là có không khí giữa vỏ và nhân thì dùng tăm chọc nhẹ để phần khí đó thoát ra và nhẹ nhàng miết kín lại.
Bạn làm tương tự cho đến khi hết các phần nhân và dùng màng bọc để phủ lên, tránh cho bánh bị khô.
Bước 4: Đóng bánh
Trước khi đóng bánh, bạn bật lò nướng ở 200 °C để làm nóng trong 15-20 phút. Bạn chuẩn bị khay nướng có lót giấy nến. Bạn không nên dùng khay đen đi kèm lò, vì dễ làm cháy đế bánh.
Tiếp theo, bạn dùng chổi quét 1 lớp dầu thật mỏng, hoặc phủ 1 lớp mỏng bột vào thành khuôn. Sau đó, bạn cho viên bánh vào khuôn, ấn nhẹ nhàng và dàn đều bánh rồi lấy bánh ra. Bạn có thể dùng tăm chọc vài lỗ nhỏ ở đế bánh, để khi nướng, khí bên trong sẽ dễ dàng thoát ra, giúp nhân và vỏ bánh không có khoảng trống sau khi nướng.
Nếu dùng khuôn lò xo, bạn cần phải giữ chắc khuôn và ép mạnh tay, dứt khoát thì bánh sau khi đóng sẽ dễ lấy ra hơn mà vẫn giữ được hình dáng và độ sắc nét.
Bước 5: Nướng bánh
Cuối cùng, bạn đem nướng bánh ở chế độ 2 lửa.
Bạn nướng lần 1 trong 15 phút ở 200 °C. Trong thời gian chờ bánh chín, bạn hòa tan hỗn hợp quét mặt rồi lọc qua rây cho mịn. Khi bánh có màu trắng đục, mặt bánh hơi xém vàng thì bạn bỏ ra khỏi lò, chờ bánh khoảng 10-15 phút, rồi quét 1 lớp mỏng hỗn hợp trứng lên mặt và thành bánh bằng chổi mềm.
Sau đó, bạn đem nướng lần 2 trong 10 phút ở 200 °C. Bạn chờ bánh nguội rồi tiếp tục quét 1 lớp mỏng hỗn hợp quét mặt. Cuối cùng, bạn nướng lần 3 tương tự như lần 2.
Bạn chú ý, không được quét quá nhiều hỗn hợp trứng hay quét chỗ mỏng chỗ dày vì sẽ làm đọng trứng và mất nét bánh.
Nhiệt và thời gian nướng có thể thay đổi tùy thuộc vào kích thước lò và khối lượng bánh. Vì vậy, bạn cần linh hoạt điều chỉnh nhiệt độ và thời gian cho phù hợp.
Thành phẩm
Bánh mới nướng xong vỏ còn cứng, bạn hãy để ra giá cho nguội hoàn toàn. Sau đó, bạn đóng gói kèm túi hút ẩm, khoảng 2-3 ngày sau, đường xuống màu, dầu từ nhân bánh thấm ra ngoài sẽ giúp vỏ bánh có màu nâu sậm, bóng và mềm.
Vì bánh handmade không có chất bảo quản nên bạn có thể để bên ngoài trong 3-4 ngày và 1 tuần trong tủ lạnh. Tốt nhất là bạn nên sử dụng trong 3-4 ngày sau khi nướng, vì đây là thời gian bánh xuống dầu ở độ hoàn hảo và có hương vị thơm ngon nhất.
Thành phẩm thu được là những chiếc bánh nướng vàng ươm. Nếu nhâm nhi cùng tách trà thì sẽ giúp cân bằng vị đậm đà của miếng bánh vừa tan trong miệng.
Chúc các bạn thành công với các công thức làm bánh trung thu cổ truyền như trên để mùa trăng sắp tới thêm ấm áp và ý nghĩa nhé!
Nguồn: dienmayxanh.com, dolambanhgabi.vn & thatlangon.com
Xem thêm