Thế gian Đại Việt kiệt xuất một con người: Phật hoàng Trần Nhân Tông

10/11/2021 | 747

Các nhà nghiên cứu lịch sử đã từng đánh giá rằng, trong suốt 10 thế kỷ phong kiến Việt Nam, hiếm có vị vua nào lãnh đạo đất nước tài tình, chống giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi, chăm lo đời sống nhân dân ấm no, thanh bình, đồng thời để lại một di sản văn hóa, đặc biệt là về Phật giáo kỳ vĩ như Đức vua Trần Nhân Tông. Ngài dường như được sinh ra để tạo nên những điều phi thường, kì diệu. Ngài được người đời sau biết ơn, tôn thờ và gọi với cái tên đầy kính ngưỡng là 'Phật Hoàng Trần Nhân Tông'.

Đức vua Trần Nhân Tông (P.3): Trần Nhân Tông - giai thoại tu hành và những  vần thơ bất tử

Bối cảnh lịch sử

Đức vua Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh năm Mậu Ngọ – 1258 vào ngày 11/11 (Âm lịch). Ngài là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Sử sách ghi lại rằng khi Ngài mới sinh ra đã có dung mạo của bậc thánh nhân, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, sắc thái như vàng ròng, nên được vua cha đặt cho tên hiệu là Phật Kim.

Ngay từ khi còn bé, Trần Nhân Tông đã muốn xuất gia. Ngài tôn Tuệ Trung thượng sĩ làm thầy. Ngài từng muốn phụ hoàng nhường ngôi cho em để xuất gia nhưng không được. Có thời gian, Ngài đã quá mải mê với việc giữ gìn giới luật đến nỗi mặt võ mình gầy, vua Thánh Tông thấy vậy phải nhắc: “Trẫm nay đã già rồi, chỉ trông mong vào một mình con. Nếu con như thế thì cơ nghiệp lớn của tổ tông sẽ ra sao?". Do vậy, dù có khí chất bẩm sinh và chí hướng xuất gia tu Phật từ bé nhưng Ngài đành phải tạm gác sang một bên, để làm tròn trách nhiệm trước tổ tông và xã tắc, cũng như để tâm đến việc nắm giữ ngôi báu và trị quốc, an dân.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông sinh ra khi cuộc chiến lần thứ nhất của quân dân Đại Việt chống quân Nguyên Mông vừa kết thúc (1258), đất nước vừa sạch bóng quân thù, quân dân Đại Việt hân hoan mừng đại thắng và khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh. 

Tuổi thơ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông được giáo dưỡng trong một môi trường cực kì thuận lợi, thanh bình. Là hoàng thái tử, được xác định là người sẽ nối ngôi vua, từ nhỏ Ông đã được sự rèn cặp của ông chú (Trần Thủ Độ) nghiêm khắc mà can trường mưu lược, của người cha (Thánh Tông) thông tuệ mà từng trải. Sử ghi, Hoàng thái tử được thụ hưởng một chế độ giáo dục dặc biệt, với nội dung phong phú, ngoài kinh điển Tam giáo Ông còn được học cả thơ ca âm nhạc, thiên văn lịch số, binh pháp y thuật v.v…

Trong suốt 10 thế kỷ phong kiến Việt Nam, hiếm có vị vua nào lãnh đạo đất nước, chống giặc ngoại xâm, để lại một di sản văn hóa kỳ vĩ như vua Trần Nhân Tông.

Trong suốt 10 thế kỷ phong kiến Việt Nam, hiếm có vị vua nào lãnh đạo đất nước, chống giặc ngoại xâm, để lại một di sản văn hóa kỳ vĩ như vua Trần Nhân Tông.

Một vị vua anh minh tài đức vẹn toàn

Ngày 22 tháng 10 niên hiệu Bảo Phù thứ VI (1278), Hoàng thái tử 21 tuổi được vua cha là Trần Thánh Tông nhường ngôi. Nhân Tông lên ngôi trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt: tuy đất nước được sống trong hoà bình hơn 20 năm nhưng thực chất cả hai bên đều ráo riết chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh không tránh khỏi, với qui mô lớn hơn, tính chất khốc liệt hơn nhiều.

Mùa hạ năm 1279 nhà Nguyên đã hoàn tất việc chinh phục Trung nguyên. Qua 20 năm ngoại giao, thăm dò, gián điệp và chuẩn bị lực lượng, Hốt Tất Liệt quyết tâm phát động cuộc chiến tranh xâm lược trên qui mô lớn, với lực lượng kị binh và chiến thuyền trội vượt, nhằm bóp nát Đại Việt trong thời gian ngắn nhất.

Trên nền tảng của một nền kinh tế vững mạnh, một nhà nước tập quyền chặt chẽ được lãnh dạo bởi tầng lớp quí tộc gương mẫu, trên dưới một lòng, vua tôi nhà Trần và quân dân Đại Việt đã sẵn sàng với tâm thái bình tĩnh và tự tin sục sôi quyết chiến.

Tuy là hoàng tử lớn lên trong cảnh thái bình nhưng niềm tự hào về tổ tông xã tắc và trách nhiệm luôn cháy bỏng trong con tim của chàng trai trẻ – Hoàng đế Trần Nhân Tông, và Ông đã thốt lên vần thơ chắc khoẻ, tự nhắc mình về trách nhiệm đó:

Bạch đầu quân sĩ tại

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong

(Người lính già đầu bạc còn kể mãi chuyện đánh giặc năm Nguyên Phong).

Là người được giáo dục đào tạo toàn diện, Trần Nhân Tông có đủ trí lực và thể lực đảm lãnh vai trò là tổng chỉ huy cả hai cuộc kháng chiến, trực tiếp vạch ra chiến lược và sách lược quân sự, trực tiếp chỉ huy và tham gia chiến đấu như một chiến binh thực thụ, “Vua tự làm tướng đốc chiến đi trước, xông pha tên đạn”. Việc tổ chức Hội nghị quân sự Bình Than (tháng 10 năm 1282), Hội nghị bô lão Diên Hồng (tháng 12 năm 1284) và phong chức Phó tướng cho viên tướng “lắm tài nhiều tật” Trần Khánh Dư v.v… thể hiện tầm nhìn của một nhà quân sự chiến lược, nhãn quan sâu sắc của một nhà chính trị, con mắt tinh tường của một vị chủ tướng.

Vì sao hoàng tử Trần Khâm nhiều lần từ chối làm vua?

Tại hội nghị Bình Than, là vị vua trẻ, nhưng phong thái của Vua Trần Nhân Tông vô cùng đĩnh đạc, tầm nhìn sâu rộng. Nói về tài dùng người, đức độ bao dung khoáng đạt của vị vua trẻ Trần Nhân Tông không thể không nhắc tới việc trọng dụng Trần Hưng Đạo. Bấy giờ, giữa dòng trưởng của Trần Hưng Đạo và dòng thứ của Vua không phải không có hiềm khích. Trần Hưng Đạo là con trai của Trần Liễu (anh trai ruột ông nội vua), tức là dòng trưởng đã không được làm vua mà trong nhiều chuyện còn bị “xử ép”, và từng nổi loạn. Vậy mà, Vua Trần Nhân Tông trọng dụng, giao phó cho Quốc Tuấn trọng trách Quốc công tiết chế thống lĩnh toàn bộ quân đội. Đáp lại ân sủng của vua, Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã gạt tình riêng, dâng hiến thiên tài quân sự của mình cho nước. Và cũng tại hội nghị Bình Than, chỉ thoáng thấy bóng thuyền của Trần Khánh Dư – một tướng tài lắm tật, bị phạt tội phải kiếm sống bằng nghề bán than lướt qua nơi tổ chức hội nghị Bình Than mà Vua Trần Nhân Tông liền ra ngay lệnh chỉ tha tội cho Trần Khánh Dư rồi gọi vào họp, sau đó giao cho chức Phó đô tướng quân… 

Lịch sử cũng ghi sự kiện hiển hách về tinh thần dân chủ cởi mở của Vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông khi tổ chức hội nghị Diên Hồng. Có thể coi đây là mầm mống của hành động “trưng cầu dân ý” về một sự kiện trọng đại của đất nước, khi Thoát Hoan sắp đưa quân chủ lực tấn công Đại Việt. Đẹp biết bao hình ảnh Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản bóp nát quả cam ở bên lề hội nghị Bình Than và muôn người như một đồng thanh hô “đánh” ở hội nghị Diên Hồng. Chính lòng vua tôi, tướng lĩnh, quân dân như một đã làm nên phong thái đĩnh đạc của Trần Hưng Đạo khi trả lời câu hỏi của Vua Trần Nhân Tông nhận định về tình hình cuộc chiến sắp xảy ra ở cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba: “Năm nay đánh giặc nhàn”. Còn với vị vua trẻ Trần Nhân Tông, trước thế giặc mạnh, tấn công cả hai phía từ phía Bắc và phía Nam từ Chiêm Thành sang, mặt trận Khâu Cấp – Nội Bàng đã tan vỡ và đại quân Trần phải lùi về Vạn Kiếp.

Di Chúc của Vua Trần Nhân Tông – Vườn thơ Tao Đàn

Trên con thuyền chạy ra Hải Đông tránh mũi dùi tấn công của giặc nhiều tướng lĩnh thua trận, đầu hàng giặc, vậy mà vị vua trẻ vẫn ung dung tự tin. Ông chính là linh hồn của xã tắc giữa giờ phút cheo leo bên bờ vực thẳm. Đây là câu thơ của Vua Trần Nhân Tông tự tay viết lên mạn thuyền:

Cối Kê cựu sự quân tu ký,    

Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh.

(Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ,

Hoan Diễn còn kia mười vạn quân). Mượn tích một ngàn quân còn lại trên núi Cối Kê của Việt Vương Câu Tiễn đã đánh bại quân Ngô ở thời Chiến quốc, đồng thời Vua Trần Nhân Tông cũng khích lệ tướng sĩ rằng vùng hậu phương Thanh – Nghệ lực lượng hiện vẫn chưa suy suyển sẽ sẵn sàng đánh tan quân đội Nguyên Mông. 

Và hào sảng với câu thơ ngày khải hoàn khi Vua nhìn thấy ngựa đá ở lăng tẩm ông nội:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,

Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

(Xã tắc hai phen bon ngựa đá,

Non sông nghìn thuở vững âu vàng).

Tấm lòng bao dung hiếm có của Vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông cũng thật hiếm có khi không truy cứu những người nao núng viết thư đầu hàng giặc.

Tấm lòng bao dung hiếm có của Vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông khi không truy cứu những người nao núng viết thư đầu hàng giặc.

Sau chiến thắng kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba (1288) Trần Nhân Tông còn ở ngôi 5 năm chăm lo việc củng cố đất nước và vương triều, khắc phục hậu quả sau chiến tranh, năm 1290 vua còn thân cầm quân đi đánh Ai Lao, ổn định biên giới. Theo lệ nhà Trần, tháng 5 năm 1293, vua nhường ngôi cho thái tử đã trưởng thành, lên làm Thái thượng hoàng. Là người thông tuệ và từng trải, Thái thượng hoàng hiểu sâu sắc rằng giành được thắng lợi trong chiến tranh đã khó, chăm lo sức dân, xây dựng đất nước sau chiến tranh lại càng khó hơn. Do vậy, tuy Thái thượng hoàng thường ở hành cung Thiên Trường quê nhà nhưng Ngài vẫn dõi theo việc nước, kiểm sát công việc trị nước của vua con Trần Anh Tông. Ở Thiên Trường, trong dịp xem sổ bổ nhiệm quan chức, Thái thượng hoàng nghiêm khắc nhắc nhở: “Sao nước nhỏ bằng bàn tay mà lắm quan lại thế!”.

Tháng 5/1299, Ngài bất ngờ xa giá về kinh sư, thấy vua tôi uống rượu say khướt, quá giờ thìn (hơn 9 giờ sáng) mà vẫn chưa dậy, bèn lập tức trở về hành cung Thiên Trường triệu tập các quan trong triều, chỉ mặt Anh Tông mắng: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm còn sống mà ngươi còn như vậy, huống chi sau này”. Nhờ có bài tấu/tự kiểm điểm khẩn thiết do học trò Đoàn Nhữ Hài viết hộ và sự can xin của các quan mà Anh Tông thoát bị trừng phạt nhưng từ đó không dám biếng nhác việc nước.

Tháng 3 năm 1301, Trần Nhân Tông sang Chiêm Thành và ở lại đây gần một năm. Việc ngoại giao gắn kết hai dân tộc, ổn định phương Nam đề phòng sự xâm lược còn đang toan tính của nhà Nguyên được Thượng hoàng Trần Nhân Tông thực thi bằng một hành động khôn khéo: gả công chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm là Chế Mân vào năm 1306. Đáp lại, Chế Mân nhượng hai châu Ô, Lý cho Đại Việt và đổi thành hai châu Thuận, Hóa. 

Mười bốn năm trên ngôi vị Hoàng đế, 5 năm trên cương vị Thái thượng hoàng, Trần Nhân Tông hiện lên sừng sững hình ảnh một bậc minh quân – dũng tướng, sáng ngời võ công văn trị mà không ai sánh kịp.

Dù ở cương vị Hoàng thái tử hay Hoàng đế, Thái thượng hoàng, giữa bộn bề công việc quốc gia, Trần Nhân Tông vẫn một lòng tiến tu đạo Phật, quyết chí xuất gia. Sách Tam tổ Trúc Lâm viết, “Năm 21 tuổi Ngài lên ngôi Hoàng đế. Tuy ở địa vị cửu trùng mà Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập. Hàng ngày Ngài đến chùa Tư Phúc trong đại nội tu tập”. Tri thức Phật học, tinh thần – lối sống – đạo đức Phật giáo đã chi phối chính sách an dân trị nước, trong hành xử của Ngài. Khi trách nhiệm trước tông miếu xã tắc đã trọn vẹn, năm 1299 Ngài mới có điều kiện thực hiện chí nguyện của minh, nhẹ nhàng trút hoàng bào lên núi Yên Tử tu đạo. Sử gia Ngô Thì Sĩ nhận xét việc này trong Việt sử tiêu án: “Tuy ý tứ gần với đạo Không tịch mà chí thì rộng xa, cao siêu, cho nên bỏ ngôi báu như trút đôi dép rách vậy”.

Với trình độ Phật học căn bản thâm sâu lại được trải nghiệm qua 19 năm ở cương vị đứng đầu muôn dân trong thời kì cam go của đất nước, trên cương vị Phật Hoàng, Ngài nhanh chóng hoàn thành Phật sự đặc hữu độc sáng trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam: Lần đầu tiên những người con Phật trên đất Việt có một Giáo hội chung, Phật giáo Việt Nam hoàn tất quá trình nhất tông hoá – Tông Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông đứng đầu.

Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Vương triều Trần (1226 – 1400) xứng đáng được đánh giá là vương triều đã ghi lại mốc son sáng chói nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, kể cả về võ công và văn trị. Đó là thời đại của những anh hùng đánh giặc, của những anh hùng văn hoá: những Thiền sư – Hoàng đế, Thiền sư – Thi sĩ, Phật tử – Danh tướng, Gia nô – Tì tướng, Tam bảo nô – Tịnh nhân v.v… xả thân vì nước trong lúc nguy nan, giặc tan lại ung dung lên núi tu thiền, nghiền ngẫm Phật lí, làm thơ ca mai vịnh trúc, ngâm thơ Nôm đuổi cá sấu bên bờ sông Lô, mở mang bờ cõi, củng cố biên cương, mở trường Quốc học thi tuyển nhân tài, phục hoá khẩn hoang phát triển kinh tế điền trang thái ấp v.v…

Trong thời đại Anh hùng của những người anh hùng đó, Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là đại biểu xuất sắc nhất: không những là vị Hoàng Đế anh minh gương mẫu, nhà chính trị – quân sự – ngoại giáo kiệt xuất, người chiến sĩ đích thực trong hai cuộc kháng chiến, mà còn là vị Thiền sư Tổ phái tiêu biểu trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam, một nhà văn hoá lỗi lạc, một thi sĩ tài hoa trong lịch sử văn hoá nước nhà.

Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Ngay từ lúc Ngài còn nhỏ, vua Trần Thánh Tông đã mời các bậc trưởng lão tinh thông Nho giáo, Tứ thư, Ngũ kinh và Phật giáo để dạy dỗ cho Ngài như Lê Phụ Trần, Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố… Chính vua cha đã soạn sách Di Hậu Lục để dạy cho Thái tử cách xử thế chuẩn bị nối nghiệp sau này nên Ngài đã trở nên tinh thông cả Tam giáo.

Về Phật pháp, Ngài theo học đạo với Tuệ Trung Thượng sĩ, và được Thượng sĩ hết lòng hướng dẫn, trao truyền những yếu nghĩa thiền tông. Ngài đã ngộ ra chân lý đạo màu khi đọc lời dạy: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự/ bất tùng tha đắc” (dịch nghĩa là: Quan sát lại chính mình đó là bổn phận/ không do người khác làm được). Ngài tôn thờ Tuệ Trung Thượng sĩ làm thầy, và thường tới chùa Tư Phúc trong kinh thành Thăng Long để tụng kinh, tọa thiền, sám lễ Tam bảo, thấu đạt cả nội điển và ngoại điển.

Mênh mang giữa “chốn huyền không” Yên Tử

Năm 1293, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để lên làm Thái Thượng Hoàng. Sau khi quốc gia, xã tắc được bình yên, Ngài trở về hành cung Vũ Lâm (thuộc Ninh Bình ngày nay) xin xuất gia cầu đạo với Quốc sư Huệ Tuệ, khởi đầu cho sự nghiệp tu hành của người xuất gia tam giới.

Năm 1299, Ngài từ hành cung Vũ Lâm trở về kinh thành Thăng Long, rồi thẳng tiến lên núi Yên Tử (nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh), tinh cần tu hạnh đầu đà lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài cho dựng chùa, giảng pháp, độ Tăng. Người học Phật quy tụ về Yên Tử rất đông. Đồng thời, Ngài đã thống nhất ba dòng thiền: Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường thành lập lên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc Đạo”, “Hòa quang đồng trần” là dòng thiền mang bản sắc riêng của Đại Việt.

Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được gìn giữ và lưu truyền qua các thời đại, các thế hệ Phật giáo Việt Nam mà ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa tinh hoa nhập thế đồng hành cùng dân tộc. Và Phật hoàng Trần Nhân Tông được tôn là Sư tổ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Xuất gia tu hành chứng ngộ tinh túy của thiền tông và với tinh thần nhập thế sâu sắc, Hương Vân Đại Đầu Đà Trần Nhân Tông đã thường xuyên đi các nơi để giảng dạy Phật pháp. Ngài không chỉ ở hoằng pháp ở khắp vùng thành thị, thôn quê mà còn du lãm ra cả các vùng đất bên ngoài và không phải chỉ ở trong nước, mà còn đến cả các nước lân bang.

Trong quá trình thuyết pháp, ngài luôn khuyến cáo người tu hành nhập thế để làm lợi ích cho đời thì phải tùy duyên. Vì chúng sinh còn nhiều đau khổ, nhiều người chưa biết Phật pháp, chưa biết trong nhà của mình, bản thân mình có báu vật, vì thế mà không biết khai thác, cứ lao đao tìm kiếm để rồi khổ não buồn phiền...

Trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, Sơ Tổ Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã chủ trì cho khắc in Đại Tạng kinh và biên soạn kinh sách, ngữ lục. Qua đó, Ngài đã để lại cho hậu thế kho tàng pháp bảo vô cùng quý báu như: Trần Nhân Tông thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Trung Hưng Thực Lục, Truyền Đăng Lục…

Chúng ta thấy đạo không phải là điều gì đó xa lạ. Không phải đi vào chỗ xa xôi, khuất lánh mọi người, không phải lên tận đỉnh núi cao, vào trong hang động mới là đạo.

Chúng ta thấy đạo không phải là điều gì đó xa lạ. Không phải đi vào chỗ xa xôi, khuất lánh mọi người, không phải lên tận đỉnh núi cao, vào trong hang động mới là đạo.

Tôn chỉ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử 

"Chân lý thì không nằm trong Phật giáo, mà chính ngay giữa lòng cuộc sống”.

Tôn chỉ của Thiền Trúc Lâm Yên Tử thế hiện rất rõ trong bốn câu kệ cuối của bài phú Cư trần lạc đạo:

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc san hề khôn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”

Dịch:

“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói cứ ăn no mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”

“Cư trần lạc đạo” là bài thiền kệ được trích trong bài phú cùng tên của Phật hoàng Trần Nhân Tông, được xem là “tài sản” quý báu của Phật giáo Việt Nam đời Trần. Bài kệ này được Ngài viết khi còn là Thái Thượng Hoàn. Đây là một tác phẩm mang triết lý sâu sắc giữa đạo và đời. Thông qua bài phú, người tu biết sống ở trần gian mà vẫn an lạc.

Để thấu hiểu được ý tứ sâu xa của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thượng tọa Thích Thanh Điện và TS Phạm Thị Thanh Hương nhận định rằng, đại ý của bài thơ đã nói lên giữa cuộc đời đầy biến ảo vô thường này, muốn vui với đạo thì phải tùy duyên với vô thường. Khi đã nhận thức rõ vô thường và biết tìm kiếm cái chân thật trong mỗi chúng ta rồi thì không cần phải đi đâu tìm kiếm nữa. Cái tâm bình yên trong mỗi chúng ta chính là kho báu!

Nhận định trên được thể hiện rõ ràng qua từng câu kệ. “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên”, theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh chữ “Tùy duyên” của đạo Phật không phải dễ hiểu. Nếu chúng ta hiểu “tùy duyên” là thế nào cũng được, vui đâu chầu đấy thì đấy không phải là “tùy duyên”. Người xưa đã có câu: “Tùy duyên bất biến”. Tức là tùy duyên mà bị biến thì không phải là tùy duyên. Sư Phụ cũng chia sẻ: “Chữ “tùy duyên” là phải “bất biến” mới được. Mà muốn đạt được năng lực để tùy duyên thì phải thấy được sự chân thật, thấy được tánh thể mới tùy duyên được”.

Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông - Đức Phật của người Việt - YouTube

Từ đó có thể thấy rằng, nếu người tu hành mà vẫn vương chấp vào các duyên ở đời sẽ khó, thậm chí không thể tìm thấy an lạc ở nơi đạo giải thoát được. Vì cuộc đời là vô thường với trùng trùng các duyên và nghiệp, bởi vậy phải biết sống tùy duyên ứng biến, theo duyên nhưng không để mình sa ngã thì mới có thể tu hành.

“Đói cứ ăn no mệt ngủ liền”, để giải thích về câu kệ thứ hai Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhấn mạnh: Chúng ta thấy đạo không phải là điều gì đó xa lạ. Không phải đi vào chỗ xa xôi, khuất lánh mọi người, không phải lên tận đỉnh núi cao, vào trong hang động mới là đạo. Tìm đạo ở chính tâm này, tâm bình thường ấy là đạo. Ngay chính tâm được bình thường, được an định thì đạo sẽ hiển lộ. Khi đó thì ăn cơm, mặc áo, đi ngủ cũng là đạo.

Đại đức lý giải, tâm chúng ta hầu hết luôn bất thường mà chúng ta không nhận ra. Sáng vui, chiều buồn, hôm nay yêu, ngày mai ghét; suốt ngày nổi sóng. Đó là tâm bất bình thường, tâm bất an. Tâm rất quan trọng. Tâm quyết định sự thành hay bại của chúng ta. Vậy nên, để điều phục tâm, không biến bản thân mình thành nô lệ của tâm, Đại đức chia sẻ: “Tất cả quá trình chúng ta tu học Phật Pháp đều là quá trình để điều luyện tâm”. Tức là bây giờ chúng ta tu tập, rèn giũa, thanh lọc để tâm được trở lại trạng thái thanh tịnh mà chúng ta gọi là “tâm bình thường”.

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Nếu như ở hai câu kệ đầu, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã làm rõ yếu chỉ của việc tu đạo thì đến câu kệ thứ ba, Ngài chỉ ra của báu mà ai cũng có, đó chính là tâm thanh tịnh của mỗi người.

Để đại chúng hiểu sâu hơn về “báu trong nhà” được Phật hoàng nhắc tới, Đại đức giảng giải: “Trong nhà có báu tức là ngay nơi bản tâm chúng ta có của báu vô giá. Đó là viên ngọc Minh Châu là viên ngọc tâm thanh tịnh. Khi mà thấy được viên ngọc báu này rồi thì không có một của báu nào của trần gian bằng được nó”.

Vàng bạc, ngọc ngà, tiền của ở thế gian là quý nhưng trong đạo thì của báu vô giá chính là ở ngay bản tâm thanh tịnh của mình. Có thể nhận ra rằng, tâm trong sáng ấy chính là tâm Phật vô giá mà trong quá trình tu rèn, thanh lọc mới được hiển lộ.

“Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền” nghĩa là, khi chúng ta sống giữa cuộc đời với đầy thuận nghịch của duyên và nghiệp mà không bận lòng, thấy cảnh khổ đau của người dân mà không bận lòng thì đó là vô cảm, vô tâm. Nếu một người tu hành mà không biết đau, biết lo trước nỗi khổ của chúng sinh thì chớ nghĩ tới việc theo Phật pháp. Vô tâm là khi đứng trước ngọn gió của đời, đứng trước tham dục của trần gian mà không xao động mới thực chất gọi là vô tâm.

“Ở đâu cũng có người yêu, người ghét người thuận, người nghịch với mình. Chúng ta sẽ lấy luôn việc đó để luyện tâm mình. Làm sao trước tất cả những cảnh giới ấy mà mình quyết tâm tiến đạo, không thoái chuyển, vẫn bất động”, Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải.

Thi sĩ thiền gia Trần Nhân Tông

Do điều kiện sống song hành làm hai chủ thể: Nhà vua và nhà tu hành nên thơ của Trần Nhân Tông cũng mang hai loại cảm hứng khác nhau: Cảm hứng thế tục và cảm hứng thiền. hai cảm hứng này xoắn bện khó tách rời.

Tương truyền, Vua Trần Nhân Tông là tác giả của các tập thơ, sách sau: Thiền lâm thiết chủy ngữ lục (Ngữ lục về trùng độc thiết chủy trong rừng Thiền); Tăng già toái sự (Chuyện vụn vặt của sư tăng); Thạch thất mỵ ngữ (Lời nói mê trong nhà đá); Đại hương hải ấn thi tập (Tập thơ ấn chứng của biển lớn nước thơm); Trần Nhân Tông thi tập (Tập thơ Trần Nhân Tông); Trung Hưng thực lục (2 quyển): chép việc bình quân Nguyên xâm lược.

Thế nhưng, đến nay, các tác phẩm trên đều đã thất lạc, chỉ còn lại 32 bài thơ, kệ chép trong Thánh đăng ngữ lục, Thiền tông bản hạnh, An Nam chí lược, Nam Ông mộng lục, Việt âm thi tập, và Toàn Việt thi lục, và ba phiến đoạn trong Đại Việt sử ký toàn thư và An Nam Chí lược.

Đức vua Trần Nhân Tông những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ

Qua những bài thơ còn lưu lại, cũng đủ thấy tầm vóc của một thi nhân lừng lẫy của văn học thời Lý, Trần. Nhiều bài thơ thể hiện tư tưởng, tâm hồn của một nhà Thiền. Cái sắc, không nhập nhòa giữa cảnh đồng quê Thiên Trường yên bình:

Xóm trước, thôn sau tựa khói lồng,

Bóng chiều dường có lại dường không

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

Còn đây là hình ảnh một quân vương,

Thiền gia giữa cung điện lầu son gác tía,

cung tần mỹ nữ, vẫn có một chỗ dành riêng cho mình:

Nửa song đèn sáng, sách đầy giường,

Đêm lạnh sân thu khí đượm sương

Thức dậy tiếng chày đâu chẳng biết,

Trên cành hoa mộc ánh trăng vương.

Bài thơ “Xuân vãn” (Xuân muộn) của Phật hoàng Trần Nhân Tông được khá nhiều người dịch.

Triết lý tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông qua bài thơ "Xuân muộn"

Bài thơ “Xuân vãn” (Xuân muộn) của Phật hoàng Trần Nhân Tông được khá nhiều người dịch. Tôi xin giới thiệu 2 bản dịch theo 2 thể thơ: thất ngôn tứ tuyệt của Ngô Tất Tố và lục bát của Đỗ Thanh Dương.Đây là nguyên văn bài thơ:

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,

Nhất xuân tâm tại bách hoa trung.

Như kim kham phá đông hoàng diện,

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

Đây là bản dịch của Ngô Tất Tố:

Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không

Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng.

Chúa xuân nay đã thành quen mặt,

Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng.

Và đây là bản dịch của Đỗ Thanh Dương:

Tuổi thơ nào hiểu sắc không

Xuân sang náo nức trong lòng trăm hoa

Chúa xuân nay đã biết mà,

Ngồi yên chiếu Phật ngó ra rụng hồng.

Đúng như tên gọi, bài thơ được viết vào một ngày xuân khi Trần Nhân Tông đã rời bỏ vị thế của một thái thượng hoàng để xuất gia tu Phật. Đó chính là mùa xuân muộn trong quãng đời của Người. Bài thơ như sự tổng kết nhận thức của Trần Nhân Tông về cõi đời – cõi Phật.

Triết lý tu hành của Vua Trần Nhân Tông là triết lý tu hành nhưng vẫn nhập thế.

Triết lý tu hành của Vua Trần Nhân Tông là triết lý tu hành nhưng vẫn nhập thế.

Mở đầu bài thơ là câu thơ:

Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không

Câu thơ dịch của Ngô Tất tố sát nguyên văn (Niên thiếu hà tằng liễu sắc không) có hai từ không cần dịch nhưng những ai hiểu biết về Phật giáo đều có thể lĩnh hội được: sắc không. Nói đến sắc không là nói đến triết lý của Phật giáo (sắc tức thị không, không tức thị sắc). Câu thơ của Trần Nhân Tông nói về thời trẻ của mình: Thuở trẻ chưa từng hiểu rõ “sắc” với “không”, chính vì thế mà khi xuân đến thì: “Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng” (nguyên văn: “Nhất xuân tâm tại bách hoa trung”). Câu thơ thứ hai trong bài thơ như tái hiện lại tâm hồn tuổi trẻ của Trần Nhân Tông. Đó là một con người yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp; con người tuổi trẻ khi xuân đến rộn tơ lòng để thưởng thức vẻ đẹp của muôn hoa, vẻ đẹp mà đất trời ban tặng cho con người.

Như trên đã giới thiệu, dựa vào nội dung bài thơ, ta có thể khẳng định, Trần Nhân Tông viết bài thơ này khi đã thành chân sư – tuổi đời không còn trẻ, nên nhà thơ đã viết: “Chúa xuân nay đã thành quen mặt” (nguyên văn: “Như kim kham phá đông hoàng diện”).Câu thơ giản dị, tình ý chân thực khi nói đến cảm nhận của Trần Nhân Tông về mùa xuân: Trải qua bao nhiêu xuân nên “Chúa xuân nay đã thành quen mặt”. Trần Nhân Tông đã biết xuân, đã hiểu xuân, đã quen quá với xuân. Cái tài của thi sĩ Trần Nhân Tông khi dẫn dắt người đọc theo diễn biến lôgíc của tâm lý để rồi bất ngờ hạ câu kết: “Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng” (nguyên văn: “Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng”).

Câu kết hiện lên một chân sư đang ngồi thiền – chân sư ấy sau này được người đời tôn vinh là Phật hoàng vì Người là một trong tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam. Hình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông hiện lên ở cuối bài thơ thật đẹp. Người ngồi thiền trên nệm cỏ, nhưng vẫn ngắm những cánh hoa đang rụng. Cảnh vật thanh bình nhưng lòng người còn đó những âu lo. Người ngắm hoa rụng… Phải chăng Người ngắm cái đẹp và nghĩ đến nhân sinh, bởi xót xa khi cái đẹp rơi rụng cũng chính là lúc khát vọng cái đẹp đem lại cho đời niềm vui, khát vọng về cuộc sống thanh bình của đất nước được dựng xây giữ gìn.

Triết lý tu hành của Vua Trần Nhân Tông là triết lý tu hành nhưng vẫn nhập thế; tu hành nhưng vẫn quan tâm đến đời sống con người, không tách rời thế sự nước non. Hình tượng Trần Nhân Tông ở cuối bài thơ nhất quán với cốt cách thanh cao, tâm hồn nhân văn, trí tuệ trác việt của vị vua tài ba nhân hậu. Vua Trần Nhân Tông xứng đáng là một danh nhân văn hóa của Việt Nam và thế giới.

Một nhà vua sáng hết lòng vì nước, một vị tổ tận tâm chuyên chú hoằng dương Phật pháp, một thi sĩ dào dạt cảm hứng nhân tình, đạo pháp. Đẹp đẽ và vẻ vang thay cho đất nước chúng ta khi tất cả sự kỳ vĩ đó chung đúc lại trong một con người kiệt xuất – Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Một vị vua sáng suốt, toàn năng, đức độ, hết lòng vì nước vì dân; một vị tổ tận tâm chuyên chú hoằng dương Phật pháp; một thi sĩ dào dạt cảm hứng nhân tình, đạo pháp. Thật may mắn, đẹp đẽ và vẻ vang thay cho đất nước chúng ta khi có tất cả sự kỳ vĩ đó chung đúc lại trong một con người kiệt xuất – Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Tổng hợp theo phatgiao.org.vn


(*) Xem thêm

Bình luận