Bài pháp thoại hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Rác và Hoa
Tại Làng Mai, chúng ta thường nói Tịnh độ và Ta bà tương tức. Tịnh độ được làm bằng chất liệu của Ta bà, cũng như hoa được làm bằng chất liệu của rác, nếu không có rác thì sẽ không có hoa. Ví dụ mà chúng ta thường dùng là sen với bùn, không có bùn thì không thể có sen, chỗ nào có sen là chỗ đó có bùn và chỗ nào có bùn thì ở đó chúng ta có thể trồng sen.
Không chạy trốn khổ đau
Chúng ta thường nói với các bạn Kitô giáo: Ý niệm cho Thiên đường (Thiên quốc) là một nơi biệt lập không có khổ đau cũng như ý niệm coi Tịnh độ là một nơi không có khổ đau là những ý niệm còn ngây thơ.
Là người học Phật sâu sắc chúng ta phải thấy được điều đó. Con người thường sợ hãi, chán ghét khổ đau nên tìm cách trốn chạy khổ đau. Người ta mơ tưởng đến một cõi không còn khổ đau và gọi đó là Tịnh độ hay Thiên quốc. Đó là khuynh hướng chung của mọi người, khuynh hướng trốn chạy cõi khổ đau này để đi tìm một cõi khác không có khổ đau. Vì vậy Tịnh độ hay Thiên quốc có thể là một sáng tạo phẩm của trí óc chúng ta. Đó là nhu yếu của con người. Nếu Tịnh độ hay Thiên quốc là một nơi không có khổ đau thì quả thật đó là một sản phẩm do trí óc tưởng tượng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa Tịnh độ và Thiên quốc không phải là những cái gì không có thật, chúng có thật nhưng không có như chúng ta nghĩ.
Theo định nghĩa của Làng Mai thì Tịnh độ và Thiên quốc là những nơi có hiểu biết, có thương yêu. Đó là nơi con người biết sử dụng khổ đau để chế tác hạnh phúc. Chúng ta cần sự hiểu biết và thương yêu nên ta mới mong về Thiên quốc và Tịnh độ. Nơi nào có hiểu và thương thì nơi đó ít khổ. Quán chiếu tính tương tức giữa rác và hoa, giữa phiền não và bồ đề, chúng ta thấy làm gì có hiểu và thương nếu không có khổ đau, làm gì có sen nếu không có bùn? Khổ đau dạy cho ta biết hiểu và biết thương. Khổ đau có công dụng của nó, chúng ta lớn lên và làm người được là nhờ khổ đau, chúng ta học hỏi được là nhờ khổ đau.
Phương pháp của đạo Bụt không phải là chạy trốn khổ đau mà là nhận diện và nhìn sâu vào khổ đau. Ngay trong sự thật thứ nhất của giáo lý Tứ diệu đế tức khổ đế, giáo lý căn bản của đạo Bụt, chúng ta đã thấy thái độ của đạo Bụt là không chạy trốn khổ đau mà ta phải dừng lại, đưa nỗi khổ niềm đau lên và nhìn sâu vào nó. Ta nhìn sâu vào trong khổ đau để thấy nguyên do, gốc rễ của khổ đau, nghĩa là thấy được sự thật thứ hai là tập đế. Hiểu được sự thật thứ nhất và sự thật thứ hai thì ta sẽ đi tới sự thật thứ tư là đạo đế, tức con đường đưa tới sự chuyển hóa khổ đau.
Ta không thể hiểu được sự thật thứ ba (diệt đế) nếu ta không hiểu được sự thật thứ nhất và sự thật thứ hai. Điều kiện căn bản để thấy được đạo là phải hiểu được khổ và bản chất của khổ là gì. Chạy trốn khổ đế và tập đế thì không bao giờ thấy được đạo đế, mà không thấy được đạo đế thì không bao giờ có thể đạt tới hạnh phúc, tức diệt đế. Diệt là diệt khổ, diệt đế là sự chuyển hóa và chấm dứt khổ đau.
Khổ đau cho con nguời cơ hội để hiểu và thương
Tứ diệu đế có hai cặp nhân – quả: tập làm nhân cho khổ và đạo làm nhân cho diệt, gốc rễ khổ đau tạo ra khổ đau, và con đường thực tập đưa tới sự chấm dứt khổ đau. Ngay trong giáo lý căn bản Tứ diệu đế, chúng ta cũng đã thấy được tính tương tức của hoa và rác, của khổ và diệt, của tập và đạo. Một nơi mà không có khổ đau thì cũng không có hiểu biết và thương yêu. Chúng ta nói tới sự thiết dụng của khổ đau (the goodness of suffering): Khổ đau rèn luyện con người, cho con người có cơ hội để có thể hiểu và vì hiểu được nên mới thương được.
Chúng ta hãy thử gửi con cháu ta tới một nơi không có khổ đau. Con cháu ta sẽ không bao giờ có cơ hội chế tác chất liệu của hiểu và thương nếu chúng không biết đói, biết nghèo, biết chiến tranh là gì. Cho rằng Tịnh độ hay Thiên quốc không có khổ đau là một điều rất vô lý! Chư Bụt và chư Bồ tát lấy gì để dạy cho dân chúng ở những nơi đó? Chúng ta lấy gì để nuôi sen nếu không có bùn?
Ở cõi Ta bà có dư giả khổ đau nên chúng ta có cơ hội thực tập. Khổ đau cần thiết nhưng chúng ta không cần phải chế tác thêm nữa vì chúng đã có quá nhiều. Rác có quá nhiều nên bây giờ ta phải học cách chuyển rác thành hoa. Nhờ có rác nên có hoa, nhờ có nhiều rác nên ta có nhiều hoa.
Khi đối thoại với các truyền thống tôn giáo khác, chúng ta có thể cho họ biết quan điểm của chúng ta về Thiên đường hay về Tịnh độ vì giáo lý đạo Bụt không dựa trên đức tin mà dựa trên sự quán chiếu. Sự quán chiếu cho chúng ta biết rằng không có phiền não thì không có bồ đề, không có rác thì không có hoa, không có Ta bà thì không có Tịnh độ. Đó là tính tương tức giữa phiền não và bồ đề, một dấu ấn của Phật pháp và nếu đánh mất dấu ấn đó thì chúng ta đi vào tà đạo.
Người hành giả thấy rác không sợ, có rác thì ta biến rác thành hoa. Người hành giả thấy khổ đau không sợ, có khổ đau thì ta biến khổ đau thành hiểu và thương. Chúng ta có thể đánh tan cái ảo giác “có một cõi chỉ có hạnh phúc mà không có khổ đau” khi thấy được tính tương tức giữa phiền não (sự thật thứ nhất) và bồ đề (sự thật thứ ba).
Quan niệm bất thối chuyển
Trong đạo Bụt chúng ta có quan niệm bất thối chuyển, tức là sự không còn rơi xuống, không còn đọa lạc trở lại. Không đọa lạc trở lại không có nghĩa rằng nếu đã là hoa thì sẽ vĩnh viễn là hoa và không thành rác trở lại. Ta tưởng khi mới tu thì ta đang ở cõi khổ đau, mê mờ, ta đang ở cõi rác. Khi tu thành rồi thì ta ở cõi hạnh phúc, cõi sáng suốt và ta sẽ thường tại trong cõi đó, ta vĩnh viễn xa lìa cõi khổ đau. Nhưng vì khổ đau và hạnh phúc tương tức cho nên bất thối chuyển không có nghĩa là rác không trở thành hoa và hoa không thành rác trở lại. Hoa có thể thành rác trở lại. Một niềm vui hay một hạnh phúc cũng vậy, vì tất cả đều vô thường. Vô thường là một dấu ấn của Phật pháp (một trong Tam pháp ấn). Giáo lý nào đi ngược lại vô thường, vô ngã và Niết bàn thì giáo lý đó không phải đích thật là giáo lý đạo Bụt. Khổ đau và hạnh phúc cũng như rác và hoa, chúng đều vô thường. Chữ bất thối chuyển ở đây không có nghĩa là hoa không trở thành rác mà có nghĩa là khi hoa thành rác thì ta vẫn giữ được khả năng chuyển rác thành hoa. Chúng ta đã từng hiểu lầm chữ bất thối chuyển, ta cho rằng: khi rác đã trở thành hoa, phiền não đã trở thành bồ đề rồi thì ta vĩnh biệt rác, vĩnh biệt phiền não. Trên sự thật vô thường thì bông hoa nào cũng phải trở thành rác. Nếu là một người làm vườn khéo léo ta sẽ không sợ hãi khi hoa trở thành rác, vì ta biết trong rác có hoa và ta sẽ chuyển rác thành hoa trở lại.
Đó là sự sống, sự sống là vô thường, vô ngã và tương tức. Chữ “không đọa lạc” có nghĩa là không sợ hãi khi hoa trở thành rác vì ta biết cách liên tục biến rác thành hoa trở lại. Bất thối chuyển là nắm vững được pháp môn chứ không phải là sự tách rời vĩnh viễn giữa hoa và rác, sự tách rời vĩnh viễn giữa phiền não và bồ đề.
Hoa vĩnh viễn là hoa và mãi mãi không còn là rác nữa, ý niệm đó đi ngược lại với tuệ giác tương tức vì nhìn vào trong rác ta thấy hoa và nhìn vào trong hoa ta thấy rác. Muốn học Phật một cách thông minh ta phải có khả năng buông bỏ những ý niệm ngây thơ của mình về Phật pháp.
Trong cơ thể ta có rác và có hoa. Khi ta nâng lên trong tay một dĩa thức ăn thơm ngon thì dĩa thức ăn đó là hoa. Nhưng một giờ đồng hồ sau khi ăn thì dĩa thức ăn đó sẽ biến thành rác. Tất cả những chất liệu bổ dưỡng thấm vào cơ thể ta, lúc đầu là chất nuôi dưỡng, nhưng sau đó nó cũng thành rác và ta phải bài tiết ra, ta bài tiết không chỉ bằng cách đi cầu, đi tiểu mà còn bằng cách thở hay toát mồ hôi. Những chất ta bài tiết đều là rác. Nhìn vào dĩa cơm thơm ngon ta biết đó là từ rác mà ra. Nếu không có phân rác thì làm sao ta làm ra hoa trái, lúa gạo? Đó là đứng về phương diện vật chất. Đứng về phương diện tinh thần cũng vậy, những niềm vui và những đau khổ của ta đều có tính cách hữu cơ. Chúng là hoa, nhưng sau một thời gian thì trở thành rác. Tất cả đều theo định luật vô thường, rác vô thường mà hoa cũng vô thường. Chính nhờ vô thường nên ta có thể biến phiền não thành bồ đề.
Không đánh mất ý thức về hạnh phúc
Hôm qua ta có tuệ giác về vô thường nên ta rất vui. Nhưng hôm nay ta đánh mất tuệ giác đó nên ta ăn nói, hành xử giống như ta chưa bao giờ có tuệ giác đó. Khi mới tới Làng Mai, trong năm đầu ta cảm thấy rất hạnh phúc, ta trân quí mỗi điều kiện của hạnh phúc. Sống được vài năm, ta thấy chán, thấy buồn, ta muốn bỏ đi, hoa đã trở thành rác.
Người xuất gia hay người cư sĩ hãy cùng nhau nhìn lại: Lúc mới được chấp nhận vào sống ở Làng Mai, chúng ta hạnh phúc biết bao nhiêu, chúng ta muốn sống như vậy đời đời. Nhưng sau một thời gian chúng ta bắt đầu thấy lờn và không còn cảm thấy hạnh phúc nữa. Ban đầu ta cương quyết phải sống như thế nào để ta và đoàn thể đều có được hạnh phúc. Nhưng sau đó ta có thể sống bê bối và tạo ra những khó khăn, bực bội trong cộng đồng. Cuối cùng cộng đồng chịu không nổi nên không cho phép ta ở nữa và ta phải đi. Lúc đó ta mới thật sự tiếc. Theo thanh quy của Làng Mai, nếu một xóm không cho một người nào đó ở nữa thì các xóm khác cũng không cho. Người ấy phải đi, nhưng sau một năm người đó có thể viết thư xin trở lại. Lúc đó đã nếm mùi đau khổ ở ngoài nên người đó biết trân quí trở lại những cái trước kia mình được thọ dụng. Thấy người đó biết trân quí thì chúng có thể xét và có thể cho người đó một cơ hội được hội nhập trở lại.
Bí quyết của hạnh phúc là nuôi dưỡng được ý thức về hạnh phúc. Ta biết ta có may mắn, ta có những điều kiện của hạnh phúc và ta nguyện sẽ không bao giờ đánh mất ý thức về sự có mặt của những điều kiện hạnh phúc đó. Ngày xưa ta có tuệ giác nên thấy mình có may mắn được sống trong tăng thân và nhờ có tuệ giác đó mà ta có hạnh phúc. Bây giờ ta đánh mất tuệ giác đó, đồng thời ta cũng đánh mất luôn hạnh phúc.
Phiền não vô thường mà bồ đề cũng vô thường. Ngu si vô thường mà tuệ giác cũng vô thường. Người tu phải biết nuôi dưỡng tuệ giác cho bền lâu. Nếu một phần tuệ giác bị đánh mất thì nhờ sự tu học mà ta phục hồi được tuệ giác và chuyển rác thành hoa trở lại. Đó gọi là bất thối chuyển. Bất thối chuyển không có nghĩa là khi rác thành hoa rồi thì hoa sẽ tồn tại vĩnh viễn dù ta không tiếp tục thực tập. Vì vậy trong 14 giới Tiếp Hiện có giới “phải nuôi dưỡng ý thức về khổ đau, đừng đánh mất ý thức về khổ đau của sự sống”. Đánh mất ý thức về khổ đau là đánh mất ý thức về những điều kiện của hạnh phúc mình đang có. Giới điều này đi rất sát với Tứ diệu đế.
Vì phiền não và bồ đề đều có tính hữu cơ nên sự thực tập cần được liên tục để mang tới sự chuyển hóa và giữ không cho đọa lạc.
Đọa lạc là đánh mất hết điều kiện của hạnh phúc. Ta chỉ còn có một đống rác và đống rác đó không có khả năng biến thành hoa trở lại. Bất thối chuyển là khả năng thường xuyên chuyển rác thành hoa, ta tu như thế nào để nắm được khả năng đó. Ta sẽ không sợ rác nữa vì ta luôn luôn biết tận dụng rác để làm thành hoa. Vì vậy đọa lạc có nghĩa là đáng mất khả năng chuyển rác thành hoa và bất thối chuyển có nghĩa là giữ vững khả năng chuyển rác thành hoa, nếu chúng ta muốn hiểu theo chân tinh thần của đạo Bụt.
Thỉnh thoảng chúng ta có nghe chuyện của một ông tiên tu đến một mức độ khá cao, đã có thần thông rồi nhưng ông vẫn bị đọa lạc. Như thế có nghĩa là khi hoa thành rác ông không có khả năng chuyển rác thành hoa trở lại. Sự sống vô thường nên hoa và rác đều vô thường và phiền não và bồ đề đều vô thường. Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ phiền não là vô thường còn bồ đề thì không thể vô thường, cái thấy này không phù hợp với tuệ giác thâm sâu của đạo Bụt.
Luân hồi là sự tiếp nối phi cục bộ của ba nghiệp
Chúng ta thường hình dung luân hồi như một sự đi vòng. Nhưng trước hết luân hồi là một sự tiếp nối và luân hồi có thể được nhận thức trong từng giây phút. Ta chế tác ra một tư duy, một ý tưởng; tư duy và ý tưởng đó đi luân hồi liền lúc đó. Một tư duy lành, hiền, đẹp, đi đôi với hiểu và thương có kết quả ngay lập tức trên sức khỏe của ta và trên cuộc đời. Đó là sự tiếp tục. Tư duy của ta là nghiệp, là một sáng tạo phẩm của ta và nó là sự tiếp nối của ta. Một lời nói phát ra cũng là một sáng tạo phẩm của ta và nó cũng đi luân hồi. Một câu nói đầy tình thương làm cho ta và cho người kia khỏe liền. Vì vậy luân hồi là sự tiếp nối, tiếp nối ít nhất bằng ba dạng: tư duy (ý), ngôn ngữ (khẩu) và hành động (thân). Sự tiếp nối của chúng ta phải được nhìn qua ba dạng của nghiệp: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Không phải khi nào xác thân hoàn toàn tiêu hoại rồi ta mới đi luân hồi mà ta đang đi luân hồi trong mỗi giây mỗi phút, ở đây và ở các nơi khác. Ta phát ra một tâm niệm lành thì tâm niệm lành đó làm sáng ngời cả trái đất, chuyển hóa được ở đây và khắp nơi. Ta thấy được ta ở đây và ở mọi nơi, ta không còn tính cách cục bộ (local) nữa. Ta phải học để thấy được tính không cục bộ (non-local) của sự tiếp nối ta dưới ba dạng thân, khẩu và ý, như trong bài hát của sư chị Giải Nghiêm: An vui nơi này, an khắp mọi phương.
Ta tu tập đúng phương pháp thì gia đình, dòng họ, đất nước của ta cũng được thừa hưởng. Mỗi tư duy, mỗi lời nói, mỗi hành động của ta đều có ảnh hưởng trên tự thân và trên thế giới. Ta phải thấy nghiệp dưới ánh sáng không cục bộ. Non local là một danh từ mới của khoa học vật lý, còn danh từ phi thời gian có nghĩa là bao trùm cả thời gian, có giá trị vượt thoát thời gian.
Tuy hình hài này đang còn nhưng ta đã đi luân hồi dưới ba dạng của nghiệp. Ta được tiếp nối không những bởi hình hài và tâm thức này, mà ta còn được tiếp nối dưới dạng không cục bộ ở khắp mọi nơi. Không phải chỉ có Bụt và các vị Bồ tát mới có thần thông, mới có mặt được đồng thời trong ba cõi. Chính ta cũng có mặt một lần trong ba cõi. Mỗi tư duy ta phát ra làm chấn động toàn thế giới, nó có ảnh hưởng tới gia đình, đất nước quê hương ta. Nếu tư duy đó là hận thù, tuyệt vọng thì nó làm tan vỡ cả tự thân và thế giới. Nếu là bồ đề tâm thì nó nâng cả thế giới đi lên. Vì vậy chúng ta phải học nhận diện sự tiếp nối của ta qua dạng không cục bộ.
Trí tuệ và lòng từ bi của ta đem lại niềm vui và sự trị liệu cho rất nhiều hình thái của sự sống. Ngay khi quyết định làm một “ngày không xe” thì ta đã biết là sẽ có một sự thay đổi trên thế giới dù sự thay đổi đó chưa đủ như ta mong cầu. Ta có một tư duy, tư duy ấy biến thành hành động và biến đổi hình hài, tâm tư ta, biến đổi thế giới. Với ba nghiệp của ta, ta có thể biến đổi thế giới theo chiều tích cực hay tiêu cực. Thông thường người ta nghĩ sự luân hồi chỉ xảy ra khi phổi không còn thở nữa, trái tim không còn đập nữa. Nhưng sự luân hồi, theo đúng nghĩa của nó, xảy ra trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày vì sự sinh diệt của từng tế bào trong cơ thể và sự sinh diệt của các niệm trong tâm xảy ra từng giờ từng phút. Cái này luân hồi thành cái kia, em bé năm tuổi luân hồi thành em bé sáu tuổi, chàng trai mười tám tuổi luân hồi thành chàng trai mười tám tuổi rưỡi. Luân hồi đẹp hay không đẹp là do ta, nếu ba nghiệp của ta đẹp thì sự tiếp nối sẽ đẹp, nếu ba nghiệp ta không đẹp thì sự tiếp nối sẽ không đẹp.
Nghệ thuật nuôi hoa
Cái đẹp và cái lành cần được tiếp nối càng lâu dài càng tốt, đây là nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc và tuệ giác. Ta có tuệ giác, nhưng nếu không được nuôi dưỡng thì tuệ giác của ta sẽ bị lu mờ.
Tâm là đài gương sáng
Mỗi ngày cần lau chùi
Đó là bài kệ của thầy Thần Tú. Nhờ tu học nên ta có được một phần tuệ giác nào đó. Phần tuệ giác đó khiến ta biết được điều gì nên làm và điều gì không nên làm để đừng tạo ra đổ vỡ và để tạo ra hạnh phúc cho mình và cho người trong giây phút hiện tại. Tuệ giác đó rất quan trọng, nó có sinh mạng của nó, sinh mạng đó dài hay ngắn là tùy ở ta. Sinh mạng của tuệ giác gọi là tuệ mạng. Tuệ mạng có thể chết yểu, hôm nay ta có chút tuệ giác nhưng nếu không được nuôi dưỡng thì nó sẽ lu mờ. Gương phải được lau mỗi ngày, nghe thầy dạy, ngồi thiền quán là lau gương để tuệ giác của ta càng ngày càng sáng. Ta cắt một bông hoa, muốn giữ bông hoa được lâu dài thì mỗi ngày ta phải theo dõi nước trong bình hoa hay canh chừng không khí cho hoa thở. Nếu cắt bông hoa về rồi vứt trên sàn nhà thì hoa chỉ có thể sống dưới 24 giờ đồng hồ.
Nghệ thuật nuôi hoa có hai phương diện:
– Nuôi hoa cho bền lâu.
– Biết cách chuyển rác thành hoa trở lại khi hoa đã thành rác.
Quá trình chuyển rác thành hoa là một quá trình liên tục, hễ có một phiền não còn tồn tại là ta phải nhận diện và ủ nó để nuôi hoa. Ta phải xử lý hoa và xử lý rác, xử lý hoa là chăm sóc cho hoa được lâu dài, xử lý rác là biết cách ủ rác và chuyển rác thành hoa trở lại. Một người làm vườn giỏi không bao giờ đi ngược lại nguyên tắc đó.
Người tu là người làm vườn và khu vườn của ta là vườn tâm. Vuờn tâm cũng có hoa và rác nên ta phải nuôi dưỡng tuệ giác và hạnh phúc. Khi rác xuất hiện ta phải biết chăm sóc rác và chuyển rác thành hoa.
Cái xấu và cái dở cần được chuyển hóa càng sớm càng hay để đừng tiếp tục, rác phải được sử dụng để nuôi hoa.
(langmai.org)
Xem thêm