Người làm việc thiện: Phúc tuy chưa tới Hoạ đã đi xa
Người làm việc tốt, giống như cỏ trong vườn xuân, không thấy trưởng thành, lâu ngày sinh sôi. Người làm việc ác, giống như đá mài dao, không thấy hao tổn, lâu ngày mới mòn. Người làm việc thiện, phúc tuy chưa đến, họa đã đi xa. Người làm việc ác, họa tuy chưa đến, phúc đã đi xa.
Tại sao ta lại sinh ra ở cõi phàm? Có lẽ, chính bởi chúng ta cần một lần nhìn rõ thế gian, để biết được rằng mình là người phương nào, lòng đang ở nơi nao, từ đó mới có thể nhìn thấu, tiếp nhận, biết cầm lên, cũng biết buông xuống. Người xưa có câu: “Tâm chứa đầy chữ thiện, vạn kiếp không bị diệt, trăm ánh đèn dõi theo, ngàn dặm sáng soi”.
Đúng vậy, hưởng thụ vật chất có thể làm cho người ta mê đắm nhất thời, còn lòng đầy thiện niệm mới đủ để làm cho người khác cả đời hạnh phúc. Thiện tâm giống như nước vậy, nó có thể nuôi dưỡng thắm tươi mọi nội tâm khô cằn.
Ngày xưa, có một người đàn ông nổi tiếng khắp nơi vì cả cuộc đời dành thời gian làm việc thiện. Đến khi ông trăm tuổi lâm chung, con cháu đều quỳ trước ông mà khóc thương rằng: “Ông sắp rời xa chúng con rồi, vào phút cuối cùng xin ông hãy để lại cho chúng con một vài lời…” Ông lão trả lời: “Các con chỉ cần nhớ tới câu này: Mọi phúc lành đều không tách khỏi chữ Tâm”.
Thực ra, đời người tựa như một ván cờ rất lớn, bạn ở đó tiến lui một hồi, có thể sẽ tích lũy được sức mạnh không ít. Cũng giống như lời nhà Phật, đó chính là: Phúc báo về sau. Những gì bạn đang gánh chịu bây giờ đều là do bạn đã khởi tâm động niệm mà thành. Những gì bạn có trong tương lai đều là do từng hành vi cử chi bây giờ tạo nên.
Đạo diễn phim nổi tiếng người Brazil là Walter Salles. Trong một lần chuẩn bị cho bộ phim mới của mình, ông đã tới vùng ngoại ô ở phía Tây thành phố. Và tại đây, ông gặp một cậu bé đánh giày khoảng hơn 10 tuổi khi đứng trên quảng trường trước nhà ga.
“Thưa ông, ông có muốn đánh giày không ạ?” Cậu bé hỏi.
Lúc này, Walter cúi đầu nhìn đôi giày da bóng loáng dưới chân mình rồi lắc đầu từ chối. Khi ông vừa quay người bước đi thì đột nhiên cậu bé gọi từ phía sau.
Khuôn mặt cậu bé đỏ ửng, ánh mắt nhìn ông như đang van nài: “Ông ơi, cả ngày hôm nay cháu chưa được ăn gì cả, ông có thể cho cháu mượn chút tiền không ạ? Từ ngày mai cháu sẽ đánh giày chăm chỉ hơn, đảm bảo là sau một tuần cháu sẽ trả lại tiền cho ông!” Walter động lòng trắc ẩn, ông bèn lấy ra vài đồng xu đặt vào tay cậu bé. Cậu bé rối rít nói lời cảm ơn rồi chạy vụt đi.
Walter lắc đầu, những đứa trẻ sành sỏi sự đời như thế ông đã gặp nhiều rồi. Và rồi ông lại cuốn vào vòng xoáy bận rộn với bộ phim mới nên cũng quên luôn chuyện cậu bé mượn tiền. Bẵng đi một thời gian, ông lại có dịp đi qua nhà ga ở ngoại ô phía Tây thành phố. Bỗng nhiên một bóng dáng gầy guộc và nhỏ bé vẫy gọi ông từ xa: “Ông ơi, ông đợi một chút ạ!”
Tới khi cậu bé mồ hôi nhễ nhại chạy đến đưa cho ông vài đồng xu thì Walter mới nhận ra đó là cậu bé đánh giày ngày nào. Cậu bé thở hổn hển: “Ông ơi, cháu đợi ông ở đây lâu lắm rồi, hôm nay cuối cùng cháu cũng trả lại tiền cho ông!”
Walter cầm đồng xu ướt nhẹp mồ hôi, đột nhiên trong lòng ông trào lên một luồng hơi ấm áp. Ông đặt các đồng xu vào tay cậu bé, cười và nói với cậu rằng: “Ngày mai cháu tới văn phòng công ty điện ảnh ở trung tâm thành phố tìm ông nhé, ông sẽ dành cho cháu một điều bất ngờ”. Hôm sau, nhân viên công ty điện ảnh nói với Walter rằng trước cửa có một vài đứa trẻ mặc quần áo rách rưới đang đứng đợi.
Cậu bé đánh giày nhìn thấy Walter bèn chạy đến và vui vẻ thưa rằng: “Thưa ông, các bạn ấy đều mồ côi lưu lạc giống như cháu, các bạn ấy cũng hy vọng có được niềm vui bất ngờ ạ!” Walter không thể ngờ rằng một đứa bé vô gia cư nghèo khó lại lương thiện đến thế.
Vì vậy ông đã quyết định chọn cậu bé đánh giày làm diễn viên chính trong bộ phim mới của mình. Ông đã giải thích lý do cậu được miễn thi tuyển như sau: “Vì sự lương thiện của mình, cháu không cần phải thi sát hạch!”
Có một câu chuyện khác kể về một vị doanh nhân thường lặng lẽ gửi tiền ủng hộ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù vậy, ông không bao giờ xuất hiện mà luôn nhờ người khác liên hệ giúp mình, bởi ông không muốn các em biết mình là ai.
Có người không hiểu hỏi nguyên cớ vì sao, ông đáp: “Một là để giữ gìn sự tôn nghiêm cho các em, để các em được giúp đỡ với lòng tự tôn. Hai là để các em không mang gánh nặng tư tưởng khi nghĩ tới việc báo đáp tôi thế nào”.
“Thế anh mong cầu điều gì?” Người ấy vẫn không hiểu, lại hỏi.
Ông nói: “Nếu chỉ để mong cầu thì có lẽ tôi đã không làm việc ấy. Những năm qua công ty tôi làm ăn khá thuận lợi, từ công ty nhỏ thành công ty lớn, từ công ty yếu thành công ty mạnh. Tôi luôn tự hỏi, phải chăng đó là ưu ái mà ông Trời dành cho mình? Bởi vậy, tôi làm chút việc tốt không phải vì muốn nổi danh, mà chỉ là để mình xứng đáng hơn”.
Thật ra, những gì bạn làm cho người khác cũng chính là làm cho bản thân mình. Cho yêu thương, bạn sẽ gặt hái yêu thương; trao hy vọng, bạn sẽ tăng thêm hy vọng.
Vậy nên, nếu bạn muốn được yêu thương, thì trước tiên hãy yêu thương người khác, nếu bạn muốn người khác đối xử tốt với mình, trước tiên hãy đối xử tốt với họ. Sinh mệnh giống như một tiếng vọng, bạn dành lương thiện cho người khác, cuối cùng thiện lương lại quay trở về bên bạn. Dù bạn đối xử tốt với ai, thì nhìn xa hơn thực ra lại là tốt với chính mình.
Khi bạn phát hiện thấy từng nhành cây, ngọn cỏ, từng bông hoa đều đang mỉm cười với bạn; khi bạn phát hiện ra rằng mọi chuyện đều hanh thông thuận lợi; khi bạn phát hiện ra những người xung quanh ngày càng yêu mến bạn, thì đó chính là tiếng vọng lại của thiện lương.
Trên mảnh đất trái tim nếu chúng ta ươm xuống những hạt giống lương thiện, thì sẽ có một ngày chúng kết trái đơm hoa. Khi bạn trao đi thiện lương, có thể bạn sẽ không nhận được sự báo đáp ngay lập tức; nhưng nhất định vào một thời điểm khác, trong một hoàn cảnh khác, Trời xanh đã tự có an bài…
Nguồn: vi.phunudoisong.vn
Xem thêm