Thực đơn ăn chay cả tuần để luôn đủ dinh dưỡng và khoẻ mạnh
Ăn chay là một hoạt động ăn uống được coi là lành mạnh hay "healthy" bởi nhiều lợi ích mang đến cho thân tâm. Tuy nhiên, làm sao để ăn chay thường xuyên mà đảm bảo luôn khoẻ mạnh thì không phải chuyện giản đơn. Trước tiên, bạn cần đầu tư thời gian tìm hiểu vì sao nên ăn chay, sau đó lựa chọn nguyên liệu, rồi chế biến linh hoạt và điều quan trọng nhất đó là tự thân phải thấy được ăn chay là cần thiết và có đam mê với ẩm thực chay thì mới có thể duy trì được lối sống xanh này lâu dài.
Thế nào là ăn chay?
Ăn chay (ăn lạt, trai giới) là một phương pháp ăn uống lành mạnh và cân bằng. Thực đơn thường ăn chính là rau củ, các loại hạt, trái cây… các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và không ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, các sản phẩm thu được từ quá trình giết mổ.
Có các hình thức ăn chay nào?
Theo quan điểm của Phật giáo, có hai hình thức đó là ăn chay trường và ăn chay kỳ.
+ Ăn chay kỳ: là hình thức khởi sự ăn chay, dung hòa với điều kiện của mình dựa theo những ngày nhất định trong tháng hoặc các tháng nhất định trong năm mà người áp dụng sẽ có thể tự phát nguyện ăn lạt theo những kỳ nhất định mà mình tự đặt ra.
+ Ăn chay trường: là hình thức ăn lạt kéo dài liên tục có thể là suốt đời. Thực hiện hình thức này người ăn không áp dụng xen kẽ với những bữa ăn mặn, loại bỏ hoàn toàn sản phẩm từ thịt, động vật.
Ngày nay, việc ăn chay không chỉ đơn thuần giới hạn trong tôn giáo nữa mà đã được cộng đồng quan tâm và chú trọng hơn. Thực chất ý nghĩa của hình thức ăn hạn chế chế phẩm từ thịt, động vật là như thế nào chúng ta sẽ tìm hiểu theo góc nhìn khoa học và theo kinh sách của Phật giáo.
Ý nghĩa của ăn chay theo góc nhìn khoa học
Theo các công trình nghiên cứu khoa học cũng như y khoa phân tích sinh hóa, sinh lý học đã khẳng định rằng trai giới giúp mang lại cho con người có sức khỏe tốt hơn, những bệnh nhân về tim mạch, ung thư sẽ sống lâu hơn những người ăn thịt.
Nhờ những hiểu biết về khoa học, con người bắt đầu ăn chay vì mục đích to lớn như bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, thể hiện thái độ nhân đạo phản đối ngược đãi, sát hại động vật…
Ý nghĩa của ăn chay theo góc nhìn Phật giáo
Ăn chay là lối ăn uống đơn giản đồng thời cũng là một phương tiện để con người tu sửa. Với người tu hành trước tiên là giảm bớt lòng tham, ham muốn trong ăn uống, giảm bớt bản ngã của con người quay về với sự đơn giản khiêm nhường trong ăn uống.
Ý nghĩa sâu xa ăn lạt chính là nuôi dưỡng hạt giống yêu thương và từ bi tu dưỡng đạo đức hoàn thiện bản thân giúp tâm an yên. Thực chất, ăn chay sẽ hạn chế việc sát sinh ở cả mình và cả người khác, từ bỏ điều ác để làm điều thiện chính là chân lý theo góc nhìn Phật giáo.
Thực đơn thuần chay 7 ngày đủ chất
Nguyên liệu làm nên các món chay rất đa dạng, trong đó các loại hạt như gạo lứt, đậu đỗ, lạc, vừng, kê óc chó, hạnh nhân, điều, mắc ca... rồi đến các loại nấm (nấm rơm, nấm đông cô, nấm sò, nấm hương,...) đều chứa rất nhiều đạm, chất béo lành mạnh; Sau cùng, nhưng phổ biến nhất là các loại rau, củ, quả... cũng thường chứa nhiều vitamin, chất khoáng, chất chống oxy hoá... rất tốt cho cơ thể. Do đó nếu biết cách chế biến, bạn sẽ tạo nên những thực đơn hấp dẫn tất cả mọi người, và biết đâu đấy vào một ngày đẹp trời nào đó, những người thân xung quanh bạn cũng sẽ có cảm hứng muốn ăn chay như bạn bây giờ.
Thực đơn chay ngày 1
-
Sáng: Mì bò viên chay
- Trưa: Cơm + canh khổ qua chay + đậu hủ chiên sả + 1 múi bưởi
- Chiều: Cơm + canh rau ngót nấu nấm rơm + mít non kho + 1 múi bưởi
- Các bữa phụ trong ngày: Sữa đậu nành, xoài chín.
Thực đơn chay ngày 2
- Sáng: Bún trộn chay
- Trưa: Cơm + canh bí đỏ + đậu hũ kho + dưa hấu
- Chiều: Cơm + canh bí xanh + nấm kho + dưa hấu
- Các bữa phụ trong ngày: Dâu tây, sữa chua hoa quả
Thực đơn chay ngày 3
- Sáng: Bánh bao chay + sữa đậu nành
- Trưa: Cơm + đậu hủ xốt cà chua + canh cải xanh
- Chiều: Cơm + canh mồng tơi + đậu hủ kho thập cẩm + mận
- Các bữa phụ trong ngày: Ngũ cốc pha sữa.
Thực đơn chay ngày 4
- Sáng: Mì ý chay
- Trưa: Cơm + đậu phụ xốt cà chua + canh cải + táo
- Chiều: Cơm + mướp đắng hầm + canh cải thảo + táo
- Các bữa phụ trong ngày: Sữa chua không đường + dưa hấu
Thực đơn chay ngày 5
- Sáng: Bún riêu chay
- Trưa: Cơm + đậu rang + canh chua + mận
- Chiều: Cơm + canh mồng tơi + đậu hũ thập cẩm + mận
- Các bữa phụ trong ngày: Sữa đậu nành, thanh long.
Thực đơn chay ngày 6
- Sáng: Xôi đỗ xanh + nước táo ép
- Trưa: Bún nem chay + salad xà lách + cà chua + dưa chuột
- Chiều: Cơm + canh bí + khoai tây xào + xoài
- Các bữa phụ trong ngày: Sữa tươi, đu đủ, quả lê
Thực đơn chay ngày 7
- Sáng: Bánh mỳ trứng ốp la + sữa đậu nành
- Trưa: Cơm + Đậu côve xào + súp lơ xanh tẩm bột chiên + canh rong biển
- Chiều: Lẩu nấm thập cẩm + hoa quả
- Các bữa phụ trong ngày: sữa tươi
Lưu ý: Với những người có tâm nguyện ăn thuần chay hoàn toàn không muốn uống sữa bò thì có thể dùng sữa hạt thay thế cũng đủ dinh dưỡng và còn lành hơn sữa động vật.
Ngoài những thực đơn tham khảo trên, bạn có thể tự sáng tạo ra công thức cho riêng mình, hoặc tham gia vào các 'hội nhóm social online' như Yêu Món Ăn Chay để có nhiều cảm hứng và tiếp cận nhiều kinh nghiệm nấu chay ngon của mọi người cùng thích ăn chay, từ đó mở rộng thực đơn phong phú hơn, đó cũng là cách tuyệt vời giúp bạn dễ trường chay hơn.
Hãy thường xuyên ăn chay để thân khoẻ, tâm an, đời nhẹ nhàng hơn bạn nhé!
Thắm Lê tổng hợp
---
*Có thể bạn quan tâm:
Những lợi ích tuyệt vời của việc ăn chay thường xuyên
Bạn có biết vì sao cần ngâm hạt trước khi dùng không?
Xem thêm