Trung thu xưa: Mộc mạc chiếc trống lùng tung vang vọng những đêm trăng tròn

07/09/2022 | 318

Một thứ đồ chơi truyền thống đã từng rất được ưa chuộng cách đây hơn ba mươi năm vào mỗi dịp trung thu, đó là chiếc trống lùng tung. Giờ đây ký ức về lũ trẻ mặt mũi lấm lem, tay cầm chiếc trống cố lắc cho mạnh, cho đều để phát ra âm thanh vui tai chỉ còn trong trí nhớ của những cô bác và ông bà lớn tuổi.

Giảm giá Đồ chơi gỗ trống lung tung nhiều mẫu mới cho bé - BeeCost

Mỗi dịp Trung thu đến, các bạn nhỏ từ khắp mọi miền đất nước đều háo hức lạ kỳ, lũ trẻ bị cuốn hút bởi các thú vui từ đồ chơi lấp lánh, rực rỡ sáng chói cả một khu phố, hòa vào đó là dòng người đi chơi và xem múa lân nườm nượp nối dài mang đến sự vui vẻ, khoái chí.

Ngày nay khi những món đồ hiện đại lấn át đồ chơi truyền thống thì những thứ có vẻ “cũ kỹ” cũng dần mất đi… Một trong số ít người cuối cùng còn giữ nghề làm đồ chơi thủ công từ tre và giấy màu đó là mệ Hường (76 tuổi, trú tại 327 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Đông Ba, TP. Huế).

Đồ chơi xưa - Hồn quê cũ dần bị lãng quên

Ở Huế vẫn còn một nghệ nhân đang lưu giữ nghề làm đồ chơi truyền thống là mệ Hường, hay còn có một cái tên khác mà người dân Cố đô Huế thường gọi là mệ Chiều. Bởi vì hình ảnh cụ bà lưng còng, dáng người nhỏ nhắn chiều chiều ngồi ở một góc cầu Trường Tiền bày bán nhiều thứ màu sắc mang tên trống lùng tung và con quay vè vè đã in sâu vào tâm trí của nhiều người qua lại. 

Nhiều năm về trước, trống lùng tung là đồ chơi dân gian quen thuộc vào mỗi dịp Tết Trung thu của trẻ em vùng quê Thừa Thiên - Huế, nhìn thoáng qua thì chiếc trống này khá giống với chiếc trống bỏi ở một số làng nghề miền Bắc nhưng có kích thước lớn hơn.

Tại Huế, nghề làm trống lùng tung và con quay vè vè đã tồn tại hơn 100 năm. Theo mệ Hường, trước năm 1945 thì nghề làm lùng tung, vè vè này rất phổ biến và nhiều người chọn để kiếm sống, nhưng sau này nhiều đồ chơi được làm từ máy móc hiện đại và đẹp mắt ra đời nên nghề này dần mai một vì không còn được ưa chuộng. 

 

 

 

Mọi người đều chọn cho mình con đường khác vì nghề này khó sống, không có thu nhập để nuôi gia đình. Cùng với sự phát triển của xã hội, có lẽ chiếc trống lùng tung và con quay vè vè sẽ chỉ còn len lỏi đâu đó trong ký ức xưa cũ về hình ảnh làng quê Việt Nam mộc mạc mà giản dị. 

Mệ Hường cho biết, thời của mệ và ông bà vào những dịp lễ Tết cổ truyền chỉ có những thứ đồ chơi nho nhỏ được làm thô sơ bằng tre, nứa, giấy màu như đèn lồng, đèn ông sao, trống lùng tung…

 “Cách đây mấy chục năm, mỗi dịp Trung thu là con nít nhà quê nào trên tay cũng cầm chiếc trống nhỏ, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn lon bia… ra đầu làng đi xem múa Lân. Còn vè vè thì buổi chiều nào lũ trẻ cũng tụ tập, đứa mô cũng tranh nhau mà quay để xem cái mô phát ra âm thanh to hơn. Chừ cái chi cũng hiện đại, trẻ con cũng như thanh niên trai gái chỉ thích những thứ đồ lấp lánh đèn điện được làm bằng nhựa… ít người biết đến đồ chơi bằng tre và giấy này lắm con ơi.”

Mệ Hường giữ nghề “lùng tung” trên đất Cố đô 

Thời gian và cuộc sống mưu sinh khốn khó đã “bào mòn” mệ khá nhiều. Mệ Hường tâm sự chuyện cũ, những mảnh ký ức vụn không sắp xếp được kể từng chút một. Mệ không biết nghề này chính xác xuất phát từ đâu, ai là người sáng tạo ra, chỉ biết rằng từ nhỏ mệ đã cầm trên tay để chơi.

Lần theo dòng thời gian và nơi mệ từng sinh sống, mệ Hường kể lại, hai loại đồ chơi từ tre và giấy này là học được từ đôi vợ chồng ở làng Kim Đôi (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế), lúc ấy trong làng chỉ có duy nhất gia đình vợ chồng đó làm. Từ khi còn bé, ngày nào mệ cũng sang nhà của họ chơi rồi bắt chước làm theo. Nói không ngoa, có lẽ mệ đã dành cả đời để làm những món đồ thủ công này.

Trống lùng tung và con quay vè vè là hai sản phẩm chính mà mệ làm, mỗi cái bán với giá 10.000 đồng và trải qua nhiều giai đoạn để hoàn thành, từ chọn mua tre, xong đem phơi, cưa, vót tre. Thân tre phải chọn cây già, còn tre non thì không đáp ứng được.

 

 

 

Lùng tung và vè vè có cách làm hoàn toàn khác nhau. Chiếc trống phải vót các nan tre, giấy màu liên kết với nhau bởi hồ dán. Thành trống được uốn cong thành hình trụ tròn, lắp thêm cái cán tre dài khoảng 10cm, phần mặt được phủ căng bởi lớp giấy màu, hai bên thành trống đối xứng nhau là hai sợi dây có đầu dính một cục bột nếp được nặn thành viên nhỏ hơi dẹt, mỗi khi cầm lên lắc lắc thì cục bột va vào mặt trống tạo ra âm thanh lùng tùng vui tai.

Tre khi khô hẳn thì có tính giòn, nên khi làm phải tỉ mỉ, khéo léo vót các thành trống đủ mỏng, phơi cho đủ nắng để khi uốn cong và gắn cán tre vào sẽ không bị gãy và nứt...

Vè vè có phần đặc biệt hơn, đầu cán phải trét nhựa thông để khi cầm lên quay, âm thanh phát ra sẽ truyền dẫn theo dây cước và phát ra ở đầu ống tre hình trụ, một đầu bịt kín bằng giấy cứng, một đầu kia để rỗng. Cầm trên tay quay đều thì sẽ nghe thấy một âm thanh như tiếng ve kêu mỗi khi hè về.

 

 

Trong gia đình thì chỉ duy nhất mệ Hường giữ nghề, con cháu đều biết làm nhưng không theo mà chỉ phụ việc vặt, vì đồ chơi không thể nuôi sống gia đình. Có chăng mệ bán và làm để nối giữ nét truyền thống của quê hương, cũng nhờ đó mà có đồng vào đồng ra cơm cháo hàng ngày. 

Đôi bàn tay mệ già nua, run rẩy từ tốn từng chút một, mọi thứ nhìn thì dễ nhưng vì từng vật liệu đều được làm thủ công nên sẽ tốn nhiều thời gian. Chiếc lưng còng của mệ có lẽ chính là “vết tích” rõ ràng nhất của hơn 45 năm ngồi cần mẫn vót tre, dán giấy làm đồ chơi.

Mệ chia sẻ, cũng nhờ một phần chính quyền thành phố hỗ trợ vào những dịp thứ 7, Chủ nhật mệ sẽ xuống phố đi bộ Hoàng Thành (Huế) để bán, những hôm đó sẽ có nhiều khách thích thú nán lại xem và mua, nhờ vậy cũng bán được vài chục cái. 

Tuy nhiên vào những ngày bình thường có khi một ngày mệ chỉ bán được từ 5-10 cái, những hôm trời mưa mệ ngồi thu mình bên vệ đường nhưng không bán được cái nào, cũng vì người qua lại ngại mưa ướt nên không muốn đưa tay ra mua đồ. Những lúc ấy mệ ngồi thẫn thờ, buồn bã nhìn xa xôi mà nghĩ ngợi. 

“Nếu sau này mình mất đi thì còn ai nhớ đến mình và cái nghề này nữa không. Mệ sợ sau này nhắm mắt thì tiếng trống lùng tung, vè vè sẽ không còn kêu trên đất Huế này nữa”. Nhưng cho dù như vậy, trong đôi mắt hiền từ của mệ vẫn ánh lên sự lạc quan và niềm quyết tâm giữ nghề cho đến hơi thở cuối cùng.

Nghề thì có thể dạy, ai cũng làm được, nhưng có theo nghề và giữ nghề hay không thì mới là vấn đề mấu chốt. Dẫu biết rằng những đồ vật, văn hoá truyền thống là những thứ mang giá trị của một thời đại. Tuy nhiên muốn bảo tồn thì sẽ cần sự góp sức chung tay của tập thể để truyền thống không bị phai dần theo thời thế.

Lúc chào tạm biệt mệ, mệ gọi với lại rồi nói với chúng tôi: “Mấy cô chú báo chí hay tới chụp ảnh mệ lắm, con có làm thì bữa sau cho mệ tấm để mệ giữ kỷ niệm nghe con…”. Nhìn thấy mệ Hường lưng còng, mặc áo bà ba, trước mặt bày bán những thứ đồ chơi màu sắc sao mà thân thương mà nhung nhớ. 

Chỉ vài năm nữa thôi hình ảnh này sẽ phai nhạt loang dần theo năm tháng của những phong vị xưa trong ngày Tết truyền thống, rồi có mấy ai sẽ còn thấy đứa trẻ nào cầm trên tay chiếc trống lùng tung để chơi tiết trời trăng thanh gió mát này.

Thanh Tùng - toquoc.vn

---

Trung Thu xưa và nay


(*) Xem thêm

Bình luận