Hạnh phúc hơn khi biết cách nhìn
"Thức dậy miệng mỉm cười
Hai bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời"
- Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Người lớn đôi khi nên nhìn đời bằng con mắt của trẻ thơ
Trẻ thơ có tâm hồn trong sáng, vô tư và hồn nhiên. Nếu ta nhìn đời bằng đôi mắt trẻ thơ, ta sẽ thấy mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Bà Smith ngồi buồn rầu ở phòng chờ của bệnh viện để đợi đến lượt vào khám thì thấy một cậu bé chừng 6 tuổi được mẹ dắt qua. Một bên mắt của cậu bé được bịt lại bằng một miếng vải đen có dây đeo chéo qua đầu. “Chắc cậu bé bị hỏng bên mắt đó”, bà Smith thầm nghĩ nhưng điều làm bà ngạc nhiên là cậu bé không có vẻ gì là đau đớn hay khó chịu mà ngược lại rất vui vẻ, vừa đi vừa nhảy chân sáo và nhìn ngó xung quanh.
Hai mẹ con cậu bé ngồi xuống băng ghế ngay cạnh bà. Nhìn vẻ lo lắng và cuốn sổ khám trên tay người mẹ, bà Smith hiểu rằng vấn đề của cậu bé không hề đơn giản. Bà Smith tìm cách bắt chuyện với cậu bé rồi hỏi mắt cậu bị làm sao. Cậu bé nhấc miếng vải đen ra khỏi mắt rồi nhoẻn cười: “Cháu có làm sao đâu, cháu là cướp biển mà!”. Bà Smith kịp nhìn thấy mảnh băng trắng dán kín đôi mắt cậu bé.
Bà Smith nhìn xuống chân phải bị cưa đến đầu gối của mình. Sau tai nạn giao thông đó, tinh thần bà đã suy sụp và bà luôn nghĩ “thế là hết”.
Mặc dù đã được điều trị tâm lý nhưng tận sâu trong tâm tưởng bà vẫn cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa, luôn coi mình như người bỏ đi. Nhưng giờ đây, nghe cậu bé mới có 6 tuổi nói một cách rất hồn nhiên về bệnh tật của mình, bà Smith đột nhiên cảm thấy một sự chuyển biến mạnh mẽ trong tâm tưởng, một cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng, yêu cuộc sống bỗng tràn ngập trong từng góc tâm hồn. Bà thấy như mình đang đứng trên boong tàu, mặc trang phục cướp biển với một chân bằng gỗ đứng cười ngạo nghễ. Khi một cô y tá bước ra đỡ bà vào phòng, cậu bé nhận ra chiếc chân không lành lặn của bà và hỏi: “Bà ơi, chân bà bị sao vậy?”. Bà Smith nhìn xuống cái chân cụt của mình rồi ngẩng cao đầu, nở nụ cười rất tươi pha chút tự hào, bà nói to: “Bà có sao đâu. Bà cũng là cướp biển mà!”.
Ảnh minh hoạ từ internet.
Nhà thơ Xuân Diệu cũng đã có bài thơ về chủ đề này:
Đôi Mắt Xanh Non (Xuân Diệu)
Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non.
Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo.
Hãy để cho bà nói má thơm của cháu.
Hãy nghe tuổi trẻ ca ngợi tình yêu.
Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non.
Mẹ bế đứa con như ôm tròn trái đất.
Suối chạy tìm sông trăm vòng tươi mát,
Con chim sổ lồng bát ngát xa bay.
Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non.
Hãy ăn bát cơm như chính tay mình nấu.
Nghe tiếng trống trường như em lớp sáu
Sớm mai khai giảng sáng những khăn hồng.
Đôi mắt xanh non
Cha xin của con,
Người đi trước xin của người sắp tới.
Biết chỗ đứng để nhìn cho thật mới
Cuộc sống xanh non
Mãi mãi tươi dòn.
Mỗi ngày chúng ta chúng ta sẽ bắt gặp những điều vui buồn lẫn lộn, nhưng mình sẽ chọn dọn dẹp nó như dọn dẹp nhà cửa, xem những thứ vớ vẩn như rác vứt đi, thế là ” căn nhà tâm hồn ” của mình bao giờ cũng sạch sẽ, tinh tươm.
Nhìn đời bằng trí huệ tinh anh và tâm từ bi
Thông thường tâm ta bị nặng xuống và khổ đau tìm tới với ta, vì ta thấy ai, ta cũng nghi ngờ; ta sống mất hết hy vọng, vì ta nhìn thấy ai cũng xấu cả.
Nhưng, ta quên đi một điều hết sức quan trọng trong đời sống rằng: “Ta nghĩ xấu cho ai là tâm ta xấu trước, ta nghĩ tốt cho ai là tâm ta tốt trước”.
Ta chỉ có hạnh phúc và thoải mái, đầy nghị lực để sống, khi ta nghĩ được rằng: “Mọi người chung quanh ta không có ai xấu cả, nếu có chăng, chỉ có cái tâm ta xấu, khi nó đang nghĩ xấu về một người khác!”. Và ta biết rất rõ rằng: “Người kia xấu, vì họ chưa có đủ điều kiện để biểu hiện cái tốt của họ ra đó thôi”.
Ta hãy thực tập nhìn vào những cái tốt của người để tâm ta có nhiều cơ hội đi lên. Ta thử thực tập một ngày, một tháng hay một năm đừng thấy ai xấu cả, thử xem tâm ta có nhẹ nhõm và thanh thoát hay không? Ta hãy phát tâm làm một đốm lửa nhỏ giữa mùa đông, hay một giọt nước nhỏ giữa mùa hạ, để tâm ta có mặt trong tâm mọi người!
Xa hơn thế, nếu không nhìn được cái tốt của người khác thì ta nên tập nhìn mọi người với cái nhìn Như Thị (như thế), vì ánh nhìn càng đơn giản, tâm thái ta càng trở nên trong sáng, nhẹ nhàng... Điều này mới nghe qua thì đơn giản, nhưng để có cái nhìn như này lại không hề giản đơn...
Hãy nhìn vào sai lầm của mình để tha thứ cho người khác vì chẳng có ai hoàn hảo cả. Đừng nhìn đời bằng đôi mắt mà hãy cảm nhận bằng cả trái tim và tấm lòng.
"Em hãy nhìn như Phật
Nét bao dung, hiền hòa
Ánh nhìn Chân Thiện Mỹ
Làm đau thương xóa nhòa...”
Nhìn đời bằng tâm lạc quan
Trong một bệnh viện nọ có hai bệnh nhân ốm nặng được xếp chung một phòng. Người đàn ông trên chiếc giường ở sát khung cửa sổ duy nhất của căn phòng được phép ngồi dậy 1 giờ đồng hồ mỗi ngày. Người bệnh thứ hai ở gần đấy phải nằm hoàn toàn. Họ thường nói chuyện với nhau, kể cho nhau nghe chuyện vợ con, gia đình, nghề nghiệp và những khó khăn trong cuộc sống…
Mỗi buổi chiều, khi người đàn ông ở chiếc giường gần cửa sổ được phép ngồi dậy, anh ấy ngồi đó, mắt hướng ra ngoài cửa sổ và kể cho người bạn cùng phòng về cuộc sống đang diễn ra bên ngoài ô cửa nhỏ. Người này kể, người kia nhắm mắt tưởng tượng. Cứ thế họ cùng tìm thấy niềm vui nho nhỏ mỗi ngày.
Đó cũng là khoảng thời gian hạnh phúc mà người đàn ông ở chiếc giường bên kia được hưởng, thế giới được mở ra sống động với anh: “Ô cửa sổ nhìn ra một công viên bên một dòng sông thơ mộng. Nơi có những chú vịt, chú thiên nga đang nhẹ nhàng lướt mình trên mặt nước,nơi có những em bé đang nô đùa rộn rã tiếng cười, nơi mà các cặp tình nhân tay trong tay, ngập tràn hạnh phúc. Ở nơi đó, muôn hoa rực rỡ sắc màu và còn thấy được cả đường chân trời ửng đỏ trước cảnh hoàng hôn…”
Ngày lại ngày qua đi. Một buổi sáng, y tá mang nước rửa mặt đến cho hai bệnh nhân. Và thật buồn… cô phát hiện ra người đàn ông trên chiếc giường gần cửa sổ đã chết. Anh ra đi, một cách nhẹ nhàng và bình yên trong giấc ngủ của mình.
Vô cùng đau buồn, cô gọi nhân viên bệnh viện đến mang xác anh đi. Một không khí nặng nề bao trùm căn phòng. Sau đó, người đàn ông còn lại ngỏ ý muốn được lại gần cửa sổ. Cô y tá kéo chiếc giường của anh sát lại bên cửa sổ. Sau khi chắc chắn anh đã thoải mái, cô để anh lại một mình.
Một cách chậm chạp và khó khăn, anh tự mình di chuyển bằng khuỷu tay, đến sát bên cửa sổ, nhướn người để nhìn ra bên ngoài. Nhưng thật bất ngờ! Tất cả những gì mà anh có thể nhìn được qua ô cửa sổ chỉ là một bức tường trống trơn!
Khi y tá quay lại, anh hỏi thăm cô về người bạn cùng phòng, người vẫn hằng ngày mở ra một thế giới tươi đẹp và nên thơ cho anh ta qua những lời kể.
Cô y tá cho biết người đàn ông đó bị mù. Nghe xong, anh đã lặng đi, một sự xúc động khôn tả dấy lên trong lòng.
Hãy nghĩ đến những hoàn cảnh bất hạnh hơn để thấy mình còn may mắn
Này con!
- Nếu con gặp một ngày tồi tệ nơi làm việc. Hãy nghĩ đến những người đã mấy tháng nay không tìm được việc làm.
- Nếu con hỏng xe dọc đường , phải cuốc bộ vài dặm vài mới tìm ra được người giúp đỡ. Hãy nghĩ tới những ai liệt cả đôi chân , luôn khao khát được bước đi như con.
- Nếu con cảm thấy đêm nay khó ngủ. Hãy nghĩ đến những kẻ không nhà chẳng nệm ấm chăn êm.
- Nếu con chán nản vì mối quan hệ xấu đi. Hãy nghĩ tới những kẻ không bao giờ biết hương vị của thương yêu và được người yêu thương lại.
- Nếu con cảm thấy mình là nạn nhân của những ai hay cay nghiệt , dốt nát , nhỏ nhen, nghi kỵ Hãy nhớ rằng việc đời có khi còn tệ hại hơn thế rất nhiều...!!!
- Nếu con buồn phiền vì thêm một cuối tuần vô vị trôi qua. Hãy nghĩ tới những con người quẫn bách, quần quật cả ngày, suốt tuần không nghỉ chỉ mong kiếm được chút tiền còm nuôi mấy miệng ăn.
- Nếu con cảm thấy đời mình kém may mắn thì hãy nhớ rằng kiếp này sinh ra gặp được Phật Pháp khiến cho con không bị mù “đôi mắt tâm linh" mà đi trong bóng đêm lầm lỗi, đó là phước hạnh lớn nhất cuộc đời con.
(*) Và hạnh phúc sẽ luôn có mặt với những ai biết:
- Nhìn lên để hoàn thiện
- Nhìn xuống để xót thương, thông cảm
- Nhìn ra để không chấp thủ, chủ quan
- Nhìn vào để tự tri, biết lỗi
- Nhìn lui để rút tỉa kinh nghiệm
- Và nhìn chung quanh để học hỏi, sẻ chia...
(Trích lời của Sư Như Nhiên - Thích Tánh Tuệ)
---
Chuyện trên đời thật khó đoán, thế sự như nước chảy mây trôi. Đến một ngày nào đó, ai ai rồi cũng sẽ biến mất khỏi thế gian này, điều duy nhất còn ghi dấu lại:
- Quan trọng không phải là những thứ bạn mang theo bên mình, mà là những gì bạn đã đóng góp.
- Quan trọng không phải là những thứ bạn nhận được mà là những gì bạn đã cho đi.
- Quan trọng không phải là những thành công bạn đã có được trong đời, mà là ý nghĩa thật sự của chúng.
- Quan trọng không phải là những thứ bạn học được, mà là những gì bạn đã truyền lại cho người khác.
- Quan trọng không còn là năng lực của bạn, mà chính là tính cách – là những gì bạn cư xử với mọi người xung quanh.
- Quan trọng đâu chỉ là bạn sẽ được mọi người nhớ đến trong bao lâu, mà là họ nhớ gì về bạn.
- Quan trọng không phải là bạn quen biết thật nhiều người, mà là bao nhiêu người sẽ đau xót khi mất bạn trong đời.
Nếu cứ mãi nhìn đời bằng đôi mắt bi quan, bạn sẽ chẳng bao giờ nhận ra được giá trị thực của cuộc sống. Và bạn ơi, hãy nhìn cuộc đời bằng cả trái tim bao dung, từ bi, lạc quan rồi "dòng đời sẽ dần êm trôi đến bến bờ an vui"...
Thắm Lê tổng hợp
Xem thêm