Nguồn gốc ý nghĩa thực sự của ngày Vía Thần Tài
Theo phong tục trong dân gian lưu truyền từ xưa đến nay thì vào ngày 10/1 âm lịch hàng năm, dân chúng thường đổ xô đi mua vàng để mong được sự hộ trì và ban phước từ Thần Tài. Tuy nhiên, do bị truyền thông "dẫn dắt" và những quan niệm xưa cũ, chúng ta thường chạy theo số đông và làm theo một cách mù quáng mà không hiểu rõ ý nghĩa thực sự của ngày vía Thần Tài. Nếu đúng mua vàng sẽ được may mắn và giàu có, vậy tự hỏi thế gian này ai không thể giàu?
Thờ Thần theo kiểu sắm lễ to, đốt nhiều vàng mã, cầu xin đủ thứ là biểu hiện của sự mê tín (trí vô minh, tâm tham si)
Ngày này ai ai cũng đổ xô đi mua vàng để dâng lên Thần Tài. Chưa biết có được gì không nhưng cái mất đầu tiên đó là mệt mỏi chen lấn, xô đẩy để mua vàng. Vậy tại sao cả năm tại sao không thờ vàng luôn cho tiện mà mỗi năm chỉ có một ngày ông thần Tài mới được thờ vàng?
Thứ hai, ngày này chúng ta chấp nhận mua vàng với giá rất cao và những ai bán vàng chắc chắn sẽ giàu trước.
Thứ ba, nếu ngài thần tài là bậc thánh thì chắc chắn ngài không mong muốn vì mình mà biết bao chúng sinh bị giết hại. Nào là lợn, cá, tôm, cua, thịt cầy, rồi rất nhiều sinh vật khác được dâng lên thờ ngài. Hơn nữa, ngài là bậc thần tiên thì chắc chắn phẩm vị hoàn toàn khác biệt và cách thưởng thức rất cao sang chứ đâu như hạng phàm phu tục tĩu nơi cõi trần. Chưa kể vàng mã đốt rất nhiều làm ô nhiễm môi trường xa hơn là dần tàn phá mẹ thiên nhiên.
Thứ 4, vạn sự trên đời này đều bị chi phối bởi các quy luật của vũ trụ trong đó luật nhân quả là quy luật bao trùm và mạnh mẽ nhất: "Gieo nhân nào gặt quả đó". Nếu như kiếp trước bạn quá bỏn sẻn, ích kỷ, tham lam thì kiếp này bạn phải sống trong nghèo đói. Ngược lại, nếu như kiếp này bạn tích cực cho đi thật nhiều thì kiếp sau bạn mới có thể được hưởng cuộc sống giàu sang, phú quý. Chứ không thể nào như tưởng tượng của nhiều người rằng có một vị thần linh đang ngự ở một nơi linh thiêng nào đó trên trời cao chuyên ban phúc lộc hay sát phạt con người chốn trần gian để cầu xin mà có được tiền của, hay thoát tội. Cuộc sống của bạn tốt hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý nghĩ, lời nói và hành động của chính bạn mà thôi.
Bây giờ chúng ta cùng ngược dòng lịch sử để hiểu rõ hơn nguồn gốc của Thần Tài.
Theo kinh điển Phật Giáo nguyên thủy thì ngày 10/1 là ngày sinh của bậc thánh tăng SIVALI. Ngài nổi tiếng không vì sự tu tập hay có thần thông và tinh tấn như các bậc thánh khác, mà vì được xem là ĐỆ NHẤT TÀI LỘC.
Hồi còn nhỏ ngàI đi đến đâu cũng được cho đồ ăn, thức uống và mọi thứ. Nó nhiều đến mức có thể phân phát lại cho những người khác ăn vẫn đủ. Sau đó ngài xuất gia theo Đức Phật. Và khi đã xuất gia, ngài đi tới đâu chúng sanh cũng cúng dường cho ngài vô cùng nhiều, cho hàng ngàn người ăn cũng đủ. Nhưng ngài không ích kỷ mà đều phân phát lại cho mọi người. Từ đó chúng ta thể hiện sự tôn kính một bậc thánh tăng ĐỆ NHẤT TÀI LỘC.
Đó mới chính là nguồn gốc của Thần tài. Tuy nhiên khi đạo Phật truyền sang một số địa phương đã có sự giao thoa văn hóa với tín ngưỡng và tôn giáo của các địa phương đó dẫn đến có rất nhiều chi tiết đã được thêm thắt và sửa đổi theo hướng sai lệch đi rất nhiều.
Vậy nên đức Phật đã dạy chúng ta rằng: Đừng vội tin bất cứ điều gì mà nó là truyền thống, mà chúng ta cần suy xét lại những bậc tiền bối để tìm ra cái đúng chứ không mù quáng tin theo.
Trước khi Phật viên tịch, ngài Ananda có hỏi nên thờ cúng ngài như nào. Thì Đức Phật có nói việc thờ cúng không quan trọng mà điều quan trọng là hãy tu tập theo lời ngài dạy. Cho nên ngày nay việc thờ cúng bất kì ai là để noi gương bậc thánh nhân và làm theo đức hạnh của họ. Cũng như Thần Tài chúng ta thờ thì chúng ta cần noi gương theo ngài SIVALI chứ không phải cầu xin bất cứ điều gì cho bản thân.
Chúng ta cần có sự tu tập và sự buông bỏ về vật chất, tâm cho đi rộng lượng như ngài, như vậy mới chính là ý nghĩa của việc thờ Thần tài, chứ không phải tham lam cầu mong gì cho bản thân như người đời nay vẫn làm.
Việc bố thí không chỉ trong mỗi ngày vía thần tài này mà nên thực hiện bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu trong khả năng có thể của ta với tâm chân thành và không mong cầu thì nhất định phước lành sẽ tự nhiên đến lúc nào mà ta không hay.
Việc thờ Thần Tài nói riêng và thánh thần nói chung chỉ nên là sự bày tỏ tấm lòng cung kính, biết ơn đối với Trời, Phật, Bồ Tát,... và nguyện sống, thực hành theo đạo hạnh của Ơn trên. Chỉ khi như vậy, chúng ta mới thực sự có được cuộc sống an lạc bền lâu.
Bài viết này không nhằm mục đích phê phán bất kì ai mà chỉ nhằm cung cấp thông tin để giúp mọi người có nhận thức đúng đắn hơn về một nét văn hóa mà lâu nay ta tôn thờ, từ đó có điều chỉnh trong lối sống sao cho phù hợp hơn.
Tài liệu tìm hiểu thêm về hạnh cúng dường của thánh tăng Sivali:
Theo Nguyễn Tùng Lâm đã đăng trong Nhóm Chánh Kiến 3 gốc (Facebook)
Thắm Lê có bổ sung một phần nhỏ về nhân quả và ý nghĩa thờ thần linh.
-----
Xem thêm