Có nên tiếp tục đốt vàng mã và thả cá chép dịp tết ông Công - ông Táo nữa không?

25/01/2022 | 330

Tết Ông Công - Ông Táo là một truyền thống văn hoá đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Tuy nhiên, từ lâu ngày tết này trong nhiều gia đình đã không còn được giữ đúng tinh thần nguyên bản thay vào đó là hành động mang tính trào lưu bị chi phối bởi lòng tham và sự mê muội.  

Sông hồ oằn mình gánh rác mỗi dịp tiễn ông Công ông Táo

Trước giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, sau khi cúng xong, mọi người mang cá chép ra sông, hồ, hoặc ao thả phóng sinh. Ngày này nhiều gia đình cũng thường tỉa chân nhang, lau dọn bàn thờ sạch sẽ, có nhà còn thay bát hương mới… Khi hóa vàng xong tất cả tro, chân nhang, bát hương cũ được gom lại mang ra sông thả với quan niệm để cho sạch sẽ, mát mẻ, với ý nghĩ như thế mới mang lại nhiều phúc, nhiều lộc sẽ tới với gia đình.

Sông hồ oằn mình gánh rác mỗi dịp tiễn ông Công ông Táo, có nên giữ tục thả cá phóng sinh hay không? - Ảnh 2.

Sông hồ oằn mình gánh rác mỗi dịp tiễn ông Công ông Táo, có nên giữ tục thả cá phóng sinh hay không? - Ảnh 3.

Bác Văn Hoan (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: "Năm trước tôi đi thả cá chép ở hồ thì thấy cảnh người vội vàng như "ném" cá xuống hồ, cả túi, cả rác rơi xuống. Nhiều chú cá bị chủ nhân lỡ tay nên thoi thóp cạnh mặt hồ mắc trong đám nilon đến tội. Nhiều góc bên này thả cá, bên kia ngồi thuyền quây lưới, kích điện, vớt cá chép phóng sinh. 

Cả một góc hồ ngập ngụa trong đống túi nilon, nước thì đen ngòm vì tro và chân nhang, bát hương, bàn thờ... bỏ tất cả ra đấy, gây mất vệ sinh môi trường kinh khủng".

Cá phóng sinh được nuôi để bán, thì phóng sinh có giá trị nhân văn không?

Quay trở lại với ý nghĩa ban đầu của nghi lễ thả cá chép ngày ông Công, ông Táo, người dân thường chuẩn bị 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là "phóng sinh" để đưa ông Táo về trời.

Việc phóng sinh, hiểu theo nghĩa đúng là người gặp vật nuôi quý hiếm bị bắt, bị nạn thì tìm cách giải thoát, cứu nạn rồi thả về môi trường tự nhiên. Hoặc nếu muốn phóng sinh thì nên mua lại những loại chim, cá sắp bị giết thịt rồi thả về tự nhiên.

Trong khi cá chép mua ở chợ thường là cá được "đổ buôn" từ nhiều làng nuôi cá chép đỏ với mục đích kinh doanh bán cho khách thả vào ngày này. Ví dụ làng nghề chuyên nuôi cá chép đỏ như làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Ngay từ nghĩa ban đầu đã có mục tiêu kinh tế trong đó là bởi có cung ắt sẽ có cầu, vậy chẳng phải cái vòng "phóng sinh" này dường như không đúng ý nghĩa ban đầu hay sao?

Sông hồ oằn mình gánh rác mỗi dịp tiễn ông Công ông Táo, có nên giữ tục thả cá phóng sinh hay không? - Ảnh 4.

Ngoài ra người mua cá để thả nhưng vì ý thức kém nên vô tình hoặc cố ý gây hại cho môi trường. Nhiều chú cá đã chết khi được thả hoặc chết ngay trong khi thả. Vô hình chung, nó lại trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa phóng sinh do gia chủ không chọn được môi trường nước trong lành cho cá, hoặc cùng lúc đó ném rác thải xuống sông hồ gây hại cho môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng cá. Nhiều gia đình còn đổ tro hương xuống sông, hồ gây ô nhiễm và khiến chính những chú cá chép vừa được thả chết nổi mặt hồ.

Hơn nữa, hình ảnh những chú cá bên này thả, bên kia bị vợt rồi lại mang ra chợ bán tiếp thì cho thấy những chú cá phải khốn đốn, khổ sở thế nào. Ý nghĩa phóng sinh giờ dường như đã lệch lạc. Vì thế, ngoài việc mua cá phải chọn những con cá trông nhanh nhẹn, không bị bong vảy, cần quan tâm đến môi trường cá có thể sống thì và có những quy tắc thả cá bạn cần tuân thủ trong vấn đề nghi lễ thể hiện tâm thành và câu chuyện môi trường.

Thượng tọa Thích Thanh Huân từng nói: "Thả cá chép là một trong những tục gắn liền với ngày ông Công ông Táo. Thả cá vốn có những ý nghĩa rất đẹp. Nhưng khi thả cần đưa cá chép về đúng vào môi trường mà cá có thể sinh sống. Không nên ném cả túi cá xuống hồ, làm cá không thể thoát ra ngoài. Như vậy không những làm mất đi ý nghĩa tâm linh mà còn gây ô nhiễm môi trường".

Cá "bay" cùng rác

Hình ảnh ai cũng dễ gặp dịp cúng ông Công, ông Táo hàng năm là trên mặt hồ lại nổi lềnh phềnh những túi nilon, thậm chí có cả cá chết nổi trong túi do người dân chỉ "quẳng" cả túi cá xuống hồ mà không thả đúng cách. Thêm nữa, cá chưa thả, đã có người đứng đợi câu. Như vậy vô tình đã làm mất đi giá trị tốt đẹp vốn có của tục thả cá chép vốn có những ý nghĩa rất đẹp. Nhưng khi thả cần đưa cá chép về đúng vào môi trường mà cá có thể sinh sống.

Sông hồ oằn mình gánh rác mỗi dịp tiễn ông Công ông Táo, có nên giữ tục thả cá phóng sinh hay không? - Ảnh 5.

Ngoài ra những thứ được "thả" xuống cùng cá như bát hương, chân nhang, tro... đều mang đến những hệ lụy lớn. Bát hương là đồ sành sứ, thả xuống sông, không may những người đi bắt cá bắt tôm dẫm phải, lộc đâu chưa thấy, nhưng cái thấy trước mắt là có thể gây thương tích cho người khác. Tro vàng mã nhiều, thả xuống sông, gây ô nhiễm nguồn nước, dần dần độ nghiêm trọng sẽ ngày càng tăng lên.

Để hạn chế tình trạng vứt rác thải tràn lan nhiều người đã tình nguyện thay phiên nhau nhắc nhở mọi người có ý thức thu gom túi ni-lông, tập hợp tro hóa vàng và khuyến khích người dân sử dụng xô chậu hoặc tay thả cá thay vì ném cả túi xuống hồ. Thậm chí nhiều biển bảng "Thả cá, không thả túi nilon" còn được cắm ngay ở đó. Nhưng hiệu quả cũng chưa mang lại đáng kể khi ý thức của người dân dường như vẫn còn ở mức yếu.

Sông hồ oằn mình gánh rác mỗi dịp tiễn ông Công ông Táo, có nên giữ tục thả cá phóng sinh hay không? - Ảnh 6.

Sông hồ oằn mình gánh rác mỗi dịp tiễn ông Công ông Táo, có nên giữ tục thả cá phóng sinh hay không? - Ảnh 7.

Sông hồ oằn mình gánh rác mỗi dịp tiễn ông Công ông Táo, có nên giữ tục thả cá phóng sinh hay không? - Ảnh 8.

Sông hồ oằn mình gánh rác mỗi dịp tiễn ông Công ông Táo, có nên giữ tục thả cá phóng sinh hay không? - Ảnh 9.

Sông hồ oằn mình gánh rác mỗi dịp tiễn ông Công ông Táo, có nên giữ tục thả cá phóng sinh hay không? - Ảnh 10.

Sông hồ oằn mình gánh rác mỗi dịp tiễn ông Công ông Táo, có nên giữ tục thả cá phóng sinh hay không? - Ảnh 11.

Nhà tôi ba đời không thả cá, đốt vàng mã ngày ông Táo

Tôi không hiểu sao năm nào bà con hàng xóm cũng ùa ra sông Tô Lịch đen ngòm trước nhà để thả cá chép, khiến chúng chết nổi lềnh phềnh.

Sáng nay, ra chợ mua đồ ăn như mọi ngày, tôi thực sự bị ngộp thở trước cảnh chen chúc, thậm chí là tranh cướp của các bà, các mẹ khi mua đồ về cúng ông Công ông Táo. Biết trước ngày này năm nào cũng như một trận chiến, nên tôi đã chủ động đi chơ sớm hơn mọi hôm, vậy mà vẫn không lại với đám đông. Từ hàng xôi, hàng thịt gà, hàng cá cho đến hàng vàng mã, đâu đâu cũng thấy người người giành giật nhau mua đồ cứ như thể Covid-19 chưa từng xuất hiện và con số gần 3.000 ca nhiễm mỗi ngày ở Hà Nội thời gian qua chẳng phải điều gì đó quá ghê gớm.

Tôi đánh vội sang hàng thịt lợn vắng nhất chợ, mua đại vài miếng thịt, tấp sang hàng rau rồi nhanh chóng ra về trước khi chỉm nghỉm giữa cái mỡ hỗn độn ấy. Nhà tôi từ bao đời nay dường như đứng ngoài thời cuộc, nhất là trong mấy ngày lễ Tết. Từ đời ông bà tôi đã rời quê hương để ra Hà Nội mưu sinh, nên gia đình tôi cũng như bắt đầu một cuộc đời mới từ đó. Chúng tôi dường như không biết cỗ bàn, đốt vàng mã, thả cá chép là gì? Ngày này trước giờ với chúng tôi chỉ là nén hương thắp lên bàn thờ gia tiên, đôi ba món trái cây, bánh kẹo là đủ, chẳng mâm trên mâm dưới, chẳng tiền vàng, áo quan, chẳng cá chép phóng sinh này nọ. Nếp gia đình xưa nay đã vậy, nên đến đời tôi cũng chẳng thấy gì bất thường.

Cá chép tiễn Táo quân về chầu trời vừa thả đã chết.

Nhưng nhìn ra xung quanh hàng xóm, mọi thứ dường như khác biệt hoàn toàn. Tôi thấy mấy chị em, cô bác nhà bên tất bật đi chợ sớm, mua cơ man đủ thứ, nào là xôi, giò, gà, thịt, cá… rồi lại hì hụi nấu nướng từ sáng tới tận trưa mới xong một mâm cỗ đầy ắp để đặt lên ban thờ. Mà nhà cũng có đông người gì cho cam, ăn uống chẳng được mấy, họ làm tới vậy chứ rồi cũng để đồ ăn lay lắt đến hỏng rồi lại bỏ đi, vô cùng phí phạm.

Sau màn cúng bái là tới phần đốt vàng mã. Những ngày này, khu phố nhà tôi chẳng khác nào một cái lò bát quái. Nhà nào cũng xấp dày xấp mỏng tiền vàng, đủ thứ vàng mã cầu kỳ như ôtô, quần áo, bàn ghế, điện thoại iPhone, thậm chí cả máy bay. Một nhà đốt, mười nhà đốt, rồi hàng chục nhà cùng đốt, khiến cả con ngõ nhỏ ngập trong khói bụi. Mùi khét nồng nặc của giấy cháy, tro tàn bay tứ tung khắp nơi, gia đình tôi chỉ còn biết đúng chặt cửa, cố thủ trong nhà chờ hết nạn.

Chưa hết, không biết tục lệ từ bao giờ nhưng tôi thấy 23 tháng Chạp là người ta nô nức mua cá chép vàng về thả. Nghe đâu, họ bảo phóng sinh, làm phương tiện cho các Táo cưỡi lên chầu trời. Thực ra, thoạt nghe tôi cũng thấy hay, nhưng tích một đằng, hành động một nẻo. Tôi không biết các ông Táo khu mình lên trời bằng đường nào khi bà con ùa ra sông Tô Lịch đen ngòm trước nhà để thả cá. Và rồi sáng hôm sau ra xem, cá chết nổi lềnh phềnh một góc, chỉ khổ cho mấy anh chị ông nhân vệ sinh lại thêm một buổi chèo thuyền đi hớt cá chết trôi sông.

Thực ra, câu chuyện phong tục truyền thống rất khó nói đúng – sai. Bởi nó là vấn đề liên quan đến tín ngưỡng văn hóa. Nhưng đã nói đến văn hóa thì có lẽ chúng ta chỉ nên gìn giữ những cái đẹp, có giá trị nhân văn, chứ không nên biến nó thành một trào lưu, làm lấy được nhưng lại chẳng biết để làm gì?

Công nhân môi trường đã phải dùng vợt lưới vợt các chất thải dưới hồ lên, đồng thời vợt số cá chết để tránh gây ô nhiễm.
Cá chết, tàn tro, túi nilong… là hình ảnh dễ bắt gặp trong ngày thả cá chép tiễn Táo quân.

Tôi viết những dòng này khi khói bụi vẫn bao trùm bên ngoài kia. Và chắc một lát nữa thôi, người dân khu tôi sẽ lại ùa ra sông Tô Lịch thả cá (tôi không dám nói là phóng sinh vì chẳng biết có bao nhiêu trong số đó sống được đến mai). Covid-19 đã thay đổi rất nhiều mặt trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, nhưng xem ra nó vẫn chưa thể tác động, làm thay đổi nhận thức của người Việt về những hủ tục vốn đã lạc hậu so với thời đại. 

Ngày ông Công, ông Táo (23 tháng chạp Âm lịch), ông Trần Đình Sơn, Phó ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chia sẻ với PV những điều nên làm và không nên làm.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn cho rằng ngày ông Công, ông Táo, thay vì đốt vàng mã, mua cá thả sông… mỗi người nên chăm chút căn bếp nhà mình.

– Ngày lễ ông Công, ông Táo của người Việt có nguồn gốc từ đâu, thưa ông?

– Từ thời thượng cổ, do khiếp sợ thiên tai nên con người đã tôn thờ các hiện tượng tự nhiên như đất, nước, gió, lửa, núi, sông, mặt trời… Dần dần, việc tôn thờ này trở thành tín ngưỡng dân gian thờ cúng các thần linh. Khi chế độ quân chủ quyền chế của các triều đại phong kiến hình thành, vua chúa vì muốn xác lập quyền lực là thiên tử, con trời nên ban tước hiệu cho các thần linh, biến họ thành những người có nhân cách, phẩm bậc rõ ràng.

Từ đó, như nhiều vị thần linh khác, ông Công (thổ công) là thần đất, được tôn xưng là phước đức chính thần. Các quốc gia thuộc nền văn minh lúa nước rất tôn trọng thần đất để cầu mong mùa màng bội thu, người và vật phát triển thịnh vượng, no ấm, an vui. Người dân tôn thờ ông Công như vị thần ban phước tài lộc cho mọi ngành nghề trong xã hội.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

Còn ông Táo (Táo quân) được dân gian tôn xưng là Đông Trù tư mạng định phước táo quân tôn thần, là vị thần chuyên việc nấu nướng, ăn uống. Theo quan niệm dân gian, hơn nửa táo quân không chỉ quản lý việc ăn uống sinh hoạt trong gia đình mà còn có nhiệm vụ ghi chép việc thiện ác của gia chủ để cuối năm báo cáo Thiên đình. Thượng đế sẽ căn cứ vào báo cáo của Táo quân để ban phước hoặc giáng họa cho người dân nhằm khuyến thiện trừng ác.

Người dân quan niệm Táo quân là vị thần bảo hộ cho thiếu nhi, việc thờ cúng rất được phụ nữ quan tâm, với niềm tin gia đình sẽ êm ấm, thịnh vượng, con cháu khỏe mạnh, an lành. Thậm chí, sự tích Táo quân còn được người dân Việt Nam dựng thành huyền tích “một bà, hai ông” gồm thần đất, thần nhà, thần bếp.

– Lễ cúng ông Công, ông Táo từ xưa đến nay đã thay đổi thế nào?

– Từ xa xưa đến nay, người Việt duy trì tục lệ cúng tiến ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm. Trước đây, có thể do đời sống nông nghiệp là chủ yếu, việc cúng lễ này còn có ý nghĩa khép lại năm cũ, sửa soạn nhà cửa làm lễ tất niên, đón rước tổ tiên về ăn Tết Nguyên đán, mở đầu năm mới.

Việc tôn thờ ông Công, ông Táo ở nước ta đã có từ mấy nghìn năm trước, được truyền nối từ đời này sang đời khác, với mục đích sâu xa là nhắc nhở mọi người biết sống theo đúng luân thường, đạo lý từ gia đình đến khi ra ngoài xã hội. Dân gian tin rằng luôn có những vị thần linh theo dõi, ghi chép công việc hàng ngày của mỗi người, nên muốn có cuộc sống an vui, thịnh vượng thì con người phải tránh làm điều ác, siêng làm điều thiện, bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Nhưng ngày nay, do công nghiệp phát triển nhanh làm thay đổi đời sống vật chất, các giá trị văn hóa truyền thống xưa kia bị phai nhạt. Xã hội ngày càng ưa chuộng hình thức hơn, ít quan tâm đến các giá trị tinh thần trong ngày cúng ông Công, ông Táo.

– Người dân nên phóng sinh, đốt vàng mã thế nào trong ngày cúng ông Công, ông Táo?

– Việc cúng lễ thần linh, phật, thánh, tổ tiên thì điều quan trọng nhất là thành tâm cầu nguyện, “lễ bạc, lòng thành” là tốt nhất. Việc thả cá chép dịp đưa ông Táo về trời ở miền Bắc hoặc đốt ngựa giấy, tranh giấy ở miền Nam chỉ là xưa bày ra vậy nên ngày nay làm theo thôi. Quan niệm dân gian cho rằng, việc thả cá chép nhằm cung cấp phương tiện cho ông Táo về trời, chứ không có ý nghĩa phóng sinh như quan niệm Phật giáo.

Ngày nay ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân ở các đô thị ngày càng trầm trọng. Nên vào ngày cúng ông Táo, người dân không nên đốt vàng mã trong các nghi lễ cúng tế. Đốt vàng mã phải được xem là hủ tục mà mỗi người cần có ý thức bãi bỏ.

Còn việc phóng sinh, cần hiểu đúng theo ý nghĩa ban đầu là con người gặp vật nuôi quý hiếm bị bắt, bị nạn thì tìm cách giải thoát, cứu nạn chúng, rồi thả về môi trường tự nhiên. Hoặc nếu muốn phóng sinh thì nên mua lại những loại chim, cá sắp bị giết thịt rồi thả chúng về tự nhiên. Việc mua các loài vật, nhất là loài gây hại môi trường và mang đi thả xuống sông, hồ thì không phải là phóng sinh mà còn làm hại tự nhiên. Vì vậy, không nên thả cá hoặc phóng sinh trong ngày cúng ông Công, ông Táo.

– Ông có lời khuyên gì với mọi người khi sắm sửa lễ cúng?

– Ngày ông Công, ông Táo có ý nghĩa rất quan trọng với căn bếp của mỗi gia đình. Vì vậy, trong bếp nên có một chỗ nhỏ thờ các vị này, sao cho vừa ấm cúng, vừa không quá tốn kém. Mỗi khi các thành viên trong gia đình nhìn thấy nơi đây, sẽ có ý thức vun đắp cho căn bếp cũng như mỗi bữa ăn trong gia đình. Thay vì lo sắm sửa mâm cao, cỗ đầy, mỗi gia đình nên cùng nhau làm bữa cơm đơn giản, để có nhiều cơ hội trò chuyện với nhau bên bếp lửa, cùng nhau ăn bữa cơm gia đình sau những ngày bận rộn.

Mỗi nhà chỉ nên sắm một tuần trà, ít hoa quả, bánh kẹo để làm lễ cúng ông Công, ông Táo, không nên bày cỗ bàn linh đình. Bởi tục thờ ông Công, ông Táo là để nhắc nhở mỗi người sống lương thiện, quan trọng là tấm lòng của mỗi người hướng về ông bà, tổ tiên những ngày này.

---------

Tóm lại không nên đốt vàng mã vì các Táo không thể dùng, còn gây lãng phí và ôi nhiễm môi trường. Cũng không nên mua cá chép vì tin rằng các thần tự bay về trời được😄 Hơn nữa, phóng sinh là việc bất cứ lúc nào cũng nên làm chứ không phải chỉ riêng 23 tháng chạp rồi cầu may, cầu tài, cầu lộc... Nếu chúng ta cứ làm với trí mê muội và tâm ích kỷ thì chẳng được lợi lạc gì cả, phúc đâu chưa thấy mà tội thì đã lập rồi. Có lẽ đã đến lúc bỏ đi những thói quen xưa cũ, trả lại nét trong sáng cho ngày tết Táo Quân, để nét văn hoá này mãi được trân trọng và bảo tồn qua nhiều thế hệ người Việt đến mãi muôn đời sau.

Theo canhco.net, cafef.vn


(*) Xem thêm

Bình luận